(MPI) – Với mục tiêu đánh giá tổng thể hệ thống chính sách có liên quan đến cạnh tranh để xác định đúng thực trạng, khiếm khuyết và đề xuất các giải pháp cải cách góp phần phát triển thị trường cạnh tranh, thúc đẩy, nâng cao năng suất, hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
|
Tự do hóa và mở rộng thị trường trong nước, kết hợp hội nhập quốc tế
Theo Đề án, qua hơn ba mươi năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện tự do hóa và mở rộng thị trường trong nước, kết hợp đồng thời với từng bước hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Kết quả là các loại thị trường trong nền kinh tế ngày càng phát triển và hoàn thiện. Nhiều cải cách quan trọng đã được thực hiện nhằm tăng cường mức độ cạnh tranh của thị trường như xóa bỏ hoặc giảm thiểu nhiều rào cản hạn chế cạnh tranh hoặc phản cạnh tranh. Các lĩnh vực có tính độc quyền nhà nước đã được thu hẹp, giá cả phần lớn các loại hàng hóa, dịch vụ đã được tự do hóa đã phản ánh đúng hơn quan hệ cung - cầu thị trường,… Những cải cách này đã góp phần tạo động lực cho các chủ thể kinh doanh phát triển mạnh, góp phần tăng mức độ cạnh tranh giữa các chủ thể trên thị trường.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn kém năng động với tốc độ tăng trưởng đang có chiều hướng suy giảm, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm, năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động ở mức thấp; Hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội không cao. Tốc độ tăng trưởng trung bình 7,6% của giai đoạn 1990-2000 không còn duy trì được, đã giảm xuống còn 6,8% trong giai đoạn 2001-2010, 5,91% cho giai đoạn 2011-2015 và năm 2016 ước đạt 6,21% và mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% cho giai đoạn 2016-2020 khó có thể đạt được.
Nguyên nhân cơ bản, xét về thể chế, là do vẫn còn tồn tại nhiều rào cản hạn chế cạnh tranh, đồng thời, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn phổ biến. Quyền tự do kinh doanh chưa được thực thi đầy đủ, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, minh bạch, chưa bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; Mức độ tham gia của nhà nước vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế còn khá lớn, kiểm soát độc quyền chưa thực sự hiệu quả;…
Tạo môi trường cạnh tranh, lành mạnh, công khai, minh bạch
Chủ trương tạo lập môi trường cạnh tranh, lành mạnh, công khai, minh bạch, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh đã được đề ra ngay từ Đại hội IX của Đảng và được nhấn mạnh trong các kỳ Đại hội tiếp theo. Nhiều biện pháp cải cách đã được thực hiện nhằm tạo lập và phát triển thị trường cạnh tranh ở Việt Nam. Theo đó, mức độ cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường đã được cải thiện với số lượng chủ thể gia nhập thị trường tăng nhanh mạnh, đặc biệt trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, bức tranh cạnh tranh còn nhiều vấn đề đặt ra, đó là nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế thị trường kém cạnh tranh với thứ hạng 60/138 nước trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2016. Vị trí 80/138 nước về mức độ cạnh tranh trong nước hay chỉ số hiệu quả chống độc quyền đứng thứ 89/138 nước.
Tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng diễn ra khá phổ biến không chỉ giữa doanh nghiệp nhà nước với khối tư nhân mà cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với khối tư nhân trong nước. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng nhiều ưu đãi hơn từ tiếp cận các nguồn lực đến chính sách, hành vi đối xử của các cơ quan công quyền,... Hiện tượng cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp thân hữu với các doanh nghiệp không có quan hệ thân hữu đã và đang khiến cho nhiều doanh nghiệp tư nhân không có quan hệ thân hữu, đặc biệt là đông đảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thể tiếp cận nguồn lực để phát triển được.
Bên cạnh đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp có chủ trương cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội. Việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực xã hội kém hiệu quả chưa theo tín hiệu thị trường, chưa tuân thủ quy luật cạnh tranh, đặc biệt là phân bổ vốn nhà nước, đã tác động xấu đến hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Mặc dù có cải thiện nhưng tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khá thấp: 3,5%/năm (2006-2010), 4,35%/năm (2011-2015) và ước tính tăng 5,31% (năm 2016) và khoảng cách với các nước ASEAN-6 còn khá xa.
Tăng năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của người dân. Tuy nhiên, có thể thấy, mức độ cạnh tranh thấp, cạnh tranh chưa công bằng, chưa bình đẳng. Do đó, cạnh tranh đúng bản chất và ý nghĩa của nó chưa trở thành công cụ sàng lọc kẻ thắng, người thua trên thị trường; Chưa là động lực chủ yếu thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ… để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. Ngược lại, thực trạng cạnh tranh thị trường nói trên tạo ra tín hiệu thị trường và động lực sai lệch, không khuyến khích đầu tư dài hạn, không khuyến khích tập trung và tích tụ để phát triển, mà trái lại thúc đẩy ứng xử thiên về đầu cơ tìm kiếm địa tô hơn là đầu tư tạo ra lợi nhuận, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Theo đó, khó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia
Đề án này tiếp cận chính sách cạnh tranh một cách tổng thể, bao gồm các chính sách, pháp luật về kiểm soát độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh và các chính sách phát triển thị trường, trong đó có quy định pháp luật về gia nhập thị trường và kinh doanh nói chung và các hành động can thiệp của nhà nước nhằm giúp các doanh nghiệp cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Theo đó, chính sách cạnh tranh tổng thể không chỉ là Luật cạnh tranh và thực thi pháp luật cạnh tranh mà còn các luật pháp và chính sách khác về mở rộng, phát triển và tự do hóa thị trường làm cho tất cả các loại thị trường ngày càng cạnh tranh hơn, năng động và hiệu quả hơn.
Cải cách tổng thể chính sách cạnh tranh quốc gia được thực hiện nhằm bảo đảm cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể của nền kinh tế nhằm đặt được mục tiêu nâng cao hiệu quả và năng suất trên các loại thị trường. Hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế, hỗ trợ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao sự thịnh vượng của quốc gia.
Chính sách cạnh tranh quốc gia phải được ưu tiên như một trụ cột quan trọng trong hệ thống thể chế kinh tế thị trường, coi xây dựng và thi hành chính sách cạnh tranh là một nội dung ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng thể chế kinh tế thị trường và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chính sách cạnh tranh quốc gia toàn diện không chỉ là Luật Cạnh tranh và việc thi hành luật này để hạn chế, kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh mà phải là tư duy về việc tích cực, chủ động tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, quy mô và lĩnh vực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả nhất và để doanh nghiệp luôn có động lực đầu tư, đổi mới và sáng tạo. Đó là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Ngoài ra, chính sách cạnh tranh phải đảm bảo hài hòa hóa với các “luật chơi” mang tính quốc tế. Chính sách cạnh tranh không chỉ nhằm thiết lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng mà còn nhằm đảm bảo tạo môi trường đầu tư tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thực hiện tốt vai trò là cơ chế thiết lập, duy trì, bảo vệ cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sự hình thành các quan hệ thị trường cho đời sống kinh tế, hình thành cơ chế tự điều chỉnh của thị trường,… bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan.
Trên cơ sở nguyên nhân hạn chế, mục tiêu, quan điểm, có thể xác định các định hướng giải pháp chủ yếu cải cách tổng thể chính sách cạnh tranh quốc gia gồm: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về cạnh tranh, chính sách cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; Đổi mới cách thức quản lý nhà nước theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng; Xác định đúng vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế nhằm giảm thiểu sự tham gia của nhà nước trong các hoạt động kinh tế, cơ cấu lại độc quyền nhà nước, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân; Hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, xác định rõ chức năng nhà nước và thị trường; Thiết lập và giám sát cơ chế đánh giá tác động cạnh tranh của các chính sách, pháp luật, đặc biệt cơ chế đánh giá, quản lý chất lượng các quy định về kinh doanh.
Đồng thời, kiện toàn bộ máy thực hiện điều tiết thị trường theo hướng tách cơ quan điều tiết thị trường khỏi cơ quan xây dựng chính sách và các doanh nghiệp để đảm bảo tính trung lập và hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tiết thị trường độc quyền. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, xóa bỏ chế độ bộ chủ quản hay xóa bỏ vai trò “kép” của Bộ khi vừa thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, vừa thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vừa thực hiện chức năng điều tiết thị trường,… Thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương năm khóa XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp; Không là cơ quan quản lý hành chính nhà nước; Tách hoàn toàn với các bộ, UBND.
Kết cấu Đề án gồm bốn phần: Khung chính sách cạnh tranh quốc gia trong một nền kinh tế thị trường; Đánh giá thực trạng cạnh tranh và chính sách cạnh tranh ở Việt Nam, trong đó khái quát những kết quả đạt được và xác định những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân so sánh với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế; Đề xuất những mục tiêu, quan điểm, định hướng giải pháp cải cách tổng thể chính sách cạnh tranh quốc gia ở Việt Nam và tổ chức thực hiện./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư