(MPI Portal) – Ngày 06/12, Hội nghị cấp chuyên viên (SOM) lần thứ 8 khu vực Tam giác phát Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV) đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của, ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam - Trưởng SOM Việt Nam, ông PAN Sorasak, Quốc Vụ khanh, Bộ Thương mại Campuchia - Trưởng SOM Campuchia và ông Bounkeut SÁNGOMSAK, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào - Trưởng SOM Lào.
|
Trưởng SOM Việt Nam, ông Cao Viết Sinh – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Cao Viết Sinh cho rằng, hai năm qua, kể từ sau Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 6 tổ chức vào tháng 11/2010 tại thủ đô Phnôm Pênh, với sự nỗ lực hợp tác của 3 nước, việc xây dựng Tam giác phát triển đã đạt được những kết quả quan trọng trong nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh và ổn định chính trị trong khu vực.
Tuy nhiên, quá trình hợp tác giữa 3 nước cũng chưa thực sự tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực. Có thể thấy, các công trình hợp tác về phát triển kết cấu hạ tầng còn chậm so với kế hoạch và quy hoạch đề ra. Nguồn lực dành cho đầu tư phát triển của mỗi nước còn rất hạn hẹp, nguồn hỗ trợ từ bên ngoài không lớn; hợp tác thương mại và đầu tư còn những bất cập; các chính sách thuế, thủ tục đầu tư chưa được nhất quán, cơ sở hạ tầng chưa thuận lợi…
Hội nghị SOM lần này có nhiệm vụ đánh giá tình hình triển khai những cam kết của 3 Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao năm 2010, nhìn nhận những thành tựu, chỉ ra những khó khăn, thách thức, từ đó đề xuất những biện pháp khắc phục và phương hướng hợp tác trong thời gian tới tại 13 tỉnh trong khu vực.
|
Toàn cảnh Hội nghị cấp chuyên viên CLV. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Qua các báo cáo và thảo luận tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều nhất trí với đánh giá của Nhóm Kỹ thuật CLV với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Ông Cao Viết Sinh cũng đánh giá cao kết quả đạt được trong quá trình thực hiện quy hoạch tại 13 tỉnh Khu vực Tam giác phát triển CLV và nhất trí với các kiến nghị chung đề ra trong quy hoạch.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị để đẩy nhanh việc quy hoạch tổng thể và một số giải pháp quan trọng cần triển khai thực hiện ngay để gửi tới Hội nghị Ủy ban điều phối chung, trong đó tập trung có các vấn đề chính như:
- Trình 3 Thủ tướng ba nước CLV giao Ủy ban điều phối của 3 nước rà soát lại các hiệp định song phương, các hiệp định khu vực, và các bản ghi nhớ hiện có; xây dựng 1 hiệp định về xúc tiến và tạo điều kiện thuận lợi về thương mại giữa các nước Campuchia – Lào – Việt Nam cho Khu vực Tam giác phát triển CLV để ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh CLV lần thứ 8.
- Tổ chức một Hội nghị Hợp tác phát triển trong năm 2013 để hỗ trợ tài chính nhằm thực hiện quy hoạch tổng thể Khu vực Tam giác phát triển CLV..
- Để tạo điều kiện cho việc quá cảnh hàng hóa và khách du lịch qua khu vực Tam giác phát triển CLV, kiến nghị Ủy ban điều phối chung giao nhiệm vụ cho các cơ quan có thẩm quyền về vận tải giữa 3 nước trong khu vực Tam giác phát triển CLV và tổ chức một đoàn chung của 3 nước đến nghiên cứu khảo sát mô hình cặp cửa khẩu Lao Bảo – Đenxavằn để áp dụng vào các cặp cửa khẩu Trapeang (Campuchia) – Nong Nok Khỉane (Lào) và Trapeang Sre (Campuchia) – Hoa Lư (Việt Nam).
|
Trưởng SOM Vương quốc Campuchia – ông PAN Sorasak phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Hội nghị đã được nghe báo cáo tóm tắt của ông PAN Sorasak - Trưởng SOM Campuchia về việc triển khai chính sách đặc biệt cho Khu vực Tam giác phát triển được 3 bộ trưởng ký vào tháng 11/2010 tại Phnôm Pênh.
Đa số các đại biểu cho rằng, quá trình triển khai các chính sách đặc biệt này vẫn còn một số hạn chế như: Một số cửa khẩu không giải quyết thủ tục hàng hóa vào ngày thứ 7 và chủ nhật vì vậy gây khó khăn cho doanh nghiệp vì hàng tồn đọng tại cửa khẩu khiến cho chi phí tăng lên; Tại một số cặp cửa khẩu giáp biên, hải quan các bên còn chưa có những thông tin nóng hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác phòng chống buôn lậu mà mới chỉ trao đổi thông tin ở mức cơ bản liên quan đến hoạt động doanh nghiệp; Một số cặp cửa khẩu được nâng lên cửa khẩu quốc tế từ nhiều năm nay nhưng cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của cửa khẩu.
Về hợp tác CLV với Nhật Bản, sau Hội nghị Bộ trưởng CLV với Nhật Bản lần thứ 3 tại Cebu, Philippines, ngày 12/01/2007, Nhật Bản tuyên bố dành 20 triệu USD cho Khu vực Tam giác phát triển. Đến nay, các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bước đầu mang lại những kết quả khả quan và thiết thực cho người dân hưởng lợi trong vùng dự án.
|
Trưởng SOM Lào tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Ngoài khoản viện trợ 20 triệu USD đã được triển khai hoàn tất. Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Mê Công – Nhật Bản lần thứ 4, ngày 30/8/2012, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Siêm Riệp, Campuchia. Việt Nam đã có ý kiến đề nghị tăng cường hỗ trợ cho các nước CLV và đã nhận được sự đồng thuận của các bên cùng tham dự.
Trong thời gian tới Ủy ban điều phối chung Khu vực Tam giác phát triển cần tiếp tục vận động các nguồn tài trợ từ phía Nhật Bản để đóng góp vào sự phát triển cơ sở hạ tầng phần cứng, thuận lợi hóa thương mại và hành lang kinh tế Đông Tây.
Liên quan đến hoạt động của Trang thông tin điện tử khu vực Tam giác Phát triển (địa chỉ https://clv-development.org), để nâng cao chất lượng và hiệu quả, Trưởng SOM Việt Nam đề nghị phía Campuchia và Lào quan tâm hơn nữa đến việc thường xuyên cập nhật tin tức, đặc biệt là phía Lào rất ít đưa thông tin. Trong thời gian tới, các nhóm phụ trách nội dung của ba nước cần thường xuyên trao đổi, phối hợp để Trang thông tin điện tử này có nội dung phong phú, kịp thời đưa tin đến người xem, đặc biệt là các nhà đầu tư quan tâm đến khu vực Tam giác phát triển.
|
Trưởng SOM 3 nước chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 9, Hội nghị các Tiểu ban, Hội nghị nhóm chuyên viên CLV cộng Nhật Bản và Hội nghị SOM năm 2013 sẽ được tổ chức tại Campuchia./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư