Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/06/2018-16:19:00 PM
Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018” (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 19/6/2018, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018”. Tham dự Diễn đàn có đại diện của một số bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp có thành tích cao trong hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường, đại diện các cơ quan trung ương và địa phương.
Ảnh: Minh Trang (MPI)

Đây là một diễn đàn đa chiều, thảo luận về tình hình kinh tế và phát triển kinh doanh trên thế giới và Việt Nam, tổ chức sản xuất và cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tăng dần các sản phẩm mang hàm lượng giá trị gia tăng cao, động viên các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế kinh doanh.

Trình bày về bức tranh doanh nghiệp sau 3 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, quy trình khởi sự kinh doanh tiếp tục được đơn giản hóa nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí khi gia nhập thị trường. Trong các năm 2016, 2017, tình hình doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Cụ thể, năm 2016 có hơn 110 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, năm 2017 có gần 127 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2018 có 52.322 doanh nghiệp mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể không có nhiều biến động.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng, nhưng việc triển khai công tác đăng ký kinh doanh hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như (1) khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh còn một số hạn chế dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện công tác đăng ký kinh doanh như quy định pháp lý liên quan đến việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa được hoàn thiện dẫn đến một số khó khăn trong quá trình triển khai, nhiều nghiệp vụ mới phát sinh chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật…(2) Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cần được đầu tư nguồn lực để nâng cấp thiết bị nhằm đảm bảo sự vận hành an toàn và ổn định. (3) Khung khổ pháp lý về hậu kiểm chưa được hoàn thiện, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đã được chú trọng hơn nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả và việc thanh tra, kiểm tra tại các địa phương còn nhiều bất cập dẫn đến chất lượng công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập chưa cao, còn nhiều hạn chế cần khắc phục. (4) Khối lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tăng nhanh trong khi lực lượng cán bộ đăng ký kinh doanh tại các địa phương gần như không có thay đổi đã tạo áp lực công việc lớn cho các Phòng đăng ký kinh doanh.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại Diễn đàn. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Tại Diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Cùng với đó, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng điểm và có cải thiện mạnh mẽ, hiện đạt vị trí 86/190 quốc gia theo xếp hạng Ngân hàng thế giới (năm 2017 ở vị trí 167/190 quốc gia). Đặc biệt, Nghị định số 08/2018/NĐ-CP về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong 9 lĩnh vực thuộc lĩnh vực công thương, cắt bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, VCCI, thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện rõ rệt, nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển được ban hành. Nhiều điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm. Công tác cải cách hành chính, chống tham nhũng có nhiều bước tiến… Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người đang thấp so với thế giới, Bên cạnh đó, dù xếp hạng Doing Business 2018 của Việt Nam tăng 14 bậc, trong xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF Việt Nam tăng 5 bậc, nhưng tổng xếp hạng Việt Nam trong Doing Business vẫn chưa lọt vào mức trung bình nhóm nước ASEAN 4.

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư đã đánh giá toàn cảnh nền kinh tế và định hướng cho những năm tiếp theo. Đồng thời, thảo luận và đối thoại về những nhu cầu, những vấn đề thực tiễn cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp phát triển bền vững./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2031
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)