A. KINH TẾ
I. Sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản
1. Trồng trọt
- Cây hàng năm vụ mùa 2018: Thời tiết đầu và giữa tháng 8/2018 mưa liên tục kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa và sinh trưởng của cây hàng năm. Hiện nay các địa phương đang chăm sóc cây lúa và cây màu các loại.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa đạt gần 54 nghìn ha, bằng 103,5% so kế hoạch nhưng giảm 1,3% so với diện tích gieo trồng vụ Mùa 2017 và giảm hầu hết ở các loại cây, riêng chỉ có cây rau, đậu các loại tăng 3,1% so với vụ Mùa năm 2017.
Cây lúa: Tổng diện tích lúa Mùa năm 2018 đạt 40,55 nghìn ha, bằng 102,7% kế hoạch nhưng giảm 0,6% so với diện tích lúa Mùa năm 2017. Tất cả 9/9 địa phương đều đạt và vượt kế hoạch gieo cấy lúa. So với cùng kỳ có 3/9 huyện, thành, thị có diện tích tăng như: huyện Võ Nhai tăng 3,2%; huyện Phú Bình tăng 0,2%; huyện Đại Từ tăng 1%; còn lại 6/9 huyện có diện tích gieo cấy lúa giảm so với vụ Mùa năm 2017 do một số diện tích chuyển mục đích sử dụng đất.
Tình hình sâu bệnh: Hiện nay, các trà lúa sớm đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái; trà lúa mùa trung ở giai đoạn đẻ nhánh rộ; trà lúa muộn đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Thời tiết tháng 8 nóng, ẩm mưa nhiều, tuy nhiên trong tháng không có dịch bệnh lớn phát sinh. Công tác điều tra dự báo sâu bệnh hại trong vụ được triển khai sớm, đảm bảo phát hiện kịp thời để có các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn khoảng 1,4 nghìn ha, chuột phá hoại rải rác khoảng 10 ha...
Cây hàng năm khác: Vụ Mùa năm 2018 do mưa nhiều nên tiến độ gieo trồng chậm, một số cây màu phải trồng lại nhiều lần nên diện tích gieo trồng giảm. Tổng diện tích gieo trồng một số cây hàng năm vụ Mùa khoảng 13,4 nghìn ha, giảm 3,2% (-443 ha) so với vụ Mùa năm 2017. Trong đó, cây ngô đạt 4,83 nghìn ha, bằng 101,7% kế hoạch và giảm 1,8% so với vụ Mùa 2017; cây khoai lang trồng được 646 ha, giảm 13,4% so cùng kỳ; cây đỗ tương 222 ha, giảm 14,6% so cùng kỳ; cây lạc 563 ha, giảm 7,9% so cùng kỳ; riêng chỉ có cây rau, đậu các loại gieo trồng được 3.536 ha, bằng 118% so kế hoạch và tăng 3,1% so cùng kỳ.
- Cây lâu năm
Cây ăn quả: Tổng diện tích cây ăn quả ổn định khoảng 17 nghìn ha, trong đó cây Nhãn, vải, chuối và cam là 4 loại cây ăn quả chủ yếu chiếm khoảng 50% diện tích cây ăn quả của tỉnh. Sản lượng cây ăn quả năm nay đạt cao hơn so với năm trước, tuy nhiên giá bán thấp hơn cùng kỳ.
Cây chè: Để khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, tỉnh đã có chính sách cấp kinh phí để hỗ trợ 50% giá giống chè, ngoài ra các huyện, thành phố, thị xã cũng đã chủ động bố trí nguồn kinh phí của địa phương hỗ trợ thêm từ 30-50% giá giống chè cho các hộ nông dân tham gia.
Tính đến ngày 15/8/2018, các địa phương cơ bản hoàn tất hồ sơ nghiệm thu đất trồng chè và chuẩn bị công tác cấp cây giống theo kế hoạch vào cuối tháng 9/2018. Kết quả đăng ký trồng chè năm 2018 được 1.013 ha/776 ha kế hoạch; đã nghiệm thu diện tích đất trồng chè là 889 ha/776 ha kế hoạch (vượt kế hoạch 14,5%). Công tác ươm giống chè: Toàn tỉnh có 32 vườn ươm chè được kiểm định chất lượng giống với tổng số hom cắm là 41,7 triệu hom, tỷ lệ sống trung bình đạt 94,2% (với khoảng 39,4 triệu cây), đủ cung ứng giống cho công tác trồng mới.
Công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật: Trong tháng 8, các địa phương đã tổ chức 12 lớp tập huấn với 650 người tham gia về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây chè và tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tình hình thực hiện các mô hình sản xuất chè thâm canh an toàn: Năm 2018, ngành chức năng đã chú trọng phối hợp, chỉ đạo hướng dẫn sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất chế biến chè an toàn theo quy trình VietGap; thực hiện 05 mô hình, trong đó 03 mô hình chứng nhận chè an toàn theo quy trình VietGap quy mô từ 10-15 ha/1 mô hình tại 3 địa phương là huyện Định Hóa, Phú Lương, thành phố Thái Nguyên và 02 mô hình thâm canh chè an toàn chất lượng cao quy mô 2,5ha/1mô hình tại huyện Đại Từ và huyện Phú Lương.
Tình hình sâu bệnh trên cây chè: Diện tích bị nhiễm bệnh khoảng 810 ha, trong đó rầy xanh khoảng 381 ha; bọ cánh tơ khoảng 243 ha, bọ xít muỗi 186 ha… Các địa phương chủ động theo dõi diễn biến các đối tượng gây hại để chỉ đạo các biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả, đảm bảo năng suất, chất lượng cây chè.
2. Chăn nuôi
Tháng 8/2018, giá bán bình quân thịt lợn hơi và giá bán con giống tăng cao. So với cùng kỳ (tháng 8/2017), giá lợn hơi cao gấp 1,7 lần; lợn giống cao gấp 2,3 lần; giá thịt hơi gà ta tăng 5,35%; gà công nghiệp (lông trắng) cao gấp 1,6 lần. So với tháng trước (tháng 7/2018) giá thịt lợn hơi tăng 6,16%; giá thịt gà công nghiệp (lông trắng) tăng 2,47%; giá lợn giống tăng 14,9%, gà công nghiệp giống tăng 2,5%. Giá thịt lợn hơi dao động trong khoảng 50-55 nghìn/kg, lợn giống giá trung bình 70 nghìn đồng/kg... nên người chăn nuôi có lãi, đời sống hộ chăn nuôi được cải thiện. Tuy nhiên, một mặt do tâm lý còn lo ngại, mặt khác do giá lợn giống tăng cao nên tốc độ tái đàn còn chậm.
Hiện nay đã có tình trạng thịt lợn hơi của Trung Quốc giá thấp hơn đã nhập trở lại các tỉnh biên giới của Việt Nam vì vậy việc tăng quy mô đàn vật nuôi cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người chăn nuôi.
Dự tính đến thời điểm 31/8/2018: Đàn trâu khoảng 59,62 nghìn con, giảm 2,65% so cùng kỳ; đàn bò khoảng 46,7 nghìn con, tăng 3,5% so cùng kỳ; đàn lợn khoảng 660 nghìn con, tăng 8,1%; đàn gia cầm khoảng 12,2 triệu con, tăng 6,5% so cùng kỳ, trong đó đàn gà 10,5 triệu con tăng 7,5% so cùng kỳ.
Tình hình dịch bệnh và công tác thú y: Hiện nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Ngành chức năng duy trì công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh. Thực hiện trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ động vật và sản phẩm động vật xuất, nhập tỉnh và tiến hành tiêu độc đối với các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật.
Năm 2018 công tác tiêm phòng gia súc gia cầm đợt 1 đã hoàn thành và đang triển khai tiêm phòng đợt 2. Tiến độ tiêm phòng đợt 2/2018 trong tháng 8/2018 như sau: Tiêm Vacxin Tụ huyết trùng trâu, bò đạt 54.060 liều/105.000 liều; Vacxin Lở mồm long móng gia súc 105.750 liều/180.000 liều; Vacxin Dịch tả lợn 214.310 liều/450.000 liều; Vacxin Tụ - dấu lợn 165.005 liều/330.000 liều; Vacxin Lep to 8.000 liều/8000 liều; Vacxin Tai xanh 10.090 liều/17.000 liều; Vacxin Dại chó 139.840 liều/164.000 liều.
3. Lâm nghiệp
Các địa phương đã hoàn thành công tác trồng mới rừng 2018 và đang tiến hành chăm sóc diện tích rừng đã trồng. Diện tích trồng rừng mới tập trung đạt 6.402 ha; trong đó, diện tích trồng rừng theo chương trình kế hoạch địa phương giao là 3.164,08 ha, đạt 100% kế hoạch, trồng cây phân tán 1.371,9 ha. Hiện nay diện tích rừng mới trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, không xuất hiện sâu bệnh.
Công tác khai thác lâm sản: Ước tính tháng 8/2018 khai thác được 12,8 nghìn m3 gỗ các loại và 15,6 nghìn ste củi. Tính chung 8 tháng đầu năm 2018 khai thác được 97,3 nghìn m3 gỗ, tăng 2,31% so cùng kỳ; 113,8 nghìn ste củi, tăng 2,21% so với cùng kỳ.
Kết quả ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng: Lũy kế 7 tháng đầu năm 2018 đã xử lý 177 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (giảm 27,2%), tịch thu 288m3 gỗ quy tròn các loại (giảm 30%) và 29 phương tiện các loại... Thu nộp ngân sách 1,7 tỷ đồng (tăng 13%) so với cùng kỳ năm 2017.
4. Thủy sản
Tính đến hết tháng 8/2018, dự ước sản xuất giống thủy sản trên địa bàn đạt 400 triệu con cá bột, 35 triệu con cá giống các loại. Sản lượng thủy sản thương phẩm 8 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 6,6 nghìn tấn.
Một số nơi cá nuôi bị bệnh do vi khuẩn, bệnh ký sinh trùng xảy ra ở một số loài cá nuôi truyền thống, tuy nhiên dịch bệnh không phức tạp và không ảnh hưởng lớn đến sản lượng nuôi trồng thủy sản.
II. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp tháng 7/2018 vừa qua đã có những chuyển biến tích cực, tăng 8,76% so với cùng kỳ, trong đó nhóm sản phẩm trang phục tiêu thụ tăng 13,4%; chỉ số tiêu thụ sản phẩm điện tử tăng 12,6%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12%. Riêng mặt hàng sắt thép và xi măng tiêu thụ giảm so cùng kỳ do thời tiết mưa nhiều. Lượng tồn kho của các đơn vị sản xuất công nghiệp tính đến đầu tháng 8/2018 như sau: xi măng tồn 49,5 nghìn tấn, tăng 90,4% so với tồn kho cùng kỳ; sắt thép các loại tồn 160 nghìn tấn, tăng 33,1%; sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng tồn kho 2,6 triệu sản phẩm, tăng trên 18% so với tồn kho tháng trước và cùng kỳ; sản phẩm may tồn 5,9 triệu sản phẩm, giảm 10,9% so với cùng kỳ…
Với nhịp độ sản xuất và tiêu thụ như trên dự ước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tháng 8/2018 tăng 0,64% so với tháng trước và tăng ở hầu hết các nhóm ngành, trong đó ngành khai khoáng tăng 7,3%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,45%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,8%.
So với cùng kỳ chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2018 tăng 11,95%, trong đó tăng cao nhất là nhóm ngành sản xuất và phân phối điện với mức tăng 19,4%; nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,1%; công nghiệp khai khoáng tăng 1,8%.
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong tháng 8/2018: Nhóm sản phẩm ước tính sản lượng tăng trên 10% so với cùng kỳ là: đá khai thác đạt 334 nghìn m3, tăng 46,3%; điện sản xuất đạt 84 triệu Kwh, tăng 27,3%; sản phẩm may đạt 6,1 triệu sản phẩm, tăng 22,1%; điện thương phẩm đạt 435 triệu Kwh, tăng 10,4%... Nhóm sản phẩm ước tính tăng thấp hoặc giảm hơn so với cùng kỳ là: đồng tinh quặng 4,5 nghìn tấn, tăng 1,3%; than sạch khai thác 87,1 nghìn tấn, giảm 2,8%; nước máy thương phẩm 2,9 triệu m3, giảm 6,7%; sắt thép các loại đạt 134,2 nghìn tấn, giảm 7,7%; xi măng đạt 138,6 nghìn tấn, giảm 12%; máy tính bảng 1,5 triệu cái, giảm 14%; điện thoại thông minh sản xuất 7,3 triệu sản phẩm, giảm 17,8% cùng kỳ, trong đó giảm ở nhóm điện thoại có giá dưới 6 triệu đồng/cái; còn điện thoại có giá từ 6 triệu trở lên đạt 1,6 triệu cái, tăng 91% cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,1% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,3% (trong đó tăng cao là sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 26,2%, chế biến gỗ tăng 22,4%; sản xuất đồ uống tăng 26,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,4%); sản xuất phân phối điện tăng 9,12%; nhóm ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,95%; cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,8%.
Sản phẩm sản xuất chủ yếu tính chung 8 tháng đầu năm 2018 tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2017 là: thiết bị và dụng cụ khác trong y khoa đạt 959,8 triệu sản phẩm, tăng 43,9%; than khai thác đạt 972,3 nghìn tấn, tăng 21,8% và bằng 81% kế hoạch cả năm; sản phẩm may đạt 44,7 triệu sản phẩm, tăng 14,5% và bằng 73,3% kế hoạch cả năm; đồng tinh quặng (Cu>20%) đạt 30,5 nghìn tấn, tăng 13,9%; đá khai thác 2,4 triệu m3 tăng 13,4%; bia hơi 3,6 triệu lít, tăng 29,9%... Nhóm sản phẩm sản lượng tăng dưới 10% như: điện sản xuất đạt 983 triệu Kwh, tăng 9,5%; điện thương phẩm đạt 3.095 triệu Kwh, tăng 8,4% so cùng kỳ và bằng 62% kế hoạch; xi măng đạt 1,3 triệu tấn, tăng 1% và bằng 58% kế hoạch; nước máy thương phẩm đạt 22,4 triệu m3, tăng 0,5%, bằng 65,1% kế hoạch... Ngoài ra nhóm sản phẩm công nghiệp có sản lượng tăng thấp hoặc giảm hơn so với cùng kỳ là: sắt thép các loại đạt 915,8 nghìn tấn, giảm 1,5% và bằng 65,4% kế hoạch; gạch xây dựng bằng gốm, sứ đạt 45,2 triệu viên, giảm 5,7%; Vonfram và sản phẩm của vonfram đạt 12 nghìn tấn, giảm 8,6% cùng kỳ và bằng 60,2% kế hoạch cả năm.
Riêng nhóm sản phẩm điện tử điện thoại thông minh và máy tính bảng sản xuất cộng dồn 8 tháng 2018 ước đạt 74,8 triệu sản phẩm, giảm 5,4% và bằng 54,2% kế hoạch sản lượng cả năm (điện thoại thông minh đạt 61,8 triệu sản phẩm, giảm 5%; máy tính bảng đạt 13 triệu sản phẩm, giảm 7,2%); trong đó nhóm điện thoại có giá bán từ 6 triệu đồng/1 sản phẩm trở lên ước đạt 17 triệu cái (chiếm gần 30% tổng số), tăng 47% so với cùng kỳ và là yếu tố tác động làm tăng chỉ số sản xuất công nghiệp.
III. Thu, chi ngân sách
1. Thu ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Bảy tháng đầu năm 2018 đạt 8.140 tỷ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ và bằng 62,1% dự toán cả năm (mức thực hiện cùng kỳ 7 tháng 2017 là thu ngân sách bằng 85,8% dự toán cả năm, tăng 37,7%); Trong tổng thu, thu trong cân đối ngân sách nhà nước đạt 8.113 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ và bằng 62% so với dự toán cả năm; thu quản lý qua ngân sách đạt 27,2 tỷ đồng.
Trong tổng thu cân đối, thu nội địa đạt 6.423,4 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ và bằng 64,8% so với dự toán cả năm; thu hoạt động xuất nhập khẩu 1.689,3 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ và bằng 52,8% so với dự toán cả năm 2018.
Trong thu nội địa, có 7/14 khoản thu tăng so với cùng kỳ, trong đó thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 13,9 tỷ đồng, cao gấp 2,1 lần so cùng kỳ và bằng 115,5% dự toán năm; thu khác ngân sách đạt 117,5 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so cùng kỳ và bằng 71,2% dự toán cả năm. Đóng góp nhiều nhất vào thu nội địa 7 tháng đầu năm là thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.952 tỷ đồng, tăng 46,4% cùng kỳ (chiếm tỷ trọng 30% tổng thu nội địa) và bằng 61,5% dự toán năm. Còn lại 7/14 khoản thu đạt thấp hơn so với 7 tháng 2017 như: thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 585 tỷ đồng, giảm 5,2% và bằng 58% dự toán cả năm; thu từ khu vực dịch vụ ngoài quốc doanh 1.206,4 tỷ đồng giảm 0,5% cùng kỳ nhưng bằng 81,5% dự toán; thu phí, lệ phí giảm 23,9%; thu cấp quyền sử dụng đất giảm 32,3%; thuế bảo vệ môi trường giảm 15,9%...
2. Chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Bảy tháng đầu năm 2018 đạt 6.006,4 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ và bằng 43,4% dự toán cả năm, trong đó chi cân đối ngân sách địa phương đạt 5.421,8 tỷ đồng tăng 11,7% so cùng kỳ và bằng 45% dự toán cả năm; chi chương trình mục tiêu quốc gia đạt 584,5 tỷ đồng, tăng 1,7% so cùng kỳ nhưng mới bằng 34,4% dự toán cả năm.
Trong chi cân đối ngân sách địa phương, chi đầu tư phát triển đạt 1.504 tỷ đồng, tăng 32,6% so cùng kỳ, bằng 63,8% dự toán cả năm; chi thường xuyên đạt 3.917,8 tỷ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ, bằng 50% dự toán năm.
Trong tổng chi thường xuyên có 8/11 khoản chi tăng so cùng kỳ như: chi lớn nhất là chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 1.516,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 38,7% tổng chi thường xuyên), tăng 11% so cùng kỳ, bằng 45,3% dự toán cả năm; chi bảo vệ môi trường 123,2 tỷ đồng, tăng 31,9% so cùng kỳ và bằng 33,1% dự toán năm; chi quản lý hành chính đạt 903,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 23%), tăng 4% so cùng kỳ, bằng 60,1% dự toán năm; chi sự nghiệp phát thanh truyền hình đạt 29,6 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ... Trong 7 tháng đầu năm 2018, các khoản chi đạt khá cao so với dự toán là: chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ đạt 20,1 tỷ đồng, tăng 3,1% so cùng kỳ và đạt 72,3% dự toán năm; chi quốc phòng an ninh địa phương đạt 80,7% dự toán; chi đảm bảo xã hội đạt 221,7 tỷ đồng, tăng 1,6% so cùng kỳ và bằng 66% dự toán năm. Một số khoản chi đạt thấp so dự toán như: chi sự nghiệp y tế đạt 458,7 tỷ đồng, giảm 1,2% so cùng kỳ và bằng 50,2% dự toán năm; chi sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt 33,1% dự toán; chi khác của ngân sách đạt 25,8% dự toán; chi sự nghiệp phát thanh truyền hình đạt 35,2% dự toán năm.
IV. Thương mại, giá cả, dịch vụ
1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2018 ước đạt 2.669 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 178,8 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 2.480 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 92,9% thị phần bán lẻ), tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 10,1 tỷ đồng, giảm 0,7% so với tháng trước nhưng tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2018 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 20.836 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì mức tăng khoảng 9%). Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước 1.411 tỷ đồng, tăng 14,2%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 19.348 tỷ đồng (chiếm 92,9%), tăng 11,9%. Còn lại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài doanh thu dịch vụ khoảng 77 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Nếu phân theo ngành kinh tế, nhóm ngành thương nghiệp bán lẻ 8 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 16.759 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 80,4%), tăng 13,1% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ tiêu dùng còn lại ước đạt 2.268 tỷ đồng (chiếm 10,9% tổng số), tăng 7,8% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.777 tỷ đồng (chiếm 8,5% trong tổng mức), tăng 7,9% so với cùng kỳ; nhóm du lịch lữ hành đạt 32,9 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2018, nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 5.303 tỷ đồng (chiếm 31,6% trong tổng mức bán lẻ), tăng 14,9% so với cùng kỳ; nhóm xăng dầu các loại ước đạt 1.963 tỷ đồng (chiếm 11,7% trong tổng mức bán lẻ), tăng 9,9%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình ước đạt 1.928 tỷ đồng, tăng 13%; nhóm ô tô các loại ước đạt 1.760 tỷ đồng, tăng 13,8%; nhóm hàng may mặc đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 15,3%; nhóm phương tiện đi lại ước đạt 1.196 tỷ đồng, tăng 12,9%; mặt hàng đá quý, kim loại quý 318 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ…
2. Xuất, nhập khẩu
a. Xuất khẩu
Tổng giá trị xuất khẩu tháng 8/2018 ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu 47,8 triệu USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ (do xuất khẩu tăng cao ở nhóm kim loại màu và tinh quặng tinh loại mầu). Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,85 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Mặt hàng xuất khẩu dự tính tháng 8/2018 tăng cao so với cùng kỳ là kim loại màu và tinh quặng kim loại màu ước đạt 21,3 triệu USD, tăng 71,4% cùng kỳ (do xuất khẩu Vonfram tăng); sản phẩm may 32,7 triệu USD, tăng 8,6%. Nhóm sản phẩm điện thoại các loại và kinh kiện ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ… Nhóm hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ như: sản phẩm từ sắt thép đạt 4,4 triệu USD, giảm 6,8%; giấy và các sản phẩm từ giấy 0,3 triệu USD, giảm 13,4%; chè các loại đạt 288 tấn với giá trị đạt 0,4 triệu USD, tăng 8,3% về lượng nhưng giảm 22,3% về giá trị…
Tính chung 8 tháng đầu năm 2018 giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 16,13 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, bằng 64,5% kế hoạch cả năm. Trong đó, xuất khẩu do địa phương quản lý 262,2 triệu USD, tăng 37,9% cùng kỳ, bằng 70% kế hoạch cả năm; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 15,86 tỷ USD, tăng 7,3% cùng kỳ và bằng 64,4% kế hoạch.
Nhóm mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn là Nhóm sản phẩm điện thoại các loại, máy vi tính và kinh kiện điện tử ước đạt 15,66 tỷ USD (chiếm 97% tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn), tăng 7% so với cùng kỳ và bằng 64% kế hoạch (trong đó điện thoại thông minh và máy tính bảng đạt 12,7 tỷ USD, tăng 4,2% cùng kỳ và bằng 60% kế hoạch; linh kiện và sản phẩm điện tử các loại khác ước đạt 3 tỷ USD, tăng 21,3% cùng kỳ và bằng 93% kế hoạch cả năm). Ngoài ra một số mặt hàng đạt tốc độ xuất khẩu tăng cao, đóng góp vào tốc độ tăng của xuất khẩu địa phương là sản phẩm may 190,2 triệu USD, tăng 22,6% cùng kỳ; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu 177,8 triệu USD, tăng 30,7% và bằng 98,8% kế hoạch cả năm; sản phẩm từ sắt thép đạt 35,5 triệu USD, tăng 1,6% và bằng 68,2% kế hoạch…nhóm mặt hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ là: chè các loại 1,06 nghìn tấn với trị giá xuất khẩu 1,65 triệu USD, 41% về lượng và giảm 50% về giá trị xuất khẩu và mới bằng 21,2% kế hoạch cả năm; phụ tùng vận tải đạt 2,2 triệu USD, giảm 8,7%...
b. Nhập khẩu
Tổng giá trị nhập khẩu tháng 8/2018 trên địa bàn ước đạt 1.021,4 triệu USD, tăng 5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 13,9 triệu USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1.007,5 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Nhóm mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong tháng 8/2018 tăng hơn so với cùng kỳ là nguyên liệu và linh kiện điện tử ước đạt 985 triệu USD, tăng 8,1% cùng kỳ; chất dẻo (plastic) nguyên liệu đạt 6,5 triệu USD, cao gấp 2,3 lần; sản phẩm từ sắt thép đạt 2,1 triệu USD, gấp 2,1 lần; vải và nguyên, phụ liệu dệt may đạt 12,3 triệu USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ... Nhóm mặt hàng nhập khẩu chủ yếu giảm so cùng kỳ như: giấy các loại 0,5 triệu USD, giảm 8,1%; nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc đạt 1,6 triệu USD, giảm 75%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4 triệu USD, giảm 78,8% cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị nhập khẩu trên địa bàn ước đạt 9 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 170,1 triệu USD, tăng 21,3%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 8,82 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 98% tổng giá trị nhập khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ là: phế liệu sắt thép đạt 30,1 triệu USD, gấp 61 lần; sắt thép các loại đạt 13,5 triệu USD, gấp 2,3 lần; giấy các loại đạt 3,5 triệu USD, tăng 79%; chất dẻo (plastic) nguyên liệu đạt 57,7 triệu USD, tăng 58,1%; vải và nguyên, phụ liệu dệt may đạt 97,6 triệu USD, tăng 19,3% cùng kỳ. Riêng nhóm nguyên liệu và linh kiện điện tử 8 tháng nhập khẩu 8,64 tỷ USD, tăng 1,3% cùng kỳ; máy móc thiết bị phụ tùng nhập khẩu 33,5 triệu USD, giảm 55,2% cùng kỳ (do nhập khẩu máy móc phục vụ đầu tư giảm).
3. Chỉ số giá tiêu dùng
Tháng 8/2018 chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,06% so với tháng trước; đây là tháng có mức tăng so với tháng trước cao nhất kể từ tháng 1/2018 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu là do mức tăng cao của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình. Tính chung bình quân 8 tháng đầu năm 2018 chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ.
So với tháng trước (tháng 7/2018) có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với mức tăng 2,42% (chủ yếu do giá thịt lợn tươi sống tăng 6,6%, thịt chế biến tăng 2,34%; trứng các loại tăng 4,1%; rau các loại tăng 3,6%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,81% (do nhà ở thuê tăng 1,13%; giá điện và dịch vụ điện tăng 0,91%; gas tăng 2,06%); nhóm giao thông tăng 0,89% (do giá phương tiện đi lại tăng 1,43%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,58%); có 6/9 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng dưới 0,4% so với tháng trước như: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,4%, nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,18%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%...Còn lại 2/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giảm như: nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,1% (do hàng hóa và dịch vụ cá nhân giảm 0,3%); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06% (do giá thiết bị điện thoại giảm 0,35%).
So với tháng 12/2017, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,04% (trong đó hàng hóa tăng 5,52%; nhóm dịch vụ tăng 1,04%) . Có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ trong rổ hàng hóa tiêu dùng có chỉ số giá tăng. Trong đó tăng nhiều nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 8,88% (do giá thịt gia súc tươi sống tăng 32,69%, thịt chế biến tăng 19,15%; thịt gia cầm giảm 2,4%; rau các loại giảm 10,7%...); nhóm giao thông tăng 5,6% (do giá xăng, dầu Diezen tăng 10,1%; giá bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 9,16%; dịch vụ khác cho phương tiện cá nhân tăng 6,9%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,54% (do giá thuê nhà ở tăng 2,69%; giá nước sinh hoạt và dịch vụ nước tăng 4,58%; giá điện và dịch vụ điện tăng 10,49%; gas tăng 2,1%), còn lại 4/8 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng trong khoảng 0,71% đến dưới 1,4% như: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,31%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,2%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,71%; nhóm giáo dục tăng 0,53%. Còn lại 3/11 nhóm có chỉ số giá giảm như: nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,19% (do quần áo may sẵn giảm 0,32%; may mặc khác giảm 0,62%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 3,07% (do giá dịch vụ y tế giảm 4,34%); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,68%.
So với cùng kỳ (tháng 8/2017), chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2018 tăng 4,67%. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, tăng nhiều nhất là nhóm giao thông tăng 8,91% (do giá xăng, dầu Diezen tăng 20,03%; giá bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 9,16%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,96% (do lương thực tăng 6,12%; giá thịt lợn tăng 33,94; thịt chế biến tăng 17,43%; thịt gia cầm giảm 4,8%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,73% (do giá nước sinh hoạt và dịch vụ nước tăng 7,44%; giá gas và các loại chất đốt tăng 9,25%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,55% (giá dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 5,07%; giá hiếu hỉ tăng 9,2%); có 5/9 nhóm hàng hóa tăng trong khoảng từ 0,36% đến 3,35% như: Nhóm giáo dục tăng 3,35% (giá văn phòng phẩm tăng 4,06%, giá dịch vụ giáo dục tăng 3,19%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,67%; nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 1,24%...còn lại 2/11 nhóm hàng hóa giảm so với cùng kỳ như: nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 3,07% (do giá dịch vụ y tế giảm 4,34%); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,87%.
Chỉ số giá vàng tháng 8/2018 giảm 2,31% so với tháng trước và giảm 1,59% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 8 tháng đầu năm 2018 tăng 4,65% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ: Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 8/2018 tăng 1,09% so tháng trước và tăng 2,38% so với cùng kỳ. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 8 tháng đầu năm 2018 tăng 0,59% so với cùng kỳ.
4. Vận tải
- Vận chuyển hành khách: Số lượt hành khách vận chuyển tháng 8/2018 ước đạt 1,5 triệu lượt khách với lượng hành khách luân chuyển là 79,1 triệu hành khách.km; tăng 4% so với tháng trước và tăng 9,5% về số hành khách vận chuyển và hành khách luân chuyển. Tính chung 8 tháng đầu năm 2018 số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 11,5 triệu lượt hành khách với 641,5 triệu lượt hành khách.km; so với cùng kỳ tăng 6,7% về số hành khách vận chuyển và tăng 6,6% về số lượng hành khách luân chuyển.
- Vận chuyển hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 8/2018 ước đạt 3 triệu tấn với 125,1 triệu tấn.Km, tăng 7,7% so với cùng kỳ về khối lượng hàng hóa vận chuyển và tăng 6,8% về khối lượng hàng hóa luân chuyển. Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 23,5 triệu tấn với 969,3 triệu tấn.km, tăng 7,3% về khối lượng vận chuyển và tăng 7,1 % khối lượng luân chuyển so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu vận tải trên địa bàn tháng 8/2018 đạt khoảng 310 tỷ đồng, tăng 2,3% so tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 54,4 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa là 236,5 tỷ đồng, tăng 8,5% cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu vận tải trên địa bàn ước đạt 2.439,4 tỷ đồng, tăng 8,5% cùng kỳ (trong đó, doanh thu vận tải hành khách 440 tỷ đồng, tăng 8,4%, doanh thu vận tải hành hóa 1.841,4 tỷ đồng, tăng 8,7% và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 158 tỷ đồng, tăng 7,1%).
B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin tuyên truyền
Trong tháng 8/2018, trên địa bàn đã tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, các hoạt động văn nghệ, thể thao hướng tới kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm: kiểm tra 04 cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Công tác kiểm tra các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, du lịch đã chấn chỉnh các hành vi sai phạm, góp phần đưa các cơ sở kinh doanh hoạt động theo đúng quy định.
Hoạt động bảo tàng: Tổ chức trưng bày triển lãm "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ATK Thái Nguyên". Chỉnh sửa nội dung đề cương, danh mục, thiết kế trưng bày di tích Thanh niên xung phong Đại đội 915. Phối hợp với Viện Khảo cổ học, chuyên gia nước ngoài chỉnh lý sưu tập di vật khai quật tại di chỉ mái đá Ngườm (huyện Võ Nhai). Hoàn thiện công tác sưu tầm hiện vật đợt 3/2018 với chủ đề "Sưu tầm tài liệu, hiện vật thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên" với 125 hiện vật; cung cấp cho Bảo tàng Bắc Ninh 27 đơn vị hiện vật về đồng chí Hoàng Quốc Việt. Tổ chức thực hiện công tác kiểm kê, bảo quản đợt 3, đánh số vào sổ kiểm kê bước đầu, sổ phân loại hiện vật 220 đơn vị hiện vật; phục vụ trên 500 lượt khách tham quan.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, phát hành phim và chiếu bóng: Tổ chức 10 buổi biểu diễn (03 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị; 07 buổi phục vụ đối tượng chính sách và các xã đặc biệt khó khăn). Thực hiện 102 buổi chiếu phim, trong đó có 02 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị, 100 buổi phục vụ các xã vùng khó khăn, đối tượng chính sách, phục vụ khoảng 7 nghìn lượt người xem.
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Thực hiện 09 buổi tuyên truyền tại cơ sở; biên tập tài liệu về chủ đề 73 năm cách mạng tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9; in sao đĩa tuyên truyền gửi các huyện, thành phố, thị xã. Chuẩn bị tham gia Hội thi sân khấu kịch ngắn, kịch vui không chuyên toàn quốc; ngày hội Văn hóa thể thao du lịch vùng Đông Bắc…
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng Nông thôn mới: Ban hành văn bản hướng dẫn cơ quan chức năng cấp huyện thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; triển khai thực hiện Đề án "Tuyên tryền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" trên địa bàn tỉnh. Đánh giá kết quả 05 năm thực hiện về quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030. Phối hợp thực hiện chuyên mục truyền hình phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nếp sống văn hóa và gia đình” số tháng 08/2018; tổ chức Hội nghị cộng tác viên tuyên truyền cho phong trào.
Lĩnh vực thể thao: tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo 161 học sinh năng khiếu hệ nội trú, 40 học sinh bán trú; tổ chức tuyển sinh đợt II/2018.
Các đội tuyển, thể thao thành tích cao duy trì công tác quản lý, huấn luyện, kiểm tra việc tập luyện của các đội tuyển, tập trung huấn luyện các môn tham gia Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII/2018. Tham gia thi đấu các giải Đạt 29 huy chương các loại (07 huy chương Vàng, 11 huy chương Bạc và 11 huy chương Đồng).
2. Giáo dục, đào tạo
Chuẩn bị năm học mới, ngành chức năng và các địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học 2018-2019 như sau: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; tăng tỷ lệ số phòng học kiên cố các cấp từ mầm non đến phổ thông trên toàn tỉnh. Chú trọng công tác bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1.
Giáo dục mầm non thực hiện cơ chế, chính sách phát triển trường lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, hành vi bạo hành trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Thực hiện kế hoạch xây dựng Trường trung học phổ thông Chuyên đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo theo hướng toàn diện, hiện đại, chất lượng cao, dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú theo dự án mở rộng nâng cấp hệ thống các trường đã được phê duyệt; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất 10 trường Phổ thông dân tộc bán trú đảm bảo điều kiện học tập và sinh hoạt cho học sinh. Thực hiện tốt đề án xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia theo đúng lộ trình và kế hoạch. Duy trì 100% các trường học được kết nối internet.
Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Thực hiện đề án xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2016-2020, tính đến thời điểm 22/8/2018, toàn tỉnh có 554/680 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 81,47% (về trước 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh giao); Trong đó: Mầm non có 183/231 trường đạt tỷ lệ 79,2%; Tiểu học: 219/228 trường đạt tỷ lệ 96,05%; THCS có 135/189 trường đạt tỷ lệ 71,4%; THPT có 17/32 trường đạt tỷ lệ 53,1%.
3. Y tế
Ngành chức năng luôn bám sát và thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường công tác tiêm chủng, triển khai tiêm các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng; thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh sau các đợt bão lũ; tăng cường công tác điều trị, phòng chống lây nhiễm cúm A/H1N1 và Sởi tại các cơ sở y tế.
Công tác phòng chống dịch và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được duy trì triển khai và không có dịch bệnh lớn xảy ra; số ca mắc bệnh dịch thấp hơn cùng kỳ. Trong tháng qua (từ ngày 21/7 đến 20/8) trên địa bàn có 22 ca mắc bệnh Quai bị; 4 ca sốt phát ban dạng sởi/rubella; 34 ca mắc bệnh chân tay miệng và 6 ca sốt xuất huyết. Tính chung từ đầu năm đến ngày 20/8/2018, trên địa bàn tỉnh có 285 ca mắc bệnh Quai bị, 15 ca Sốt phát ban dạng sởi/rubella, 87 ca mắc chân tay miệng; 13 ca Sốt xuất huyết; Ho gà 03 ca…
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: Ngành chức năng duy trì triển khai đến từng địa phương công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong tháng 8 không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Công tác khám chữa bệnh: Trong 8 tháng 2018, các hoạt động khám chữa bệnh, thực hiện quy chế chuyên môn tại các bệnh viện, trạm y tế được duy trì và quan tâm đối với khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi. Tiếp tục chuẩn hóa thông tin về cấp Chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động trên hệ thống phần mềm quản lý đăng ký hành nghề Khám bệnh chữa bệnh.
Dân số và trẻ em: 7 tháng đầu năm 2018, tổng số trẻ mới sinh ra là 8.778 trẻ (giảm 533 trẻ so với cùng kỳ 2017), trong đó số trẻ nam sinh ra là 4.569 trẻ, trẻ nữ sinh ra là 4.209 trẻ. Tỷ số giới tính khi sinh nam/nữ là 108/100. Trong tổng số trẻ sinh ra thì số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 797 trẻ (chiếm 9,08% tổng số trẻ sinh ra) tăng 111 trẻ so với cùng kỳ 2017. Trong đó, huyện Phú Bình có số trẻ sinh ra là con thứ 3 là cao nhất với 158 trẻ; TP Thái Nguyên 128 trẻ; huyện Đồng Hỷ 107 trẻ; huyện Phú Lương 84 trẻ và số trẻ sinh ra là con thứ 3 thấp nhất là huyện Định Hóa với 48 trẻ.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn: Tính đến 31/7/2018 số người nhiễm lũy tích là 9.797 người. Trong đó chuyển giai đoạn AIDS lũy tích là 6.723 người; Số tử vong do HIV/AIDS lũy tích là 3.447 người. Riêng trong tháng 7/2018 có 28 người mới được phát hiện; chuyển giai đoạn AIDS là 2 người và số tử vong do HIV/AIDS là 8 người.
4. Thực hiện chính sách Người có Công; công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội và chăm sóc trẻ em
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây mới, đưa vào bàn giao được 11 nhà tình nghĩa và sửa chữa 19 nhà cho gia đình người có công.
- Thực hiện chính sách người có công: Giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sĩ 23 trường hợp; Đổi người thờ cúng liệt sĩ: 10 trường hợp; Cấp lại thẻ Thương binh, gia đình liệt sĩ 10 trường hợp; đính chính thông tin trên hồ sơ liệt sĩ và thông tin trên bia mộ 03 trường hợp; phúc đáp 01 hồ sơ không đủ điều kiện đề nghị truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; đề nghị chuyển hồ sơ gốc liệt sĩ 04 trường hợp; đề nghị cấp bằng tổ quốc ghi công 12 trường hợp… Ngành chức năng trình đơn vị cấp tỉnh danh sách đề nghị hưởng bảo hiểm y tế cho 85 trường hợp; Quyết định hưởng trợ cấp mai táng phí cho 52 đối tượng; trợ cấp một lần đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quy định hiện hành…
- Công tác giảm nghèo, Bảo trợ xã hội: Thực hiện cấp phát 30 nghìn tờ rơi tuyên truyền Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 cho các huyện, thành, thị. Tiến hành rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo; hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề nghị gia hạn hỗ trợ học bổng Quỹ Thiện tâm theo Chương trình tài trợ khuyến học cho học sinh, sinh viên học giỏi có hoàn cảnh Đặc biệt khó khăn năm học 2017-2018.
- Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em: Tổ chức 09 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã và cộng tác viên trong toàn tỉnh. Tổ chức đưa 04 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Hà Nội; tổ chức tổng kết 02 lớp dạy bơi an toàn cho trẻ em tại huyện Định Hóa; khai mạc 01 lớp dạy bơi an toàn cho 20 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại thành phố Thái Nguyên; trao tặng 10 suất học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trích từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tham gia chương trình “Thắp sáng niềm tin, Tiếp sức em tới trường - Vì em hiếu học lần thứ 6”...
5. Lao động việc làm và An toàn lao động.
Tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về thực hiện Bộ luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2018; Tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động tại các đơn vị sự nghiệp đang cổ phần hóa trên địa bàn tỉnh.
Ngành chức năng xây dựng kế hoạch điều tra mẫu phiếu điều tra lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2018. Thực hiện kiểm tra, rà soát hồ sơ của người thất nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp; tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh Thái Nguyên qua mạng thông tin điện tử.
6. Tình hình an toàn giao thông
Ngành chức năng đang thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh 02/9 và Khai giảng năm học mới 2018 – 2019.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên, trong tháng 8/2018 trên địa bàn xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 6 người chết và 19 người bị thương. Tai nạn liên quan đến ô tô là 08 vụ (44,5%) và liên quan đến mô tô là 10 vụ (55,5%). Thiệt hại tài sản ước tính khoảng 73 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn tăng 6 vụ (+50%); số người chết tăng 1 người (+20%) và số người bị thương tăng 10 người (+111,1%). Tình hình an toàn giao thông đường sắt, đường thủy ổn định, không xảy ra tai nạn giao thông.
Trong tháng 8/2018 đã kiểm tra lập biên bản xử lý vi phạm 4.890 trường hợp; tước 452 giấy phép lái xe; tạm giữ 184 xe ô tô, 1.219 xe mô tô; 154 phương tiện khác. Số tiền xử phạt 3,9 tỷ đồng. Đường thủy xử lý vi phạm 5 trường hợp, tổng tiền phạt là 375 nghìn đồng.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 98 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người và 82 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2017 số vụ tai nạn tăng 3 vụ (+3,2%), số người bị chết giảm 4 người
(-9,5%) và số người bị thương tăng 9 người (+12,3%). Trong đó, địa bàn xảy ra nhiều vụ tai nạn nhất là thành phố Thái Nguyên với 49 vụ (chiếm 50% tổng số), làm 8 người chết (chiếm 21%) và 46 người bị thương (chiếm 56%).
7. Thiệt hại do thiên tai
Trong thời gian qua, tính từ ngày 25/7 đến ngày 19/8/2018 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 4 đợt thiên tai tại 5 địa phương (huyện Đại từ, TP sông Công, huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ và TP Thái Nguyên) đã ảnh hưởng làm 88 ngôi nhà bị tốc mái; 12 hộ dân (huyện Đại Từ) phải di dời khẩn cấp do có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét; có khoảng 9,8 ha lúa bị ngập và 0,5 ha cây lâu năm bị đổ gẫy; 0,2 ha nuôi cá truyền thống bị nước lũ làm tràn (Đại Từ); sạt lở 80m giao thông đường bê tông xóm (Đại từ); lũ quét làm cuốn trôi 1 cầu dân sinh tại xã Khôi Kỳ (Đại từ); 14 m đập tạm (xây dựng bằng đất, đá) bị nước lũ phá hủy 1 phần (Đại Từ); 3 điểm trường và một số trang thiết bị cơ sở bị hư hỏng (tại TP Thái Nguyên); 04 cột điện cao thế bị gẫy đổ (Đại từ); 1 cơ sở điều trị tự nguyện, 1 lán chợ và 2 nhà văn hóa bị tốc mái, đổ tường... Ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng.
Tính chung từ tháng 5/2018 đến 19/8/2018 có 11 đợt mưa, sấm sét, kèm gió lốc làm tốc mái và hư hại nhiều tài sản và một số công trình khác. Không có thiệt hại về người. Ước tính giá trị tài sản thiệt hại khoảng gần 5 tỷ đồng.
Ngành chức năng đã phối hợp với địa phương khắc phục, xử lý sự cố, đánh giá thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ để tích cực triển khai, trợ giúp các hộ dân khắc phục thiệt hại, đảm bảo ổn định cuộc sống.
8. Vi phạm môi trường
Trong tháng 8 năm 2018 trên địa bàn tỉnh ngành chức năng đã kiểm tra và xử lý 1 vụ vi phạm môi trường xảy ra tại thành phố Thái nguyên, xử phạt thu nộp vào ngân sách Nhà nước 1 triệu đồng.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2018, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý 36 vụ vi phạm môi trường. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở sản xuất kinh doanh không thực hiện quan trắc giám sát môi trường theo đề án bảo vệ môi trường được ngành chức năng phê duyệt. Tổng số tiền thu và nộp vào ngân sách nhà nước là 210,7 triệu đồng.
Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên tháng 8 và dự ước 8 tháng đầu năm 2018./.
Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên