Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/04/2018-11:00:00 AM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Chương trình hành động về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
(MPI) – Ngày 30/3/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-BKHĐT về Chương trình hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến năm 2020 và năm 2030 triển khai Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-TW ngày 03/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Chương trình hành động được ban hành với mục đích xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020 và năm 2030. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp.

Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Cụ thể, để cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo từng giai đoạn 2017-2020 và danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 theo nguyên tắc: Tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; Những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; Những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; Giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị một cách thực chất và thu hút nhà nước có năng lực thực sự; Tối đa hóa giá trị bán vốn nhà nước theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, định kỳ hằng năm tiến hành rà soát thực hiện sắp xếp chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước theo hướng các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của các lĩnh vực: An ninh, quốc phòng, độc quyền tự nhiên, cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu, và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn. Các doanh nghiệp nhà nước còn lại có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là công ty cổ phần.

Theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước thực hiện công bố thông tin theo quy định để đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước thật sự vận hành theo cơ chế thị trường

Để tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để phát triển doanh nghiệp, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo hướng xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho doanh nghiệp nhà nước, đối xử bất bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế…

Nghiên cứu, ban hành cơ chế để phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất cung ứng và chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới. Hạn chế tình trạng sản xuất kinh doanh khép kín, cục bộ, không minh bạch trong doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Thực hiện nghiêm túc Luật đấu thầu, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu, chỉ áp dụng đối với dự án về quốc phòng và an ninh quốc gia hoặc dự án có tính đặc thù riêng.

Hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, trong đó tập trung Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật phá sản, Bộ luật Lao động…, các cơ chế, chính sách về doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước, đặc biệt là các cơ chế, chính sách về tập đoàn kinh tế, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước phù hợp vói chủ trương, đường lối của Đảng, tình hình thực tế và kinh nghiệm đúc kết được trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo các điều kiện về Ủy ban quản lý vốn nhà nước đi vào hoạt động nhằm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, yêu cầu: thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; Phê duyệt và giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành… Ngoài ra, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân địa phương rà soát, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP để xây dựng báo cáo định kỳ gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Tại Quyết định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phân công rõ trách nhiệm cho Thủ trưởng các đơn vị trong Bộ trong việc tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo đảm thực hiện kịp thời và hiệu quả những nội dung của Chương trình hành động…/.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 916
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)