(MPI) - Ngày 18/12/2017, tại Bình Phước, trong khuôn khổ Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 11 Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) đã diễn ra Diễn đàn Xúc tiến đầu tư - Thương mại - Du lịch Khu vực Tam giác phát triển CLV dưới sự đồng chủ trì của ông Youn Heng, Vụ trưởng Vụ Thẩm định và ưu đãi đầu tư, Hội đồng phát triển Campuchia, ông Phonesay Vilaysack, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và ông Huỳnh Anh Minh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.
|
Đồng chủ trì Diễn đàn. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Trong những năm qua, tình hình hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp 3 nước Việt Nam - Lào và Campuchia tại Khu vực Tam giác phát triển CLV đã đạt được những kết quả nhất định. Số lượng dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào các tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển của Lào và Campuchia có xu hướng tăng qua các năm. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, hiện Việt Nam có 278 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam là 5 tỷ USD và 201 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam là 2,98 tỷ USD. Trong Khu vực Tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia, Việt Nam có 113 dự án, chiếm 24% tổng số dự án của Việt Nam đầu tư sang Lào và Campuchia, với số vốn đăng ký đầu tư là 3,59 tỷ USD, chiếm 45% tổng vốn đầu tư sang Lào và Campuchia nói chung. Trong đó, đầu tư tại các tỉnh Khu vực Tam giác phát triển CLV của Lào là 65 dự án với số vốn là 1,98 tỷ USD, tại các tỉnh của Campuchia là 48 dự án với số vốn là 1,6 tỷ USD.
Về thu hút đầu tư tại 5 tỉnh của Việt Nam thuộc Khu vực Tam giác phát triển CLV, hiện có 233 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,3 tỷ USD, lớn nhất là Bình Phước hiện có 194 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 1,91 tỷ USD. Tuy nhiên, trong đó chưa có dự án nào từ Lào và Campuchia. Các dự án đầu tư vào Khu vực CLV của Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông nghiệp gồm trồng trọt và chăn nuôi, cấp nước và xử lý chất thải, xây dựng, kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ. Trong số 5 địa phương của Việt Nam, Bình Phước là địa phương đang thu hút vốn FDI lớn nhất về số lượng dự án cũng như quy mô vốn đầu tư, tiếp đến là các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho rằng, các kết quả đã đạt được trên chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, cũng như mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa 3 nước. Vẫn còn tồn tại một số rào cản trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư như cơ sở hạ tầng đã được quan tâm nâng cấp nhưng vẫn còn kém hơn so với các khu vực khác và chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn vốn đầu tư còn thiếu, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư chưa thật sự rõ ràng và dễ tiếp cận, quan hệ phối hợp giữa các bên trong giao thương và một số thỏa thuận hợp tác còn chưa được quan tâm đầy đủ, các địa phương chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng trong thu hút FDI, đặc biệt là việc thay đổi một số chính sách liên quan đến đất đai.
Theo đó, bản thân các doanh nghiệp trong Khu vực cần phải nhanh chóng nâng cao năng lực của mình, tập trung khai thác thế mạnh của mình và mở rộng ra các thị trường lân cận để tận dụng những chính sách ưu đãi chung của ba nước. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp trong Khu vực phải chủ động đánh giá những khó khăn, thuận lợi, thách thức của điều kiện mới để có kế hoạch phát triển trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.
Về quan hệ thương mại, thương mại biên giới giữa Việt Nam với Lào và Campuchia trong những năm qua đã có những bước phát triển đáng kể. Các bên đã từng bước phối hợp hoàn thiện thủ tục hải quan tại các cửa khẩu biên giới theo hướng đơn giản hóa, thống nhất hóa, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ theo các thông lệ quốc tế. Công tác phối hợp thanh kiểm tra, chống buôn lậu và gian lận thương mại giữa hai nước tại khu vực biên giới đã thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, khó khăn như: Mô hình “một cửa, một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất về kiểm tra, kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện giữa các lực lượng chức năng hai bên, dẫn đến thực trạng “một cửa, hai lần dừng”. Hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu biên giới, chợ biên giới chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới theo quy hoạch.
Về hợp tác du lịch tại Khu vực Tam giác phát triển CLV chủ yếu được triển khai thông qua cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), và việc triển khai các nội dung hợp tác du lịch CLV, trong đó, Quy hoạch phát triển ngành du lịch Khu vực Tam giác phát triển CLV là một trong những nội dung thực hiện Chiến lược phát triển du lịch GMS giai đoạn 2016 - 2025.
Ở các cấp địa phương, doanh nghiệp, các địa phương đã tích cực tổ chức các hoạt động hợp tác, liên kết điểm đến và xúc tiến du lịch trong khu vực CLV, tiêu biểu như: Hội thảo quốc tế xúc tiến đầu tư du lịch tại tỉnh Bình Phước; Chương trình khảo sát tuyến du lịch quốc tế Bình Phước - Stungtreng (Campuchia) - Champasak (Lào). Đặc biệt, tỉnh Kon Tum và tỉnh Attapeu (Lào) liên kết thuận lợi qua cửa khẩu Bờ Y đã tổ chức nhiều hoạt động khảo sát, xây dựng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá giữa hai địa phương với sự tham gia hợp tác tích cực của các doanh nghiệp hai bên.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, để tháo gỡ những rào cản và thúc đẩy hợp tác phát triển trong Khu vực, các nước cần có chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, trong đó ưu tiên các tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển được hưởng chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư cao nhất. Ngoài ra, mỗi nước cũng cần có chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư, đặc biệt từ 2 quốc gia còn lại khi đầu tư vào các tỉnh có chung đường biên giới.
Các cơ quan nhà nước của các bên cần thường xuyên rà soát, đẩy nhanh việc triển khai các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã có giữa các bên, đồng thời sớm xây dựng các thỏa thuận hợp tác cần thiết mới như về lao động, bảo đảm cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc đàm phán ký kết và triển khai có hiệu quả các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương giữa các bên nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, nước, hệ thống thủy nông, thủy lợi cần được Chính phủ mỗi nước ưu tiên đầu tư và có chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Tại Diễn đàn, các bên đều tin tưởng rằng, với sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả của Chính phủ và doanh nghiệp ba nước, trong giai đoạn tới, quan hệ hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV sẽ được nâng tầm cao hơn, đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của Nhân dân trong Khu vực./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư