Hội nghị chuyên đề quốc tế về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2013 do các bộ có liên quan của Indonesia, đứng đầu là Bộ Ngoại giao tổ chức, đã khai mạc sáng 6/12 tại Khách sạn Marriott ở thủ đô Jakarta.
Tham dự diễn đàn có các quan chức cấp đạo đại diện cho các nước thành viên APEC, nhiều học giả đến từ các trường đại học và trung tâm nghiên cứu và đại diện các tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Hội nghị trên, kéo dài hai ngày, tập trung trao đổi và thảo luận về các vấn đề định hướng phát triển của APEC, tăng trưởng bền vững và hướng tới một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hội nhập và gắn kết hơn.
Phát biểu khai mạc, Tổng Vụ trưởng Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Indonesia, đồng thời là đại diện của Indonesia tại APEC, ông Yuri Octavian Thamrin cho biết hội nghị còn giúp Indonesia chuẩn bị tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch APEC năm 2013, đồng thời đưa ra được những đóng góp cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách của APEC.
Ông Thamrin cũng giới thiệu trọng tâm ưu tiên của Indonesia trong năm Chủ tịch APEC 2013 là duy trì động lực hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên và thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở nên linh hoạt hơn.
Qua trao đổi và thảo luận, các đại biểu nhất trí rằng hội nhập kinh tế khu vực vẫn tiếp tục là mục tiêu cốt lõi của APEC; quá trình hội nhập hướng tới tự do đầu tư và thương mại của APEC cho đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, với việc các hàng rào thuế quan đã giảm mạnh, mức thuế trung bình của APEC hiện chỉ còn chưa đến 6%, mạng lưới sản xuất toàn cầu đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và hầu hết các sản phẩm của chuỗi dây truyền này không còn phải đối mặt với các rào cản biên giới, trừ một số mặt hàng nông sản nhạy cảm đưọc sản xuất với công nghệ thấp.
APEC đã hài hòa tốt hơn các thủ tục hải quan và các thỏa thuận hợp tác được các nước thành viên đã giúp tiết kiệm chi phí nhiều tỷ USD mỗi năm.
Sự mở cửa của châu Á-Thái Bình Dương với thế giới bên ngoài đang thúc đẩy hội nhập kinh tế định hướng thị trường trong khu vực.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập này, APEC cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như mức độ hội nhập chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của sản xuất và thương mại quốc tế; đầu tư quốc tế vào các cơ sở sản xuất gia tăng cùng với sự xuất hiện nhiều hình thức thương mại quốc tế đòi hỏi phải có những chính sách mới phù hợp hơn về cạnh tranh, đầu tư, quyền lợi, quyền sở hữu trí tuệ; hiệu quả mạng lưới sản xuất của APEC còn hạn chế bởi nhiều sự khác biệt không cần thiết trong các quy định kinh tế cũng như sự chênh lệch lớn về cơ sở hạ tầng giữa các nước thành viên; vẫn còn nhiều rào cản biên giới hạn chế đầu tư và thương mại; APEC còn cần phải cải thiện hơn nữa mạng lưới kết nối và nâng cao hiệu quả của các cảng biển và cảng hàng không, chưa kể đòi hỏi hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn nữa về mặt tài chính để thúc đẩy đầu tư và hội nhập kinh tế khu vực.
Về định hướng phát triển của APEC, hội nghị cho rằng bên cạnh việc mở cửa và tự do thương mại và đầu tư, APEC cấn nhấn mạnh đến việc xây dựng sự kết nối trong khu vực, đến hội nhập toàn diện trong các lĩnh vực thương mại, kể cả thương mại điện tử, đầu tư, tài chính, dòng chảy nguồn nhân lực và đưa ra được những quy định, chính sách minh bạch, hiệu quả và nhất quán về cạnh tranh, mua sắm của chính phủ, công nhận lẫn nhau các tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn.
Đáng chú ý là các đại biểu đã nêu bật những bài học, kinh nghiệm từ quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế (AEC) của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có việc đưa ra các nguyên tắc ứng xử và kế hoạch chi tiết cho AEC, coi việc hoàn thành chương trình kết nối khu vực là một trong những cột trụ cho sự ra đời AEC...
Hội nghị khẳng định APEC có thể tiếp tục giúp thúc đẩy hợp tác và hội nhập kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cũng như sự phát triển của các nền kinh tế thành viên thông qua việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu hội nhập cụ thể và thực tế cho hai thập kỷ tới./.