(MPI) – Theo bảng tổng hợp của Văn phòng Chính phủ về kết quả triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành 05/05 nhiệm vụ được giao.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 36a/NQ-CP, một số chỉ tiêu đặt ra không hoàn thành như chỉ tiêu các bộ, ngành có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4 theo danh mục được ban hành và chỉ tiêu đến hết năm 2016 Việt Nam nằm trong nhóm 4 của ASEAN về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Trong 73 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương được giao tại Nghị quyết, có 53 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, đạt tỷ lệ 72,6%. Một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng triển khai còn chậm, chưa có kết cụ thể.
Nghị quyết số 36a/NQ-CP đặt ra hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện đến hết năm 2017, một số nhiệm vụ chưa hoàn thành và thời hạn không còn phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, 17 nhiệm vụ cụ thể theo Nghị quyết số 01/NQ-CP giao các bộ, ngành đang tích cực triển khai, các nhiệm vụ này mới được giao và thời hạn hoàn thành trong năm 2018.
Xây dựng Chính phủ điện tử được xác định là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo. Trong năm 2018, Chính phủ đã đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xử lý hồ sơ công việc trên mạng máy tính; thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; nâng cao chỉ số về Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.
Theo bảng tổng hợp kết quả triển khai các nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành 05/05 nhiệm vụ được giao. Trong đó, về tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư qua mạng điện tử, trong quý I/2018, tỷ lệ hồ sơ đăng lý doanh nghiệp qua mạng điện tử cả nước đạt 58,01%, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2017 (thành phố Hà Nội đạt 99,62% tăng hơn 37% và thành phố Hồ Chí Minh đạt 64,84% tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước). Số hồ sơ đăng lý đầu tư là 2.280, trong đó số hồ sơ kê khai qua mạng là 803 hồ sơ, đạt tỷ lệ 35,2%.
Về việc thực hiện đấu thầu mua sắm công qua mạng, số hồ sơ đăng ký mới của bên mời thầu và nhà thầu lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia quý I/2018 có 4.399 hồ sơ, trong đó đã phê duyệt 2.263 nhà thầu, 742 bên mời thầu và 1.394 hồ sơ chưa được phê duyệt do chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ gói thầu chào hàng cạnh tranh thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng trên toàn quốc đạt 8% (20/249 gói thầu). Tỷ lệ gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng là 35/430 gói thầu, đạt tỷ lệ 8%.
Thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 01/NQ-CP về ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, xử lý công việc thông qua việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử công vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc thống nhất tại tất cả các đơn vị trực thuộc. Hệ thống này và trục liên thông của Bộ đã được liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia để thực hiện việc gửi nhận văn bản điện tử với các cơ quan. Đồng thời, để đẩy mạnh việc xử lý công việc, ngày 15/01/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BKHĐT về việc triển khai chỉ đạo, điều hành qua mạng trên Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư