Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/08/2018-10:48:00 AM
11.655 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8 năm 2018
(MPI) – Theo Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 8/2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.655 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 107.564 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và giảm 11,9% về số vốn đăng ký so với tháng 7/2018, so với cùng kỳ năm 2017, giảm 6% về số doanh nghiệp, giảm 18,1% về số vốn đăng ký.
Biểu đồ Tình hình doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2018 theo vùng lãnh thổ.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong tháng 8/2018, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 14,9%, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 111.172 lao động, giảm 3,3%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên cả nước là 2.912 doanh nghiệp, giảm 2,0%, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.961 doanh nghiệp, giảm 19,7%, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể ghi nhận được là 4.255 doanh nghiệp, giảm 23,1%, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 1.421 doanh nghiệp, tăng 31,0% so với tháng 7/2018.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, cả nước có 87.448 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 10 tỷ đồng, tăng 4,3%, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 734.690 lao động, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.558.228 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2017, bao gồm: 878.627 tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 1.679.601 tỷ đồng thông qua 28.672 lượt đăng ký tăng vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 20.942 doanh nghiệp, tăng 9,3%. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 21.575 doanh nghiệp, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Về tình hình doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, cả nước có 41.660 doanh nghiệp, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2017. Từ tháng 4/2018 đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu về doanh nghiệp nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động, sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp chờ giải thể trong 8 tháng đầu năm 2018. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm 2018 của cả nước là 9.135 doanh nghiệp, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Đây là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đồng thời, cũng cho thấy rằng bối cảnh kinh tế mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức hơn cho doanh nghiệp, thể hiện qua tính cạnh tranh, thanh lọc của thị trường đang diễn ra rất mạnh mẽ. Để sớm đạt được sự phát triển ổn định hơn, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết những hạn chế nội tại về năng lực quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ và năng suất lao động.

Về số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới, các ngành nghề có số vốn đăng ký lớn nhất là: Kinh doanh bất động sản có 259.581 tỷ đồng, chiếm 29,5% trên tổng số vốn đăng ký, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 130.305 tỷ đồng, chiếm 14,8%, xây dựng có 123.447 tỷ đồng, chiếm 14,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo có 94.886 tỷ đồng, chiếm 10,8%.

Một số ngành có tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp cao là: Kinh doanh bất động sản đạt 57,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, sản xuất phân phối điện, nước, gas đạt 55,5 tỷ đồng/doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 19,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 19,1 tỷ đồng/doanh nghiệp, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 16,9 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Xét tổng thể, một số ngành có xu hướng tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động cùng tăng trong tất cả các tiêu chí, đó là: Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác.

Các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, bông nghiệp, chế biến, chế tạo, nghệ thuật, vui chơi và giải trí, thông tin và truyền thông có xu hướng gặp khó khăn, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động chỉ tăng nhẹ, trong khi số doanh nghiệp ngừng kinh doanh có đăng ký, ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng cao. Số lượng doanh nghiệp dự kiến tham gia hoạt động buôn bán thương mại có tỷ trọng là khoảng 36%, lớn hơn so với số doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất, chế tạo hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là điểm cần lưu ý do hoạt động buôn bán thương mại không tạo ra giá trị gia tăng của cải vật chất thực sự cho nền kinh tế.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, các ngành thu hút nhiều lao động nhất là: Công nghiệp chế biến, chế tạo có 260.926 lao động, chiếm 35,5% trên tổng số lao động đăng ký, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 155.878 lao động, chiếm 21,2%, xây dựng có 76.370 lao động, chiếm 10,4% trên tổng số.

Một số ngành có tỷ trọng lao động bình quân trên 1 doanh nghiệp cao hơn so với các ngành còn lại là: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 24,0 lao động/doanh nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 11,7 lao động/doanh nghiệp...

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 13527
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)