Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/03/2013-15:06:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý 1 năm 2013 tỉnh Tây Ninh
1. Sản xuất Nông, lâm nghiệp, thủy sản:
a. Nông nghiệp:
Tình hình sản xuất nông nghiệp đầu năm phát triển tốt. Trong kỳ hồ Dầu Tiếng xả nước đầy đủ đảm bảo nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc không xảy ra, cúm gia cầm có xảy ra nhưng trên phạm vi hẹp, đã được khống chế kịp thời. Các cây trồng vụ đông xuân 2012-2013 sinh trưởng, phát triển tốt; hiện nay một số diện tích gieo trồng sớm đã bước vào giai đoạn thu hoạch với năng suất đạt khá cao. Đa số dịch hại trên các loại cây trồng phát sinh gây hại ở mức nhiễm nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng cây trồng..
Giá trị sản xuất nông nghiệp quý 1/2013 trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.444 tỷ đồng (theo giá CĐ 94), tăng 5,53% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành trồng trọt đạt 1.261 tỷ đồng, tăng 5,88%, ngành chăn nuôi đạt 120 tỷ đồng, tăng 0,1% và ngành dịch vụ đạt 63 tỷ đồng, tăng 9,48% so cùng kỳ năm 2012.
Tình hình sản xuất cụ thể như sau:
+ Trồng trọt:
FGieo trồng vụ đông xuân:
Tính đến ngày 15/3/2013 toàn tỉnh gieo trồng được 95.615 ha, tăng 0,08% so cùng kỳ năm trước; trong đó, có 71.574 ha cây trồng thu hoạch trong vụ, giảm 0,6% và 24.041 ha cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì), tăng 2,15% so cùng kỳ. Đối với cây trồng thu hoạch trong vụ, các cây trồng có diện tích lớn đều có diện tích gieo trồng giảm, trong đó, lúa đạt 46.639 ha, giảm 1,93%, chủ yếu do chuyển đổi cây trồng (chuyển từ đất trồng lúa sang trồng ngô, thuốc lá vàng, đậu phộng, …); rau đậu các loại đạt 11.238 ha, cũng giảm 2,24%; … so cùng kỳ năm trước; trong khi đó, diện tích gieo trồng của cây ngô, thuốc lá và đậu phộng vẫn tăng, cụ thể: ngô đạt 3.224 ha, tăng 14,12%, do loại cây trồng này thời gian cho thu hoạch nhanh, giá cả hợp lý nên nông dân đã tranh thủ những diện tích trống để xuống giống; diện tích cây thuốc lá đạt 3.393 ha, tăng mạnh (+ 16%), tập trung chủ yếu tại huyện Bến Cầu (+ 32,91%), do năm nay ít sương muối và thời tiết ấm hơn, thời tiết thuận lợi nên người dân xuống giống nhiều; diện tích đậu phộng có xu hướng phục hồi, vụ này đã đạt 6.280 ha, tăng 2,8% so cùng kỳ, do trong vụ trước giá thu mua tương đối cao nên một số diện tích trồng cây hoa màu được nông dân chuyển sang trồng đậu phộng, tuy nhiên chi phí thuê nhân công cho thu hoạch cao nên người dân không an tâm sản xuất, vì vậy hiện việc chuyển đổi cây trồng vẫn diễn ra thường xuyên.
Đối với các cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì): diện tích mì đạt 21.038 ha, tăng 3,8%; diện tích mía trồng mới đạt 3.003 ha, giảm 8,08% so cùng kỳ năm trước, mặc dù có các chính sách khuyến khích nông dân trồng mía, tuy nhiên diện tích mía trồng mới chỉ tăng nhẹ do không còn quĩ đất, đồng thời lợi nhuận trồng mía cũng thấp hơn một số cây trồng khác nên nông dân không mặn mà đầu tư.
FThu hoạch vụ đông xuân 2012-2013:
Tính đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được 9.059 ha cây trồng các loại, đạt 12,66% trên tổng diện tích gieo trồng (không tính cây mía, cây mì), bằng 83,86% cùng kỳ. Tiến độ thu hoạch các loại cây trồng nhìn chung chậm hơn cùng kỳ do ảnh hưởng của khâu xuống giống muộn, riêng diện tích lúa thu hoạch nhanh (đạt 5.589 ha, tăng 64,87% so cùng kỳ), do một số diện tích chuyển vụ nên nông dân xuống giống sớm. Nhìn chung năng suất của hầu hết các loại cây trồng vụ đông xuân năm nay đạt khá và tăng so cùng kỳ; trong đó: năng suất lúa ước đạt 53,98 tạ/ha, ngô đạt 54,22 tạ/ha, đậu phộng 32,7 tạ/ha, thuốc lá vàng năng suất ước đạt 22,23 tạ/ha.
Thu hoạch cây trồng vụ trước: mì đạt 29.425 ha, giảm 0,58% so cùng kỳ, hiện mì đông xuân 2011-2012 đã thu hoạch xong, đang tiến hành thu hoạch mì hè thu 2012 và một số mì trồng sớm vụ mùa 2012, năng suất bình quân ước đạt 29,03 tấn/ha. Cây mía đạt 21.296 ha, giảm 3,48%; chủ yếu thu hoạch mía trồng mới và lưu gốc vụ đông xuân 2011-2012 và một số mía hè thu sớm 2012, năng suất bình quân ước đạt 72,38 tấn/ha; hiện nay, tình hình phát triển cây mía gặp khó khăn do chi phí công thu hoạch và vận chuyển tăng cao, đồng thời hiện cây mía đang phải cạnh tranh gay gắt với một số loại cây trồng khác về yếu tố lợi nhuận, vì vậy việc nâng cao lợi nhuận cho người trồng mía là giải pháp hiệu quả nhất để các nhà máy giữ vững và gia tăng diện tích vùng nguyên liệu.
FTình hình sâu bệnh:
Trong quý, tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng đa số phát sinh gây hại ở mức nhiễm nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng cây trồng; riêng cây lúa, ngay sau tết Nguyên đán có đợt rầy nâu phát sinh mạnh trên diện rộng (diện tích bị nhiễm là 12.293,5 ha, gấp 7,7 lần so cùng kỳ) nhưng đã được khống chế kịp thời nên hạn chế việc cháy rầy xảy ra, sâu cuốn lá có 7.231 ha bị nhiễm, gấp 2,3 lần so cùng kỳ; cây mì có nhiều đối tượng phát sinh gia tăng diện tích, mức độ gây hại chủ yếu là côn trùng chích hút, trong đó một số đối tượng gây hại ở mức nhiễm nặng như nhện đỏ 231,5/968,5 ha, rệp sáp thường 12/21,2 ha, rệp sáp bột hồng 6/46,3 ha. Đối với các loại dịch bệnh trên đã được các ngành chức năng vận động nông dân phòng trị kịp thời.
+ Chăn nuôi:
Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong quý tương đối ổn định. Ước tính đàn trâu hiện có giảm 10%, đàn bò giảm 17%, do hiện nay không còn đồng trống để chăn thả, các nơi tận dụng mọi quĩ đất để trồng mì, cao su,…, riêng nuôi bò sữa đang phát triển bền vững do giá thu mua sữa ổn định; đàn lợn cũng ước giảm 7% so cùng kỳ, hiện giá thu mua thấp trong khi chi phí tăng cao, người sản xuất lỗ vốn nên không nuôi trở lại và giảm mạnh nhất là ở chăn nuôi nhỏ lẻ. Đàn gia cầm có xu hướng tăng tập trung ở nuôi gà do có một số doanh nghiệp đầu tư vào nuôi gà công nghiệp, đồng thời một số trang trại nuôi vịt cũng mở rộng sản xuất, do đó ước đàn gia cầm tăng 17% so cùng kỳ.
Trong kỳ, bệnh lở mồm long móng gia súc, lợn tai xanh không xảy ra; riêng dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 06 hộ, tập trung ở 04 xã thuộc huyện Bến Cầu và Thị Xã Tây Ninh, đến ngày 8/3/2013 đã có 4.900 con gia cầm chết và tiêu hủy. Công tác xử lý và khống chế dịch đã được tiến hành khẩn trương, không để dịch lây lan trên diện rộng.
b. Lâm nghiệp:
Giá trị sản xuất lâm nghiệp ước thực hiện quý 1/2013 đạt 26 tỷ đồng (theo giá CĐ 94), giảm 1,36% so cùng kỳ.
Trong quý chưa thực hiện công tác trồng rừng mà tập trung công tác chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh, khai thác lâm sản và thực hiện công tác nghiệm thu rừng trồng năm 2012. Ước sản lượng gỗ khai thác trong quý đạt 2.365 m3, tăng 3,96% so cùng kỳ; chăm sóc 34 ha rừng và khoanh nuôi tái sinh 6.853 ha, tương đương với cùng kỳ năm trước.
Hiện đang trong mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài, các ngành chức năng tập trung cho công tác phòng chống cháy rừng, tuy nhiên, trong kỳ trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 02 vụ cháy rừng với diện tích 13,1 ha. Công tác phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng được tăng cường, số vụ phá rừng bị phát hiện và xử lý trong ba tháng đầu năm là 07 vụ, với diện tích rừng bị phá là 1,6 ha. Ước tổng giá trị thiệt hại về rừng trong quý 1 năm nay là 95,4 triệu đồng.
c. Thủy sản:
Giá trị sản xuất thủy sản ước thực hiện quý 1/2013 đạt 17 tỷ đồng (theo giá CĐ 94), tăng 5,06% so cùng kỳ năm trước.
Tình hình nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển tốt, tập trung ở các khu vực có nước lòng hồ Dầu Tiếng. Ước sản lượng thủy sản nuôi trồng quý 1/2013 đạt 1.481 tấn, tăng 17,17%; khai thác thủy sản đạt 714 tấn, cũng tăng 3,33% so quí 1/2012.
2. Sản xuất Công nghiệp:
Tháng 3, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao so với tháng trước (+ 35,91%). Nhìn chung, hầu hết các ngành sản xuất chủ yếu của tỉnh đều có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước, chủ yếu do thời gian hoạt động sản xuất trong tháng 3 nhiều hơn tháng 2 (tháng tết). Trong đó, ngành khai khoáng tăng 28,16%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao (+ 36,48%); ngành SX, phân phối điện, khí đốt tăng 23,93%; riêng ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải có chỉ số sản xuất trong tháng 3 giảm 9,88% so tháng trước, chủ yếu do khối lượng rác thải xử lý, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tháng này ít hơn tháng có tết. Ước quý 1/2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,6% so quý 1/2012.
Cộng dồn 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 1994) ước đạt 3.095 tỷ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: khu vực kinh tế nhà nước đạt 549 tỷ đồng, tăng 0,31%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.453 tỷ đồng, tăng 0,27%; và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.093 tỷ đồng, tăng 22,33%. Nhìn chung, giá trị sản xuất công nghiệp quí 1 năm nay mặc dù có tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng của quý 1 năm trước nhưng mức chênh lệch không cao (quý 1/2012 tăng 9,3%); nguyên nhân chủ yếu do: sau những khó khăn chung của nền kinh tế trong năm 2012, năm 2013 được dự báo sẽ còn tiềm ẩn những khó khăn, thử thách mới, và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm cho thấy sản xuất có tăng nhưng không nhiều, sản xuất gần như bão hòa, thậm chí một số ngành lại giảm so cùng kỳ năm trước; cụ thể: sản xuất lương thực-thực phẩm và đồ uống - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tất cả các nhóm ngành công nghiệp cấp 2 của cả tỉnh (chiếm tỷ trọng 36% trong tổng GTSX công nghiệp của tỉnh), nhưng có tốc độ tăng không cao (+ 1,63%) và cũng thấp hơn so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (+ 6,33%), riêng sản xuất đường trong kỳ chỉ bằng 96,8% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu do trong niên vụ sản xuất 2012-2013, nhà máy đường Nước Trong vào vụ sớm và do đó đã kết thúc vụ sớm hơn năm ngoái hơn 01 tháng (kết thúc ngày 04/02/2013, năm 2012 kết thúc vào ngày 15/3/2012), mặt khác, do thời tiết năm nay nắng hạn kéo dài, mía mau bị khô, cộng với việc nông dân phải “xếp hàng” chờ thu hoạch làm cho chữ đường mía giảm, do đó cũng góp phần làm cho sản lượng đường giảm so cùng kỳ; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 4,41%; sản xuất chất khoáng phi kim loại tăng 1,6%, riêng nhà máy xi măng Fico sản xuất ổn định, giá trị sản xuất chỉ tăng 0,37% so cùng kỳ; sản xuất giường tủ bàn ghế, công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 1,98%; sản xuất sản phẩm từ kim loại giảm 8,07%; … . Một số ngành công nghiệp khác cũng có giá trị sản xuất quý 1 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: dệt may tăng 21,24%; sơ chế da tăng 69,77%; chế biến gỗ tăng 52,7%; … .
3. Vốn đầu tư phát triển:
Tháng 3/2013, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 136 tỷ đồng, tăng 26,69% so tháng trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 78 tỷ đồng, tăng 28,7%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 57 tỷ đồng, tăng 24,02%;riêng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã chưa được phân khai vốn nên ước tháng 3 vẫn chưa có giá trị thực hiện.
Quý 1/2013, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 2.974 tỷ đồng, tăng 16,69% so cùng kỳ. Trong đó:
- Khu vực Nhà nước: ước quý 1 thực hiện 475 tỷ đồng, tăng 29,34% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 390 tỷ đồng, tăng 21,98%; vốn trái phiếu chính phủ chưa thực hiện; vốn tự có của các doanh nghiệp nhà nước ước đạt 76 tỷ đồng, tăng 79,76% so quý 1/2012.
- Khu vực đầu tư nước ngoài: trong những tháng đầu năm, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhiều tín hiệu khả quan, phần lớn thu hút được các dự án có qui mô lớn, gấp nhiều lần so cùng kỳ năm trước; cụ thể: dự tính quí 1/2013 trên địa bàn tỉnh thu hút được 163 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có 03 dự án được cấp phép mới với số vốn đạt 111 triệu USD (tương đương cùng kỳ về số dự án, nhưng lại gấp 43 lần về số vốn), vốn đăng ký bổ sung của 05 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 52 triệu USD, gấp 2,5 lần về số dự án và gấp 6 lần về số vốn so cùng kỳ năm trước. Hầu hết các dự án thu hút được trong quý 1 năm nay đều thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 7/8 dự án và 162,8/163 triệu USD thu hút được. Do đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ba tháng năm 2013 ước tính đạt 733 tỷ đồng, tăng 2,93% so 3T/2012.
- Khu vực ngoài nhà nước: ước quý 1/2013 thực hiện đầu tư 1.767 tỷ đồng, tăng 20,2% so cùng kỳ. Phần lớn tập trung ở vốn của các hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà dân cư khi giá vật liệu xây dựng trong những tháng đầu năm nay tương đối ổn định và giảm so cùng kỳ năm trước, và do đó vốn đầu tư của dân cư ước quý 1 đạt 1.343 tỷ đồng, tăng 22,44%; vốn của các tổ chức doanh nghiệp đạt 424 tỷ đồng, tăng 13,62% so cùng kỳ năm 2012.
4. Hoạt động xây dựng
Giá trị sản xuất xây dựng quý 1/2013 (theo giá hiện hành) ước tính đạt 1.461 tỷ đồng, tăng 17,72% so cùng kỳ, bao gồm: khu vực nhà nước đạt 23 tỷ đồng (+ 63,67%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 0,7 tỷ đồng (+ 23,5%); và khu vực ngoài nhà nước đạt 1.437 tỷ đồng, tăng 17,19% so cùng kỳ năm trước. Trong tổng giá trị sản xuất xây dựng của khu vực ngoài nhà nước, khối các doanh nghiệp đạt 192 tỷ đồng, chiếm 13%, tăng 10,38%; xã/phường đạt 11 tỷ đồng, chiếm 1%, giảm 31,08%; riêng hộ dân cư đạt 1.234 tỷ đồng, chiếm 86%, tăng 19,05% so cùng kỳ, do giá cả vật liệu xây dựng trong kỳ giảm và ổn định nên người dân tranh thủ đầu tư xây dựng và sửa chữa nhà mới.
Giá trị sản xuất xây dựng theo giá so sánh 1994 ước quý 1/2013 đạt 743 tỷ đồng, tăng 23,5% so quý 1/2012. Trong đó, khu vực nhà nước đạt 11 tỷ đồng (+ 70,43%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 0,2 tỷ đồng (+ 29,13%); và khu vực ngoài nhà nước đạt 732 tỷ đồng, tăng 22,99% so cùng kỳ năm trước.
5. Giao thông vận tải:
Tháng 3/2013, vận tải hành khách giảm mạnh, với khối lượng hành khách vận chuyển trong tháng ước đạt 1.581 nghìn lượt khách, giảm 20,08% so tháng trước, chủ yếu giảm số lượng khách vận chuyển bằng cáp treo, máng trượt sau dịp người dân đi lễ chùa hành hương trong tháng giêng AL (trùng vào tháng 2 DL); tuy nhiên, do cự ly vận chuyển bằng cáp treo, máng trượt ngắn (khoảng 1 km) và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng khối lượng hành khách luân chuyển của tỉnh nên khối lượng hành khách luân chuyển của cả tỉnh trong tháng ước đạt 84.889 nghìn lượt khách.km, chỉ giảm 1,38% so tháng trước. Ngược lại, vận tải hàng hóa hoạt động ổn định trở lại sau thời gian nghỉ tết, ước sản lượng hàng hóa vận chuyển tháng 3 đạt 834 nghìn tấn, tăng 3,03% và luân chuyển được 51.202 nghìn tấn.km, cũng tăng 5,08% so tháng 2/2013.
Ba tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải HH-HK, bốc xếp, dịch vụ, đại lý vận tải ước đạt 492 tỷ đồng, tăng 7,38% so cùng kỳ; bao gồm vận tải đường bộ 490 tỷ đồng (+ 7,3%) và vận tải đường sông đạt 2 tỷ đồng (+ 28,32%). Trong kỳ, vận tải hàng khách tăng mạnh do có thêm năng lực mới phục vụ khách trong dịp tết Quý Tỵ 2013, đó là Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh cho đi vào hoạt động thêm hệ thống cáp treo mới theo công nghệ Châu Âu nên thu hút được một khối lượng lớn hành khách tham gia; do đó, doanh thu ước đạt 212 tỷ đồng, tăng 8,49%, tương ứng với khối lượng hành khách trong 3 tháng đầu năm đạt 4.781 nghìn lượt khách, tăng 7,23% và khối lượng hành khách luân chuyển đạt 251.632 nghìn lượt khách.km, tăng 0,87% so cùng kỳ. Vận tải hàng hóa cũng phát triển nhưng với mức khiêm tốn hơn, ước doanh thu 3 tháng đầu năm đạt 274 tỷ đồng, tăng 5,61%, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 2.545 nghìn tấn (+ 3,03%) và luân chuyển được 153.897 nghìn tấn.km, tăng 5,08% so cùng kỳ năm trước.
6. Bưu chính, viễn thông:
Số thuê bao điện thoại phát triển mới ba tháng đầu năm ước tính đạt 11,6 ngàn thuê bao, bằng 93,65% so cùng kỳ năm 2012, bao gồm 0,3 ngàn thuê bao cố định (bằng 73,78% cùng kỳ) và 11,3 ngàn thuê bao di động, bằng 94,4% so cùng kỳ. Số thuê bao toàn tỉnh ước tính đến cuối tháng 3/2013 đạt 1.505,7 ngàn thuê bao, bằng 94,41% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 74,3 ngàn thuê bao cố định (giảm 34,5%) và 1.431,4 ngàn thuê bao di động, giảm 3,38%. Số lượng thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm do giá cước di động ngày càng rẻ, các tiện ích ngày càng được nâng cao, tiện lợi trong quá trình di chuyển, … ; việc sụt giảm sản lượng thuê bao điện thoại cố định phù hợp với xu hướng chuyển hóa từ cố định sang di động; tuy vậy, số lượng thuê bao điện thoại di động cũng giảm so cùng kỳ, chủ yếu do các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn triển khai thực hiện các quy định mới về quản lý thuê bao di động trả trước nên số lượng thuê bao di động trả trước ảo giảm mạnh. Số thuê bao internet trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 3/2013 ước đạt 35 ngàn thuê bao, tăng 24,17% so với cùng thời điểm năm trước.
Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông ba tháng đầu năm nay ước tính đạt 172 tỷ đồng, tăng 2,83% so cùng kỳ; bao gồm doanh thu bưu chính đạt 3 tỷ đồng (+ 14,99%) và doanh thu viễn thông đạt 169 tỷ đồng, tăng 2,6% so quý 1/2012.
7. Thương mại - Xuất nhập khẩu:
a) Thương mại:
Tháng 3/2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.740 tỷ đồng, tăng 0,09% so tháng trước. Bao gồm: kinh tế nhà nước đạt 364 tỷ đồng, giảm 2,13%; kinh tế ngoài nhà nước 3.371 tỷ đồng, tăng 0,32% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4 tỷ đồng, tăng 11,97% so tháng trước. Xét theo ngành kinh tế, thương nghiệp đạt 2.905 tỷ đồng, ổn định so tháng trước; khách sạn, nhà hàng đạt 430 tỷ đồng, tăng 3,61%; du lịch lữ hành 2 tỷ đồng, tăng 87,43% và ngành dịch vụ (có doanh thu của hoạt động xổ số) đạt 402 tỷ đồng, giảm 2,87% so tháng trước.
Cộng dồn 3 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 11.156 tỷ đồng, tăng 5,18% so cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì hầu như tổng mức không tăng; điều này cho thấy sức mua trong những tháng đầu năm mà đặc biệt là trong dịp tết năm nay gần như tương đương và có phần giảm nhẹ so với tết năm ngoái, chủ yếu do ảnh hưởng từ những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2012 và dự báo sẽ có thêm những khó khăn, thách thức mới trong năm 2013, từ đó phần nào ảnh hưởng đến tâm lý và làm giảm sức mua của người dân. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ba tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 8.621 tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức, tăng 5,96%; các nhóm hàng chủ yếu có doanh thu tăng so cùng kỳ nhưng với tốc độ không cao, cụ thể: lương thực, thực phẩm tăng 3,49%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5,44%; xăng, dầu các loại tăng 3,16%; hàng may mặc tăng 1,42%; nhóm phương tiện đi lại tăng 5,99%; … . Ngành khách sạn, nhà hàng đạt 1.269 tỷ đồng, tăng 9,2%; dịch vụ đạt 1.262 tỷ đồng, giảm 3,29% so 3T/2012.
b) Xuất Nhập khẩu:
Hoạt động xuất nhập khẩu ước tháng 3 tăng khá so với tháng trước do không còn ảnh hưởng của thời gian nghỉ tết, cụ thể như sau :
+ Xuất khẩu:
Tháng 3, ước kim ngạch xuất khẩu đạt 119 triệu USD, tăng 6,17% so tháng trước. Hầu hết các thành phần kinh tế đều có trị giá xuất khẩu tăng từ 5-6%, trong đó kinh tế có vốn ĐTNN xuất 84 triệu USD, tăng 6,25%; kinh tế nhà nước tăng 5,23%; kinh tế tư nhân cũng tăng 6,03% so tháng trước; chủ yếu do sau thời gian nghỉ tết, các doanh nghiệp hiện nay đã đi vào hoạt động sản xuất ổn định, bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng hơn 2 tháng đầu năm và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Do đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: hàng dệt may đạt 45 triệu USD (+ 6,89%), giày dép các loại đạt 19 triệu USD (+ 6,28%), cao su đạt 12 triệu USD, cũng tăng 6,25% so với tháng trước.
Quý 1/2013, xuất khẩu đạt 373 triệu USD, tăng 14,96% so cùng kỳ. Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ước đạt 259 triệu USD, tăng 16,22%; kinh tế tư nhân đạt 107 triệu USD, cũng tăng 14,95%. Mặc dù xuất khẩu quý 1 năm nay tăng khá so cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (quý 1/2012 tăng 22,34%), chủ yếu do ảnh hưởng của yếu tố giá, mà cụ thể là giá xuất khẩu của một số hàng nông sản chủ yếu giảm đã làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh như: giá hạt điều nhân xuất khẩu quý 1/2013 đạt 6,97 USD/kg (- 9%), giá mủ cao su xuất khẩu đạt 2,89 USD/kg (- 7,2%), giá xuất khẩu của tinh bột mì cũng giảm 0,8% so quý 1/2012. Do giá xuất khẩu giảm nên một số mặt hàng có phần trăm so cùng kỳ về lượng cao hơn phần trăm về giá trị như: cao su tăng 22,04% về lượng nhưng chỉ tăng 4,83% về trị giá; hạt điều có phần trăm so cùng kỳ về lượng và trị giá lần lượt là 97,23% và 96,91%. Nhiều mặt hàng chủ lực khác của tỉnh cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ, cụ thể: hàng dệt may đạt 126 triệu USD, tăng 40,39%; giày dép các loại đạt 61 triệu USD, tăng 76,81%; hàng nông sản khác đạt 37 triệu USD, cũng tăng 56,89% so quý 1/2012.
+ Nhập khẩu:
Tháng 3, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 71 triệu USD, tăng 6,18% so tháng trước. Tất cả các thành phần kinh tế đều tăng nhập khẩu so tháng trước, trong đó kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 53 triệu USD, tăng 6,3%; kinh tế tư nhân nhập 18 triệu USD, cũng tăng 5,9% so tháng 2/2013.
3 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt 222 triệu USD, tăng 20,06% so cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nhập khẩu trong kỳ của tỉnh chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, đó là: vải may mặc đạt 51 triệu USD, gấp 2,6 lần cùng kỳ; phụ liệu hàng may mặc tăng 11,75%; phụ liệu giày dép đạt 15 triệu USD, tăng 45,38%; xơ, sợi dệt tăng 77,39% so cùng kỳ năm trước.
8. Chỉ số giá
a) Giá tiêu dùng
Tháng 3/2013 là tháng sau tết Nguyên đán, giá một số mặt hàng đã ổn định và có chiều hướng giảm xuống, một số mặt hàng khác giá vẫn đứng ở mức cao (không giảm), thiết lập và tạo nên mặt bằng giá mới. Chỉ số giá tiêu dùng chung (CPI) tháng này tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 2,12% so với tháng 12 năm trước và tăng 6,03% so với cùng tháng năm trước. Giá bán các mặt hàng, nhóm hàng trong tháng biến động, cụ thể như sau
Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,57%, trong đó, gạo các loại tăng nhẹ, tăng 0,38%, bột mì ngũ cốc cũng tăng 4,68%, kéo theo đó nhóm lương thực chế biến cũng tăng 0,35% so tháng trước.
Chỉ số nhóm thực phẩm tháng này giảm 0,3%; trong đó nhóm gia súc tươi sống giảm 1,18%, riêng thịt lợn (heo) giảm 1,16%, thịt bò giảm 0,88%; do đó, nhóm dầu mỡ ăn và chất béo khác tháng này cũng có chỉ số giá giảm 6,03%, trong đó mỡ lợn (heo) giảm 11,06% theo sự giảm giá thịt heo; nhóm gia cầm tươi sống tăng nhẹ (+ 0,08%), các mặt hàng thuộc nhóm gia cầm biến động không giống nhau, cụ thể: trong khi giá các mặt hàng thịt gà công nghiệp, thịt vịt có chiều hướng giảm xuống thì ngược lại giá thịt gà ta vẫn tăng và bán ở mức giá khá cao; riêng giá trứng các loại giảm 3,18% do nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này sau tết giảm đã làm cho giá bán giảm xuống.
Nhóm rau tươi các loại tháng này giảm 2,46%, một số mặt hàng có chỉ số giá giảm như: bắp cải giảm 5,84%, khoai tây giảm 4,9%, rau cải xanh giảm 5,7%, hành lá tươi giảm 13,43%, … , do nguồn cung tăng khi thời tiết trong kỳ thuận lợi cho việc trồng rau với năng suất đạt khá cao. Nhóm quả tươi các loại tháng này có chỉ số giá tăng 2,36% so tháng trước.
Trong dịp tết, các mặt hàng ăn uống như cơm, phở, cà phê, nước giải khát đã đồng loạt tăng lên; sau tết giá các mặt hàng này không giảm mà ngược lại một số mặt hàng khác chưa tăng giá trong dịp tết đã tăng giá trong tháng này, do đó nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 3 tiếp tục có chỉ số giá tăng 3,05% so tháng trước.
Các nhóm hàng hóa dịch vụ phi lương thực, thực phẩm tăng 0,15%; trong đó nhóm may mặc mũ nón, giày dép tăng 0,77%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; nhóm giao thông giảm 0,39%, chủ yếu do nhóm dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,33%, các mặt hàng trong nhóm này như vé xe khách ngoại tỉnh từ Tây Ninh đi Thành phố Hồ Chí Minh và từ Tây Ninh đi các tỉnh khác đồng loạt giảm giá xuống sau khi đã tăng giá khá cao trong dịp tết và giá vé tàu hỏa (do Tổng cục Thống kê cung cấp) cũng giảm 1,54% so với tháng trước; nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 1,48%; các nhóm còn lại tương đối ổn định.
So với tháng 12/2012, chỉ số giá tiêu dùng là 102,12%, tức là sau 3 tháng đầu năm, chỉ số giá tăng 2,12%, chỉ số này xấp xỉ với chỉ số của tháng 3/2012 và do đó thấp hơn nhiều so với chỉ số của tháng 3/2011 (tháng 3/2012 tăng 2,44%, tháng 3/2011 tăng 6,3%), điều này cho thấy giá cả năm nay tuy có tăng nhưng vẫn ở mức hợp lý và mục tiêu kiềm chế lạm phát trong những tháng đầu năm nay cơ bản đạt được kết quả tích cực, khả quan hơn tình hình của quý 1 năm trước.
Giá vàng và đô la Mỹ: giá vàng bình quân tháng 03/2013 là 4.389.000 đ/chỉ, giảm 154.000 đ/chỉ (- 3,39%); giá đô la Mỹ tháng này là 21.850 đ/USD, tăng 95 đ/USD (+ 0,44%) so với tháng 02/2013.
b) Giá sản xuất
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý 1/2013 tăng 4,58% so quý trước và giảm 6,38% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy nếu xét theo gốc so sánh với cùng kỳ năm trước thì hầu hết các nhóm hàng đầu có chỉ số giá giảm, cụ thể: chỉ số giá nhóm nông nghiệp giảm 7,02%, trong đó, sản phẩm từ cây hàng năm giảm 3,01% (giá thóc các loại giảm 14,9%; giá củ có chất bột ổn định, chỉ tăng 0,17%; giá mía giảm 7,4% do giá đường trên thi trường liên tục giảm trong thời gian qua); sản phẩm từ cây lâu năm cũng có chỉ số giá giảm 11,09% (hồ tiêu giảm 4,63%, hạt điều giảm 18,19%, cao su giảm 17% do ảnh hưởng của giá trên thị trường thế giới); sản phẩm từ chăn nuôi giảm 6,93% so với quý 1/2012, trong đó: gia súc giảm 8,82%, chủ yếu do giá lợn giảm 17,1%; giá gia cầm tăng nhẹ, tăng 2,91% so cùng kỳ; chỉ số giá nhóm lâm nghiệp tăng 17,56%; thủy sản cũng tăng 8,58% so quý 1/2012.
Nhiều sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp trong kỳ có giá bán giảm so cùng kỳ theo xu hướng giảm giá của nguồn nguyên liệu đầu vào mà chủ yếu là từ các sản phẩm nông nghiệp, cụ thể: hạt điều nhân giảm 4,05%; săm, lốp xe các loại giảm 14,53% theo sự giảm giá của nguyên liệu đầu vào (cao su); giá đường các loại giảm 10,11%; các loại vật liệu xây dựng phần lớn cũng có chỉ số giá giảm, trong đó gạch xây giảm 0,93%, xi măng giảm 5,47%, sắt thép giảm 5,97%, riêng đá các loại vẫn tăng 7,32% do nguồn cung giảm.
9. Thu chi ngân sách:
a) Thu ngân sách:
Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 3/2013 đạt 499 tỷ đồng, cộng dồn 3 tháng 1.154 tỷ đồng, đạt 22,19% dự toán năm, giảm 6,07% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 716 tỷ đồng, đạt 20,09% dự toán, giảm 12,13% so cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, tình hình kinh tế của tỉnh trong quý 1/2013 diễn ra trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi; các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ; giá bán các mặt hàng chủ lực (cao su, củ mì, đường, …) còn ở mức thấp và tiếp tục giảm so cùng kỳ; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa khởi sắc, thậm chí một số doanh nghiệp còn thu hẹp sản xuất ; ngoài ra, do thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, mà cụ thể ở đây là việc gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản và do đó dự kiến số thuế giá trị gia tăng phát sinh trong quý 1 năm nay được gia hạn là 100 tỷ đồng. Tất cả các yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; thể hiện rõ qua các khoản thu sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 150 tỷ đồng, giảm 42,63%; thuế thu nhập cá nhân giảm 19,36%, do doanh thu ngành cao su giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập, tiền lương của công nhân; thuế bảo vệ môi trường chỉ đạt 14,74% dự toán, giảm 34,21%; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 12,81% dự toán, giảm 35,19% so cùng kỳ, chủ yếu do trong những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc nhập khẩu máy móc thiết bị đầu tư tạo tài sản cố định không nhiều nên ảnh hưởng đến nguồn thu từ hoạt động nhập khẩu. Bên cạnh đó cũng có một số nguồn thu tăng khá so cùng kỳ như: thu từ DN có vốn ĐTNN tăng 45,93%; thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 23,5%; thu lệ phí trước bạ tăng 20,05%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 368 tỷ đồng, cũng tăng 19,1%so cùng kỳ năm trước.
b) Chi ngân sách:
Chi ngân sách ước tháng 3/2013 đạt 513 tỷ đồng, nâng mức chi 3 tháng đầu năm đạt 1.159 tỷ đồng, đạt 20,72% dự toán, tăng 50,93% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên đạt 790 tỷ đồng, tăng 43,52%; chi đầu tư phát triển 160 tỷ đồng, tăng 65,74%; chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 193 tỷ đồng, cũng tăng 77,13% so cùng kỳ năm 2012.
10. Hoạt động ngân hàng:
Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong tháng tiếp tục ổn định và phát triển. Tổng nguồn vốn ước đến cuối tháng 3/2013 đạt 24.519 tỷ đồng, tăng 2,23% so đầu tháng và tăng 12,86% so cùng kỳ. Trong tháng các TCTD trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác huy động vốn, tăng cường tiếp thị, quảng cáo, … nên vốn huy động tăng khá, ước đến cuối tháng đạt 20.351 tỷ đồng, tăng 1,85% so đầu tháng và tăng 17,73% so cùng kỳ. Hoạt động cho vay cũng được tăng cường, với dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 3 đạt 17.772 tỷ đồng, tăng 2,64% so đầu tháng, tăng 14,69% so cùng kỳ năm trước.
11. Tình hình văn xã:
a) Đời sống, lao động, giải quyết việc làm:
3 tháng đầu năm 2013, giá cả của nhiều mặt hàng ổn định hoặc có tăng nhưng vẫn ở mức hợp lý; bên cạnh đó, với sự nỗ lực của các cấp uỷ, các cấp chính quyền địa phương, kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đời sống của đại bộ phận nhân dân được dần nâng lên, không xãy ra đói giáp hạt trên địa bàn tỉnh. Tình hình xoá đói giảm nghèo được các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể thường xuyên quan tâm đúng mức bằng các hình thức giúp đỡ những hộ gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống vươn lên thoát nghèo như hỗ trợ vốn sản xuất, giải quyết việc làm.
Các chính sách hỗ trợ người nghèo cho vayvốn ưu đãi vẫn được duy trì, tạo điều kiện cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, với tổng số dư nợ đến nay là: 1.208,6 tỷ đồng, trong đó hộ nghèo vay 324,7 tỷ đồng, để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho các hộ nghèo, bình quân mỗi hộ được vay 1 lượt mức vay cao nhất là 30 triệu đồng, chủ yếu để trồng trọt và chăn nuôi, và kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ; các chính sách cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên, dạy nghề được tiến hành đúng đối tượng, kịp thời, đến nay tổng dư nợ cho đối tượng này 394,3 tỷ đồng, trong đó đào tạo nghề 118,2 tỷ đồng.
Trong quý 1/2013, ngành Lao động TBXH tỉnh đã giải quyết việc làm cho 2.572 lao động, đạt 12,68% kế hoạch năm. Trong đó, thu hút lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn ĐTNN, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được 2.382 lao động; xét duyệt 10 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 1.543 triệu đồng, tạo việc làm cho 168 lao động; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa 22 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Về tranh chấp lao động: trong quý xảy ra 06 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công tại 06 công ty với 8.050 lao động tham gia. Trong đó, ngoài khu công nghiệp xảy ra 03 vụ tại 03 công ty với 4.000 lao động tham gia, trong khu công nghiệp xảy ra 03 vụ tại 03 công ty với 4.050 lao động tham gia. Nguyên nhân xảy ra đình công do tranh chấp về tiền lương, tiền ăn, tiền xăng và thời giờ làm việc. Các vụ đình công đều được các ngành chức năng kịp thời hòa giải, hạn chế tổn thất trong sản xuất.
b) Công tác chăm lo tết Nguyên đán Quý Tỵ:
Trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ, các ngành các cấp từ tỉnh đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện thăm hỏi và tặng quà, chăm lo Tết cho người có công với cách mạng, người nghèo, các đối tượng hưởng chính sách xã hội, người cao tuổi và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết quả là toàn tỉnh đã tặng 80.778 suất quà với tổng kinh phí 28.489,5 triệu đồng; cụ thể là : tặng 36.420 suất quà cho các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng với kinh phí 13.494 triệu đồng, 43.358 suất quà cho hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí 14.745,5 triệu đồng, 1.000 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 250 triệu đồng; trong tổng nguồn kinh phí thực hiện thì có 18.743 triệu đồng từ nguồn ngân sách các cấp, chiếm tỷ lệ 65,79%, nguồn vận động 9.746,5 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 34,21 %. Ngoài ra, trong dịp tết cũng đã có 247 chiếc tivi được trao tặng cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh và hộ nghèo ở khu dân cư Chàng Riệc chưa có tivi, tổng trị giá 543,4 triệu đồng từ nguồn ủng hộ của cơ quan, doanh nghiệp và các mạnh thường quân trong tỉnh.
Nhìn chung, công tác chăm lo tết Nguyên đán Quý Tỵ được thực hiện chu đáo; các đối tượng chính sách, dân nghèo được chú ý quan tâm, thăm hỏi, tặng quà, quyết tâm không để xảy ra trường hợp nhân dân vì khó khăn mà không được ăn Tết. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, hội xuân chu đáo, an toàn và tiết kiệm.
c) Giáo dục và đào tạo:
Giáo dục: năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 123 trường mầm non; 269trường tiểu học; 107 trường trung học cơ sở; 32 trường trung học phổ thông; 10 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tổng số học sinh, sinh viên là 206.757 học sinh, sinh viên, chia ra: nhà trẻ: 2.254, mẫu giáo: 32.089; tiểu học: 90.577; trung học cơ sở: 57.387; trung học phổ thông: 24.825; giáo dục thường xuyên: 1.879 học viên.
Tính đến cuối tháng 3/2013, toàn tỉnh có 24/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi theo Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT, đạt tỷ lệ 25,26%, tăng 3,2% so cùng kỳ; 9/9 huyện, thị (trong đó có 95/95 xã, phường, thị trấn) đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; trong đó có 53 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn ởmức độ 1 và 42 xã đạt chuẩn mức độ 2; 9/9 huyện, thị (94/95 xã, phường, thị trấn) đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở, trong đó xã Phước Vinh huyện Châu Thành rớt chuẩn, nguyên nhân do tháng 3/2012 Chính phủ có quyết định công nhận xã Phước Vinh hoàn thành Chương trình 135, xã chưa có sự chuẩn bị đón đầu nên không duy trì được chuẩn trong năm 2012; và 25/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học.
Đào tạo: năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 03 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp với với 2.082 học viên, sinh viên. Trong kỳ, các trường đều được tỉnh đầu tư mở rộng quy mô, đồng thời tạo điều kiện mở rộng chức năng cho các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện liên kết đào tạo trung cấp nghề, do đó, số học sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh, các trung tâm giáo dục thường xuyên ngày càng tăng.
d) Hoạt động y tế:
Trong quý 1/2013, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 280 ca sốt Dengue/ sốt xuất huyết (không có ca tử vong); tay chân miệng có 399 ca; sốt rét 20 ca, không có ca sốt rét ác tính và cũng không có tử vong ; bệnh lao có 517 ca; các bệnh cúm A/H1N1, viên gan virus, thương hàn, phó thương hàn, hội chứng não cấp chưa ghi nhận ca nào.
Bệnh HIV/AIDS: 3 tháng đầu năm phát hiện mới 55 ca HIV, 30 ca chuyển sang AIDS; lũy tích có 3.038 ca HIV (nữ 856 ca), trong đó 2.049 ca chuyển sang giai đoạn AIDS (nữ 523 ca) và có 1.108 người tử vong do AIDS.
Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm: Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, trong quý 1/2013 đã tiến hành kiểm tra 1.631 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống … , kết quả có 1.261 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh (đạt tỷ lệ 77,31%). Ngộ độc thực phẩm xảy ra 03 vụ với số người mắc là 38 người, không có tử vong.
e) An toàn giao thông:
Trong tháng 3/2013 (từ ngày 16/02/2013-15/3/2013) trên địa bàn tỉnh đã xãy ra 09 vụ tai nạn giao thông (- 7 vụ), làm chết 10 người (- 6 người) và bị thương 03 người (- 8 người). So với quý 1/2012, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã được kéo giảm, cụ thể: từ ngày 16/12/2012 đến 15/3/2013 trên địa bàn tỉnh đã xãy ra: 37 vụ tai nạn giao thông (- 15 vụ), làm bị thương 40 người (- 20 người); làm chết 40 người chết (- 20 người). Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người điều khiển xe đi không đúng phần đường, chuyển hướng tránh vượt thiếu quan sát và sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
f) Hoạt động văn hoá:
Trong quý 1/2013, ngành VH, TT & DL đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị: kỷ niệm 54 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng; ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3; 45 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; “Biên giới và Biển đảo Việt Nam”; phòng chống tham nhũng; phòng cháy, chữa cháy; chương trình mục tiêu 4 giảm của tỉnh…. Kết quả, ngành thực hiện được 2.248 lượt băng rôn, 437m2 panô, 40 cuộc xe loa, 6.886 cờ các loại, 117 buổi văn nghệ của các đội tuyên truyền lưu động, văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Hoạt động Bảo tồn - Bảo tàng: Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày triển lãm tại Nhà Bảo tàng tỉnh đón được 441 lượt người và triển lãm lưu động đón được 8.214 lượt người tham quan với các chuyên đề: “Kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng B52 (18/2/1972-18/2/2012), “Mừng Đảng-mừng Xuân Qúy Tỵ 2013”; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh tổ chức tuyên truyền phát động cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh với 03 chủ đề, kết quả có 11.822 thư tham gia trả lời câu hỏi.
Hệ thống Thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo thường xuyên mở cửa phục vụ bạn đọc; trong kỳ đã phục vụ được 23.149 lượt bạn đọc, với 72.313 lượt sách, báo, tài liệu. Ngoài ra còn tổ chức các đợt trưng bày, giới thiệu sách báo chuyên đề nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị nhân các ngày lễ lớn, ... .
Công tác quản lý, thanh, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch trên phạm vi toàn tỉnh được tăng cường. Trong quý, đội kiểm tra liên ngành Văn hóa – Xã hội tỉnh và Đội kiểm tra liên ngành 814/TTg các cấp cơ sở tổ chức kiểm tra 659 cuộc với 1.210 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, hoạt động văn hoá, cơ sở lưu trú; kết quả: đã kiểm tra nhắc nhở 32 trường hợp, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 45 trường hợp với tổng tiền phạt 86,45 triệu đồng.
g) Hoạt động thể dục thể thao:
Thể thao quần chúng: trong quý 1/2013, ngành đã tổ chức các giải thi đấu mừng Đảng-mừng Xuân Quý Tỵ 2013 và các giải vô địch: cờ tướng, Billard, võ thuật cổ truyền năm 2013; đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, ban, ngành tổ chức hội thao và các giải thi đấu phong trào.
Hoạt động thể thao thành tích cao: trong 3 tháng đầu năm đã cử 01 HLV Taekwondo tham dự lớp đào tạo, bồi dưỡng HLV Taewondo toàn quốc và kỳ thi thăng đẳng quốc gia; 09 lượt các đoàn vận động viên tập huấn và thi đấu tại các giải thể thao quốc gia, khu vực, miền, cụm, mở rộng với 20 lượt vận động viên tham dự các giải: điền kinh, wushu, võ cổ truyền, taekwondo, quần vợt, vovinam; kết quả thành tích thi đấu các giải từ đầu năm đến nay đạt được 07 huy chương các loại (03 HCV, 02 HCB, 02 HCĐ).
h) Thiệt hại thiên tai:
Trong quý 1 năm 2013, trên địa bàn tỉnh không xảy ra đợt thiên tai nào.
i) Bảo vệ môi trường và trật tự an toàn xã hội:
Quý 1/2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, trong đó có 01 vụ cháy nhà dân và 01 vụ cháy tại Cty sản xuất vali, túi xách (Cty TNHH ParkCorp Việt Nam – KCN Trảng Bàng, Tây Ninh); nguyên nhân của vụ cháy do sự cố điện; ước tính giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 1,5 tỷ đồng, không có thiệt hại về người. Cũng trong quý 1, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về môi trường đối với 02 đơn vị, với tổng số tiền phạt là 80 triệu đồng; nguyên nhân do xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân./.

Website Cục Thống kê Tây Ninh

    Tổng số lượt xem: 1593
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)