Tỷ lệ lạm phát của Singapore trong tháng 2/2013 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng tám tháng qua và cũng cao hơn so với dự báo của các nhà kinh tế, chủyếu do giá mua giấy phép lưu hành phương tiện giao thông tăng quá cao khiến chi phí vận tải tăng.
Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) và Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) ngày 25/12 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 2/2013 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức dự báo (tăng 4,1%) của các nhà kinh tế và cũng cao hơn tỷ lệ lạm phát (3,6%) trong tháng 1/2013.
Trong một năm trở lại đây, giá cả tăng lên mức cao nhất vào tháng 6/2012, khi CPI tăng 5,3%.
Theo nhà kinh tế Irvin Seah thuộc ngân hàng DBS, khoản tiền để mua giấy phép lưu hành phương tiện giao thông trong tháng Hai vừa qua tăng ở mức cực lớn, trung bình tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và đứng ở mức 100.000 đôla Singapore cho một chiếc xe ở loại mở. Chi phí này ảnh hưởng rất lớn tới chi phí vận tải, khiến CPI vận tải trong tháng 2 tăng 13,9% so với một năm trước.
Giá thực phẩm cũng tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái do sức mua của người dân tăng cao trong dịp Năm mới (trùng với Tết của Việt Nam).
Chi phí nhà ở tăng 4,2% do giá thuê nhà tăng. Tỷ lệ lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí vận tải tư nhân và chi phí nhà ở, đã tăng lên 1,9% so với mức tăng 1,2% trong tháng 2/2012.
Các nhà kinh tế dự báo rằng tỷ lệ lạm phát trong tháng Ba này sẽ giảm do Chính phủ đã áp dụng thêm các biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường xe hơi. Các biện pháp được áp dụng từ ngày 25/2 vừa qua bao gồm tăng mức trả trước tối thiểuđối với mỗi chiếc xe lên 40%, rút ngắn thời hạn tối đa đối với các khoản vay mua xe xuống còn 5 năm từ mức 10 năm trước đó, bên cạnh tăng thuế sở hữu xe.
Các động thái này đã khiến nhiều hộ gia đình ở quốc đảo Sư tử không còn muốn mua xe, hoặc đơn giản là không đủ khả năng tài chính để mua.
Cơ quan Tiền tệ Singapore dự báo trong cả năm 2013 lạm phát sẽ dao động ở mức 3,5% đến 4,5% và lạm phát cơ bản sẽ ở trong khoảng từ 2% đến 3%./.