(MPI) – Trong khuôn khổ các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Niu Di-lân, ngày 13/3/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Phát triển doanh nghiệp Niu Di-lân (NZTE) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Niu Di-lân. Diễn đàn là dịp để hai bên chia sẻ tầm nhìn và giải pháp cụ thể nhằm nâng tầm quan hệ hợp tác Việt Nam – Niu Di-lân.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng nhận thấy những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Niu Di-lân và đang hướng tới Đối tác Chiến lược khi hai bên mở rộng quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ, văn hoá giáo dục, giao lưu nhân dân... Đồng thời, đánh giá cao Chương trình Hành động Việt Nam – Niu Di-lân đến năm 2020 và cùng nhau hợp tác triển khai hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao Niu Di-lân là nước có vai trò năng động trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện nay mà Việt Nam và Niu Di-lân đều là thành viên và đã được ký kết ngày 8/3/2018. Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ tạo ra không gian hợp tác kinh tế mới, rộng lớn hơn cho hợp tác song phương mang tính bổ sung cho nhau giữa hai nước.
Trong 10 năm qua, quy mô thương mại hai nước đã tăng 3 lần, năm 2017 đạt hơn 900 triệu USD. Với Hiệp định CPTPP thế hệ mới có nhiều tiêu chuẩn cao, cân bằng lợi ích sẽ giúp hai bên có thể phát huy những thế mạnh của mình nhằm tăng kim ngạch lên 1,7 - 2 tỷ USD vào năm 2020.
Trong đầu tư song phương, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn chưa xứng với tiềm năng kinh tế và quan hệ hữu nghị tốt đẹp của hai nước. Niu Di-lân hiện có 30 dự án với tổng số vốn 100 triệu USD đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có có 07 dự án với khoảng 30 triệu USD vốn đầu tư vào Niu Di-lân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, Hiệp định CPTPP sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước tăng cường liên kết, đẩy mạnh đầu tư trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như khai khoáng, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, giáo dục và đào tạo… Đồng thời cho biết, lượng khách du lịch Niu Di-lân sang Việt Nam ngày càng tăng, năm 2017 đạt 50.000 du khách, tăng 15,5%. Hợp tác thương mại, đầu tư phát triển mạnh mẽ sẽ kéo theo phát triển của hợp tác giáo dục, du lịch và giao lưu của người dân hai nước sẽ tăng nhanh thời gian tới, đây là cơ hội cho sự hợp tác của doanh nghiệp hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam được coi là điểm sáng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu vực. Hiện có gần 25 nghìn dự án đầu tư FDI với số vốn đăng ký 320 tỷ USD của các nhà đầu tư từ 125 quốc gia, đối tác đang hoạt động tại Việt Nam. Trong năm 2017, Việt Nam đã thu hút trên 35 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Hiện có nhiều tập đoàn quốc tế lớn đang đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Môi trường đầu tư tại Việt Nam không ngừng được cải thiện với nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống hạ tầng đang được nâng cấp mạnh mẽ, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn... Theo Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam xếp hạng 68/190quốc gia, tăng 30 bậc so với năm 2012. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 20 bậc, đứng thứ 55/137 nước. Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2017 từ “ổn định” lên “tích cực”.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI
|
Với mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, bao trùm, Việt Nam nỗ lực đến năm 2020, GDP tăng bình quân 6,5-7%/năm, quy mô GDP đạt 320-350 tỷ USD, kim ngạch thương mại khoảng 600 tỷ USD...
Để đạt được các mục tiêu phát triển, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục khắc phục những yếu kém, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực... Khơi dậy mọi tiềm năng, kết hợp hài hòa sự năng động của khu vực tư nhân trong nước với tiềm lực của khu vực FDI nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiềm năng hợp tác Việt Nam – Niu Di-lân, đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Niu Di-lân đầu tư thành công, bền vững, lâu dài tại Việt Nam./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư