Năm 2018 tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo phát triển hơn năm 2017 nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An. Quý 1/2018 ở trong tỉnh tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại kéo dài; dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi… đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của các tầng lớp dân cư. Trước tình hình đó ngay từ đầu năm dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 105/QĐ-UBND về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2018; Quyết định số 470/QĐ-UBND về thành lập các tổ công tác để chỉ đạo, thúc đẩy thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tỉnh Nghệ An. Do đó kinh tế - xã hội Quý 1 đã đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể như sau:
A. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP)
(Theo giá so sánh 2010)
|
Quý I/2018 (Tỷ đồng)
|
So sánh với cùng kỳ năm trước (%)
|
Mức đóng góp vào tăng trưởng chung (%)
|
Tổng số
|
16636,4
|
106,99
|
6,99
|
- Nông, lâm nghiệp, thủy sản
|
3124,5
|
103,90
|
0,75
|
- Công nghiệp – xây dựng
|
4845,8
|
111,00
|
3,09
|
- Dịch vụ
|
7821,9
|
106,44
|
3,04
|
- Thuế sản phẩm – trợ cấp sp
|
844,2
|
102,08
|
0,11
|
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) quý I/2018 theo giá so sánh 2010 ước đạt 16636,4 tỷ đồng, tăng 6,99% so với quý I/2017, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 3124,5 tỷ đồng, tăng 3,90%; khu vực công nghiệp – xây dựng 4845,8 tỷ đồng, tăng 11,00%; khu vực dịch vụ 7821,9 tỷ đồng, tăng 6,44% và thuế sản phẩm 844,2 tỷ đồng tăng 2,08%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm nay cao hơn tốc độ tăng của quý I kể từ năm 2012 đến nay (quý I/2015 tăng 6,22%; quý I/2016 tăng 6,46%; quý I/2017 tăng 6,52%). Cả 3 khu vực của nền kinh tế đều có tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, tuy nhiên thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm năm nay tăng thấp hơn nhiều mức tăng của quý I năm 2017 (12,5%). Thuế sản phẩm tăng thấp do thu từ doanh nghiệp trung ương quản lý, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuế xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ.
Trong 6,99% mức tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đã đóng góp 0,75 điểm % cao hơn mức đóng góp của quý I/2017 (0,51 điểm %); khu vực công nghiệp – xây dựng đóng góp 3,09 điểm % (quý I/2017 đóng góp 2,52 điểm %); khu vực dịch vụ đóng góp 3,04 điểm % (quý I/2017 đóng góp 2,71 điểm %); tuy nhiên thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chỉ đóng góp được 0,11 điểm %, (trong khi đó quý I/2017 đóng góp 0,78 điểm %).
Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng khá với mức tăng 3,90% cao hơn cùng kỳ năm trước (quý I/2017 tăng 2,38%), trong đó ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 78% của toàn khu vực tăng 3,39% do sản phẩm nông nghiệp quý I chủ yếu là rau màu vụ Đông tăng mạnh, tuy sản lượng ngô giảm 11,57%; khoai lang giảm 8,08%; lạc giảm 4,42% nhưng rau các loại tăng 14,03%,… bên cạnh đó ngành chăn nuôi vẫn phát triển khá, sản lượng xuất chuồng tăng nên đã đóng góp đáng kể vào mức tăng của khu vực I . Còn lại 2 ngành lâm nghiệp và thủy sản đều có mức tăng bình thường, trong đó ngành lâm nghiệp tăng 5,46% do trong quý sản lượng lâm sản khai thác tăng so với cùng kỳ năm trước và ngành thủy sản tăng 6,04% do sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tăng hơn cùng kỳ năm trước.
Khu vực công nghiệp – xây dựng giá trị tăng thêm tăng 11,00% so với cùng quý năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây (Quý I năm 2017 tăng 8,72%; Quý I năm 2016 tăng 8,16%; Quý I năm 2015 tăng 7,78%; Quý I năm 2014 tăng 5,91%; Quý I năm 2013 tăng 1,51%) do trong kỳ ngành công nghiệp có một số sản phẩm mới từ năm trước nay vẫn duy trì công suất hoạt động tốt như Tôn Hoa sen, xi măng Sông lam cùng với một số sản phẩm chủ lực truyền thống như sữa, đường cũng tăng khá; Do đó giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 12,77%. Ngành xây dựng vẫn duy trì được tốc độ phát triển khá với mức tăng 7,8%.
Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển do doanh thu các ngành dịch vụ tăng khá, tuy nhiên các ngành sử dụng ngân sách nhà nước phụ thuộc vào mức tăng của chi thường xuyên nên mức tăng của khu vực này chỉ đạt 6,44% (Quý I năm 2017 tăng 6,25%). Trong đó giá trị tăng thêm của ngành bán buôn, bán lẻ tăng 8,95%; vận tải, kho bãi tăng 5,76%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,34%; quản lý nhà nước tăng 8,05%; giáo dục tăng 6,57%;...
Cơ cấu kinh tế quý 1/2018 chuyển dịch đúng hướng; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 20,03% năm 2017 xuống còn 17,88% năm 2018; ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 27,89% lên 30,19%; ngành dịch vụ tăng từ 46,75% lên 46,86%.
2. Tài chính, ngân hàng
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2944 tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán cả năm và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa ước đạt 2534 tỷ đồng, bằng 22,17% dự toán và tăng 2,12%. Thu ngân sách quý 1 năm nay tăng thấp hơn mức tăng của quý 1 những năm gần đây (Quý 1/2015 tăng 18,1%; Quý 1/2016 tăng 16,27%; Quý 1/2017 tăng 31,04%). Nhiều khoản thu so với dự toán đạt thấp và giảm so với cùng kỳ như: Thu từ doanh nghiệp Trung ương quản lý chỉ bằng 19,19% dự toán và giảm 13,13%; Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bằng 23,07% dự toán và giảm 0,76%; Thu tiền sử dụng đất bằng 20,73% dự toán và giảm 24,37%; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 3,26%. Tuy nhiên có một số khoản thu so với cùng kỳ tăng khá như: Thu từ doanh nghiệp địa phương quản lý tăng 14,15%; Thuế thu nhập cá nhân tăng 48,19%; Thuế bảo vệ môi trường tăng 21,12%.
Tổng chi ngân sách 3 tháng ước đạt 4940 tỷ đồng, bằng 20,77% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 1050 tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán; chi thường xuyên 3870 tỷ đồng, bằng 22,09% dự toán. Các khoản chi quan trọng trong chi thường xuyên đều bảo đảm như: Chi sự nghiệp kinh tế 388 tỷ đồng, bằng 23,62% dự toán; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 1707,8 tỷ đồng, bằng 22,36% dự toán; chi sự nghiệp y tế 415 tỷ đồng, bằng 21,23%; chi đảm bảo xã hội 295 tỷ đồng, bằng 24,85% dự toán và chi quản lý hành chính 772 tỷ đồng, bằng 24,2% dự toán. Các khoản chi đầu năm chủ yếu tập trung chi lương và các khoản có tính chất lương, chi thăm hỏi chúc Tết các đối tượng chính sách, chi mừng thọ, chi hỗ trợ hộ nghèo,…
Trong quý I/2018, nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng khá và tăng hầu hết ở các tổ chức tín dụng, tính đến 31/3/2018 nguồn vốn huy động trên địa bàn (không tính Ngân hàng phát triển) ước đạt 111890 tỷ đồng, tăng 4,1% so với đầu năm (+4476 tỷ đồng); chủ yếu tăng nguồn tiền gửi tiết kiệm do sau Tết nguyên đán khối lượng tiền nhàn rỗi trong dân nhiều, bên cạnh đó các tổ chức áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi nhân dịp đầu Xuân, nên việc gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn được người dân lựa chọn. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn (không tính Ngân hàng phát triển) ước đạt 154713 tỷ đồng, tăng 2,7% với đầu năm (+4123 tỷ đồng). Nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 1060 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ.
3. Giá cả, lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 năm 2018 tăng 1,22% so với tháng trước, tăng 3,24% so với tháng 12/2017 và tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tháng 2/2018 so với tháng trước có mức tăng cao nhất trong những năm gần đây (tháng 2/2014 tăng 0,57%; tháng 2/2015 tăng 0,28%; tháng 2/2016 tăng 1,03%; tháng 2/2017 tăng 0,24%). 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng và tăng nhiều nhất là nhóm đồ uống và thuốc lá với mức tăng 3,08%, nguyên nhân do tháng này là tháng Tết nguyên đán nên các mặt hàng như bia, rượu, nước giải khát đều tăng cao; nhóm may mặc, mũ, nón, giày dép tăng 2,23%; nhóm giao thông tăng 1,81% do giá ô tô tăng 1,03%, xe máy tăng 0,97%, xăng dầu tăng 1,24%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,75%, trong đó lương thực tăng 1,82% và thực phẩm tăng 2,03%; 1 nhóm giảm giá là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,2% và 1 nhóm giữ nguyên là nhóm bưu chính, viễn thông.
Như vậy bình quân 2 tháng năm 2018 chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 3,09% so với cùng kỳ, tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 23,14% do các cơ sở y tế thực hiện Thông tư 37/TTLT-BYT-BTC và thông tư 02/2017/BYT; nhóm giáo dục tăng 7,23%; nhóm giao thông tăng 4,85%; còn lại các nhóm khác có mức tăng thấp hơn và 2 nhóm giảm giá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống và nhóm bưu chính viễn thông.
Không nằm trong rổ hàng hóa để tính CPI, giá vàng so với tháng trước tăng 2,40%, so với tháng 12/2017 tăng 3,75%, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,84%; chỉ số đô la Mỹ giảm 0,06% so với tháng trước, giảm 0,20% so với tháng 12/2017 và giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.
4. Đầu tư và xây dựng
Quý I/2018 lĩnh vực đầu tư xây dựng vẫn phát triển khá nhưng chưa vững chắc. Vốn đầu tư phát triển tháng 3/2018 thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 485,3 tỷ đồng, cộng dồn 3 tháng đầu năm ước đạt 1393,2 tỷ đồng, tăng 0,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 566 tỷ đồng, giảm 10,09%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 532 tỷ đồng, tăng 11,56% và cấp xã 295,2 tỷ đồng, tăng 6,97%.
Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý I/2018 đạt 12462 tỷ đồng, tăng 1510,7 tỷ đồng (+13,79%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn nhà nước ước đạt 2822,5 tỷ đồng, tăng 13,66% (Trung ương quản lý tăng 10,52%, địa phương quản lý tăng 15,43%); vốn ngoài nhà nước 9441,4 tỷ đồng, tăng 13,99%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 198,1 tỷ đồng, tăng 6,92%. Khi phân theo khoản mục đầu tư thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý I/2018 ước đạt 11562,9 tỷ đồng, chiếm 92,78% tổng vốn, tăng 13,95% so với cùng kỳ năm trước; vốn mua sắm tài sản cố định 275,2 tỷ đồng, tăng 29,34%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ 251,4 tỷ đồng, tăng 6,96%;…
Vốn đầu tư thực hiện trong quý chủ yếu tập trung vào các công trình chuyển tiếp từ năm 2017 sang như đường giao thông từ KCN Hoàng Mai II đến NM xi măng Tân Thắng; đường giao thông từ Khu di tích TBT Lê Hồng Phong đến Xứ ủy Trung Kỳ; đường D4, N5 KTT Đông Nam; Khu A Khu công nghiệp Nam Cấm; Bệnh viện đa khoa Nghệ An giai đoạn 2; Hồ chứa nước Bản Mồng; Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh; Hợp phần 4, dự án quản lý thiên tai WB5; Nâng cấp, cải tạo hạ tầng Khu nuôi trồng thủy sản huyện Quỳnh Lưu; Xây dựng kè chống sạt lở sông nam Cấm; Đường giao thông từ thị trấn Diễn Châu đi Diễn Thành; Sửa chữa, nâng cấp trạm bơm Diễn Tân, Diễn Châu; Đường D1 Thị xã Thái Hòa; Hạ tầng tái định cư phường Nghi Thu, Cửa Lò; Kè sạt lở, chắn sóng từ Quảng trường Bình Minh đến Cửa Hội; đường từ Trung tâm huyện Thanh Chương đi Khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ; Đường giao thông vành đai thị trấn Nam Đàn; Đường giao thông Bệnh viện – Hợp Thành, Yên Thành; Đường 72m Vinh – Cửa Lò; Khôi phục vùng ngập lũ tỉnh Nghệ An; các khu chung cư như Handico 30, Trường Thi, Huy Hùng, Trường Thịnh; Trung Đức; Green view;…
Trong kỳ UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Công ty CP WHA Hemaraj đã khởi công Dự án Khu công nghiệp WHA Hemaraj Nghệ An với tổng số vốn đầu tư 22000 tỷ đồng trên diện tích 3200 ha thuộc Khu kinh tế Đông Nam; giai đoạn 1, Dự án Khu công nghiệp WHA Hemaraj Nghệ An có tổng vốn đầu tư 92,2 triệu USD trên diện tích 498 ha.
Công tác xúc tiến đầu tư: Ngày 10/3/2018 tại Thành phố Vinh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư xuân Mậu Tuất 2018. Đây là lần thứ 10 liên tiếp Hội nghị được tổ chức kể từ năm 2009, với mục tiêu giới thiệu quảng bá nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An, các Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại hội nghị lần này, tỉnh Nghệ An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án và ký kết 16 biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư vào Nghệ An với tổng số vốn đăng ký là 13152 tỷ đồng.
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Trong năm 2017 đã cấp đăng ký thành lập mới cho 1777 doanh nghiệp, tăng 14,13% so với cùng kỳ; tổng số vốn các doanh nghiệp đăng ký 9920,9 tỷ đồng, tăng 35,86% so với cùng kỳ, bình quân khoảng 5,58 tỷ đồng/doanh nghiệp. Theo kết quả rà soát doanh nghiệp tính đến 31/12/2017 trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 17801 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, trong đó 10850 doanh nghiệp đang hoạt động; 603 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 277 doanh nghiệp ngừng hoạt động đang chờ giải thể, phá sản; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 411 doanh nghiệp.
Từ đầu năm đến ngày 16/3/2018, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 353 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng số vốn đăng ký 2137 tỷ đồng, tăng 8,06%, bình quân khoảng 6,1 tỷ đồng/doanh nghiệp; đồng thời có 136 doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh; số doanh nghiệp giải thể 26 doanh nghiệp.
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a, Sản xuất nông nghiệp
Quý I/2018 sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông và đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Xuân 2018.
Vụ Đông năm nay, sản xuất trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa lớn gây ngập úng nên sản lượng của nhiều loại cây trồng chính giảm so với năm trước, đến nay bà con nông dân cơ bản đã thu hoạch xong. Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông đạt 37174,4 ha giảm 5,77% (-2274,4 ha) so với vụ Đông năm trước. Trong đó, cây ngô diện tích 18610,9 ha, giảm 11,93% (-2520,5 ha); năng suất 43,19 tạ/ha tăng 0,17 tạ/ha; sản lượng 80381,6 tấn, giảm 11,57% (-10519,2 tấn). Cây khoai lang diện tích 1860 ha, giảm 4,66% (-90,9 ha); năng suất 61,72 tạ/ha; sản lượng 11479,3 tấn, giảm 8,08% (-1009,4 tấn). Rau các loại diện tích 11836 ha, tăng 0,86% (+101 ha); phần lớn là hành tỏi, rau ăn lá, ăn quả phù hợp với thị trường được trồng từ 3-5 lứa/vụ; năng suất 140,28 tạ/ha; sản lượng 166039 tấn, tăng 14,03% (+20429 tấn). Lạc diện tích 1266,8 ha, giảm 9,41% (-131,6 ha); năng suất 20,03 tạ/ha; sản lượng 2537,3 tấn, giảm 4,42% (-117,5 tấn). Nguyên nhân nhiều cây trồng vụ Đông năm nay đạt thấp so với cùng kỳ năm trước do bị ảnh hưởng của cơn bão số 10 gây ra mưa to trên diện rộng, làm ngập úng các loại cây trồng, trong khi đó hệ thống tưới tiêu chưa đáp ứng được yêu cầu làm cho năng suất giảm sút; mặt khác giá trị các cây trồng vụ Đông không cao nên người dân có xu hướng giảm dần sản xuất.
Vụ Xuân 2018 thời tiết tương đối thuận lợi nên diện tích tăng hơn cùng vụ năm trước. Tính đến thời điểm 12/3/2018 tổng diện tích cây trồng vụ Xuân ước đạt 188015 ha tăng 0,33% (+626 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lúa gieo trồng đạt 91797 ha, bằng 102% kế hoạch và giảm 0,36% (-330 ha). Lúa Xuân được gieo cấy chủ yếu tại các huyện có điều kiện thâm canh và chủ động được nguồn nước như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghi Lộc, Nam Đàn, Thanh Chương, …
Ngoài ra các cây trồng khác cũng được bà con tích cực gieo trồng như cây ngô gieo trỉa ước đạt 18345 ha, tăng 2,46% (+441 ha) so với vụ Xuân năm trước; Cây khoai lang diện tích trồng 1172 ha, giảm 186 ha; Cây rau đậu gieo trồng ước đạt 13151 ha, tăng 0,24% (+32 ha); Cây lạc gieo trỉa 13234 ha, tăng 1,39% (+182 ha).
Do bà con nông dân tuân thủ đúng lịch nông vụ, giảm gieo thẳng lúa nên cây lúa và các cây trồng khác đang phát triển tốt. Các ngành chức năng đã hướng dẫn cho bà con nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tăng cường bón thúc sớm, tăng lượng bón phân kaly, tập trung xử lý ngay những diện tích cây trồng bị nhiễm bệnh, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, điều tiết nguồn nước hợp lý ngay từ đầu vụ.
Cây lâu năm diện tích ước đạt 46330 ha, tăng 4,68% (+2073 ha) so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu là tăng cây ăn quả, cây gia vị, cây dược liệu lâu năm. Hiện nay đang thu hoạch chè vụ xuân, phun thuốc, tỉa cành để phòng trừ sâu bệnh, chuẩn bị giống, phân bón, làm đất để ươm cây nhằm đạt kế hoạch trồng mới 2018.
Chăn nuôi: Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển, tổng đàn trâu hiện nay ước đạt 269145 con, giảm 2,99% (-8292 con) so với cùng kỳ năm trước; Tổng đàn bò ước đạt 459273 con, tăng 3,13% (+13954 con), trong đó bò sữa 64420 con, tăng 3,01% (+1885); Tổng đàn lợn ước đạt 855080 con, tăng 0,08% (+700 con); Tổng đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) ước đạt 21295 nghìn con, tăng 7,06% (+1404 nghìn con), trong đó đàn gà ước đạt 17145 nghìn con.
Nguyên nhân so với cùng kỳ năm trước tổng đàn trâu giảm do chương trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp ngày càng mở rộng thay cho sức kéo của đàn trâu, trâu chủ yếu là trâu thịt; tổng đàn bò tăng do thịt bò trở thành thực phẩm ưa chuộng trong đời sống của người dân, hiệu quả kinh tế cao; tổng đàn gia cầm tăng do nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm ngày càng cao, điều kiện chăn nuôi phù hợp với kinh tế hộ gia đình; tổng đàn lợn tăng nhẹ do sau một thời gian giá thịt lợn hơi giảm thì hiện nay giá lợn đã tăng lên và ổn định nên người dân dần dần tái đàn.
Trong quý I đã xảy ra một số ổ dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn gia súc tại các huyện Nam Đàn, Tân Kỳ, Quế Phong và Thanh Chương. Cho đến nay các ổ dịch đã được dập tắt và không có thêm gia súc, gia cầm ốm chết. Các ngành chức năng đã chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6, H7N9 để bao vây, phòng chống kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Hiện nay các địa phương đang tích cực triển khai tiêm vacxin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân 2018.
b, Sản xuất lâm nghiệp
Diện tích trồng rừng tập trung quý I/2018 ước đạt 4805 ha, tăng 0,73% (+35 ha) so với cùng kỳ năm trước; Khai thác gỗ các loại được 83770 m3, tăng 18,5% (+13080 m3), sản lượng gỗ khai thác tăng khá từ rừng trồng của các dự án, hộ dân sinh đã đến kỳ thu hoạch và làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như ván ép, dăm gỗ, nguyên liệu giấy và nhu cầu xây dựng; khai thác 715400 ste củi, giảm 450 ste…
Công tác bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm, tuy nhiên các vụ vi phạm luật bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện và xử lý 190 vụ vi phạm lâm luật như vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản 5 vụ; phá rừng 12 vụ; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 99 vụ; vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã 4 vụ;… các ngành chức năng đã tịch thu 356,17 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 2123 triệu đồng.
c, Sản xuất thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 3 ước đạt 257 ha, đưa tổng diện tích 3 tháng đạt 16385 ha, tăng 24 ha so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu diện tích cá ao và hồ đập thủy lợi. Hiện nay bà con ngư dân các huyện ven biển đang nạo vét, cải tạo, xử lý diện tích ao đầm nuôi tôm để chuẩn bị cho việc thả tôm vụ 1 năm 2018.
Do thời tiết thuận lợi và nhu cầu tiêu dùng thủy sản trong dịp Tết nguyên đán lớn, giá cả tăng nên thời gian ngư dân ra khơi bám ngư trường nhiều hơn, do vậy sản lượng thủy sản khai thác quý I/2018 ước đạt 27179 tấn, tăng 10,72% (+2631 tấn) so với cùng kỳ năm trước, cùng với bà con thu hoạch sản phẩm thủy sản nuôi trồng phục vụ Tết nên sản lượng thủy sản nuôi trồng quý I ước đạt 12095 tấn, tăng 4,55% (+526 tấn). Tính chung cả khai thác và nuôi trồng sản lượng thủy sản quý I/2018 ước đạt 39274 tấn, tăng 8,74% (+3157 tấn).
Ngoài ra, trong quý ngành thủy sản đã tập trung chỉ đạo các đơn vị sản xuất giống chuẩn bị đủ giống đảm bảo chất lượng phục vụ kịp thời nhu cầu nuôi thả của nhân dân, trong quý đã sản xuất, cung cấp được 180 triệu con giống, tăng 1,69% (+3 triệu con); tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, củng cố cơ sở vật chất để chuẩn bị thả cá vụ xuân.
7. Sản xuất công nghiệp
Tiếp nối thành công của năm 2017, dự báo năm 2018 ngành công nghiệp Nghệ An sẽ có bước phát triển khá, một số nhà máy đã, đang, sẽ triển khai xây dựng và đi vào sản xuất như: Nhà máy gỗ ván sợi MDF Nghệ An, Nhà máy bánh kẹo thực phẩm Hải Châu, Nhà máy bia và nước giải khát Massan cùng với những nhà máy đã đi vào hoạt động từ năm trước phát huy tốt công suất thiết kế như Tôn Hoa sen, xi măng Sông Lam. Do đó chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2018 tăng 27,28% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm công nghiệp khai khoáng giảm 3,45%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 30,79%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 20,34%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,25%.
Nhiều sản phẩm chủ yếu trong tháng có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như sữa và kem chưa cô đặc 17,51 triệu lít, tăng 30,99%; sữa chua 2131,8 tấn, tăng 30,75%; đường kính 22,58 nghìn tấn, tăng 55,53%; bia chai 5,01 triệu lít, tăng 51,65%; áo dệt kim 353,4 nghìn cái, tăng 22,73%; quần áo không dệt kim 588,2 nghìn cái, tăng 18,52%; vỏ bào, dăm gỗ 40,08 nghìn tấn, tăng 48,16%; thùng, hộp bằng bìa cứng 3693,8 nghìn chiếc, tăng 27,01%; sản phẩm in 502,6 triệu trang, tăng 25,79%; xi măng 295,3 nghìn tấn, tăng 81,37%; bê tông tươi 24,7 nghìn m3, tăng 31,83%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 346 tấn, tăng 200%; tôn hoa sen 60,5 nghìn tấn, tăng 263,4%; điện sản xuất 145 triệu kwh, tăng 19,29%; điện thương phẩm 260 triệu kwh, tăng 31,13%;... Tuy nhiên trong tháng có một số sản phẩm chủ yếu giảm sút như bia đóng lon giảm 48,94%; bao bì giảm 34,33%; phân NPK giảm 24,07%; ống nhựa tiền phong giảm 21,24%; …
Tính chung 3 tháng đầu năm 2018 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,21% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm công nghiệp khai khoáng giảm 4,91%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,02%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,83%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,31%. Nguyên nhân chỉ số ngành khai khoáng giảm do tài nguyên, khoáng sản ngày càng cạn kiệt, thuê đất mỏ, thuế tài nguyên tăng, khai thác gặp nhiều khó khăn; ngành sản xuất điện tăng thấp do các Nhà máy thủy điện sản xuất theo yêu cầu của Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia và đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vùng hạ du.
Ba tháng đầu năm một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như sữa và kem chưa cô đặc 47,7 triệu lít, tăng 18,06%; sữa chua 5583,8 tấn, tăng 28,01%; đường kính 82,10 nghìn tấn, tăng 15,58%; quần áo không dệt kim 1438,4 nghìn cái, tăng 15,25%; thùng, hộp bằng bìa cứng 9,82 triệu chiếc, tăng 14,72%; xi măng 810,4 nghìn tấn, tăng 47,19%; bê tông tươi 59,2 nghìn m3, tăng 32,41%; thép cán nóng 1636,4 tấn, tăng 53,35%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 862,8 tấn, tăng 177,04%; Tôn Hoa sen 182 nghìn tấn, tăng 234,72%; cửa bằng sắt, thép 306,1 nghìn m2, tăng 18,35%; tủ gỗ 12,82 nghìn chiếc, tăng 18,88%; điện thương phẩm 699,4 triệu kwh, tăng 15,24%; Tuy nhiên vẫn còn nhiều sản phẩm chủ yếu giảm nhiều như thức ăn gia súc giảm 17,72%; bia đóng lon giảm 18,34%; áo sơ mi dệt kim giảm 19,54%; vỏ bào, dăm gỗ giảm 32,55%; bao bì giảm 40,16%; phân NPK giảm 26,85%; ống nhựa tiền phong giảm 34,39%;… do lượng tồn kho nhiều các nhà máy phải cắt giảm sản lượng sản xuất.
8. Thương mại, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2018 theo giá hiện hành ước đạt 4182,1 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2018 tổng mức bản lẻ hàng hóa ước đạt 12740,7 tỷ đồng, tăng 11,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 585,7 tỷ đồng, tăng 6,17%; khu vực kinh tế cá thể 4969,4 tỷ đồng, tăng 12,45%; khu vực kinh tế tư nhân 7058,4 tỷ đồng, tăng 12,08%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 119 tỷ đồng, tăng 10,28%. Chia theo nhóm hàng bán lẻ thì nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với doanh thu trong kỳ ước đạt 3899,5 tỷ đồng (chiếm 30,61% tổng số), tăng 14,56% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp vào tốc độ tăng chung 4,35 điểm %; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 1701 tỷ đồng, tăng 12,27%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng 878,9 tỷ đồng, tăng 11,79%; ô tô các loại 2013,8 tỷ đồng, tăng 4,55%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) 973,9 tỷ đồng, tăng 10,9%; xăng dầu 1110,3 tỷ đồng, tăng 14,78%;...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 3/2018 ước đạt 588,5 tỷ đồng, tăng 13,97% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 3 tháng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 1677,9 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ năm trước; trong đó dịch vụ lưu trú phục vụ 1110,4 nghìn lượt khách, tăng 11,14% so với cùng kỳ năm trước (837,6 nghìn lượt khách ngủ qua đêm) với doanh thu 234,2 tỷ đồng, tăng 11,89%; dịch vụ ăn uống 1413,1 tỷ đồng, tăng 12,76%; dịch vụ du lịch lữ hành 30,6 tỷ đồng, tăng 9,80%.
Doanh thu hoạt động dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành) tháng 3/2018 ước đạt 421,7 tỷ đồng, tăng 9,42% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2018 ước đạt 1244,3 tỷ đồng, tăng 10,17%; trong đó kinh doanh bất động sản 448,5 tỷ đồng, tăng 3,75%; dịch vụ hành chính 224,9 tỷ đồng, tăng 6,01%; dịch vụ y tế 217,8 tỷ đồng, tăng 30,97% do điều chỉnh giá dịch vụ Y tế theo thông tư liên tịch số 37/TTLT-BYT-BTC và thông tư 02/2017/BYT; dịch vụ vui chơi giải trí 93,6 tỷ đồng, tăng 12,41%…
9. Vận tải
Nhìn chung hoạt động kinh doanh vận tải quý I đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, đời sống và đi lại của dân cư nhất là trong dịp Tết nguyên đán, công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động vận tải thường xuyên được duy trì nên đã hạn chế đến mức thấp nhất các hiện tượng lèn khách, ép giá, bảo đảm giao thông thông suốt.
Vận chuyển hành khách tháng 3/2018 ước đạt 7119,3 nghìn lượt khách và 577,9 triệu lượt khách.km. So với cùng tháng năm trước hành khách vận chuyển tăng 15,94% và hành khách luân chuyển tăng 16,23%. Tính chung quý I khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 21,68 triệu lượt khách, tăng 11,95% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển 1758,5 triệu lượt khách.km, tăng 12,14%.
Vận tải hàng hóa tháng 3/2018 ước đạt 6240,1 nghìn tấn và 264 triệu tấn.km. So với tháng 3/2017 khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng 15,44%, khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng 11,42%. Tính chung 3 tháng đầu năm khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 18,92 triệu tấn, tăng 13,05% với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa 812,5 triệu tấn.km, tăng 10,46%. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa quý này tăng khá do vận tải đường biển sau thời gian dài suy giảm nay đã tăng trưởng trở lại với mức tăng khối lượng luân chuyển 5,06%.
Doanh thu vận tải, bốc xếp quý I ước đạt 2291,4 tỷ đồng, tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa 1487,4 tỷ đồng, tăng 10,39%; doanh thu vận tải hành khách 514,2 tỷ đồng, tăng 15,4% và doanh thu bốc xếp dịch vụ vận tải 289,8 tỷ đồng, tăng 2,13%.
B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, việc làm, đời sống dân cư
Dân số tỉnh Nghệ An có hơn 3,1 triệu người; trong đó lực lượng lao động có hơn 1,9 triệu người đứng thứ 4 cả nước, hàng năm bổ sung khoảng 40 ngàn người và đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, đây là lợi thế về nguồn lao động dồi dào nhưng cũng là thách thức khi giải quyết việc làm cho người lao động.
Chất lượng nguồn lao động thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 16,8% và chủ yếu tập trung ở thành thị (thành thị tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 52,2%). Sự chuyển dịch cơ cấu lao động đang còn chậm; lao động trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đang chiếm tỷ lệ lớn (61,7%), lao động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tương ứng là 17,2% và 21,1%.
Công tác giải quyết việc làm, chế độ cho người lao động đạt kết quả khá, ước đến cuối quý I toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 11900 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 3780 người; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 1324 lao động với số tiền chi trả 14,4 tỷ đồng và đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, người tàn tật, người sau cai nghiện ma túy, gia đình chính sách.
Quý I năm 2018 kinh tế - xã hội tỉnh nhà mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có bước phát triển và giá cả của hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ tăng vừa phải, nên nhìn chung đời sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện hơn tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những người làm công ăn lương và những người thu nhập thấp.
Trong khu vực Nhà nước đời sống của cán bộ công nhân viên chức có được cải thiện hơn do cán bộ, công nhân viên đương chức đều được trả lương, thưởng đầy đủ, đúng kỳ, trong dịp Tết nguyên đán hầu hết các đơn vị đã phát thưởng cho cán bộ, công chức từ 1 đến 2 tháng lương. Các đơn vị sản xuất kinh doanh tuy mức lương tối thiểu được điều chỉnh từ 01/01/2018 nhưng thu nhập của công nhân tùy thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, dịp Tết nguyên đán các doanh nghiệp đã phát thưởng cho người lao động từ 4,6-5,6 triệu đồng/người, cao nhất là 120 triệu, thấp nhất là 450 nghìn đồng.
Đối với hộ sản xuất nông nghiệp do thời tiết năm nay không thuận lợi nên sản xuất rau, màu vụ Đông năng suất, sản lượng của nhiều loại cây trồng chủ yếu đều thấp thua so với vụ Đông năm trước, do đó đời sống của bà con nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng do biết tích lũy nên tính đến thời điểm 13-3-2018 trên địa bàn tỉnh không còn hộ đói.
Để mọi người dân đều có cái Tết nguyên đán Mậu Tuất vui tươi, đầy đủ Ủy ban Nhân dân tỉnh đã trích ngân sách hơn 50,3 tỷ đồng để chi cho việc thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó quà của Chủ tịch nước là 18,4 tỷ đồng, quà ngân sách tỉnh 10,5 tỷ đồng, quà ngân sách huyện 21,4 tỷ đồng. Ngoài ra các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã ủng hộ chương trình “Tết vì người nghèo” với số tiền 60,4 tỷ đồng, Chính phủ hỗ trợ 1860,6 tấn gạo cứu đói cho các hộ nghèo đói…
Tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và khắc phục khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 với 3 hợp phần; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo quyết định 755/QĐ-TTg; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số theo quyết định 54/QĐ-TTg; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo quyết định 2085/QĐ-TTg; … Ngân hàng chính sách xã hội từ đầu năm đến 10/3 đã giải ngân cho 1898 hộ nghèo vay vốn với số tiền 75,4 tỷ đồng, cho vay 1,62 tỷ đồng để giải quyết việc làm cho 46 người; cho 191 học sinh, sinh viên vay 1,71 tỷ đồng; cho vay sản xuất kinh doanh 12,3 tỷ đồng; cho vay chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn 9,1 tỷ đồng…
2. Giáo dục
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Nhìn chung chất lượng giáo dục có chuyển biến, việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh tiếp tục được quan tâm; triển khai tích cực phổ cập giáo dục mầm non, trẻ mẫu giáo 5 tuổi; củng cố vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục phổ thông; việc đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng nề nếp.
Năm học 2017-2018 toàn tỉnh hiện có 541 trường tiểu học; 391 trường trung học cơ sở; 89 trường trung học phổ thông; 21 trường phổ thông cơ sở và 21 trung tâm giáo dục thường xuyên. Số học sinh tiểu học có 261708 em, tăng 12783 em so với năm học trước; học sinh trung học cơ sở 178684 em, tăng 3513 em; học sinh trung học phổ thông 90001 em giảm 189 em. Số giáo viên hệ tiểu học có 13568 người, giảm 169 người; giáo viên hệ trung học cơ sở có 11616 người, giảm 377 người; giáo viên trung học phổ thông có 5448 người, giảm 70 người.
Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia năm 2018 Nghệ An có 105 học sinh đạt giải (Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu 90 giải, Trường THPT chuyên Đại học Vinh 15 giải), đứng thứ 3 cả nước, trong đó có 4 giải nhất, 24 giải nhì, 42 giải ba và 35 giải khuyến khích. Đến nay, toàn tỉnh có 1021 trường đạt chuẩn quốc gia (323 trường mầm non, 460 trường tiểu học, 198 trường THCS, 40 trường THPT), đạt tỷ lệ 67,35%.
Từ ngày 10-13/3/2018 tại Thành phố Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Bắc. Kết quả Ban Tổ chức đã trao 124 giải cho các dự án xuất sắc, trong đó có 13 giải nhất, 26 giải nhì, 38 giải ba, 47 giải tư. Đoàn Nghệ An xếp thứ 2 với 2 giải nhất, 2 giải ba và 5 giải tư.
3. Y tế
Trên địa bàn tỉnh tình hình dịch bệnh ổn định, không có dịch lớn và vừa xảy ra, các yếu tố dịch được giám sát chặt chẽ. Ngành y tế đã tập trung chỉ đạo công tác phòng chống, giám sát chặt chẽ các loại dịch bệnh. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đảm bảo tiến độ. Không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và nâng cao y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Công tác vệ sinh an toàn thực thực phẩm được chú trọng, trong kỳ các ngành chức năng đã thanh kiểm tra và kiên quyết xử phạt đối với những cơ sở vi phạm.
Tuy nhiên trong kỳ các bệnh thông thường vẫn xảy ra như Tiêu chảy 2268 ca; Sốt rét có 14 ca; ngộ độc thực phẩm 1 vụ. So với cùng kỳ năm trước tiêu chảy giảm 21,74% (-630 ca), sốt rét giảm 27 ca. Nguyên nhân chính gây ra các vụ tiêu chảy và ngộ độc là do thời tiết, uống bia rượu nhiều, ăn các thức ăn chế biến có ướp hoá chất, rau hoa quả phun thuốc sâu và thuốc kích thích.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Đến ngày 31/12/2017 số người bị nhiễm HIV được phát hiện trên toàn tỉnh là 12123 người, trong đó có 9884 người trong tỉnh. Căn bệnh HIV đã xảy ra ở 450/480 xã/phường/thị trấn của 21 huyện/thành phố/thị xã, nhiều nhất là thành phố Vinh 2016 người, Quế Phong 1934 người, huyện Tương Dương 1074 người, Quỳ Châu 891 người, Diễn Châu 522 người, Đô Lương 434 người, Thanh Chương 381 người, Quỳ Hợp 348 người, Thái Hòa 314 người, Con Cuông 300 người,... Đối tượng nhiễm HIV chủ yếu là nam giới (79,34%), có độ tuổi từ 20-39 tuổi (84,59%). Trong tổng số người nhiễm HIV đã có 7046 người chuyển sang bệnh AIDS và đã tử vong 4196 người. So với cùng kỳ năm trước số người nhiễm HIV tăng 1124 người (+10,22%), số người bị AIDS tăng 113 người (+1,63%), số người bị chết do AIDS tăng 222 người (+5,59%).
4. Văn hóa, thể thao
Quí I/2018 công tác văn hóa thông tin chủ yếu tập trung tuyên truyền, trang trí cổ động và tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của dân tộc như: Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng; 63 năm ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2; 29 năm ngày biên phòng toàn dân; Ngày thành lập đoàn TNCS HCM 26/3; 108 năm ngày Quốc tế Phụ nữ… Tuyên truyền trong nhân dân nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Trong quý I khắp nơi trong toàn tỉnh đã tổ chức các lễ hội như: Lễ hội Vua Mai ở huyện Nam Đàn, Lễ hội đền Vạn Lộc ở Cửa Lò, lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu, lễ hội Mường Ham ở Quỳ Hợp, lễ hội đền Quả Sơn ở Đô Lương, lễ hội đền Vạn – Cửa Rào, lễ hội đền Cờn ở Quỳnh Lưu, lễ hội Đền Nguyễn Xí ở Nghi Lộc, Lễ hội Làng Vạc ở Thị xã Thái Hòa,... Các lễ hội trên được tổ chức trang nghiêm, thành kính và các chương trình ca nhạc đặc sắc cùng với tổ chức thi đấu các môn thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền, ném tiêu, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đẩy gậy, đốt lửa trại...
Về thể dục thể thao tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, kỷ niệm 72 năm ngày thể thao Việt Nam nhiều hoạt động thể dục thể thao quần chúng từ tỉnh đến cơ sở phát triển mạnh mẽ cả quy mô và chất lượng như: Tổ chức các giải thể thao truyền thống trong các lễ hội, trong các ngành,.. Các giải thi đấu trên đã tạo nên không khí vui tươi, lành mạnh, sôi động cuốn hút hàng chục nghìn người tham gia, tạo môi trường tốt để nhân dân vui Tết, đón Xuân vui tươi tiết kiệm và phấn khởi, được dư luận xã hội đánh giá cao. Tổ chức thi đấu các môn trước khai mạc Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VIII như Vovinam, bóng chuyền, bắn nỏ. Tổ chức tốt Hội khỏe phù đổng các cụm, huyện tiến tới Hội khỏe phù đổng tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII khai mạc tại Nhà thi đấu Thành phố Vinh vào ngày 22/3/2018. Tổ chức tốt các trận bóng đá chuyên nghiệp quốc gia tại sân vận động Vinh; Đội bóng đá Sông lam Nghệ An thi đấu 4 trận tại giải AFC cup, thắng 2 trận, hòa 1 trận, được 7 điểm, xếp thứ 2 tại bảng G; Năm nay giải V-League tổ chức muộn hơn, đến nay đội bóng đá Sông Lam Nghệ An mới chỉ thi đấu 1 trận và thua đội Sanna Khánh Hòa.
5. Trật tự, an toàn xã hội:
Từ 10/02/2018 đến 10/3/2018 trên địa bàn tỉnh xảy ra 139 vụ, bắt giữ 154 đối tượng phạm pháp kinh tế chủ yếu là buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu. Cộng dồn 3 tháng đầu năm đã xảy ra 458 vụ với 575 đối tượng phạm pháp kinh tế, tăng 18,04% số vụ và tăng 8,7% đối tượng so với cùng kỳ năm trước.
Phạm pháp hình sự xảy ra 133 vụ với 203 đối tượng, tội phạm chủ yếu là trộm cắp, cướp giật tài sản công dân làm mất 1 xe máy, nhiều điện thoại di động, 25 triệu đồng và nhiều tài sản khác. Tính chung 3 tháng đầu năm xảy ra 360 vụ với 565 đối tượng phạm pháp hình sự, giảm 19,46% số vụ và giảm 21,31% số đối tượng so với cùng kỳ năm trước.
Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý xảy ra 59 vụ 63 đối tượng thu giữ 5 bánh heroin, 28360 viên ma túy tổng hợp. Trong tháng có 22 đối tượng sử dụng ma túy bị phát hiện. Cộng dồn 3 tháng đầu năm số vụ buôn bán, vận chuyển ma túy 204 vụ bị phát hiện và bắt giữ 234 người, số đối tượng sử dụng ma túy bị phát hiện 131 người. So với cùng kỳ năm trước buôn bán, vận chuyển ma túy tăng 30,77 số vụ và tăng 23,81 số đối tượng.
Trong tháng xẩy ra 57 vụ tai nạn giao thông, làm chết 30 người, bị thương 57 người, ước giá trị thiệt hại 1361 triệu đồng. Như vậy quý I đã xẩy ra 123 vụ tai nạn giao thông, làm chết 57 người, bị thương 115 người, ước giá trị thiệt hại 2690 triệu đồng. So với cùng quý năm trước tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn giao thông giảm 13,38% (-19 vụ), số người chết giảm 17,39% (-12 người), số người bị thương giảm 16,06% (-22 người).
Trong tháng phát hiện 14 vụ đánh bạc thu giữ 2654 triệu đồng và nhiều tài sản khác. Tính chung 3 tháng phát hiện 19 vụ đánh bạc thu giữ 5034 triệu đồng, 400 USD và nhiều tài sản khác.
Ngoài ra trong quý đã xảy ra 9 vụ cháy, 2 vụ nổ, làm 2 người bị thương, ước giá trị thiệt hại khoảng 595 triệu đồng; phát hiện 50 vụ gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc. Các ngành chức năng đã kiểm tra và xử phạt hành chính với số tiền phạt 800 triệu đồng.
Khái quát lại: Quý 1 năm 2018 nền kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn như kinh tế phát triển chưa vững chắc, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, sức cạnh tranh của hàng hóa thấp, lãi suất ổn định nhưng sự hấp thu vốn của các doanh nghiệp còn hạn chế, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành tích cực của Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà vẫn ổn định và phát triển: tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,99%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,21%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,92%, thu ngân sách tăng 1,33%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng tăng 3,09%, văn hóa xã hội có chuyển biến tích cực, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, với mục tiêu là cơ cấu lại nền kinh tế gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, mở rộng đối ngoại, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và tập trung phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các ngành, các cấp cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp; đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới; phát triển nông nghiệp đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hai là, phát triển mạnh công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phát huy tốt công suất các nhà máy chế biến đang hoạt động tốt như bia, sữa, thủy điện, dệt may, MDF Nghĩa Đàn, Tôn Hoa sen; đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động như mở rộng dây chuyền Tôn Hoa sen, nhà máy gỗ MDF Anh Sơn, nhà máy bánh kẹo Hải Châu, các dự án thủy điện Chi Khê, Sông Quang, Canan, Xoóng Con…
Ba là, triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, kiểm soát nhập khẩu, bình ổn giá cả, xử lý các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tổ chức sắp xếp lại hệ thống dịch vụ du lịch Nghệ An gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả các sản phẩm du lịch, dịch vụ, thu hút nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí để tăng lượng khách và mức chi tiêu du lịch.
Bốn là, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả, chất lượng cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công và doanh nghiệp nhà nước.
Năm là, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân như tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đẩy mạnh tiến độ trường chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, y tế dự phòng, tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Sáu là, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới nhất là vùng biên giới, vùng biển, vùng tôn giáo; tăng cường phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các tụ điểm phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông./.
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An