(MPI) – Ngày 05/6/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức công tư (PPP). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, doanh nghiệp và Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh phía Bắc.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, mô hình đầu tư theo hình thức PPP không còn là khái niệm mới tại Việt Nam. Từ năm 1997, Chính phủ đã đưa ra những quy định đầu tiên về hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân thông qua mô hình hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) là cơ sở pháp lý đầu tiên về PPP tại Việt Nam. Kể từ đó đến nay, hình thức đầu tư theo PPP đã được phát triển đa dạng ở Việt Nam với các mức độ tham gia khác nhau của khu vực tư nhân và các tổ chức nước ngoài, thông qua đó nhiều công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, năng lượng đã được triển khai theo hình thức này. Song song với việc triển khai các dự án cụ thể, Chính phủ rất quan tâm tới khung pháp lý liên quan đến mô hình đầu tư theo hình thức PPP. Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các hình thức đầu tư theo BOT, BT (xây dựng – chuyển giao), PPP, đặc biệt là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015.
Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện, Nghị định chưa thực sự đi vào cuộc sống và tồn tại những bất cập. Thứ nhất, chưa có sự liên thông giữa Luật Đầu tư công cũng như các nghị định, quy định đối với Nghị định này. Thứ hai, nguồn lực bố trí chuẩn bị cho dự án cũng như phần đối ứng của ngân sách nhà nước tham gia vào dự án PPP còn rất hạn chế, giới hạn bởi ngân sách nhà nước cũng như nguồn vốn ODA. Thứ ba, năng lực tổ chức thực hiện của các đầu mối, cán bộ thực hiện dự án PPP tại các bộ, ngành, địa phương còn rất hạn chế. Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2018/NĐ-CP nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập theo hướng tiếp thu các bài học từ thực tiễn triển khai, đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nghị định số 63/2018/NĐ-CP sẽ góp phần đảm bảo công khai, minh bạch thẩm quyền quyết định dự án đầu tư theo hình thức PPP, cũng như giảm thiểu thủ tục hành chính cho nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền... Nghị định quy định về phần góp vốn của nhà nước đối với các dự án PPP, ngoài các nguồn vốn như nguồn trực tiếp ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, bổ sung nguồn chi sự nghiệp, nguồn thu từ các dịch vụ hành chính công để đảm bảo vận dụng hình thức PPP trong các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các lĩnh vực giao thông, giáo dục,…Đặc biệt, Nghị định dành hẳn một chương để quy định chặt chẽ hơn đối với dự án BT. Đồng thời quy định quy trình áp dụng hình thức PPP trong lĩnh vực công nghệ cao tương ứng với các quy định của Luật Công nghệ cao. Nghị định cũng đưa ra những quy định về việc rút gọn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với các dự án PPP…
Những điểm nổi bật của Nghị định là những đổi mới thiết thực trong việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP đối với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong thời gian tới. Nghị định có hiệu lực từ ngày 19/6/2018 và được áp dụng ngay đối với các đề xuất dự án đang được các bộ, ngành, địa phương kỳ vọng áp dụng phương thức hiện đại trong việc mời gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia cùng để tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Tại Hội nghị, ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày về các điểm mới của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, như: Bổ sung lĩnh vực đầu tư; Quy định bổ sung trình tự phù hợp hơn với dự án công nghệ cao; Bổ sung nguồn vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP (nguồn chi thường xuyên, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công, nguồn vốn thanh toán cho dự án BT); Quy trình quyết định chủ trương đầu tư; Bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quy định chặt chẽ hơn đối với các dự án BT (lựa chọn nhà đầu tư sau khi có thiết kế, dự toán, bổ sung các nguồn thanh toán khác ngoài quỹ đất, quy hoạch chi tiết các khu đất dự kiến thanh toán); Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; Thời điểm chuyển nhượng dự án; Yêu cầu công khai thông tin hợp đồng dự án PPP,...
PPP là hình thức đúng đắn nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ công. Theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, đầu tư theo hình thức PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư theo hình thức PPP. Đồng thời góp ý cho định hướng xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (thay thế Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01/3/2016 và Thông tư số 06/2016/TT-BKHĐT ngày 28/6/2016).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định này cho các tỉnh phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư