Các nước thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoan nghênh xu hướng đi lên của hoạt động kinh tế toàn cầu, song cảnh báo kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi do lạm phát thấp và những rủi ro địa chính trị.
|
Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde trong cuộc họp báo sau Hội nghị thường niên IMF và WB tại Washington, Mỹ ngày 12/10. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Nội dung này được đưa ra ngày 14/10 trong tuyên bố chung của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) sau Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, Mỹ.
Theo tuyên bố chung, triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang trở nên vững chắc nhờ sản lượng công nghiệp, đầu tư và thương mại tăng.
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát của đa số các nền kinh tế phát triển chưa đạt mục tiêu và tiềm năng tăng trưởng của nhiều nước vẫn yếu kém.
IMFC cảnh báo các nhà hoạch định chính sách không nên “tự mãn” khi nhiều quốc gia đối mặt với những thách thức mới về tăng trưởng, trong đó có tấn công mạng, các hình thái thời tiết cực đoan hơn liên quan đến biến đổi khí hậu.
Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết của các nước thành viên về việc kiềm chế hạ giá đồng nội tệ để tạo lợi thế cạnh tranh.
IMFC kêu gọi các nhà hoạch định chính sách bổ sung chính sách tiền tệ “siêu lỏng” với chính sách tài chính linh hoạt và cải cách cơ cấu nhằm củng cố đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất cho vay thấp trong thời gian dài giúp thúc đẩy đà phục hồi vốn của nền kinh tế thế giới hiện nay.
Trong một tuyên bố trước IMFC cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfang Schaeuble, Chủ tịch luân phiên của phiên họp lần này, đã chỉ trích sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cũng như tư tưởng chống thương mại tự do.
Theo ông Schaeuble, tất cả các thành viên IMF đều bày tỏ lo ngại trước tốc độ tăng trưởng chậm của thương mại toàn cầu và tư tưởng chống thương mại tự do gia tăng, đe dọa sự phát triển chung của kinh tế thế giới.
Ông cho rằng thương mại tạo cơ hội cho hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói, cũng như đem đến sự ổn định và thịnh vượng trên thế giới.
Các biện pháp bảo hộ thương mại sẽ gây tổn hại không những đến tăng trưởng chung mà cả chính những nước bảo hộ thương mại, do đó ông Schaeuble kêu gọi các nước "cần thông thoáng hơn."
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo tài chính thế giới đang lo lắng về việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết" như thế nào và liệu các chính sách này có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu hay không.
Tuần này, Tổng thống Trump thông báo việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA - gồm Mỹ, Mexico và Canada)./.