Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/01/2016-15:14:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2016 tỉnh Nghệ An
Báo cáo ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Cục Thống kê Nghệ An.

1, Sản xuất nông nghiệp

a, Trồng trọt

Tháng 01 năm 2016, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung cho việc thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông, đồng thời cày bừa, làm đất, bơm giữ nước chuẩn bị gieo cấy lúa xuân, cày ải, phơi đất chuẩn bị giống, vật tư phân bón để trồng các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày của vụ xuân năm 2016.

Sản xuất vụ đông:Tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông năm 2015 toàn tỉnh đạt 41871,4 ha, bằng 98,9% (-466,4 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích vụ Đông năm nay giảm do thời tiết nắng hạn kéo dài, nhiều vùng thiếu nước cùng với tâm lý lo lắng của bà con nông dân vụ đông hay bị bão lụt, ngập úng nên ảnh hưởng đến diện tích, cụ thể như sau:

Cây ngô:Diện tích gieo trỉa đạt 23734,7 ha, giảm 6,02% (-1520,3 ha) so với vụ đông năm 2014; năng suất ngô đông ước tính đạt 44,93 tạ/ha, giảm 0,54 tạ/ha. Do giảm cả diện tích và năng suất nên sản lượng ước đạt 106639,3 tấn giảm 7,14% (-8193,7 tấn).

Khoai lang: Diện tích gieo trồng đạt 2490,3 ha, giảm 10,42% (-289,7 ha) so với cùng vụ năm ngoái. Diện tích khoai lang giảm do không mang lại giá trị kinh tế cao, chủ yếu là phục vụ cho chăn nuôi nên bà con nông dân chủ động chuyển sang trồng rau màu hàng hóa. Các loại giống đem vào trồng vẫn là các giống mới vừa tăng năng suất, vừa tăng chất lượng như K4, Nhật đỏ, Nhật vàng… nên năng suất ước tính đạt 65,8 tạ/ha; sản lượng ước đạt 16385,7 tấn, giảm 2014,3 tấn so với vụ đông năm ngoái.

Cây rau đậu hoa cây cảnh: Diện tích gieo trồng đạt 12027,3 ha, trong đó rau các loại 11867 ha, tăng 11,28% (+1203 ha) so với vụ đông năm 2014, do quỹ đất khá nhiều, dễ trồng nên bà con nông dân tập trung gieo trồng phần lớn là các loại ngắn ngày, có thể trồng từ 3-5 lứa trong một vụ, phù hợp với nhu cầu thị trường có chú trọng các loại rau cao cấp để tăng hiệu quả kinh tế. Ước tính năng suất đạt 120,16 tạ/ha; sản lượng ước đạt 142591 tấn, tăng 7,36% (+9774 tấn).

Lạc: Diện tích lạc vụ đông gieo trỉa đạt 1292,9 ha, tăng 13,9 ha so với vụ Đông năm 2014. Lạc vụ đông năm nay chủ yếu được trồng trên đất vừng, đỗ hè thu đã cho thu hoạch xong, phần lớn được sử dụng giống lạc L14, L26, L23, TB25, năng suất ước tính đạt 21,73 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2809 tấn, tăng 9,34% (+240 tấn).

Cây hàng năm khác: diện tích đạt 1941,3 ha, tăng 14,94% (+252,3 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là diện tích cây thức ăn gia súc (cỏ voi) để phục vụ cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

Sản xuất vụ xuân:Thời tiết diễn biến phức tạp, ít mưa nên mực nước tại các hồ, đập xuống thấp gây nguy cơ thiếu nước cho vụ xuân 2016, giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đứng ở mức cao ảnh hưởng đến đầu tư của bà con nông dân. Tính đến ngày 12/01/2016 toàn tỉnh đã ra mạ được hơn 1800 ha để đáp ứng cấy trên 60000 ha lúa xuân 2016.

b, Chăn nuôi

Trong tháng nhiệt độ xuống thấp, các địa phương chủ động phòng tránh rét cho đàn gia súc, gia cầm như không thả gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 16o, làm chuồng trại đủ ấm, đốt lửa, tích trữ đảm bảo các nguồn thức ăn khô cho trâu, bò…, trong tháng đã xảy ra dịch cúm gia cẩm, dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh ở một số huyện trong tỉnh nhưng đã được phát hiện sớm, xử lý kịp thời nên không lây lan ra diện rộng.

Tổng đàn trâu, bò tháng 01/2016 ước đạt 726,4 ngàn con, tăng 37401 con so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn trâu ước đạt 297555 con, tăng 935 con; đàn bò ước đạt 428846 con, tăng 36466 con; Tổng đàn lợn ước đạt 942384 con, giảm 4,69% (-46417 con); Tổng đàn gà ước đạt 15570 ngàn con, tăng 4,64%. Các hộ gia đình đang cố gắng ổn định và phát triển đàn chăn nuôi để phục vụ kịp thời cho Tết nguyên đán 2016. Dự báo Tết Bính Thân này vẫn đủ nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường toàn tỉnh.

2, Sản xuất lâm nghiệp

Tháng 01 năm 2016, ngành Lâm nghiệp chủ yếu chăm sóc tốt diện tích rừng hiện có, tiến hành triển khai công tác thiết kế, thẩm định phê duyệt hồ sơ, chuẩn bị đất, cây giống để phục vụ cho việc trồng rừng vụ xuân 2016 và phát động trồng cây phân tán trong dịp Tết Bính Thân. Công tác bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường nhất là chặt phá rừng, khai thác rừng tự nhiên, vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật rừng trái phép, …qua đó phát hiện và xử lý 138 vụ vi phạm luật bảo vệ rừng, trong đó mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 93 vụ, tịch thu 279,98 m3gỗ các loại, trong đó 5,31 m3gỗ quý hiếm; … thu nộp ngân sách 876 triệu đồng, trong đó tiền phạt 679 triệu đồng.

Sản lượng gỗ khai thác tháng 01/2016 ước đạt 2250 m3và chủ yếu từ rừng sản xuất đã đến kỳ khai thác thu hoạch, tăng 9,76% so với cùng kỳ năm trước; củi 248,95 nghìn ste, giảm 0,02%; nứa hàng giang 1920 nghìn cây; lá dong 12 triệu lá...

3, Sản xuất thủy sản

Tháng này các hộ nuôi trồng thủy sản chủ yếu tập trung chăm sóc số cá trong ao hồ phục vụ Tết Bính Thân, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, giống, thức ăn để triển khai kế hoạch nuôi trồng năm 2016. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 15610 ha, tăng 11 ha so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là diện tích nuôi cá ao, hồ đập thủy lợi. Sản lượng thủy hải sản khai thác và nuôi trồng trong tháng ước đạt 9701 tấn, tăng 5,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 1850 tấn, tăng 2,21%; sản lượng khai thác 7851 tấn, tăng 5,75% (cá 6790 tấn, tăng 5,93%; tôm 161 tấn, tăng 4,55%; thủy sản khác 900 tấn, tăng 4,65%). Các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bà con nâng cao ý thức về luật khai thác và bảo vệ nguồn loại thủy sản nhằm đảm bảo khai thác có hiệu quả gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

4, Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tỉnh Nghệ An tuy đang trên đà phục hồi nhưng chậm, chưa vững chắc và vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành các chính sách để điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Với một loạt các giải pháp được đưa ra cộng với năm nay Nghệ An đưa thêm một số nhà máy đã hoàn thành như gỗ MDF, thực phẩm Masan MB, thức ăn chăn nuôi vào sản xuất… nên tình hình sản xuất công nghiệp năm 2016 của tỉnh nhà sẽ phục hồi và tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2016 tăng 9,52% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm công nghiệp khai khoáng tăng 41,22%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,26%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,68% do các nhà máy thủy điện đang trong thời kỳ tích trữ nước phục vụ vụ đông xuân nên công suất chạy máy giảm và cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,62%.

Một số sản phẩm chủ yếu trong tháng có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như đá xây dựng 256,8 ngàn m3, tăng 46,99%; sữa chua 1281 tấn, tăng 42,81%; bia đóng chai 5,67 triệu lít, tăng 15,51%; sợi 1430 tấn, tăng 30,47%; vỏ bào, dăm gỗ 145,2 ngàn tấn, tăng 62,81%; thùng, hộp bằng bìa cứng 3672 ngàn chiếc, tăng 10,4%; phân NPK 9605 tấn, tăng 126,64%; cấu kiện lắp sẵn bằng kim loại 208 tấn, tăng 9,47%; cửa bằng sắt thép 1550 m2, tăng 11,27%; điện thương phẩm 199 triệu kwh, tăng 24,38%; nước máy 2,27 triệu lít, tăng 16,36%... Bên cạnh đó có nhiều sản phẩm giảm sút như đường tinh luyện giảm 8,12%; cửa gỗ giảm 1,15%; đá ốp lát giảm 13,25%; tấm lợp bằng kim loại giảm 3,58%; điện sản xuất giảm 33,09%;...

5, Đầu tư và xây dựng

Năm 2016 lĩnh vực đầu tư xây dựng dự báo có khởi sắc hơn, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và địa phương về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, do đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua ngân sách tỉnh kế hoạch 2016 là 5777 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương giao 3099,5 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 1746,5 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã 931 tỷ đồng), ưu tiên cho các công trình đã hoàn thành hoặc đang dở dang có khả năng hoàn thành trong năm 2016 theo Luật đầu tư công ngày 18/6/2014. Ngoài ra đầu tư theo chương trình mục tiêu 2252 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ 847 tỷ đồng.

Tháng 01/2016 vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 416 tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch năm và tăng 5,27% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thực hiện vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 186,9 tỷ đồng, tăng 5,03%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 141,4 tỷ đồng, tăng 5,28% và cấp xã ước đạt 87,7 tỷ đồng, tăng 5,76%.

6, Thu chi ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tháng 01/2016 ước đạt 761,5 tỷ đồng, bằng 7,41% dự toán cả năm và tăng 1,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa ước đạt 700 tỷ đồng, bằng 7,78% dự toán và tăng 8,74%. Nhiều khoản thu so với cùng kỳ năm trước có mức tăng khá như: Thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 26,7 tỷ đồng, bằng 9,54% dự toán và tăng 15,35%; thu từ khu vực CTN-DV ngoài quốc doanh 365,2 tỷ đồng, bằng 9,49% dự toán và tăng 8,22%; thuế thu nhập cá nhân 27 tỷ đồng, bằng 7,99% dự toán, tăng 45,76%; thuế bảo vệ môi trường 50,6 tỷ đồng, bằng 8,88% dự toán, tăng 230,89%;...

Tổng chi ngân sách tháng 01 ước đạt 1187,2 tỷ đồng, bằng 5,95% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 215 tỷ đồng, bằng 3,86% dự toán; chi thường xuyên 969,2 tỷ đồng, bằng 6,88% dự toán.Chi thường xuyên chủ yếu tập trung chi lương và các khoản có tính chất lương, đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị, các sự nghiệpnhư: Chi sự nghiệp kinh tế 95 tỷ đồng, bằng 6,23% dự toán; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 398 tỷ đồng, bằng 6,53% dự toán; chi sự nghiệp y tế 85 tỷ đồng, bằng 6,01% dự toán; chi đảm bảo xã hội 90 tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán và chi quản lý hành chính 205 tỷ đồng, bằng 7,68% dự toán…

7, Thương mại, giá cả

Để chuẩn bị phục vụ Tết Bính Thân các doanh nghiệp thương mại đã chủ động tích trữ hàng hóa do vậy lượng hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ Tết dồi dào không có hiện tượng khan hiếm, giá cả ổn định. Tết Bính Thân 2016 rơi vào tháng 2 nên mức tiêu thụ hàng hóa phục vụ cho Tết chủ yếu diễn ra trong tháng sau do đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 01/2016 tăng trưởng bình thường và theo giá thực tế ước đạt 3233,9 tỷ đồng, tăng 3,45% so với tháng trước và tăng 9,12% so với cùng tháng năm trước. Trong đó khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 284,5 tỷ đồng, giảm 7,93% so với cùng kỳ năm trước; khu vực kinh tế cá thể 1928,7 tỷ đồng, tăng 8,8%; khu vực kinh tế tư nhân 981,8 tỷ đồng, tăng 10,65%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 37,5 tỷ đồng, tăng 6,6%. Chia theo nhóm hàng bán lẻ thì nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với doanh thu trong tháng ước đạt 1002,6 tỷ đồng (chiếm 31% tổng số), tăng 10,21% so với năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 409,7 tỷ đồng, tăng 10,65%; ô tô các loại 388,8 tỷ đồng, tăng 22%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) 288,8 tỷ đồng, tăng 4,36%; xăng dầu 357,2 tỷ đồng, tăng 2,3%.... Nếu loại trừ ảnh hưởng của tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 01 còn tăng 7,79%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 01/2016 ước đạt 449,96 tỷ đồng, tăng 9,19% so với tháng trước và tăng 11,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dịch vụ lưu trú phục vụ 230,51 ngàn lượt khách, tăng 0,63% so với cùng kỳ năm trước (136,6 ngàn lượt khách ngủ qua đêm) với doanh thu 56,64 tỷ đồng, tăng 0,65%; dịch vụ ăn uống 389,04 tỷ đồng, tăng 13,15%; dịch vu du lịch lữ hành 4,28 tỷ đồng, tăng 7,0%. Doanh thu hoạt động dịch vụ khác 326,5 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kinh doanh bất động sản 156,6 tỷ đồng, tăng 9,15% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ hành chính 48,1 tỷ đồng, tăng 8,64%; dịch vụ y tế 37,8 tỷ đồng, tăng 8,84%;…

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2016 ước đạt 44,77 triệu USD, tăng 11,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thành phần kinh tế tư nhân 30,33 triệu USD, tăng 2,95%; thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 12,76 triệu USD, tăng 74,67% . Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: hàng rau quả tăng 265,4%; dăm gỗ tăng 6,35%; hàng dệt, may tăng 72,79%; điện thoại và linh kiện tăng 88,68%; một số mặt hàng trong kỳ như cà phê, mây tre đan, giấy và sản phẩm từ giấy, phương tiện vận tải và phụ tùng,… không xuất được.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 01/2016 ước đạt 36,8 triệu USD, tăng 5,76% so với cùng tháng năm trước. Trong đó thành phần kinh tế tư nhân 26,2 triệu USD; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 10,1 triệu USD. Một số mặt hàng chủ yếu có giá trị nhập khẩu tăng khá như: Vải các loạităng 13,84%; điện thoại và linh kiện tăng 218,18%; Tuy nhiên trong kỳ thức ăn gia súc, dược phẩm, phân bón, linh kiện và phụ tùng ô tô, xe máy… không được nhập về.

Giá cả thị trường: Là tháng gần Tết nhưng do sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng cộng với lượng hàng hóa dồi dào nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2016 giảm 0,22% so với tháng trước. Đây là năm thứ hai liên tiếp chỉ số giá tháng 01 giảm. 5/11 nhóm hàng hóa dịch vụ giảm so với tháng trước và giảm nhiều nhất đó là nhóm giao thông với mức giảm 2,12% (do trong tháng giá xăng dầu giảm giá 2 lần liên tiếp); 6/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá, trong đó nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,86%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,43%;…

So với cùng tháng năm trước chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,23%. Trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,47%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 6,53%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,87%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,56%; các nhóm còn lại có mức tăng thấp hơn … Có 3/11 nhóm giảm giá là giao thông, bưu chính viễn thông và giáo dục.

Giá vàng biến động thất thường, so với tháng trước chỉ số giá vàng giảm 0,65%, chỉ số đô la Mỹ tăng 0,15%; so với cùng tháng năm trước chỉ số giá vàng giảm 5,27%, chỉ số đô la Mỹ tăng 5,43%.

8, Vận tải

Tháng 01/2016 là tháng gần tết Nguyên đán Bính Thân nên hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động tích trữ hàng hóa, do đó nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiêu dùng để phục vụ Tết tăng khá, cụ thể khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 01/2016 ước đạt 4565,3 ngàn tấn, tăng 7,67% so với tháng 12/2015 và tăng 14,24% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 235,9 triệu tấn.km, tăng 5,78% so với tháng 12/2015 và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Để chuẩn bị đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của nhân dân trước và sau Tết nguyên đán Bính Thân 2016 nhất là việc đi lại của học sinh, sinh viên, người lao động xa quê về ăn tết, các đơn vị kinh doanh vận tải đã lên phương án huy động, bổ sung phương tiện, đảm bảo an toàn, không để tình trạng ùn tắc tại các bến xe, ga tàu; đồng thời các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành luật giao thông, kiên quyết đình chỉ những phương tiện không đảm bảo an toàn đặc biệt là xe, tàu, thuyền chở khách.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 01/2016 ước đạt 5746,7 ngàn lượt khách tăng 1,99% so với tháng 12/2015 và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng luân chuyển ước đạt 450,6 triệu lượt khách.km tăng 2,03% so với tháng 12/2015 và tăng 17,56% so với tháng 01/2015.

Doanh thu vận tải, bốc xếp tháng 01 năm 2016 ước đạt 566,3 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa 410,5 tỷ đồng, tăng 8,46%; doanh thu vận tải hành khách 102,7 tỷ đồng, tăng 5,73% và doanh thu bốc xếp, dịch vụ vận tải 53,1 tỷ đồng, tăng 6,8%.

9, Một số vấn đề xã hội

a. Thiếu đói trong dân cư

Tính đến thời điểm 10/01/2016 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 1567hộ dân cư thiếu đói với 6862 khẩu chiếm 0,22% số khẩu, không có hộ thiếu đói gay gắt. Số hộ thiếu đói kỳ này chủ yếu xẩy ra ở các huyện như: Kỳ Sơn 440 hộ, Tương Dương 325 hộ, Con Cuông 240 hộ, Quế Phong 147 hộ, Quỳ Hợp 208 hộ,... Các huyện khác tỷ lệ hộ thiếu đói xảy ra ít hơn và có 14/21 huyện, thành phố, thị xã không xẩy ra thiếu đói.

So với tháng trước số hộ thiếu đói tăng 1076 hộ, khẩu thiếu đói tăng 4801 người; So với cùng kỳ năm trước số hộ thiếu đói giảm 269 hộ, khẩu thiếu đói giảm 1347 người.

Nguyên nhân thiếu đói kỳ này tăng hơn tháng trước do một số hộ miền núi thiếu đói thường xuyên nhất là tháng giáp Tết khi lương thực dự trữ đã cạn khi qua mùa thu hoạch đã lâu; So với cùng kỳ năm trước hộ thiếu đói giảm hơn do tỉnh đã hỗ trợ 935 tấn gạo cho các học sinh ở các trường ở khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hiện nay UBND tỉnh đang trình Chính phủ trợ cấp gạo cứu đói cho nhân dân vào dịp tết Nguyên đán. Tháng tới tình hình thiếu đói có xu hướng giảm xuống do nhận được gạo cứu đói của Chính phủ.

b. Dịch bệnh

Trong kỳ từ ngày 10/12/2015 đến 10/01/2016 trên địa bàn toàn tỉnh đã xẩy ra 1431 ca tiêu chảy ở các huyện: Quế Phong 182 ca, Tương Dương 157 ca, Kỳ Sơn 157 ca, Diễn Châu 140 ca,... Sốt rét xảy ra 38 ca; Sốt xuất huyết 86 ca. So với cùng kỳ năm trước số ca tiêu chảy giảm 11,39% (-184 ca); sốt rét giảm 9,52% (-4 ca). Nguyên nhân chính gây ra các vụ tiêu chảy và ngộ độc là do thời tiết thất thường, uống bia rượu nhiều, ăn các thức ăn chế biến có ướp hoá chất, rau hoa quả phun thuốc sâu và thuốc kích thích.

Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Đến ngày 30/11/2015 số người bị nhiễm HIV được phát hiện trên toàn tỉnh là 10252người, trong đó có 8013người trong tỉnh. Căn bệnh HIV đã xảy ra ở 438/480 xã/phường/thị trấn của 21 huyện/thành phố/thị xã, nhiều nhất là thành phố Vinh 1990 người, Quế Phong 1234 người, huyện Tương Dương 932 người, Quỳ Châu 595 người, Đô Lương 411 người, Diễn Châu 393 người, Thái Hòa 327 người, Thanh Chương 302 người, Con Cuông 265 người, Quỳ Hợp 250 người,... Đối tượng nhiễm HIV chủ yếu là nam giới (83,25%), có độ tuổi từ 20-39 tuổi (86,11%) và tiêm chích ma túy (82,82%). Trong tổng số người nhiễm HIV đã có 6032 người chuyển sang bệnh AIDS (trong tỉnh 5270 người, ngoài tỉnh 762 người) và đã tử vong 3417 người. So với cùng kỳ năm trước số người nhiễm HIV tăng423người (+4,3%), số người bị AIDS tăng 546 người (+9,95%), số người bị chết do AIDS tăng 531 người (+18,4%).

c. Trật tự an toàn xã hội

Là tháng giáp Tết nên kỳ này tình hình trật tự và an toàn xã hội có diễn biến phức tạp hơn. Tính từ 10/12/2015 đến 10/01/2016 trên địa bàn tỉnhxảy ra 74 vụ, bắt giữ 86 đối tượng phạm pháp kinh tế chủ yếu là buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu thu giữ 466 kg pháo các loại, 6 kg thuốc nổ, 44 cây thuốc lá ngoại, 465 kg mỡ, 4000 lít dầu và nhiều hàng hóa khác trị giá khoảng 830 triệu đồng. So với tháng trước phạm pháp kinh tế tăng 41 vụ, so với cùng kỳ năm trước tăng 47 vụ.

Phạm pháp hình sự xảy ra 107 vụ với 203 đối tượng chủ yếu là trộm cắp, cướp giật tài sản công dân làm mất 7 xe máy, 2 chỉ vàng, 5 xe đạp điện, 3 máy tính xách tay, nhiều điện thoại di động, tiền và nhiều tài sản khác trị giá 550 triệu đồng. So với tháng trước giảm 31 vụ, giảm 10 đối tượng và so với cùng kỳ năm trước giảm 66 vụ, giảm 76 đối tượng.

Trong tháng đã bắt giữ 93 vụ 104 đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý, thu giữ 179,8 gam hêroin, 44,5 gam cần sa, 23,21 gam ma túy đá, 15 gam ma túy tổng hợp. Trong đó: Thành phố Vinh 46 vụ 46 đối tượng; Quế Phong 10 vụ 11 đối tượng; Tương Dương 10 vụ 10 đối tượng; Thị xã Hoàng Mai 7 vụ 8 đối tượng; Nghi Lộc 4 vụ 6 đối tượng;... So với tháng trước tăng 66 vụ và so với cùng kỳ năm trước tăng 58 vụ.

Trong tháng phát hiện 19 vụ 34 đối tượng sử dụng ma túy. Trong đó: Thái Hòa 4 vụ 11 đối tượng, Tương Dương 3 vụ 3 đối tượng, Quỳnh Lưu 4 vụ 9 đối tượng, Nam Đàn 2 vụ 5 đối tượng. Phát hiện 2 vụ 5 đối tượng hoạt động mại dâm. So với tháng trước sử dụng ma túy giảm 1 vụ nhưng tăng 11 đối tượng và so với cùng kỳ năm trước tăng 9 vụ, tăng 16 đối tượng.

Trong kỳ xẩy ra 56 vụ tai nạn giao thông, làm chết 22 người, bị thương 53 người, ước giá trị thiệt hại 635 triệu đồng. So với tháng trước số vụ tăng 6 vụ, số người chết giảm 4 người, số người bị thương tăng 15 người. So với cùng kỳ năm trước số vụ giảm 6 vụ, số người chết giảm 16 người, số người bị thương tăng 2 người.

Ngoài ra trong tháng còn phát hiện 42 vụ đánh bạc với 130 đối tượng tham gia thu giữ 146,6 triệu đồng và một số vật dụng khác; 5 vụ nổ, giá trị thiệt hại khoảng 240 triệu đồng; 10 vụ vi phạm môi trường, xử phạt 92 triệu đồng./.


Cục Thống kê Nghệ An

    Tổng số lượt xem: 1023
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)