(MPI) – Ngày 20/9/2018, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tham dự phiên họp.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn
|
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng việc triển khai còn nhiều tồn tại, bất cập, còn chậm. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chính phủ điện tử và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Bờ-ru-lây, Thái Lan và Phi-líp-pin. Xếp hạng này còn thấp so với mong muốn và điều đó càng thúc đẩy quyết tâm mạnh mẽ hơn trong xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Do vậy, việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử là một trong những nỗ lực trong việc thúc đẩy quá trình này.
Việc Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Phó Chủ tịch và nhiều ủy viên là "tư lệnh" ngành, lĩnh vực, lãnh đạo tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin lớn thể hiện quyết tâm chính trị cao trong xây dựng Chính phủ điện tử. Vấn đề cải cách, đổi mới về Chính phủ điện tử phù hợp với tiến trình của đất nước, theo đường lối của Đảng, Nhà nước, phù hợp với xu hướng mới, nâng cao năng suất lao động, tính minh bạch, hiện đại, đồng thời giảm nhũng nhiễu, phiền hà, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tốt hơn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, cần đánh giá mặt được, chưa được, nguyên nhân, nhất là nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến 2025. Theo đó, cần nêu cụ thể những rào cản, vướng mắc cần tập trung thảo luận, tháo gỡ trong triển khai Chính phủ điện tử. Đồng thời, đề nghị các ủy viên tập trung thảo luận về vấn đề cơ sở dữ liệu dùng chung, đề xuất các chỉ tiêu cần đạt được; về khung kiến trúc Chính phủ điện tử; các vấn đề bảo đảm các nguồn lực, ưu tiên nguồn lực tài chính, thu hút nguồn lực cho phát triển Chính phủ điện tử; các cơ chế bảo đảm thực thi, một điểm yếu trong nhiều năm qua chưa được khắc phục.
Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải vào cuộc, đổi mới cách làm, tạo đột phá trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử; học hỏi mô hình hiệu quả của các nước tiên tiến, xây dựng bộ chỉ số đo lường đánh giá hiệu quả triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, có cơ chế kiểm tra, đôn đốc, thực thi.../.
Ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.
Các Ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.
|
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư