Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/01/2018-16:49:00 PM
Hy vọng về những bước tiến mới trong vòng 6 tái đàm phán NAFTA
Trước thềm vòng sáu tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mexico, Mỹ và Canada), các bên đều mong đợi sẽ đạt được những bước tiến mới về các vấn đề còn bất đồng sâu sắc như điều khoản tự động hết hạn sau năm năm, quy định xuất xứ, lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp dệt may.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer tại cuộc họp báo công bố kết quả vòng 3 tái đàm phán NAFTA ở Ottawa, ngày 27/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sự kiện dự kiến diễn ra ngày 23/1 và kéo dài trong sáu ngày tại Montreal, Canada.

Phát biểu ngày 21/1, Tổng Giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp Mexico về ngoại thương (Comce) Fernando Ruiz Huarte đánh giá đây là thời điểm quyết định để các bên đưa ra quan điểm liên quan tới các vấn đề “dễ đổ vỡ” và có thể hướng tới hiện đại hóa thỏa thuận đã tồn tại 24 năm qua.

Ông cho biết tại vòng đàm phán lần này, đoàn đàm phán Mexico kiên quyết bảo lưu quan điểm về việc rà soát lại hiệp định 5 năm/lần và không chấp nhận đề xuất tự động hết hạn mà phía Mỹ đưa ra. Canada cũng cùng chung quan điểm trên với Mexico.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược về đàm phán quốc tế Juan Pablo Castanon cho biết về lĩnh vực ôtô và dệt may, Mexico đã thảo luận về khả năng đạt được một đề xuất mang tính chia sẻ và thuận lợi.

Các đề xuất được phía Mexico tính đến liên quan tới việc Mỹ đề nghị tăng hàm lượng nội địa khu vực đối với ôtô từ hơn 62% hiện nay lên 85%, trong đó tỷ lệ nội địa Mỹ ít nhất là 50%; loại bỏ hệ thống ưu đãi thuế quan - cơ chế cho phép một quốc gia chấp nhận các đối tác sử dụng nguyên liệu từ bên ngoài khu vực trong ngành dệt may.

Theo Bộ Kinh tế Mexico, hiện các nhà đàm phán đang hoàn tất 10/30 chương đạt được thỏa thuận trong tái đàm phán NAFTA như năng lượng, viễn thông, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các biện pháp kiểm dịch thực vật ...

Ngay trước thềm vòng đàm phán quan trọng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sức ép đối với Chính phủ Mexico bằng một loạt tuyên bố, trong đó khẳng định Mexico sẽ phải chi trả trực tiếp hoặc gián tiếp cho dự án xây bức tường dọc biên giới chung, nếu không sẽ không có thỏa thuận.

Báo cáo do công ty tư vấn Oxford Economics công bố cho hay Mexico sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế nếu Mỹ quyết định rút khỏi NAFTA. Do không còn các điều kiện thương mại có lợi nào với Mỹ - đối tác lớn nhất của Mexico, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico sẽ thấp hơn 2% so với mức tăng tiềm năng vào cuối năm 2022. Tăng trưởng GDP thực tế trong năm 2019 sẽ giảm ở cả ba nước, khoảng 0,5% tại Mỹ và Canada, và khoảng 0,9% tại Mexico.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của cả Canada và Mexico vì vậy hai quốc gia này đều mong muốn tiếp tục duy trì hiệp định, thay vì phải giải quyết những hậu quả bất lợi một khi Mỹ rút khỏi NAFTA.

NAFTA là hiệp định thương mại tự do giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa ba quốc gia này đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017./.


TTXVN/VIETNAM+

    Tổng số lượt xem: 903
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)