(MPI) – Trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ngày 15/12/2017, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức Hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ - tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước”.
|
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI
|
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng, đóng góp to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. FDI chiếm 25% đầu tư toàn xã hội, trên 20% GDP và trên 70% kim ngạch xuất khẩu.
Lũy kế đến tháng 11/2017, Việt Nam đã thu hút được 24.580 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 316,91 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 170,85 tỷ USD, bằng 53,9% tổng vốn đăng ký.
Chỉ ra những hạn chế của FDI đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ và liên kết với doanh nghiệp trong nước, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, bên cạnh chính sách về công nghiệp hỗ trợ còn chậm so với sự biến động của kinh tế - xã hội và năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp FDI thực sự chủ động trong việc kết nối với các doanh nghiệp trong nước, chuyển giao về công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn rất ít.
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng đề nghị, Hội thảo tập trung vào đánh giá về tác động của doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp trong nước, các khó khăn và thuận lợi của doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI cũng như các giải pháp nhằm tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển.
|
GS. TSKH Nguyễn Mại phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI
|
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khu vực FDI có tác động lan toả rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam, tạo ra công nghệ, năng suất lao động, việc làm, xuất khẩu, thu ngân sách, GDP. Đồng thời, du nhập phương thức sản xuất, phân phối, kinh doanh tiên tiến của nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, tác động lan toả của doanh nghiệp FDI chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để tác động lan tỏa của khu vực FDI đối với doanh nghiệp Việt Nam, GS. TSKH Nguyễn Mại đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam cần tự tin, chủ động tiếp cận với doanh nghiệp FDI, đồng thời đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực, tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp FDI, cần có chiến lược kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI
|
Về phía Chính phủ Việt Nam, ban hành chính sách kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI bằng các ưu đãi thích ứng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực và khuyến khích việc nhân rộng các mô hình thành công của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư