(MPI Portal) – Ngày 09/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết địnhsố 1831/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Nâng cao chất lượng dân số và phát triển nhân lực là một trong những trọng điểm của chiến lược phát triển, là chính sách xã hội cơ bản, là hướng ưu tiên hàng đầu trong toàn bộ chính sách kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bắc Ninh nói riêng khi chuyển sang giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa về kinh tế.
|
Nhà máy Sam Sung ở Bắc Ninh
|
Quan điểm phát triển
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và quy hoạch xây dựng vùng Hà Nội.
Phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về vị trí cửa ngõ, nguồn nhân lực để phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.
Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc số của người dân.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Mục tiêu phát triển nhân lực
Mục tiêu tổng quát: xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh phát triển bền vững, hài hòa giữa khu đô thị và nông thôn, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó đô thị lõi Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I. Đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về hạ tầng kỹ thuật để tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ 21.
Mục tiêu cụ thể:Mục tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 201-2030 đạt khoảng 10,5%, trong đó giai đoạn đến 2015 là 13%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2030 chiếm 33-35% GDP. GDP bình quân đầu ngườiđến năm 2020 đạt khoảng 146,2 triệu đồng và định hướng đến 2030 là 346,7 triệu.
Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực
Phát triển công nghiệp bền vững với tốc độ nhanh làm động lực phát triển kinh tế của tỉnh; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 11,9% và giai đoạn 2021-2030 là 6,8%.
Phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng khoảng 12,8% và giai đoan 2021-2020 đạt 13,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2020 đạt 90.000 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 14,8%/năm.
Về nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích đất, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ổn định diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 625 ha với kết cấu rừng bền vững, nhiều tầng tán.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường; Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; Kết hợp phát triển kinh tê - xã hội với quốc phòng an ninh cũng được Quyết định đề cập và đưa ra mục tiêu trong quy hoạch, kế hoạch và từng chương trình phát triển trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Phương hướng tổ chức không gian phát triển
Tổ chức không gian lãnh thổ thành 02 vùng để phát triển, đó là Khu vực Bắc sông Đuống và Khu vực Nam sông Đuống.
Hệ thống phân bố dân cư thống nhất trên cơ sở mô hình phát triển “Chùm đô thị hướng tâm, nhất thể hóa đô thị nông thôn” gồm: 01 đô thị lõi trung tâm Bắc Ninh, 03 đô thị vệ tinh cùng 02 vùng dân cư nông thôn đảm bảo cho người dân sống ở các điểm dân cư nông thôn được hưởng dụng các tiện ích công cộng có chất lượng cuộc sống gần với đô thị.
Các giai pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch
Có bốn nhiệm vụ chủ yếu mang tính đột phá
1. Chuyển dịch và thu hút đầu tư công nghiệp theo hướng có chọn lọc bên cạnh việc đảm bảo ổn định cho các loại hình công nghiệp đã hình thành; trong giai đoạn tới tập trung thu hút các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ thông tinđể sớm đưa Bắc Ninh lên nấc thang cao hơn của một nền công nghiệp theo hướng hiện đại.
2.Phát triển một số loại hình dịch vụtheo hướng liên kết mở, liên vùng, liên tỉnh, nhằm phát huy lợi thế vị trí cửa ngõ Đông Bắc của vùng Hà Nội, nằm trên hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội -Hải Phòng. Trong đó tập trung phát triển mạnh các loại hình dịch vụ gắn với công nghiệp đó là dịch vụ trung chuyển hàng hóa, dịch vụ đô thị, dịch vụ tài chính ngân hàng.
3.Ưu tiên phát triển đô thị lõi Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du trở thành các đô thị hạt nhân có sức hút, mức độ tập trung cao, hệ thống hạ tầng hoàn thiện, để thu hút các loại hình dịch vụ chất lượng cao, đảm bảo năng lực cạnh tranh.
4.Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh, trọng tâm là hình thành đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, có cơ chế chính sách bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng nhân tài làm việc và cống hiến tại địa phương.
Tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt sẽ là phương hướng cơ bản, là căn cứ quan trọng để các ngành, các cấp thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình và các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tiến hành sản xuất kinh doanh góp phần thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh thời kỳ 2011 - 2020.
Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ giúp tỉnh Bắc Ninh trong quá trình thực hiện quy hoạch; Phối hợp với tỉnh Bắc Ninh trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; xem xét, hỗ trợ tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch. Đẩy nhanhđầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất Vùng và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bắc Ninh đã được quyết định đầu tư./.
Đức Trung
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kê hoạch và Đầu tư