(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công; Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/8/2017 về xây dựng pháp luật tháng 8/2017 của Chính phủ; Các văn bản chỉ đạo số 552/TTg-KTTH ngày 24/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ, số 209/TB-VPCP ngày 06/6/2018 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát, nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015, số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 và số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ (dự thảo Nghị định).
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế
Các Nghị định số 77/2015/NĐ-CP, 136/2015/NĐ-CP và 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã cụ thể hóa các nội dung về quản lý đầu tư công theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo hướng: (i) Phân định rõ trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, đi đôi các chế tài nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư, trên cơ sở đó đưa ra yêu cầu, nguyên tắc, nội dung cụ thể để quản lý cho phù hợp với từng nguồn vốn đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; (ii) Đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn trước khi quyết định chủ trương đầu tư đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư công, bảo đảm bố trí vốn một cách tập trung cho các mục tiêu, dự án ưu tiên cần thiết phải đầu tư, khắc phục tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án mà không cân đối được nguồn vốn để thực hiện; (iii) Đổi mới công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hằng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, tạo ra sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước; (iv) Đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương trong việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn danh mục dự án thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, các Nghị định này đã cơ bản bảo đảm được yêu cầu quản lý nhà nước về đầu tư công, đảm bảo các hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư đi vào nề nếp theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các Nghị định, trên cơ sở ý kiến đánh giá và kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, có một số vướng mắc phát sinh từ thực tế cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Triển khai rà soát, nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi
Về nội dung Nghị định sửa đổi, đối với Nghị định số 77/2015/NĐ-CP, tại Tờ trình số 5146/TTr-BKHĐT ngày 30/7/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi quy định liên quan đến nguồn vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN, chủ yếu đề nghị đơn giản hóa thủ tục đối với nguồn vốn này, tăng quyền chủ động, phân cấp mạnh mẽ hơn. Nội dung này đã được tiếp thu, tuy nhiên, vẫn còn ý kiến khác nhau về tính hợp pháp khi điều chỉnh ở cấp Nghị định.
Đề nghị bổ sung quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc khi sử dụng khoán dự phòng 10%, nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng nguồn vốn này tại thời điểm hiện nay là rất bức xúc, nhiều nhiệm vụ, dự án cấp bách cần được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nội dung này đã được tiếp thu, một mặt nghiên cứu sửa đổi ngay trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, mặt khác, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Tờ trình số 173/TTr-CP ngày 11/5/2018.
Đề nghị quy định về mức vốn tối thiểu bố trí cho dự án trong năm đầu tiên khi thực hiện dự án. Nội dung này trước đây đã được quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg và đã được nghiên cứu tiếp thu, tuy nhiên, cần bổ sung quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công để tạo cơ sở pháp lý cho Nghị định hướng dẫn.
Đề nghị không quy định thời hạn quyết định đầu tư là trước 31/10 đối với một số trường hợp đặc biệt như dự án cấp bách, sử dụng vốn dự phòng ngân sách, vốn vượt thu ngân sách... Nội dung này đã được tiếp thu.
Đề nghị quy định cho phép giải ngân vốn ODA theo tiến độ thực hiện, Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định nội dung này, tuy nhiên, cần phải sửa lại để phù hợp với Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước, theo đó, vốn ODA giải ngân theo dự toán kế hoạch như các nguồn vốn khác.
Đề nghị sửa đổi quy định về kéo dài, gia hạn thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo hướng tạo thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương. Nội dung này đã được tiếp thu.
Đề nghị cho phép ứng trước vốn của địa phương để thanh toán cho các dự án sử dụng vốn trung ương nhằm đẩy nhanh tiến độ, sau đó sử dụng kế hoạch vốn trung ương năm sau để trả cho ngân sách địa phương. Nội dung này có liên quan đến vấn đề điều hành ngân sách và khái niệm nợ đọng xây dựng cơ bản. Do vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sửa đổi, bổ sung ở cấp Nghị định là chưa phù hợp mà phải sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Đối với Nghị định số 136/2015/NĐ-CP, đa số các ý kiến đều tập trung vào việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, vấn đề thẩm quyền, phân cấp, phân loại dự án, điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án... Tuy nhiên, những vấn đề này đều liên quan đến sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công, vì nếu chỉ sửa ở cấp Nghị định là chưa phù hợp. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu và sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Về các ý kiến liên quan đến trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đối tác công tư (PPP), trong đó đề nghị không quy định trình tự, thủ tục như dự án đầu tư công thông thường. Nội dung này đã được tiếp thu, tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP. Do vậy, việc bãi bỏ các quy định liên quan tại Nghị định số 136/2015/NĐ-CP là để áp dụng thống nhất tại một nghị định, tránh chồng chéo.
Một số ý kiến đề nghị sửa đổi để thống nhất giữa pháp luật về đầu tư công với pháp luật về xây dựng, pháp luật về môi trường. Nội dung này đã được nghiên cứu khi sửa đổi Luật Đầu tư công, trong đó, đối với quy định về báo cáo sơ bộ đánh giá tác động môi trường, Chính phủ đã có chỉ đạo theo hướng sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường cho thống nhất đối với tất cả các loại hình đầu tư. Về xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng. Đối với những điểm còn khác biệt giữa Nghị định số 136/2015/NĐ-CP với Nghị định số 42/2017/NĐ-CP, đề nghị áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, để tránh phải sửa lại nhiều lần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị đối với những nội dung này sẽ sửa đổi sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công được thông qua, theo hướng không quy định chồng chéo, những nội dung đã được quy định tại pháp luật về xây dựng sẽ không quy định tại Luật Đầu tư công.
Đối với Nghị định số 161/2016/NĐ-CP, đa số các ý kiến đều tập trung kiến nghị nới rộng tiêu chí, phân cấp mạnh hơn nữa đối với những dự án đặc thù, dự án quy mô nhỏ thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nội dung này đã được tiếp thu trong dự thảo Nghị định.
Liên quan đến trình tự, thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, nội dung này được quy định tại Luật Đầu tư công, nếu chỉ sửa ở cấp Nghị định là chưa phù hợp (vượt Luật). Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo hướng bãi bỏ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn và phân cấp triệt để hơn đối với các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Tại Tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ về phương án lựa chọn đối với 2 vấn đề chính sách, đó là: Thẩm quyền quyết định việc sử dụng vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn tại các bộ, ngành, địa phương với hai phương án: Giữ nguyên như quy định hiện hành và phương án Bổ sung Khoản 3 Điều 7 về thời gian và thẩm quyền quyết định việc sử dụng vốn dự phòng được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 77/2015/NĐ-CP: Dự phòng 10% trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, ngành và địa phương được sử dụng từ năm thứ hai của kế hoạch đầu tư công trung hạn; Thủ tướng Chính phủ quyết định thời điểm và mức vốn sử dụng đối với dự phòng thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thời điểm và mức vốn sử dụng đối với dự phòng thuộc nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại kỳ họp gần nhất; Người đứng đầu các bộ, ngành trung ương quyết định thời điểm và mức vốn sử dụng đối với dự phòng thuộc nguồn vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của bộ, ngành.
Về quy định Hội đồng nhân dân các cấp ủy quyền cho Thường trực hội đồng nhân dân cùng cấp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bổ sung quy định tại Điều 3 của Nghị định sửa đổi về bãi bỏ các quy định liên quan đến Thường trực Hội đồng nhân dân tại các Điều 19, 20, 25, 33, 34, 39, 55 của Nghị định số 77/2015/NĐ-CP và tại các Điều 21, 61 và các phụ lục kèm theo của Nghị định số 136/2015/NĐ-CP hoặc phương án 2 là giữ nguyên như quy định hiện hành.
Việc khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công hằng năm của các năm 2019, 2020 của chu kỳ kế hoạch 5 năm, nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư công, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đảm bảo vẫn quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đầu tư công và nguồn vốn đầu tư công, không trái với các quy định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư