(MPI) – Sáng ngày 30/7/2018, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, chính trị - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp…
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
|
Đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia và chưa thật sự bền vững, hiệu quả
Hội nghị là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp và các hiệp hội ngành nghề cùng nhìn lại, đánh giá tình hình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp về các kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và đề xuất giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới.
Báo cáo tại Hội nghị về thực trạng và giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia và chưa thật sự bền vững, hiệu quả. Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương tổ chức Hội nghị toàn quốc Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm lắng nghe những vướng mắc, khó khăn, những vấn đề còn bất cập trong chính sách để tháo gỡ trong thời gian tới. Một trong những mục tiêu quan trọng của Hội nghị là nhận diện rõ các khó khăn, thách thức cũng như nguyên nhân đang làm cản trở các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo thành điểm nghẽn trong tăng trưởng nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Qua phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp và tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 10 nhóm vấn đề chính các khó khăn, vướng mắc và hạn chế nội tại của doanh nghiệp và cơ chế chính sách. Cụ thể, thứ nhất, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa được triển khai hiệu quả, còn thiếu sự ổn định. Thứ hai, khó tiếp cận tín dụng, thuế và phí chưa hợp lý. Thứ ba, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Thứ tư, khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi. Thứ năm, thị trường tiêu thụ không bền vững, chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối bán lẻ lớn, chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.
Thứ sáu, nhân lực đa số trình độ thấp, tính tự do, manh mún cao, chưa được đào tạo về tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật. Thứ bảy, ưu đãi về đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa đủ mạnh, còn nhiều rào cản đối với việc công nhận và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; Sản xuất đại trà còn chậm, mang tính nhỏ lẻ nên hiệu quả mang lại chưa cao. Thứ tám, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Thứ chín, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển chưa được thực thi một cách nghiêm túc ở một số địa phương. Thứ mười, còn nhiều hạn chế trong quản lý nhà nước và truyền thông về an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là phát triển các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào một số nhóm giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể, về phía các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc và khẩn trương thực hiện các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp một cách nghiêm túc và thực chất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đề nghị rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính và ban hành ở cấp Nghị định; Nghiên cứu cắt giảm 40 - 50% thủ tục hành chính hiện hành; Rà soát, tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; Chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.
Về tư liệu sản xuất trong nông nghiệp, nhanh chóng có giải pháp tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định. Nghiên cứu, sửa đổi chính sách tạo điều kiện cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thí điểm các mô hình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp tại một số địa phương để ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp.
Phải thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.Trong đó, cần ban hành chính sách đột phá về khoa học và công nghệ, khuyến khích các dự án đầu tư công nghệ trong một số lĩnh vực chủ lực như giống cây trồng, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc... Cần có cơ chế nghiên cứu khảo nghiệm giống mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài nguyên về giống, kết quả nghiên cứu khoa học của các Viện, trường. Đẩy nhanh việc hình thành các Khu/Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phát triển, thử nghiệm các công nghệ tiên tiến, các mô hình đổi mới sáng tạo phục vụ cho nông nghiệp; Quy tụ các nhà đầu tư, doanh nghiệp nông nghiệp, nhà nghiên cứu, tri thức…
Để từng bước chủ động được thị trường, xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam, cần khẩn trương đổi mới mô hình đại diện thương mại ở nước ngoài để xúc tiến nông sản Việt Nam đối với các thị trường lớn, trọng tâm như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc...
Khẩn trương tổ chức hướng dẫn triển khai có hiệu quả các nghị định Chính phủ mới ban hành như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần khẩn trương ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp.
Để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nông nghiệp cần tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ đào tạo nông dân, lao động trong trang trại, lao động trong doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên hợp tác xã. Xây dựng và ban hành chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, kết nối với các doanh nghiệp nông nghiệp, thu hút người lao động có trình độ cao về hợp tác xã nông nghiệp.
Về phía các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, đề nghị nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, chuyển tới các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời xử lý, giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tiếp tục nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, nỗ lực cùng Chính phủ và người dân Việt Nam chung sức đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công. Đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh, phát huy vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết, chuỗi giá trị nông nghiệp. Hỗ trợ nâng cao năng lực của các hộ nông dân, hợp tác xã theo hướng sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư