Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình tại Quốc hội. (MPI) – Sáng ngày 16/11/2017, theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã tiến hành chất vấn về các nhóm vấn đề: Công tác quản lý thuế, giải quyết nợ đọng thuế; Giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả… Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có một số giải trình làm rõ thêm các nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trong đó, về hiệu quả đầu tư công, tại phiên chất vấn Kỳ họp lần thứ 3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã tham gia trực tiếp giải trình chất vấn về chất lượng, hiệu quả, tình hình thực tế hiện nay của đầu tư công cũng như các giải pháp liên quan. Tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, trước đây khi Luật đầu tư công chưa được ban hành thì việc quyết định đầu tư vượt so với khả năng cân đối của ngân sách cả của Trung ương và địa phương. Trong mỗi giai đoạn 2005 - 2010 hay 2011 - 2015, có khoảng hơn 20.000 dự án lớn, nhỏ của cả Bộ, ngành và địa phương quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu và khả năng bao nhiêu để giải ngân được nên dẫn đến việc dàn trải, thất thoát, dừng, giãn, hoãn rất lớn. Khi đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg và sau đó luật hóa thành Luật đầu tư công. Trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm rất nhiều so với giai đoạn trước đây và bám sát vào khả năng cân đối của ngân sách. Phần nợ đọng và ứng của các giai đoạn trước đã được tập trung ở giai đoạn 2016 - 2020 để xử lý dứt điểm.
Vấn đề thứ hai, nhiều dự án phê duyệt có tổng mức đầu tư không sát với tình hình thực tế, vượt lên rất nhiều so với tính toán mà chưa có các biện pháp kiểm soát được việc này. Về vấn đề này, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan xây dựng các định mức để tính toán làm cơ sở để xây dựng tính toán khi phê duyệt quyết định đầu tư với tổng mức đầu tư hợp lý.
Vấn đề thứ ba, nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của dự án đầu tư công chưa cao một phần là do thời gian triển khai đầu tư. Các dự án khi triển khai đầu tư hiện nay phải thực hiện nhiều thủ tục như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, tất cả thủ tục này làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên, buộc phải điều chỉnh. Khi vốn đầu tư vượt lên không có nguồn để bố trí lại phải dừng, hoãn. Đó là những vấn đề lớn liên quan ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công vừa qua.
Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp rà soát lại toàn bộ bất cập trong thực hiện Luật đầu tư công để trình Chính phủ và Quốc hội sửa Luật đầu tư công theo hướng vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công, nhưng giải quyết được vấn đề thủ tục thuận lợi, nhanh gọn cho các đối tượng áp dụng của Luật đầu tư công, trong đó có Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư công.
Về vấn đề nợ công liên quan đến vay nước ngoài, Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, theo đó trong 2 triệu tỷ tổng đầu tư thì vốn ODA sẽ xử lý là 300.000 tỷ. Nếu Quốc hội còn 30.000 tỷ vốn dự phòng, bổ sung cho kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thì khả năng giải ngân có thể đạt 1,4 tỷ đô la Mỹ tương đương với 30.000 tỷ dự phòng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khi Việt Nam chuyển sang nước có thu nhập trung bình, các nước đã bắt đầu giảm ODA ưu đãi và chuyển sang cho vay thương mại, tức là lãi suất cao hơn và thời gian vay ngắn hơn, thời gian trả nhanh hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải đẩy nhanh triển khai các thủ tục cần thiết để giải quyết được các vấn đề cho các dự án sử dụng các nguồn ưu đãi của các tổ chức cũng như các nhà tài trợ trong điều kiện Việt Nam sẽ chuyển sang vay kém ưu đãi.
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giúp Chính phủ xây dựng Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đàm phán, ký kết vượt số dự toán 300.000 tỷ của vốn ODA. Đồng thời nhấn mạnh, Luật đầu tư công đã khắc phục rất nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư công. Tuy nhiên, trong việc thực thi Luật quản lý nợ công, Luật đầu tư công có những vấn đề cũng cần phải tổng hợp rà soát lại./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư