Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/04/2013-09:30:00 AM
Quyết định chủ trương đầu tư là vấn đề then chốt trong Luật Đầu tư công
(MPI Portal) - Trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị chủ trì soạn thảo và xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công đã liên tục tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ ngành có liên quan nhằm hoàn thiện bản dự thảo Luật trình Chính phủ, trên cơ sở tiếp tục lấy ý kiến của các bên liên quan, ngày 18/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức buổi họp lấy ý kiến các Bộ ngành về góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư công.

Buổi họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cùng sự tham gia của đại diện tổ soạn thảo Luật Đầu tư công, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, … đã cùng thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh bản dự thảo Luật Đầu tư công.

Họp lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Quyết định chủ trương đầu tư là vấn đề gặp nhiều vướng mắc nhất.
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại buổi làm việc. Trong thời gian gần đây, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án không phù hợp, không hiệu quả dược coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí vốn nhà nước. Chính vì vậy, dự thảo luật đã có những bước tiến trong việc quy định theo hướng làm rõ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền quyết định chủ trương (là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chủ tịch UBND các cấp) và quyết định đầu tư. Trong đó, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cần xem xét, cân nhắc việc đầu tư dự án phù hợp với kế hoạch, quy định, đảm bảo hiệu quả và nguồn lực thực hiện.
Cũng liên quan đến giai đoạn chuẩn bị cho đầu tư dự án, đại diện Bộ Giao thông vận tải nhận định quy định mới về quy trình xin chủ trương đầu tư, tức là lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án nhóm A, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B là hết sức hợp lý mà mang tính đổi mới.
Đồng thời, chủ trương mới trong dự thảo Luật đầu tư công quy định các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp không trực tiếp làm chủ đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng cơ sở của cơ quan và các trường hợp đặc thù khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định là một quy định lớn. Quy định này nhằm đảm bảo tách biệt chức năng quản lý nhà nước (người có thẩm quyền quyết định đầu tư) và chức năng quản lý dự án (chủ đầu tư) của các cơ quan, tránh tình trạng khép kín trong quản lý đầu tư, nghĩa là vừa tự quyết định đầu tư, vừa tự kiểm tra mình… Đồng thời mức độ trách nhiệm của chủ đầu tư được quy định còn liên quan đến việc lập hoặc thuê tư vấn làm quản lý dự án. Theo dự thảo Luật bổ sung quy định, đối với các cơ quan chủ đầu tư của ngành, địa phương có nhiều dự án đầu tư công chuyên ngành được thành lập Ban quản lý dự án chuyên nghiệp để quản lý đồng thời một số dự án theo từng chuyên ngành.
Đánh giá hiệu quả đầu tư cần được chú trọng hơn nữa
Để từng bước khắc phục mặt hạn chế trong quản lý đầu tư hiện nay là thiên về quản lý, kiểm tra quá trình thực hiện theo quy định, chưa chú trọng đúng mức đến quản lý hướng đến kết quả và hiệu quả cuối cùng; Dự thảo Luật bổ sung quy định về hình thức quản lý mới về ủy thác đầu tư dự án, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động dự án. Đây là khâu quan trọng, mà theo ý kiến của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ đánh giá được mức độ hiệu quả của việc đầu tư. Quan trọng là cần đảm bảo đánh giá giữa và cuối kỳ, hay nói cách khác là đánh giá được hiệu quả thật của dự án, mục tiêu là đạt hiệu suất tối đa của dự án, tránh lãng phí.
Duy tu, bảo dưỡng công trình là một quy trình quan trọng nhưng lại ít nhận được sự quan tâm
Các quy định hiện hành còn thiếu quy định về đảm bảo chi phí duy tu, bảo dưỡng cho các công trinh sau khi nghiệm thu, bàn giao; dẫn đến nhiều công trình nhanh chóng xuống cấp; do đó, dự thảo Luật đã có bổ sung về những điều này.
Theo ý kiến của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần làm rõ nguồn vốn dành cho duy tu, bảo dưỡng công trình trong tổng vốn đầu tư dự án, có thể phân định rõ tổng vốn đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng và vốn dành cho duy tu, bảo hành công trình. Hiện nay trong bản dự thảo Luật bổ sung có nêu vốn duy trì năng lực hoạt động của tài sản đầu tư được sử dụng từ nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp của chủ đầu tư và từ nguồn vốn thu hồi của dự án (nếu có).
Tính pháp lý của Luật Đầu tư công cần được đảm bảo trên cở sở sự thống nhất nhưng không chồng chéo với các văn bản luật khác.
Trước đây, các quy định về quản lý đầu tư công được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, có sự mâu thuẫn, chồng chéo, không đầy đủ, thiếu cụ thể và sửa đổi chắp vá, gây khó khăn cho việc áp dụng và thi hành. Hiện nay, Luật Đầu tư công được ra đời sẽ là một văn bản luật thống nhất, có cơ sở pháp lý cao để điều chỉnh toàn bộ các hoạt động đầu tư sử dụng vốn nhà nước một cách có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay.
Vấn đề cơ bản của việc đảm báo tính pháp lý cho Luật Đầu tư công chính là tránh chồng chéo, gây mâu thuẫn với những nội dung đã có trong các văn bản luật khác, chẳng hạn vấn đề phân bổ vốn liên quan đến Luật Ngân sách và Luật Kiểm toán… hay các nội dung kỹ thuật liên quan đến Luật Xây dựng… Theo ý kiến của đại diện Bộ Tài chính, tính pháp lý của Luật Đầu tư công cần được đảm bảo trong mối tương quan và liên hệ với các quy định luật khác. Để đảm bảo thống nhất và tránh chồng chéo, gây nhầm lẫn, khó hiểu, các vấn đề hay các khái niệm đã được sử dụng rộng rãi trong các văn bản luật của Việt Nam và cả quốc tế nên được giữ nguyên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo và xây dựng Luật Đầu tư công, trên tinh thần tham khảo và tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục bổ sung và sớm hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư công tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1341
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)