(MPI) – Tiếp nối thành công của chuỗi Hội thảo khoa học thường niên kể từ 2010, ngày 24/11/2017, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ nghiên cứu thực chứng”.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Đây là Diễn đàn mở để các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà quản lý công bố, trao đổi các kết quả nghiên cứu mới nhất về năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế và các nhân tố tác động tới năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Hội thảo mong muốn nhận được những ý kiến của các học giả, các nhà nghiên cứu cũng như những gợi ý về giải pháp để thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững tại Việt Nam gắn liền với mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế. Năng suất và đổi mới sáng tạo được xác định là hai yếu tố quan trọng hàng đầu để chủ động hội nhập quốc tế.
Trình bày tại Hội thảo, TS. Đặng Đức Anh - Trưởng Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã khai thác nhiều nguồn lực như: vốn, tài nguyên, lao động rẻ để phát triển kinh tế theo mô hình chiều rộng, dẫn đến cạn kiệt nguồn lực cũng như chất lượng tăng trưởng không cao, thiếu bền vững. Xuất khẩu cũng như tăng trưởng GDP phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi doanh nghiệp trong nước và hiệu quả đầu tư nhìn chung chưa có sự cải thiện rõ nét. Các lợi thế so sánh và dư địa theo phương thức cũ cho tăng trưởng không còn nhiều. Năng suất và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cho tăng trưởng.
Một trong những nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dựa trên mô hình kinh tế lượng vĩ mô Việt Nam được xây dựng trong khuôn khổ chương trình chia sẻ kinh nghiệm của Ailen (IDEAS) cho thấy hai nhân tố quan trọng đóng góp cho năng suất và đổi mới sáng tạo của kinh tế là đầu tư công và cải cách doanh nghiệp nhà nước trong trung hạn. Cụ thể, nếu cải cách tổng thể tất cả doanh nghiệp nhà nước có thể tăng 10% sản lượng của nền kinh tế thông qua tăng năng suất. Nếu tăng năng suất của doanh nghiệp nhà nước lên 2% sẽ tăng 1,14% GDP, 2,26% sản lượng công nghiệp và 1,15% sản lượng xuất khẩu.
Năng suất lao động là một chỉ số chính của thị trường lao động, phản ánh tăng trưởng kinh tế bền vững, khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong sử dụng lao động của mỗi quốc gia. Những nghiên cứu cho thấy thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là lao động bậc trung. Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng đổi mới công nghệ sẽ làm tăng năng suất các nhân tố tổng hợp thêm khoảng 25%. Các kết quả cũng cho thấy các chiến lược công nghệ vững chắc liên quan đến việc kết hợp hoặc phát triển quy trình mới liên quan đến việc giới thiệu sản phẩm mới có ảnh hưởng lớn hơn. Về đổi mới sáng tạo, trình độ của chủ doanh nghiệp quyết định rất lớn tới nhận thức và mức độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Vì các chính sách có tác động trong dài hạn nên không có một yếu tố riêng lẻ nào có thể có tác động đến cải thiện năng suất. Tích lũy vốn đầu tư là nhân tố đặc biệt quan trọng cho việc nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn, song tác động đầy đủ của vốn nhân lực lại diễn ra trong nhiều năm. Sự di chuyển dân số trong độ tuổi lao động từ khu vực có năng suất thấp đến khu vực có năng suất cao đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất của cả nền kinh tế.
Cải cách thể chế giúp nền kinh tế ứng phó tốt với những điều kiện thay đổi và thúc đẩy đổi mới, tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tránh được vấn đề lợi ích nhóm và công nghệ lạc hậu, qua đó sẽ làm tăng năng suất của cả nền kinh tế.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, GS. John FitzGerald, Khoa Kinh tế, Đại học Trinity Dublin cho rằng để cải thiện năng suất, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người. Đồng thời, cần phải giải quyết đồng bộ nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động như: Công nghệ, cơ cấu kinh tế, trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường, thủ tục hành chính./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư