(MPI) – Ngày 04/01/2018, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Tọa đàm về mô hình tổ chức chính quyền địa phương và chính sách ưu đãi về đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đây là một vấn đề mới, phức tạp nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cũng như sự phát triển của các đặc khu.
|
Phối cảnh tổng thể quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn. Nguồn: quangninh.gov.vn |
Đã đến lúc “chốt” phương án tổ chức chính quyền địa phương
Tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, có hai phương án mô hình chính quyền đặc khu được đề xuất, thậm chí đã bắt đầu xuất hiện cả phương án 3, vẫn có HĐND, UBND, nhưng Chủ tịch được trao quyền như Trưởng đặc khu. Song dù chọn phương án nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc là mô hình đó có thể khác luật khác nhưng phải phù hợp với Hiến pháp, tinh gọn, hiệu quả, tránh bộ máy nhiều tầng nấc, đồng thời phân cấp, phân quyền để khai thác tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư, hình thành khu vực tăng trưởng cao, thúc đẩy cơ cấu nền kinh tế tỉnh, khu vực và cả nước, đảm bảo sự kết nối, cũng như các “phòng thí nghiệm” về thể chế.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng, đã đến lúc phải “chốt” phương án tổ chức chính quyền địa phương các đặc khu, không nên bàn mãi, vì thời gian không còn nhiều. Theo kế hoạch, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được trình Quốc hội thông qua. Phương án 1 (mô hình chính quyền đặc khu được tổ chức theo hướng không có HĐND, UBND, mà thành lập thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) mới là mô hình chuẩn, là phương án ưu tiên của Chính phủ khi trình Quốc hội. Đây cũng là phương án nhận được rất nhiều sự đồng tình của các chuyên gia, của dư luận, tuy vẫn còn những phân vân về tính hợp pháp của mô hình, cũng như cơ chế giám sát quyền lực đối với thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
“Đừng quá cầu toàn, mà ngồi bàn mãi. Chúng ta sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quá trình vận hành. Nếu không có bộ máy tương xứng với các cơ chế, chính sách vượt trội, mà vẫn giữ mô hình chính quyền kiểu cũ thì không phát triển được các đặc khu”, ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp chia sẻ.
Bày tỏ sự đồng tình với phương án 1, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phương án 1 sẽ trao cho Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tới 20 nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 35 nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, 12 thẩm quyền của HĐND tỉnh, 52 nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh và 15 nhiệm vụ, quyền hạn của các sở.
Phương án này sẽ tạo đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của đặc khu và cũng phù hợp với yêu cầu thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 03/6/2017 của Ban chấp hành Trung ương về Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ủng hộ đề xuất cho nhà đầu tư thuê đất trong thời hạn 99 năm
Thời gian giao đất cho nhà đầu tư trong các đặc khu cũng là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm, ngay từ khi dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được đưa ra lấy ý kiến, cũng như lần đầu tiên được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV vừa qua. Dự thảo Luật đã đề xuất việc cho nhà đầu tư trong một số lĩnh vực ưu tiên được thuê đất trong thời hạn 99 năm và đây là một trong những điểm sẽ tạo được một sự đột phá lớn.
Ý kiến của các chuyên gia tại Tọa đàm đều ủng hộ đề xuất này và cho rằng, đổi mới này là cần thiết để tạo ưu đãi thực sự và tâm lý ổn định, đầu tư lâu dài, đầu tư công trình lớn cho các nhà đầu tư. Yếu tố này khá quan trọng trong việc xác định tính đầu tư lâu dài cho nhà đầu tư. Để các nhà đầu tư yên tâm, nên xác định thời hạn giao đất dài hạn. Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng nên có những chính sách vượt trội hơn nữa trong các chính sách ưu đãi về đất đai. Chẳng hạn, dự thảo Luật đề xuất cho phép các tổ chức kinh tế trong nước, doanh nghiệp nước ngoài được thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại địa phương.
Hội đồng thẩm định của Ban đề án thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang tiến hành khảo sát việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc dựa trên 12 tiêu chí ban đầu được xác định là liên quan đến sự cần thiết của đề án; Căn cứ xây dựng đề án; Kết cấu bố cục của đề án; Việc thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Định hướng phát triển các ngành nghề, lĩnh vực của đặc khu; Định hướng phát triển hạ tầng; Cơ chế và các chính sách đặc thù; Chính sách phát triển nguồn nhân lực; Phương án sắp xếp cán bộ và các giải pháp thực hiện đề án. Với mỗi tiêu chí, Hội đồng thẩm định sẽ đánh giá theo một trong ba mức là: tốt, đạt, chưa đạt, để từ đó có cơ sở thẩm định chất lượng từng đề án. Theo kế hoạch, sau khảo sát, Hội đồng sẽ thẩm định, yêu cầu hoàn chỉnh từng đề án của 3 tỉnh, làm thủ tục để trình Chính phủ thông qua vào tháng 02/2018, sau đó trình Bộ Chính trị. Phấn đấu trong năm 2018 trình Quốc hội phê duyệt và ban hành Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư