Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Chinhphu (MPI) – Ngày 28/02/2018 đã diễn ra cuộc họp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện một số Bộ, ngành, địa phương.
Hạ tầng đã được từng bước hiện đại và đảm bảo kết nối đồng bộ
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, mặc dù có những khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực.
Các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế về phát triển kết cấu hạ tầng nhìn chung được thực hiện đầy đủ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được thực hiện cơ bản về số lượng. Nhiều đề án quy hoạch và xây dựng cơ chế chính sách được rà soát điều chỉnh theo lộ trình đề ra với mục tiêu nâng cao tính khả thi, đồng bộ và hiện đại.
Nhiều công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng được triển khai thực hiện theo hướng tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ và được rà soát điều chỉnh sớm đi vào khai thác, vận hành nâng cao hiệu quả đầu tư. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng nâng lên đáng kể.
Một số công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư tăng thêm năng lực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn được hoàn thành góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, nhất là ở các thành phố lớn. Hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế được các địa phương tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giải quyết tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu cho lao động trong các khu công nghiệp. Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển mạnh, đảm bảo hiện đại, rộng khắp, kết nối với quốc tế.
Hạ tầng giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch... được quan tâm đầu tư. Nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngành giáo dục được thực hiện.... Các công trình hạ tầng y tế đang thi công được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành, sớm đưa vào hoạt động. Các thiết chế văn hóa, thể thao từ Trung ương đến địa phương được quan tâm đầu tư và tăng cường…
Nhìn chung, các công trình kết cấu hạ tầng đã được từng bước hiện đại và đảm bảo kết nối đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Các công trình hạ tầng được đầu tư đảm bảo kết nối, đồng bộ giữa các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, giữa các vùng miền, kết nối các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp, khu kinh tế với các cụm cảng… và kết nối với hạ tầng các nước trong khu vực.
Mặc dù có những khó khăn trong 5 năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ đã thu hút được nguồn vốn khá lớn và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Vốn ngân sách nhà nước huy động từ trái phiếu Chính phủ được 1.092.006 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, chủ yếu cho thực hiện đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng. Vốn ODA và vay ưu đãi được tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn trong thu hút ODA, đạt 26,5 tỷ USD.
Nguồn vốn từ các khu vực ngoài nhà nước được huy động, thu hút vào phát triển kết cấu hạ tầng khá lớn và chủ yếu là vốn của doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, thu hút lớn nhất vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông đạt 327.110 tỷ đồng; hạ tầng ngành điện đạt 233.400 tỷ đồng...
Những nhiệm vụ chưa đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết
Phát triển đường cao tốc và đầu tư nâng cấp một số tuyến quốc lộ quan trọng còn chậm. Việc kết nối giữa các phương thức vận tải chưa cao, chưa khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông. Hạ tầng điện lực chưa đáp ứng được yêu cầu, do thiếu vốn để đầu tư, đặc biệt đối với các công trình lưới điện. Nhiều hệ thống công trình hạ tầng thủy lợi thiếu đồng bộ. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ ở nhiều địa phương. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử còn thiếu, triển khai còn chậm. Quy hoạch phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng còn chưa phát huy tác dụng, hiệu quả….
Những nhiệm vụ chưa đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết do gặp phải những khó khăn nhất định, có nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Công tác xây dựng thể chế quản lý nhà nước tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng một số văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, được sửa đổi, bổ sung, ban hành chậm, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Thực tiễn xuất hiện nhiều hình thức, mô hình mới về đầu tư, khai thác kinh doanh các công trình hạ tầng, song các quy định pháp lý chưa theo kịp để điều chỉnh các hoạt động này, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các mô hình đầu tư theo hình thức PPP trong một số lĩnh vực đặc thù như lĩnh vực y tế, giáo dục…
Vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, mặc dù nhiều công trình, dự án đã được huy động đầu tư từ ngoài ngân sách nhà nước nhưng do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp nên vốn cho đầu tư xây dựng chưa đáp ứng đủ cho các mục tiêu đã đề ra.
Nguồn vốn ODA dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Các hình thức huy động vốn khác bị hạn chế do ảnh hưởng bởi quy mô nợ công. Thị trường tín dụng trong nước cho vay đối với các dự án BOT đã ở mức cao, đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ. Các chính sách về phí sử dụng dịch vụ hạ tầng đổi mới còn chậm, chưa có cơ chế bảo lãnh một số rủi ro (rủi ro doanh thu, rủi ro tỷ giá...) theo thông lệ quốc tế nên chưa thu hút được các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư theo hình thức PPP. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng, đặc biệt đối với hạ tầng thương mại, hạ tầng văn hóa, thể dục thể thao và du lịch còn chưa cụ thể... Công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khó thực hiện ở vùng nông thôn, đặc biệt ở các vùng khó khăn.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, phát sinh chi phí đầu tư, chậm đưa vào khai thác sử dụng làm giảm hiệu quả đầu tư. Sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành, các địa phương chưa cao, đặc biệt là trong quản lý thực hiện quy hoạch, huy động vốn, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư. Việc các cơ quan Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ riêng rẽ, thiếu phối hợp làm cho một số nhiệm vụ ở tầm vĩ mô cả nước khó thực hiện. Thiếu quy hoạch kết cấu hạ tầng mang tính liên vùng, liên tỉnh, quy hoạch chưa đúng với nhu cầu, chuẩn bị đầu tư chưa tốt, thiếu vốn để tập trung đầu tư. Bên cạnh đó, việc quản lý quy hoạch kết cấu hạ tầng tại một số địa phương, khu vực chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ gây lãng phí trong đầu tư. Việc cụ thể hóa các chủ trương chính sách vẫn còn chưa thực hiện tốt dẫn đến một số nhiệm vụ đề ra được thực hiện ở mức thấp…
Không để hạ tầng lạc hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng có bước phát triển, đất nước có nhiều công trình hạ tầng lớn. Tuy vậy, vẫn còn các tồn tại như quy hoạch chưa đồng bộ, tiến độ một số công trình còn chậm trễ. Hạ tầng vẫn còn là điểm nghẽn đối với sự phát triển như ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện…
Về các hình thức huy động nguồn lực, Thủ tướng cho rằng, khi quy mô nền kinh tế đã tăng lên trên 5 triệu tỷ đồng thì tỷ lệ nợ công/GDP giảm xuống, còn 61% thì liệu đây có phải dư địa để xin chủ trương tiếp tục tìm nguồn ODA phù hợp để đầu tư hay các hình thức khác như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình, trái phiếu quốc tế… để có nguồn lực phát triển hạ tầng, đưa đất nước tiến lên, không để hạ tầng lạc hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần làm sao Nghị quyết 13 tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn, để có cuộc cách mạng về hạ tầng, làm tiền đề tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn hạ tầng cho sự phát triển.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, Hội nghị Trung ương lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW. Để triển khai thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW. Quán triệt hai Nghị quyết trên, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thực hiện nghiêm túc, có những chỉ đạo kịp thời, tạo ra những chuyển biến lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng từ nhận thức đến hành động cụ thể.
Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 16/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để xây dựng báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ vào các năm 2013, 2014. Năm 2015, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo và tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết. Sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 08/7/2015 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết.
Xuất phát từ tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan để dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW. Dự thảo đã được các Bộ, ngành góp ý và nhất trí trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư