(MPI) - Ngày 25/5/2018, tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thể hiện đồng tình, thống nhất cao đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình tại Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn
|
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã phân tích, làm rõ thêm một số nội dung để thấy nguyên nhân của những hạn chế, từ đó có giải pháp chính xác, kịp thời trong quá trình chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đảm bảo hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm 12/13 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng như Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân đều vượt mục tiêu đề ra. Xuất khẩu, nhập siêu, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực. Khu vực công nghiệp, chế biến, chế tạo đã có bước phát triển mạnh mẽ và đang trở thành động lực chính để đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế. Tăng trưởng đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu thô, than đá.
Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế. Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới đã được cải thiện đáng kể, như chỉ số về môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc. Xếp hạng về triển vọng của Việt Nam được nâng từ mức ổn định lên mức tích cực.
Niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố, nhất là kết quả nổi bật của công cuộc phòng, chống tham nhũng, kỷ luật, kỷ cương ngày càng được tăng cường, đem lại không khí phấn khởi, lạc quan, hy vọng về một tương lai tốt đẹp của đất nước trước những chuyển biến mạnh mẽ của quốc tế.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về diễn biến tăng trưởng kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP theo quý của năm 2018 sẽ không duy trì mô hình truyền thống quý sau cao hơn quý trước mà có xu hướng giảm dần. Quý I tăng cao một phần do được so sánh với mức thấp của quý I năm 2017, trong đó các quý còn lại của năm 2018 chưa định hình yếu tố bứt phá rõ ràng như năm 2017, đồng thời phải so sánh với mức khá cao của các quý cuối năm 2017. Điều này dẫn tới tâm lý sớm hài lòng và có thể làm mất đi động lực và niềm tin, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ giải pháp đề ra, hoặc kỳ vọng vào mức tăng trưởng cao ở các quý cuối năm nếu theo mô hình truyền thống.
Để khắc phục vấn đề trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiên định thực hiện nhiệm vụ giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CPcủa Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đồng thời tăng cường giải pháp bổ sung, đáp ứng diễn biến tình hình thực tế và chủ động quyết tâm xây dựng thực hiện mục tiêu, kịch bản tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 ở mức cao là 6,7%.
Về chất lượng tăng trưởng, mặc dù còn ở mức thấp nhưng chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2017 có nhiều cải thiện, dần được nâng lên trên cả 4 khía cạnh đó là tốc độ tăng trưởng GDP cao, các chỉ số về đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), năng suất lao động, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đều chuyển biến tích cực.
Về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia có nhiều tiến bộ, tăng trưởng thúc đẩy phát triển và đảm bảo công bằng xã hội, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 2.385 đô la Mỹ, tăng xấp xỉ 2 lần so với năm 2010. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam cũng tăng lên...
Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ như triển khai xây dựng Đề án về các giải pháp thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh tác động và tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Đề án mô hình kinh tế chia sẻ; Đề án chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây được coi là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thực hiện thành công các nhiệm vụ này sẽ là những nhân tố quyết định để tạo sự phát triển đột phá trong các ngành, lĩnh vực và của cả nền kinh tế.
Về kết quả kinh tế - xã hội những tháng đầu năm và triển vọng trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 rất tích cực, vẫn đang giữ được đà tăng trưởng từ cuối năm 2017, tốc độ tăng GDP quý I ước đạt 7,38%, là mức cao nhất của các quý I trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,82% thấp hơn nhiều so với bình quân cùng kỳ.
Về ý kiến cho rằng tăng trưởng của Việt Nam hiện nay đang dựa nhiều vào yếu tố nước ngoài, như vậy có sự thiếu bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, kết quả phát triển của nền kinh tế có sự đóng góp rất lớn của khu vực này, đã giúp làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế trên các phương diện như chiếm tỷ trọng cao trong vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất công nghiệp và hơn 70% trong giá trị hàng xuất khẩu, tạo ra sự dịch chuyển ngành nghề trong xã hội và tạo việc làm cho 4,2 triệu lao động...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nhìn một cách tích cực và khách quan đối với khu vực FDI, bởi lẽ khu vực này đã trở thành một thành phần không thể thiếu đối với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế sâu, rộng. Mặt khác cần phải đặt vấn đề làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, bắt kịp tốc độ phát triển của khu vực kinh tế FDI, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo lập được sự liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực để hỗ trợ, bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Hiện nay các doanh nghiệp trong nước còn một số hạn chế như trình độ công nghệ thấp, quy mô nhỏ, năng suất lao động thấp, thiếu liên kết trong sản xuất nuôi trồng...
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những định hướng mới đối với việc thu hút FDI. Theo đó sẽ chuyển hướng tập trung và lựa chọn những dự án, những nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, sử dụng ít đất đai, tài nguyên và có khả năng lan tỏa, chuyển giao công nghệ và liên kết sản xuất với cả các doanh nghiệp trong nước.
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, trong 4 tháng đầu năm 2018 đã có những bước cải thiện. Riêng tháng 4 năm 2018 đã giải ngân bằng khoảng 45% tổng vốn giải ngân của cả 4 tháng đầu năm. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm, tuy nhiên giải ngân 4 tháng đầu năm 2018 còn ở mức thấp, đạt 16,3%, thấp hơn so với cùng kỳ là 22,3%.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về những quy định pháp lý, quy trình thủ tục, yếu tố thời vụ thấp vào đầu năm, cao vào cuối năm thì nguyên nhân chủ quan rất lớn, nhiều cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác triển khai, từ khâu giao kế hoạch chi tiết hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng đến khâu thanh toán giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt đối với việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và trực tiếp kiểm tra, rà soát tình hình giải ngân tại các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn chậm, chỉ ra những nguyên nhân, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2018, Chính phủ cũng đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với một số đơn vị giải ngân chậm cũng như kiên quyết thu hồi số vốn đã giao nhưng không triển khai thực hiện, đồng thời công khai kết quả giải ngân của các bộ, ngành, địa phương để theo dõi, giám sát./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư