Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Ngày 26/3/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 337/QĐ-BKHĐT về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
ĐBSCL là vùng có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước đóng góp trên 50% tổng sản lượng lúa, hơn 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, trên 40% sản lượng thủy sản đánh bắt và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu và các hoạt động kinh tế - xã hội thượng nguồn sông Mê Công đang diễn ra quá nhanh, phức tạp vượt xa những kịch bản dự báo trước kia, cùng với những bất cập trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng và quản lý thực hiện dẫn đến các tác động ở mức nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL.
Căn cứ nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Kế hoạch nhằm xác định các nội dung công việc cụ thể, thời hạn, tiến độ hoàn thành, kết quả đầu ra, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đề cao trách nhiệm và đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, có hiệu quả giữa các đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Nghị quyết, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Nghị quyết.
Cụ thể, trên cơ sở các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ sẽ xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo phương pháp tích hợp đa ngành dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước Quý III/2020. Trong đó, tổ chức lập Nhiệm vụ và Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật quy hoạch số 21/2017/QH14 trong khuôn khổ của tiểu dự án 6 “Đề án phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL”, thuộc Hợp phần 1 của Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL”, vay vốn của Ngân hàng Thế giới…
Rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối vùng theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 về ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến trước tháng 12/2018 trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng ĐBSCL, trong đó có việc thành lập Hội đồng điều phối vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng, nông sản, thủy sản của vùng…
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, người dân vào phát triển hạ tầng; Tập trung xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm sử dụng hiệu quả số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Hoàn thiện chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; Tổng kết Kế hoạch triển khai Kết luận 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng, vùng ĐBSCL đến năm 2020.
Ngoài ra, Bộ còn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện chính sách về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và triển khai thực hiện đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020”…
Theo Kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ triển khai các nhiệm vụ theo đúng thời hạn, đảm bảo tiến độ được giao, báo cáo trình Bộ trưởng xem xét quyết định trước tháng 11/2018 và trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 12/2018./.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư