Toàn cảnh diễn đàn. - Ảnh: VGP/Đỗ Hương Ngày 5/6, tại Hà Nội, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam chuyên đề nông nghiệp.
Theo chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, để mở rộng thêm thị trường, Việt Nam phải đẩy mạnh hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại. Các số liệu về cán cân thương mại cho biết, nông sản Việt Nam ngay từ khi hội nhập đã xuất siêu, năm 2018 dù có thể gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dương về xuất khẩu. "Điều này chứng minh rằng, thế mạnh của Việt Nam là một cường quốc về nông sản", ông nói.
Theo báo cáo về lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia CPTPP của các nước thành viên, các khoản thuế trong nông nghiệp sẽ giảm đáng kể, nhưng còn rất nhiều hàng rào phi thuế quan phải vượt qua. Vì vậy, đây là một thách thức cho nông sản Việt Nam.
Ngoài ra, khi tham gia hội nhập, thị trường Việt Nam cũng sẽ mở rộng để các nước tiến vào, vì vậy các doanh nghiệp phải vượt lên để đương đầu với thách thức. Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề thách thức về thể chế, có quá nhiều cơ quan quản lý chung, có quá nhiều quy chuẩn, vì vậy việc truy xuất nguồn gốc nông sản gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp Việt còn yếu. Năng lực để chứng minh về chất lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy cần phải xây dựng các thủ tục minh bạch hơn.
Ông Sơn còn chỉ ra nhiều rào cản khác là hàm lượng khoa học công nghệ trong nông nghiệprất ít, năng suất lao động thấp. Trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, Việt Nam cũng có nguy cơ tụt hậu.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành cấp cao Tập đoàn Central Group cho rằng, Việt Nam có nhiều loại nông sản ngon, lợi thế cạnh tranh mà các nước không có được. Dẫn chứng ngay quả vải thiều, năm ngoái Central Group khảo sát tại thị trường Thái Lan, 90% người tiêu dùng được hỏi đều khẳng định vải thiều Việt Nam ngon hơn vải Thái Lan. Đó chính là lý do tập đoàn này quyết định nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam về Thái Lan bán và rất thành công.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, vấn đề của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay là các địa phương, người sản xuất không tiếp cận được thị trường khiến tiềm năng trong nông sản chưa được khai phá.
Điều này làm người nông dân ở thế bị động, ít có vai trò và không có kết nối thị trường mà phụ thuộc vào thị trường tự do hoặc thương lái. “Việt Nam đang có quy mô khoảng 100 triệu dân, cũng là tiềm năng thị trường tiêu thụ của nông sản, trước hết phải hướng vào thị trường trong nước và cần các nhà thu mua chuyên nghiệp có liên kết với nông dân”, ông Hải bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, đây là một sự kiện rất ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ đang quan tâm đến vấn đề nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng, những ý kiến đóng góp xoay quanh hai nội dung lớn là phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao đã giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình hình sản nông nghiệp trong thời gian tới. Người sản xuất biết mình phải sản xuất gì và nhà quản lý có thể đưa ra các chính sách đúng đắn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp thu các ý kiến từ các diễn giả để nghiên cứu và đưa ra giải pháp toàn diện.
“Tôi cho rằng chúng ta không nên đánh giá một chiều và nghĩ rằng nông nghiệp nước ta vẫn ở vị thế của 20 – 30 năm về trước. Ứng dụng khoa học công nghệ đã mang đến năng suất rất cao. Theo báo cáo, đã có 818 mô hình quỹ cung ứng nông sản an toàn. Tôi đồng ý rằng, vẫn có sản phẩm bẩn, nhưng cũng có mặt tích cực là nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu./.
Đỗ Hương
Cổng thông tin điện tử Chính phủ