Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/03/2018-12:07:00 PM
Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng (Xem tin ảnh)
(MPI) - Trong những năm qua, với việc thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và các năm tiếp theo, ngày 15/3/2018, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Chính phủ Ô-xtrây-li-a và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị quốc tế “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014 - 2017 và giới thiệu những nội dung, nhiệm vụ năm 2018 và các năm tiếp theo: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân hướng tới 2035; Kết quả cải cách, những vấn đề còn tồn tại và tìm kiếm các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp; Các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch và logistics nhằm hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua, đáng chú ý là việc liên tục ban hành Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, mà trọng tâm là cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Điểm nổi bật của Nghị quyết số 19 là lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu. Đồng thời, xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế. Điều này thể hiện cách tiếp cận mới của Chính phủ, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, tham gia thực hiện và tích cực ủng hộ. Đồng thời cũng giúp Việt Nam đo lường, theo dõi được mức độ cải thiện, khoảng cách về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế. Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay. Ngoài ra, năm 2017, Moody’s, Standards and Poor’s và Fitch cũng đã tăng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, trong đó Moody’s và Fitch nâng xếp hạng từ ổn định lên tích cực.

Tuy vậy, những cải thiện nói trên về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp so với các nước trong khu vực và hầu như không có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua. Một số chỉ số quan trọng khác thậm chí còn tụt hạng như: Hiệu quả thị trường hàng hóa, chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục, trình độ phát triển kinh doanh và đổi mới công nghệ chậm cải thiện. Khởi sự kinh doanh xếp thứ 123. Giải quyết phá sản doanh nghiệp xếp thứ 129. Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản liên tục giảm bậc kéo dài 57,5 ngày và hiện xếp thứ 63. Giải quyết tranh chấp hợp đồng kéo dài 400 ngày và xếp thứ 66.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Đưa ra các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh cho năm 2018 và các năm tiếp theo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để củng cố thêm những kết quả đạt được, trong dự thảo Nghị quyết số 19-2018, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, cải cách mạnh mẽ hơn để đạt kết quả đồng đều và tác động thực chất, toàn diện hơn. Trong đó, về chỉ số sẽ tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn đối với các chỉ số mà thứ hạng điểm số còn thấp, không cải thiện đáng kể trong mấy năm qua, nhất là Khởi sự kinh doanh, Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, Giao dịch thương mại qua biên giới. Đồng thời, phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn đối với Tòa án nhân dân tối cao để có cải thiện đáng kể chỉ số Giải quyết phá sản doanh nghiệp và Giải quyết tranh chấp hợp đồng. Hoàn thành mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 – 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Về kiểm tra chuyên ngành, mục tiêu của Nghị quyết là hoàn thành về cơ bản mục tiêu giảm số hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan xuống còn tối đa 10%, hoàn thành cơ bản mục tiêu giảm ít nhất 1/2 danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, áp dụng phổ biến cách thức quản lý dựa trên mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch để ngành này từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logictics để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trọ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế: Giảm chi phí logictics xuống mức bằng khoảng 18% GDP, cải thiện Chỉ số Hiệu quả logictics thêm khoảng 10 bậc.

Theo Dự thảo, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung ứng tất cả các dịch vụ hành chính công ở cấp độ 3, 4 và phải kết nối tất cả các thủ tục hành chính qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cùng với đó, Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp đánh giá, khảo sát thực tế, cung cấp bằng chứng và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đầy đủ các mục tiêu của Nghị quyết.

Tại Hội nghị, bà Catherine Masinde, Trưởng ban Kinh doanh Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư của Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ về những kinh nghiệm và bài học cải cách từ Hàn Quốc, một trong bốn nền kinh tế trên thế giới đạt điểm toàn phần về chỉ số tự động hóa tòa án. Nghiên cứu tình huống về tăng cường khung pháp lý xử lý mất khả năng thanh toán tại Thái Lan và đăng ký kinh doanh một cửa tại Macedonia. Bà Catherine Masinde khuyến nghị, tầm nhìn cấp cao phải biến thành các mục tiêu hoạt động và kế hoạch hành động chi tiết tại các cấp, cần có một hệ thống tương tác minh bạch và hiệu quả giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, báo cáo thường kỳ, có cơ chế báo cáo lên trên/hòa giải tại các cấp để hỗ trợ thực hiện. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi, học hỏi lẫn nhau, ưu đãi tài chính, khen thưởng, kết quả hoạt động của khu vực công, quyết tâm của công chúng, báo cáo kết quả hằng năm/hai năm, có sự tham gia của khu vực tu nhân vào xây dựng chương trình, xác định ưu tiên, có cơ chế lấy ý kiến về các luật mới, phản hồi, khảo sát người dùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Hơn 20 năm qua, mặc dù Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh thứ hai thế giới, nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã được hoàn thành, nhưng thu nhập đầu người của Việt Nam vẫn đứng ở vị trí khoảng 125, chỉ số phát triển nguồn nhân lực vẫn đứng ở khoảng 115 - 120 trên thế giới, năng suất lao động Việt Nam rất thấp. Do vậy, để phát triển bền vững, năng suất lao động, thu nhập tính trên đầu người cao hơn, bên cạnh việc đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, các yếu tố nâng cao năng suất tổng hợp… thì quan trọng nhất là Việt Nam phải cơ cấu lại lao động.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, qua kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 19 giai đoạn 2014 - 2017, năm 2018 phải khắc phục tình trạng không đồng đều giữa các Bộ, ngành, địa phương và “trên nóng, dưới lạnh” ở ngay trong một số Bộ, ngành. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn các tổ chức quốc tế cùng với các Bộ, ngành của Việt Nam xây dựng cơ chế cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ để có các báo cáo đánh giá khách quan, khoa học. Đồng thời, tăng cường kết nối các diễn đàn, hội nghị có cùng chủ đề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm vào một số công việc cụ thể, tạo chuyển biến mang tính đột phát ban đầu, lan tỏa./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 5136
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)