Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/07/2018-15:12:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 tỉnh Thừa Thiên Huế

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2018

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018; UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành Quyết định số 3039/QĐ-UBND triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm ước đạt một số kết quả như sau:

1.Về kinh tế

Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh 2010) ước đạt 14.904 tỷ đồng, tăng 6,12% so với cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch đề ra (7,5-8%); Trong đó:

- Du lịch dịch vụ tăng 6,93% về giá trị gia tăng nhờ vào du lịch khởi sắc trở lại. Tổng lượt khách đến Huế ước đạt hơn 2.380 nghìn lượt khách, tăng hơn 36% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 1.010 nghìn lượt, tăng 66%, thị trường khách chủ yếu là khách Hàn Quốc chiếm 33,5%, Châu Âu, Châu Mỹ chiếm hơn 30%. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt hơn 1.109 nghìn lượt, tăng 16,54%. Doanh thu cơ sở lưu trú ước tăng 12,8%. Đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới xung quanh khu vực kinh thành: Duy trì mở cửa Đại Nội về đêm, chiếu sáng Kỳ Đài, bắn súng thần công, chiếu phim 4D, trình diễn “Văn hiến kinh kỳ”...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,7%, đạt 47,2% kế hoạch năm.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 440 triệu USD, tăng 11,4%, đạt gần 48% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 275,0 triệu USD, tăng 7,08%, đạt 48,6% kế hoạch năm.

- Khu vực Công nghiệp – xây dựng tăng 6,39%. Tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp 06 tháng đầu năm 2018 tăng khoảng 6,85% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so 6 tháng đầu năm 2017, chủ yếu do Thủy điện A Lưới ngừng hoạt động để bảo trì. Một số sản phẩm tăng khá: Bia đóng chai tăng 22,6%; bia đóng lon tăng 18,44%; sợi các loại tăng 11,09%;

- Khu vực nông, lâm, thủy sản duy trì mức tăng ổn định gần 2% nhờ hoạt động đánh bắt hải sản phục hồi sau sự cố môi trường biển. Sản lượng khai thác biển tăng trở lại, đạt hơn 18.000 tấn, tăng 6,1%. Năng suất lúa ước đạt 61,8 tạ/ha. Không để các loại dịch bệnh xảy ra trên gia súc, gia cầm. Đã chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để công nhận thêm 08 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 31 xã/104 xã, đạt 29,8%. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 57,32%, tăng 1,02% so với năm 2016.

2. Về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 9.080 tỷ đồng, bằng 45,4% KH năm, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, tình hình phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh. Có 369 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 3.100 tỷ đồng, tăng 5,7% về lượng và bằng 80,9% về vốn so với cùng kỳ. Đã thu hút 16 dự án trong nước với tổng mức đầu tư 3.131 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn dự án Laguna lên 02 tỷ USD. Đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của 12 dự án (9/24 dự án cần rà soát xem xét thu hồi và 3/29 dự án cần giám sát đặc biệt).

Ngoài ra, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế; làm việc với các bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án: nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, quốc lộ 49B, cao tốc Cam Lộ - Túy Loan... Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án trọng điểm để sớm triển khai dự án.

3. Về quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên môi trường

Công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được thực hiện đảm bảo theo quy định; công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng được tăng cường; Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị đến nay đạt 36%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 54%.

Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh. Kịp thời chỉ đạo phân bổ cho các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai năm 2017 với số tiền 145 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách dự phòng Trung ương cấp.

4. Về thu ngân sách

Tổng thu ngân sách ước đạt hơn 3.430 tỷ đồng, bằng 50,3% dự toán và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Thu nội địa đạt 2.990 tỷ đồng, bằng 49,3% dự toán, tăng 2,8% so với cùng kỳ; Thu tiền sử dụng đất đạt gần 530 tỷ đồng, bằng 78% dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt gần 4.020 tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán.

5. Về văn hóa xã hội

- Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. Đã tổ chức thành công Festival lần thứ 10 - năm 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Huế 1 điểm đến 5 di sản”.

- Các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ, không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 97,42%, vượt kế hoạch.

- Giáo dục - đào tạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực; hiện nay có 322/594 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 54,21%, tăng 29 trường so với đầu kỳ kế hoạch. Đề án Phát triển Viện công nghệ sinh học, Đại học Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018. Đã tuyển sinh 9.040 lao động tham gia các lớp học nghề, đạt trên 60% kế hoạch.

- Công tác an sinh xã hội được quan tâm, nhất là tại các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai năm 2017 và gia đình chính sách, người có công, người nghèo. Giải quyết việc làm mới cho hơn 9.430 lao động, đạt 59% kế hoạch, tăng 11%; đã đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, từ đầu năm đến nay đã đưa được 420 lao động đi làm việc nước ngoài.

6. Về công tác nội vụ và cải cách hành chính:

- Triển khai đồng bộ thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6, khóa XII theo hướng tinh, gọn và hoạt động có hiệu quả, cụ thể: Đã thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế. Đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đổi tên Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh thành Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh đồng thời thành lập Viện Quy hoạch xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng; đang hoàn thiện Đề án đổi mới mô hình quản lý Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Đã tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Công Thương.

- Cải cách hành chính có chuyển biến, đưa vào hoạt động đồng bộ và hiệu quả trung tâm hành chính công tỉnh, cấp huyện; triển khai Đề án bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã và tổ chức khai trương tại đơn vị làm điểm xã Lộc Bổn; đã công bố quyết định đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện năm 2017. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường; xây dựng hoàn thiện đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Ngoài ra, đã tổ chức Hội thi chung tay cải cách hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Chỉ số cải cách hành chính PAR Index xếp thứ 23, giảm 13 bậc. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử xếp thứ nhất cấp tỉnh năm 2017

7. Công tác đối ngoại, trật tự xã hội, an toàn giao thông, quốc phòng – an ninh

- Công tác đối ngoại có nhiều chuyển biến. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Đã tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tuyệt đối trong các dịp, lễ hội, kỷ niệm và các chuyến thăm và làm việc của các đoàn công tác cấp cao. Đã chỉ đạo ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động truyền đạo trái phép của “Hội thánh đức chúa trời mẹ” trên địa bàn tỉnh. Công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội được duy trì, với phương châm nắm chắt tình hình cơ sở, xử lý kịp thời những biểu hiện hành vi có nguy cơ kích động, gây rối trật tự nên tình hình được duy trì ổn định, an ninh được đảm bảo trong thời gian trước, trong và sau kỳ họp Quốc hội.Trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo; tai nạn đường thuỷ nội địa không xảy ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, yếu kém:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp. Quy mô nền kinh tế còn quá nhỏ. Chỉ riêng nhà máy thủy điện A Lưới dừng hoạt động để bảo trì trong các tháng đầu năm đã tác động làm giảm gần 1% tốc độ tăng trưởng. Khu vực dịch vụ, mặc dù lượt khách tăng cao song ngày khách lưu trú bình quân có xu hướng giảm, chỉ đạt 1,76 ngày/lượt khách. Sản xuất công nghiệp thiếu bền vững, còn phụ thuộc vào ngành sản xuất điện; các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: bia, xi măng, dệt may đang ở giai đoạn bão hòa. Chưa có năng lực tăng thêm để tạo động lực phát triển.

- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn yếu. Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư không đạt như kỳ vọng; quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư còn mất nhiều thời gian; thiếu kiên quyết trong thu hồi các dự án chậm tiến độ.

- Giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn chậm, đạt 26,4% kế hoạch. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm 6 bậc, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố.

- Giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là các công trình, dự án trọng điểm.

- Công tác tổ chức bộ máy, việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn tồn tại, hạn chế như: tổ chức bộ máy một số cơ quan vẫn còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, mối quan hệ phối hợp của một số cơ quan, tổ chức chưa đáp ứng yêu cầu; việc sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, số đơn vị sự nghiệp chuyển sang cơ chế tự chủ kinh phí hoạt động chưa nhiều. Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong một số cơ quan hành chính chưa nghiêm; tiến độ thực hiện ý kiến chỉ đạo một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa quan tâm đúng mức, việc phát hiện và xử lý chưa kịp thời, còn tình trạng bao che. Tác phòng, lề lối làm việc, tinh thần tháo độ phục vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thật sự nghiêm túc, vẫn còn trường hợp vi phạm giờ giấc làm việc, còn xảy ra tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thực thi công vụ; việc ứng dụng CNTT có lúc có nơi chưa thật sự quyết liệt.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM

Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018, cần thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; Quyết định số 3039/QĐ-UBND của UBND tỉnh …;Tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Chỉ đạo ổn định và phát triển sản xuất, phấn đấu thực hiện đạt kế hoạch tăng trưởng kinh tế đã đặt ra trong năm 2018. Triển khai xây kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2019. Rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019-2021.

2. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế và với Đại học Huế theo Thông báo số 26/TB-VPCP và 38/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ. Trong đó tập trung triển khai công tác GPMB nhằm đảm bảo sớm khởi công dự án đầu tư nhà ga, sân đỗ Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài; xây dựng cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư các hộ dân trong khu vực I di tích Huế và cơ chế chính sách cho Đại học Huế báo cáo các bộ ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ.

3. Đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách. Khai thác tốt các nguồn thu và huy động thu, đảm bảo hoàn thành dự toán năm 2018; thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, cơ cấu lại các khoản mục chi ngân sách;tập trung nguồn chi cho các mục tiêu đầu tư phát triển trọng yếu, chi công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư, chỉnh trang đô thị. Sớm triển khai xây dựng các đề án để góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của ngành thuế.

4. Về công tác quy hoạch, đô thị, quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản

Tổ chức lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh Quy hoạch khu trung tâm phía Nam, xây dựng thiết chế đô thị, quy hoạch chi tiết cục bộ khu vực tam giác đường Lê Lợi - Hà Nội - Hùng Vương. Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, quy hoạch vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, khu đô thị mới An Vân Dương, quy hoạch chi tiết một số trục đường trung tâm vùng lõi đô thị Huế; giao thông tĩnh… để phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh của từng khu vực trong thu hút đầu tư. Rà soát tổng thể, lập phương án sắp xếp lại, di dời, sắp xếp một số trụ sở các cơ quan dọc tuyến đường Lê Lợi, Hà Nội, Nguyễn Huệ, Hùng Vương... để lập quy hoạch, chuẩn bị thông tin từng dự án nhằm xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.

Nghiên cứu, đề xuất hướng tuyến, quy mô đường ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị, quy hoạch ven biển.

Đẩy nhanh tiến độ dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án mạng lưới kết nối tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, thành phố Huế, từng bước hình thành phố đi bộ dọc sông Hương gắn với không gian nghệ thuật dọc đường Lê Lợi. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư các điểm giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố Huế và vùng phụ cận.

Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Đôn đốc, hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm, như: đê chắn sóng Cảng Chân Mây; hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn II, mở rộng ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, đường cao tốc Cam Lộ La Sơn, La Sơn – Túy Loan, dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế, dự án khu phức hợp du lịch dịch vụ Đăng Kim Long.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án: bến số 2, số 3 cảng Chân Mây; đê chắn sóng cảng Chân Mây; hạ tầng khu công nghiệp - khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây và các khu công nghiệp: Phú Bài, Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ. Tiếp tục giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai. Nghiên cứu điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án từ hình thức BT sang hình thức khác phù hợp.

Rà soát nguồn lực đầu tư, đề xuất phương án đầu tư GPMB tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư, chỉnh trang đô thị; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu tái định cư phục vụ giải tỏa, tạo quỹ đất. Hoàn thành giải toả, chỉnh trang Thượng Thành, Eo bầu phía Nam (giai đoạn 1) và tiến hành giai đoạn 2...

5. Thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ đi vào chiều sâu; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

Triển khai tốt Chương trình “Mỗi năm một sản phẩm du lịch”; tập trung sản phẩm du lịch năm 2018. Hoàn thành và triển khai thực hiện đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Phối hợp cùng Công viên Phần mềm Quang Trung xây dựng mô hình chuỗi tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

6. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường các giải pháp giám sát đầu tư, chủ động kêu gọi đầu tư theo định hướng phát triển, thúc đẩy quá trình tiếp cận đất đai theo quy định. Ổn định tổ chức, hoạt động và phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh.

7. Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác

Phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề tập trung.

Tập trung chỉ đạo gieo trồng, chăm sóc vụ Hè Thu. Rà soát, bổ sung một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap, nông sản hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng phát triển các sản phẩm đặc sản chủ lực gắn liền với xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị.

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng. Tăng cường kiểm tra chất lượng các công trình hồ chứa, đập dâng, công trình phòng lũ, đảm bảo nguồn nước tưới, tăng khả năng tiêu, thoát lũ. Tiếp tục Chương trình xây dựng nông thôn mới, duy trì các xã đạt chuẩn, phấn đấu cuối năm có thêm 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

8. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hoá, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội

a) Văn hóa - thể thao: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa và thể thao theo đúng quy định. Chấn chính, nâng cao chất lượng hoạt động ca Huế, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách. Tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Rà soát, sắp xếp lại các bảo tàng, nhà trưng bày bảo đảm hợp lý, hiệu quả.Tổ chức tốt các giải thể thao trên địa bàn tỉnh.

b) Giáo dục - đào tạo: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn. Thực hiện thí điểm xã hội hóa một số trường ở thành phố Huế theo hướng tự chủ.

Thực hiện tốt công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018. Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của Đại học Huế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

c) Y tế: Củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để các dịch, bệnh lớn xảy ra. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tăng cường công tác quản lý ngành y tế. Nghiên cứu Đề án xây dựng Y tế trở thành ngành Kinh tế quan trọng của tỉnh.

d) Đào tạo nghề, lao động việc làm và an sinh xã hội

Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh công tác tuyển sinh học nghề. Rà soát các Trường, các Trung tâm và các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn để có phương án sắp xếp các cơ sở đào tạo nghề phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tuyên truyền chính sách hỗ trợ cho các đối tượng là người thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển để tham gia đi xuất khẩu lao động.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo vệ chăm sóc trẻ em. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 5%.

đ) Khoa học công nghệ

Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành khoa học – công nghệ đến năm 2020 và giai đoạn 2020 – 2025. Đối mới công tác ứng dụng, triển khai các đề tài khoa học. Duy trì áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 chuyển đổi sang TCVN 9001:2015 cho các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.

9. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác nội vụ

Đẩy mạnh cải cách hành chính và thực thi kỷ cương, kỷ luật hành chính; đề cao trách nhiệm, tác phong người đứng đầu. Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tập trung hoàn thành Đề án đổi mới mô hình hoạt động Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Tiếp tục vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và triển khai Đề án Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh phù hợp, phát huy hiệu quả mô hình chính quyền điện tử các cấp.

10. Quản lý tài nguyên và môi trường, thích nghi biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai

Tăng cường chỉ đạo công tác GPMB. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến cơ chế bồi thường cho người dân và bố trí quỹ đất tái định cư; củng cố bộ máy, năng lực đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp huyện; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2019.

Tiếp tục rà soát, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường; xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông, bãi bồi trái phép.Thực hiện kế hoạch phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp; chủ động phòng chống khô hạn, lụt bão,...

11. Công tác đối ngoại, quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội

Tăng cường công tác tham mưu và công tác quản lý nhà nước về đối ngoại. Tăng cường thúc đẩy ngoại giao văn hóa; công tác quản lý nhà nước về biên giới và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.

Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương 6 tháng cuối năm. Tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức thực hành diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Chủ động đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp tội phạm. Làm tốt công tác bảo vệ an toàn các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường chủ động nắm chắc và dự báo sát tình hình ở cơ sở, kiên quyết xử lý kịp thời theo quy định các đối tượng xấu, chủ mưu cầm đầu kích động, bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông.

12. Tăng cường quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn. Chủ động cung cấp thông tin đẩy đủ, kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và các vấn đề dư luận quan tâm; tăng cường việc trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi từ nhân dân, doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách để kịp thời có những giải pháp bổ sung, điều chỉnh hợp lý. Làm tốt công tác dân vận trong hệ thống hành chính nhà nước. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tăng cường giám sát, phản biện xã hội, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ý kiến người dân, tạo điều kiện để nhân dân phát huy vai trò, tham gia tích cực, hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội./.


Website UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Tổng số lượt xem: 1772
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)