Ảnh minh họa Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Quyết định áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại Việt Nam.
Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật CNC, cụ thể:
- Ứng dụng CNC thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 5 của Luật CNC để sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
- Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC của doanh nghiệp đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hàng năm.
- Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng CNC, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đạt ít nhất 0,5%; số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đạt ít nhất 2,5%.
- Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấpGiấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận của doanh nghiệp và trình UBND cấp tỉnh xem xét quyết định công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.
Trình tự cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC
Theo quy định, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ, quyết định thành lập Tổ thẩm định hồ sơ công nhận doanh nghiệp ứng dụng CNC (Tổ thẩm định) đối với các hồ sơ hợp lệ hoặc có văn bản thông báo cho doanh nghiệp về việc hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ; thời gian doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định. Thành phần Tổ thẩm định có từ 7 đến 9 thành viên, gồm: Tổ trưởng là đại diện lãnh đạo và 1 thư ký là chuyên viên thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các thành viên khác gồm đại diện các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; ngoài ra có thể mời thêm một số chuyên gia có liên quan.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc sau khi có quyết định thành lập, Tổ thẩm định tiến hành họp thẩm định hồ sơ khi có ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt. Tổ thẩm định có trách nhiệm đánh giá hồ sơ do doanh nghiệp lập về tính đầy đủ, chính xác, đáp ứng các điều kiện theo quy định; lập biên bản họp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày họp, trên cơ sở kết quả họp Tổ thẩm định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND cấp tỉnh xem xét quyết định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết quả tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và gửi cho doanh nghiệp, trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
UBND cấp tỉnh cấp, thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh; quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; kiến nghị địa phương khác hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trường hợp Giấy chứng nhận do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp) thu hồi Giấy chứng nhận khi doanh nghiệp vi phạm trên địa bàn tỉnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quyết định này; cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt quá thẩm quyền./.
Minh Hiển
Cổng thông tin điện tử Chính phủ