Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/06/2021-17:10:00 PM
Hội nghị Bộ trưởng APEC về cải cách cơ cấu 2021 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Sáng ngày 16/6/2021 đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng APEC về cải cách cơ cấu 2021 theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Người tiêu dùng Niu Di-lân David Clark. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Hội nghị tại Điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Người tiêu dùng Niu Di-lân David Clark. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Người tiêu dùng Niu Di-lân David Clark cho rằng, cải cách cơ cấu đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi nền kinh tế để đưa ra các thay đổi phát triển trong thời gian dài hạn. Đẩy mạnh cải cách để phù hợp với người dân, doanh nghiệp, phát triển bền vững và bao trùm hơn, tăng cường tính chống chịu trước những khó khăn, thách thức trong tương lai. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những tác động khác nhau tới nền kinh tế toàn cầu và toàn khu vực, việc tăng cường thực hiện chiến lược của APEC về cải cách cơ cấu trong giai đoạn 2021-2025 là cần thiết để đẩy mạnh phát triển bền vững, đổi mới, an toàn và cải thiện khả năng chống chịu trong thời gian tới cho các nền kinh tế APEC. Ngoài ra, việc xem xét những giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu để đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường cũng là điều cần thiết.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao nỗ lực của chủ nhà Niu Di-lân trong việc tổ chức Hội nghị và cho rằng, Hội nghị đã được tổ chức rất kịp thời trong bối cảnh các thành viên APEC đang tìm kiếm những hướng đi mới, những yêu cầu cải cách mới để đảm bảo vừa phục hồi, vừa tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc trong tương lai.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Việt Nam hiện đang triển khai những chương trình, sáng kiến mới hướng tới phục hồi tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn 2021-2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được nhiều hỗ trợ từ các thành viên APEC để thực hiện các sáng kiến cải cách tại Việt Nam, điển hình là dự án Ốt-xtrây-lia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam giai đoạn 2017-2021 đã giúp các Bộ, ngành liên quan thực hiện những cải cách cơ cấu quan trọng trên những lĩnh vực môi trường kinh doanh, chính sách cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp,… được Chính phủ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Hướng tới thúc đẩy hợp tác trong APEC về cải cách cơ cấu trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, cải cách cơ cấu giữ vai trò rất quan trọng ngay cả khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Từ những kinh nghiệm của Việt Nam và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nỗ lực duy trì đà cải cách ngay cả trong những thách thức và khó khăn sẽ phát huy tác động tích cực nhất đối với quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang thực hiện, nghiên cứu điều chỉnh và thúc đẩy các sáng kiến cải cách hướng tới tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu gây ra các hệ lụy tiêu cực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, xây dựng các ý tưởng, sáng kiến mới như Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình phát triển kinh tế có sức chống chịu với biến đổi khí hậu.

Giới thiệu vắn tắt nội dung của Chương trình Nghị sự mở rộng của APEC về cải cách cơ cấu (EAASR), Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đồng thời là Trưởng nhóm Nhóm hành động cải cách cơ cấu của Chương trình nghị sự mới của APEC Nguyễn Anh Dương cho biết, EAASR hướng tới đóng góp mục tiêu tổng thể của APEC về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, cân bằng, bao trùm, sáng tạo và bền vững bằng cách tạo môi trường thuận lợi cho thị trường mở, minh bạch và cạnh tranh; thúc đẩy phục hồi kinh doanh và khả năng chống chịu các cú sốc trong tương lại; đảm bảo các nhóm trong xã hội tiếp cận bình đằng với các cơ hội hướng tới tăng trường bền vững hơn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ và kỹ năng mới để cải thiện năng suất và mức độ số hóa.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Tại Hội nghị, các đại diện của APEC có những chia sẻ và quan điểm về việc cải cách cơ cấu. Cụ thể, gồm có chia sẻ về việc giảm thiểu khí thải carbon, hiệu ứng nhà kính nhằm bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế mở của Trung Quốc; Phát triển hạ tầng xanh và áp dụng công nghệ để thúc đẩy nền kinh tế số hòa và bền vững môi trường của Hồng Kông - Trung Quốc; Tăng cường và trao quyền cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và giảm thiểu rác thải đại dương và các hộ gia đình của In-đô-nê-xi-a; Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế xanh của Nhật Bản; Phát triển kinh tế, xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ trong nước, thực hiện hiệu quả gói kích cầu để tạo lá chắn trước các thách thức và khó khăn của dịch Covid-19 của Niu Di-lân; Xây dựng kế hoạch để thực hiệu quả các mục tiêu đề ra như giảm thiểu rác thải và hiệu ứng nhà kính của Thái Lan; Tạo việc làm cho người dân và xây dựng chương trình có sức chống chịu khí hậu, hồi phục nền kinh tế xanh của Hoa Kỳ./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3319
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)