(MPI) – Với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu, việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân, bao gồm cả khu vực tư nhân trong và ngoài nước là rất cần thiết.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo đó, cần xây dựng cơ chế huy động vốn trong một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ổn định, cởi mở để kịp thời đáp ứng yêu cầu một cách hiệu quả. Xuất phát từ nhu cầu này, mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được đa số quốc gia trên thế giới lựa chọn và việc ban hành một khung pháp lý có hiệu lực cao, ổn định dưới dạng luật là rất cần thiết.
PPP là phương thức đầu tư trong đó khu vực công và khu vực tư trở thành đối tác của nhau, cùng tham gia đầu tư thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội để cung cấp dịch vụ công.
Việc thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu suất của các dự án. PPP không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết những tồn tại trong đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng nếu có sự phân công hợp lý giữa khu vực công và khu vực tư theo hướng mỗi khu vực đảm nhiệm phần công việc mà mình có lợi thế nhất thì PPP có thể là một giải pháp tăng hiệu quả đầu tư và tăng chất lượng cung cấp dịch vụ công.
Mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân mà các nước trên thế giới áp dụng đem lại cơ hội lớn nhưng cũng đòi hỏi những điều kiện về quyết tâm chính trị, khuôn khổ pháp lý, nguồn vốn nhà nước tham gia và năng lực cán bộ triển khai. Đặc biệt, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài thường yêu cầu Chính phủ cam kết nhiều hơn để đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi.
Để từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế cũng như hoàn thiện các quy định về đầu tư theo hình thức PPP, năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nội dung quy định tại 2 Nghị định này chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... Do quy định tại các Luật này được xây dựng hướng tới dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân thuần túy, chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP nên quá trình triển khai dự án PPP còn nhiều khó khăn, bất cập.
Hiện nay, nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch trung hạn rất hạn hẹp nên việc bố trí ngân sách cho dự án PPP rất khó khăn. Đối với nguồn vốn ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang tiếp tục phối hợp các bộ, ngành thảo luận và đàm phán cơ chế huy động vốn với các nhà tài trợ nhưng lượng vốn dự kiến huy động được rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Nguồn vốn này được huy động phải đảm bảo đồng thời 3 quy trình, thủ tục về đầu tư công, vốn ODA và dự án PPP nên mất nhiều thời gian. Ngoài ra, trần nợ công quốc gia đã đến ngưỡng an toàn cũng là một hạn chế lớn cho việc huy động nguồn vốn ODA cho các dự án PPP.
Bên cạnh đó, việc huy động nguồn tín dụng trong nước cho các dự án PPP rất khó khăn, bởi các lý do chính như: Năng lực tài chính của nhà đầu tư hạn chế; Dự án PPP thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn dài (đặc biệt là dự án BOT giao thông); Hiện các ngân hàng trong nước sử dụng nguồn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn, trong khi đó hiện Ngân hàng Nhà nước đang có chủ trương giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và phù hợp thông lệ quốc tế.
Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng thương mại nước ngoài có khả năng về nguồn cung vốn và thời hạn vay tốt hơn so với mặt bằng trong nước. Thực tế cho thấy, việc triển khai các dự án PPP hạ tầng lớn, quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng nước ngoài đều yêu cầu các cơ chế bảo lãnh rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ, quy hoạch... Tuy nhiên, cơ chế, chính sách và nguồn lực để bảo lãnh các rủi ro nêu trên chưa sẵn sàng.
Hợp đồng dự án PPP thường kéo dài từ 20 - 30 năm, do đó, nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường có yêu cầu cao đối với tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Tuy nhiên, do quy định liên quan về PPP chỉ dừng lại ở cấp Nghị định, đồng thời các quy định tại các Luật liên quan được thiết kế chỉ phục vụ cho dự án đầu tư công hoặc dự án đầu tư tư nhân thuần túy, việc thay đổi quy định tại các Luật hoặc Nghị định gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tuân thủ hợp đồng dự án PPP. Đây là một rủi ro hiện hữu đối với nhà đầu tư dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư đề xuất áp dụng bảo lãnh rủi ro thay đổi chính sách, bảo lãnh chính trị hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu giá dịch vụ dài hơn nhằm bù đắp cho những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu. Điều này gián tiếp làm tăng chi phí của dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án PPP cũng như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế do tính cam kết của Chính phủ còn thấp.
Theo đó, với mục tiêu tạo một cơ chế riêng để vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP một cách hiệu quả và được quản lý chặt chẽ, đồng thời thể chế hóa các biện pháp ưu đãi, bảo đảm đầu tư để thu hút các nhà đầu tư mà đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án PPP thì việc nâng cấp quy định hiện hành lên cấp Luật là rất cần thiết.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PPP. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật này. Việc xây dựng được khung pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ, hạn chế rủi ro về mặt thay đổi chính sách là một trong những điều kiện quan trọng để thu hút, hấp dẫn được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư