(MPI) – Ngày 11/9/2018, tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam”. Tham dự buổi Công bố có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương Haoliang Xu cùng đại diện các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, đối tác phát triển và các cơ quan thông tấn báo chí.
|
Chủ tọa buổi Công bố. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Báo cáo đưa ra khuyến nghị chính về gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là những ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững.
Sử dụng thấu kính Khung Tài chính tích hợp quốc gia, Báo cáo phân tích cơ cấu, tính chất và xu hướng tài chính phát triển và các nguồn đầu tư cho phát triển ở Việt Nam có so sánh với các nước khác (chủ yếu là các nước trong khu vực ASEAN). Báo cáo cung cấp một cái nhìn tổng quan về những thay đổi trong bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài và luồng tiền gửi vào gia tăng trong khi trợ giúp phát triển chính thức giảm, nguồn thu ngân sách không tăng đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư công cần thiết cho chi tiêu bắt buộc ngày càng tăng và nợ công gia tăng.
Phát biểu tại buổi Công bố, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn nhiều thách thức để có thể đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhu cầu về tài chính để đầu tư để đạt các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và giải quyết các thách thức như đã nêu trong Chương trình hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển của Việt Nam là vô cùng lớn, đặc biệt là cho sự phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội.
|
Toàn cảnh buổi Công bố. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” đã đưa ra một bức tranh tổng thể và xu hướng của các nguồn lực tài chính cho phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, có so sánh với các nước trong khu vực. Những phân tích, nhận định và các khuyến nghị của Báo cáo là hữu ích trong việc xác định những định hướng trong huy động, sử dụng và quản lý các nguồn tài chính cho phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, cắt giảm chi tiêu thường xuyên, cập nhật định hướng huy động, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, quản lý hiệu quả nợ công, xây dựng và áp dụng chính sách PPP nhằm huy động đầu tư tư nhân cho xây dựng cơ sở hạ tầng…Trong quá trình xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, vấn đề tài chính cho phát triển bền vững là một trong những nội dung quan trọng được đề cập.
Theo ông Haoliang Xu, Báo cáo đánh giá tài chính cho phát triển cho thấy bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước tăng gấp đôi vào năm 2015 so với năm 2002, song chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển, tỉ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam là 490 USD so với mức trung bình của các nước ASEAN là 690 USD, thuộc trong nhóm thấp nhất ở khu vực ASEAN.
Ông Haoliang Xu khuyến nghị, Việt Nam sớm thực hiện một số biện pháp, bao gồm khuyến khích tăng đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư công tập trung và huy động đầu tư tư nhân, thu hút những dự án FDI liên kết công ty trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh thu thuế, quản lý tài sản công, áp dụng thuế tài sản, thuế môi trường và xây dựng khuôn khổ tài chính phối hợp cho việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, khẳng định cam kết của UNDP là đối tác của Việt Nam trong tài chính hiệu quả cho Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong tăng cường hiệu quả điều phối và hiệp lực giữa các nguồn tài chính (công, tư, trong nước và quốc tế) và tối ưu hóa cho kết quả Mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo nêu bật sự cần thiết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển cả về quy mô, năng suất, sức cạnh tranh. Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị tăng cường điều phối của các cấp trung ương và địa phương.
Tại buổi Công bố các đại biểu cùng nhau chia sẻ những thông tin cốt yếu cũng như một số khuyến nghị về tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư