Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/09/2018-16:17:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018 của tỉnh Trà Vinh

I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

1. Nông nghiệp

1.1. Trồng trọt

1.1.1. Cây lúa

Lúa Hè Thu năm 2018: Kết thúc diện tích gieo trồng lúa Hè Thu năm 2018 đạt 75.856 ha, đạt 98,51% so kế hoạch (kế hoạch 77.000 ha), giảm 1,53% hay giảm 1.181 ha so cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân giảm do nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao kết hợp với trồng màu dưới chân ruộng, trồng cỏ và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, một số diện tích đất do sản xuất lúa kém hiệu quả nên các hộ dân đã bỏ vụ. Bước vào đầu tháng 8, nông dân trong tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa Hè thu, diện tích thu hoạch ước đạt 20.615 ha, năng suất ước đạt 53,51 tạ/ha, sản lượng ước đạt 110.305 tấn.

Bên cạnh đó, kết thúc gieo trồng lúa vụ Hè thu 2018, toàn tỉnh đã thực hiện được 08 mô hình cánh đồng lớn với diện tích 1.634 ha, chủ yếu tập trung ở huyện Châu Thành, huyện Trà Cú, huyện Cầu Kè và huyện Cầu Ngang. Các mô hình cánh đồng lớn được thực hiện theo quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ từ khâu giống, mật độ gieo sạ, đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh,… được đảm bảo, nên hầu hết các cánh đồng lớn sản xuất lúa đều cho năng suất khá cao.

Lúa Thu đông năm 2018: Bước vào đầu tháng 8, nông dân ở một số địa phương đã bắt đầu gieo trồng lúa Thu đông, diện tích gieo trồng ước đạt 5.210 ha, giảm 21,74% hay giảm 1.447 ha so cùng kỳ năm 2017 do tiến độ gieo trồng và thu hoạch lúa Hè thu chậm làm kéo dài sang vụ Thu đông năm 2018.

* Tình hình sâu bệnh

Trong tháng 8, trên trà lúa Hè Thu đã có 430 ha bị nhiễm bệnh, chủ yếu là sâu cuốn lá, sâu đục thân gây hại rải rác do mưa nhiều làm cho độ ẩm cao nên sâu bệnh dễ phát sinh. Hiện nay các ngành chức năng kết hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra theo dõi tình hình sâu bệnh và khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để có biện pháp phòng trị và ngăn chặn kịp thời tránh lây lan trên diện rộng, đặc biệt là dịch bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá.

1.1.2. Cây màu

Trong tháng 8 năm 2018, nông dân trong tỉnh tiếp tục xuống giống cây màu vụ Mùa ước đạt 3.502 ha, nâng tổng số từ đầu vụ đến nay ước trồng được 17.378 ha, so cùng kỳ tăng 11,41% hay tăng 1.780 ha. Diện tích cây màu tăng, chủ yếu ở nhóm cây thực phẩm do thời tiết thuận lợi cộng với giá rau các loại tăng nên sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, nông dân tiếp tục cải tạo đất tập trung gieo trồng vụ Mùa. Bên cạnh đó, diện tích cây mía tăng so cùng kỳ do trong tháng mưa nhiều, độ ẩm trong đất tăng, thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển nên nông dân tập trung cải tạo đất trồng mía vụ Mùa để giảm chi phí tưới tiêu.

Diện tích một số cây màu vụ Mùa chủ yếu của tỉnh: bắp ước trồng được 785 ha, giảm 172 ha so với cùng kỳ năm 2017; khoai lang 408 ha, tăng 14 ha; khoai mì (sắn) 254 ha, giảm 7 ha; mía 2.584 ha, tăng 373 ha; đậu phộng (lạc) 688 ha, tăng 122 ha; lác (cói) 704 ha, tăng 21 ha; rau các loại 10.575 ha, tăng 1.398 ha;…

1.1.3. Cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm

Trong tháng 8 năm 2018, nông dân toàn tỉnh ước trồng được 108 ha cây ăn quả, tính từ đầu năm đến nay đã trồng được 664 ha, tăng 12,6% hay tăng 75 ha so với cùng kỳ do nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa và hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho lợi nhuận cao hơn. Sản lượng thu hoạch cây ăn quả 8 tháng năm 2018 ước đạt 189.056 tấn, so cùng kỳ tăng 0,15% hay tăng 289 tấn do trong những tháng đầu năm 2018 thời tiết thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển nên cho thu hoạch sớm hơn so với cùng kỳ.

1.2. Chăn nuôi

Bước vào đầu năm 2018, tình hình chăn nuôi khả quan hơn so với cuối năm năm 2017 do thời tiết thuận lợi cho đàn vật nuôi phát triển, nhiều kỹ thuật và công nghệ mới được ứng dụng vào chăn nuôi, nhất là khâu lai tạo giống các loại vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường. Thêm vào đó, từ tháng 3/2018 giá heo hơi đã tăng trở lại, đây là dấu hiệu đáng mừng cho người chăn nuôi heo. Tuy nhiên, công nghệ chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá chưa được áp dụng rộng rãi trên địa bàn; người nuôi chưa quan tâm đến khẩu phần dinh dưỡng cho vật nuôi nên thời gian nuôi kéo dài, trọng lượng thấp và chất lượng thịt không cao.

* Kết quả điều tra chăn nuôi 01/7/2018

Theo kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 01/7/2018, đàn heo hiện có 258.735 con, so cùng kỳ giảm 24% hay giảm 81.707 con. Đàn heo giảm do giá heo hơi sụt giảm ở mức thấp trong thời gian dài nên người nuôi đã bán luôn đàn nái cho sinh sản tốt dẫn đến thời điểm này tuy giá heo hơi tăng trở lại nhưng nguồn heo giống lại khan hiếm. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 10.620 tấn, giảm 18,7% hay giảm 2.443 tấn so với cùng kỳ, trọng lượng bình quân đạt 100,81 kg/con.

Đàn gia cầm có 4.787 nghìn con, tăng 14,2% hay tăng 595.257 con so với cùng kỳ, trong đó đàn gà có 3.345,2 nghìn con, chiếm 69,88% tổng đàn gia cầm, tăng 14,04% hay tăng 411,9 nghìn con do thị trường tiêu thụ thịt gà hơi ổn định, giá tăng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên người nuôi tiếp tục đầu tư mở rộng tăng đàn; đàn vịt 1.287,9 nghìn con, chiếm 26,9%, tăng 13,87% hay tăng 156,9 nghìn con do người nuôi áp dụng mô hình nuôi vịt đẻ trứng kết hợp nuôi cá theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng vịt hơi xuất chuồng 969,5 tấn, tăng 17,57% hay tăng 145 tấn.

* Tình hình chăn nuôi trong tháng 8/2018

Bước vào đầu tháng 8 năm 2018, tình hình chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn do ảnh hưởng của những cơn mưa nhiều làm cho môi trường chăn thả bị ẩm ướt đã tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gia cầm bị cúm chết cộng với người dân chăn nuôi nhỏ lẻ không tập trung gây khó khăn cho công tác phun xịt, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Ngoài ra, tình hình chăn nuôi heo vẫn chưa được cải thiện, giá heo hơi đang trên đà tăng trở lại nhưng nguồn heo giống lại khan hiếm làm cho người nuôi không mua được heo giống. Bên cạnh những khó khăn trên, tình hình chăn nuôi của tỉnh cũng nhận được tín hiệu khả quan, tỉnh đang tập trung phát triển đàn bò nhằm cung cấp thực phẩm cho xã hội theo hướng nuôi bò vỗ béo giết thịt.

Kết quả ước số con gia súc, gia cầm hiện có trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 năm 2018 như sau: đàn trâu có 632 con, giảm 124 con so với cùng kỳ do cơ giới hoá nông nghiệp, các cánh đồng sản xuất lúa tăng vụ làm cho môi trường chăn thả bị thu hẹp và cho hiệu quả kinh tế thấp; đàn bò có 208.152 con, tăng 9.396 con do nông dân đầu tư nuôi bò vỗ béo kết hợp nguồn cỏ dồi dào với thức ăn công nghiệp nên bò phát triển nhanh, hơn nữa tỉnh đang xây dựng chuỗi giá trị bò thịt và hình thành điểm mua bán, giết mổ, phân phối thịt bò đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; đàn heo có 258.735 con, giảm 81.515 con do giá heo hơi sụt giảm ở mức thấp trong thời gian dài trong khi các chi phí chăn nuôi lại cao làm cho người nuôi không có lãi nên không mạnh dạn tái đàn trở lại, tuy nhiên, thời gian gần đây giá heo hơi đã tăng trở lại nhưng nguồn heo giống lại khan hiếm nên người nuôi không mua được con giống; đàn gia cầm có 4.787 nghìn con, tăng 594,6 nghìn con, trong đó đàn gà có 3.345 nghìn con, tăng 414 nghìn con do thị trường tiêu thụ thịt gà hơi ổn định và giá cao nên người nuôi mạnh dạn đầu tư tăng đàn, riêng đàn vịt tăng do người nuôi áp dụng mô hình nuôi vịt đẻ trứng kết hợp nuôi cá tận dụng được nguồn thức ăn làm giảm giá thành tăng lợi nhuận nên đàn vịt của tỉnh được mở rộng.

2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp tháng 8 năm 2018 tập trung chủ yếu vào chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã trồng trong năm trước, không phát sinh diện tích rừng trồng mới. Trong tháng 8 năm 2018, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 5.105,6 m3, giảm 88 m3 so với cùng kỳ năm trước; củi khai thác ước tính 25.096 ste, tăng 139 ste. Tính chung 8 tháng năm 2018, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 50.997 m3, tăng 531 m3 so với cùng kỳ năm trước; củi khai thác ước đạt 255.304 ste, tăng 663 ste củi. Sản lượng gỗ khai thác tăng do một số loại cây gỗ đã đến thời kỳ khai thác như tràm bông vàng, còng, mù u, cây bàng... và tận thu gỗ từ rừng phi lao bị sạt lở do triều cường, gió bão. Riêng sản lượng củi tăng do hộ tận thu củi từ cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái.

Trong tháng, Chi cục kiểm lâm kết hợp với các Trạm hạt kiểm lâm thường xuyên tổ chức tuần tra bảo vệ rừng không phát hiện vụ chặt phá rừng. Tính từ đầu năm đến nay có 04 vụ chặt phá rừng, diện tích rừng bị chặt phá 0,21 ha, so cùng kỳ số vụ chặt phá rừng tăng 01 vụ, diện tích rừng bị chặt phá tăng 0,13 ha. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc và phòng chống cháy rừng.

3. Thủy sản

Trong 8 tháng năm 2018 tình hình nuôi trồng thuỷ sản gặp nhiều thuận lợi, đặc biệt giá cá tra tăng cao người nuôi có lợi nhuận khá cao. Đồng thời, luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành liên quan, hỗ trợ vốn và hướng dẫn ngư dân phát triển đánh bắt xa bờ, gắn với nâng cấp cải hoán tàu khai thác, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào khai thác thủy sản giúp ngư dân ra khơi dài ngày hơn. Tuy nhiên, do xuất hiện một số cơn mưa lớn kèm theo gió làm ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm của người dân và giá một số thuỷ sản chủ lực vẫn đang ở mức thấp. Sản lượng thủy sản tháng 8 năm 2018 ước đạt 20.002 tấn, giảm 11,89% hay giảm 2.699 tấn so với cùng tháng năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2018, sản lượng thuỷ sản ước đạt 123.797 tấn, tăng 2,81% hay tăng 3.379 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: cá đạt 53.523 tấn, giảm 9,78% hay giảm 5.799 tấn, tôm đạt 44.863 tấn, tăng 21,32% hay tăng 7.884 tấn.

3.1. Nuôi trồng thủy sản

Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 8 năm 2018 ước đạt 12.907 tấn tôm, cá các loại, giảm 23,93% hay giảm 4.070 tấn so cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 3.623 tấn, giảm 61,9% hay giảm 5.888 tấn; tôm đạt 8.165 tấn, tăng 35,74% hay tăng 2.150 tấn. Tính chung từ đầu vụ đến tháng 8 năm 2018, sản lượng thu hoạch ước đạt 73.687 tấn, giảm 1,48% hay giảm 1.108 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tôm đạt 37.024 tấn, tăng 23,99% hay tăng 7.163 tấn; cá đạt 31.474 tấn, giảm 19,85% hay giảm 7.795 tấn. Sản lượng giảm chủ yếu là sản lượng cá tra do công ty tại huyện Châu Thành chuẩn bị chuyển nhượng cho đơn vị khác nên không thả nuôi. Tuy nhiên, diện tích thu hoạch cá tra tăng do giá tăng cao nên nhiều hộ nuôi đã tiến hành thu hoạch.

Sản lượng một số loại thủy sản nuôi trồng chủ yếu của tỉnh 8 tháng năm 2018: tôm sú 7.935 tấn, tăng 245 tấn so với cùng kỳ; tôm thẻ chân trắng 28.075 tấn, tăng 6.542 tấn; tôm càng xanh 1.014 tấn, tăng 376 tấn; cá lóc 17.517 tấn, giảm 524 tấn; cua biển 4.374 tấn, tăng 511 tấn; cá tra 5.939 tấn, giảm 7.539 tấn.

Tình hình thả nuôi thủy sản vùng nước lợ, 8 tháng năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã có 37.884 lượt hộ thả nuôi hơn 5.492 triệu con giống tôm, cua các loại trên 32.510 ha; so với cùng kỳ năm trước số lượt hộ thả nuôi tăng 7,28%, con giống tăng 12,17% và diện tích tăng 2,61%. Trong đó: tôm sú ước tính có 20.712 lượt hộ thả nuôi hơn 1.528 triệu con giống trên 23.955 ha diện tích; tôm thẻ chân trắng có 16.157 lượt hộ thả nuôi hơn 3.763 triệu con giống trên 6.656 ha; cua biển ước tính có 990 lượt hộ thả nuôi gần 201 triệu con giống trên 1.036 ha. Số con giống và diện tích nuôi tăng do đầu ra ổn định, giá cao cộng với thời tiết thuận lợi và tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản lượng thu hoạch đạt khá nên người nuôi mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích nuôi. Ngoài ra, hình thức nuôi tôm siêu thâm canh đang được mở rộng ở một số địa phương trong tỉnh nên số lượng con giống được đầu tư nhiều và mật độ thả nuôi nhiều hơn. Riêng số hộ giảm chủ yếu là những hộ nuôi cua biển do nông dân chuyển sang nuôi tôm cho lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, cũng đã có một số hộ bị thiệt hại, tính đến nay đã có 1.330 hộ nuôi tôm sú bị thiệt hại hơn 109 triệu con giống trên 507 ha diện tích; tôm thẻ chân trắng có 3.226 hộ bị thiệt hại hơn 675 triệu con giống trên 1.127 ha. Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, tôm chết do thời tiết biến đổi thất thường, con giống chất lượng kém, bị bệnh hội chứng gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, việc quản lý môi trường nước cũng như phòng dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Đối với vùng nước ngọt, tính từ đầu năm đến tháng 8 năm 2018 đã có 11.222 lượt hộ thả nuôi gần 209 triệu con tôm, cá giống các loại trên 2.949 ha diện tích. So với cùng kỳ năm trước, số lượt hộ thả nuôi tăng 5,26%, số con giống tăng 41,94% và diện tích thả nuôi tăng 35,05%. Nguyên nhân số hộ, diện tích, con giống tăng do tháng 8 đã xuất hiện những cơn mưa lớn làm cho mực nước trong các ao hồ cao thuận lợi cho thả nuôi thủy sản nước ngọt nên nhiều hộ đang tập trung cải tạo ao hồ chuẩn bị thả nuôi. Trong đó, có 8.150 lượt hộ thả nuôi cá các loại gần 40,4 triệu con giống trên 1.097 ha; 1.185 lượt hộ thả nuôi cá lóc hơn 91 triệu con giống trên 193 ha; 1.833 hộ thả nuôi tôm càng xanh gần 57,7 triệu con giống trên 1.614 ha.

* Tình hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh

Hiện nay tình hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh được mở rộng, cho năng suất cao và lợi nhuận kinh tế khá nên nhiều hộ có điều kiện về kinh tế đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích và thả nuôi con giống với mật độ dày, tập trung chủ yếu tại huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Tính từ đầu năm đến tháng 8/2018, có 432 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh với 314,9 triệu con giống trên 131 ha diện tích. Trong đó, huyện Duyên Hải có 100 hộ thả nuôi hơn 47,9 triệu con giống trên 24 ha diện tích; thị xã Duyên Hải có 199 hộ thả nuôi 167,3 triệu con giống trên 64 ha diện tích, con giống; huyện Cầu Ngang 133 hộ thả nuôi gần 99,7 triệu con giống trên diện tích 47,94 ha.

3.2. Khai thác thủy hải sản

Tình hình khai thác thủy hải sản tháng 8 năm 2018 ước tính đạt 7.095 tấn tôm cá các loại, tăng 23,7% hay tăng 1.361 tấn so với tháng cùng kỳ năm 2017. Tính từ đầu năm đến nay sản lượng khai thác ước đạt 50.110 tấn, tăng 9,84% hay tăng 4.487 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai thác hải sản biển đạt 44.164 tấn, tăng 10,92% hay tăng 4.349 tấn; khai thác nội địa đạt 5.946 tấn, tăng 2,38% hay tăng 138 tấn. Sản lượng khai thác hải sản biển tăng do thời tiết biển ổn định, những tháng trước nhiều tàu có công suất nhỏ khai thác gần bờ không hiệu quả nên đã cải tạo, nâng công suất lên để tham gia khai thác xa bờ. Bên cạnh đó, thời tiết những tháng đầu năm 2018 thuận lợi, không bị xâm nhập mặn và mực nước trong các ao hồ, sông, rạch luôn dồi dào tạo điều kiện cho thuỷ sản phát triển cộng với bà con nông dân hạn chế sử dụng các ngư cụ khai thác làm huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản nên sản phẩm thuỷ sản khai thác tăng.

4. Tình hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng vật nuôi khác

Tính từ đầu năm đến tháng 8 năm 2018, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi được 893 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, trong đó chuyển sang trồng cây hàng năm 601 ha, cây ăn trái 89 ha, trồng dừa 28 ha, nuôi thuỷ sản 175 ha.

II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 năm 2018 ước tính tăng 16,5% so với tháng trước và tăng 15,05% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành chế biến, chế tạo tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2017; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,56%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 19,1%; riêng ngành công nghiệp khai khoáng giảm chỉ còn 40,02% cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng cao so với tháng trước do đang trong mùa thu hoạch tôm và lúa Hè thu nên nguồn nguyên liệu đầu vào cung cấp cho chế biến thủy sản và ngành xay xát dồi dào. So với cùng kỳ năm trước sản xuất công nghiệp tăng do giá dừa trái giảm mạnh nên nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ trái dừa cộng với nguồn nguyên liệu tôm dồi dào cung cấp cho ngành sản xuất tôm đông lạnh. Thêm vào đó, trong những tháng trước Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 gặp sự cố đã sửa chữa xong và công ty đang vận hành 3 tổ máy liên tục nên sản lượng điện tăng 19,43% so với cùng kỳ. Riêng ngành khai khoáng giảm mạnh so với cùng kỳ do năm nay địa phương quản lý rất chặt chẽ và kiểm soát khối lượng khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để tránh gây sạt lở và bảo vệ môi trường những vùng ven sông nên nhiều cơ sở khai thác đất không còn hoạt động.

Tính chung 8 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 0,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,24%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,37%. Tuy nhiên, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,74% chủ yếu giảm sản lượng điện sản xuất giảm 0,95% do thời gian qua Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 tạm ngưng để khắc phục sự cố kéo dài đến cuối tháng 7 nên làm cho sản lượng điện sản xuất thấp hơn so với cùng kỳ; ngành khai khoáng giảm chỉ còn 31,3% do năm nay địa phương kiểm soát chặt việc khai thác khoáng sản và một số nguồn nước bị ô nhiễm nên không tiếp tục khai thác muối được.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cuối tháng 7/2018 tăng 18,17% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: ngành chế biến thực phẩm tăng 41,25%; ngành dệt tăng 37,82%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 44,32%; ngành sản xuất thiết bị điện tăng 15,74%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp tại thời điểm 01/8/2018 tăng 5,62% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng như: sản xuất thiết bị điện tăng 32,07%; sản xuất hóa chất tăng 26,72%.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp tại thời điểm 01/8/2018 giảm 5,11% so với cùng thời điểm năm trước do chỉ số sử dụng lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,35%, khu vực ngoài quốc doanh giảm 2,4%, riêng khu vực nhà nước tăng 7,32%.

III. VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN (Địa phương quản lý)

Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8 năm 2018 nhìn chung rất thuận lợi, nguồn vốn được phân bổ nhiều nên hầu hết các công trình đều đẩy mạnh thi công theo đúng tiến độ.

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8 năm 2018 ước đạt 284 tỷ đồng, tăng 19,73% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn cân đối ngân sách tỉnh ước thực hiện được 49 tỷ đồng, tăng 17,22%; vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước thực hiện được 96 tỷ đồng, tăng 39,13%; vốn nước ngoài ODA ước thực hiện được 15 tỷ đồng, giảm 60,08%; vốn xổ số kiến thiết ước thực hiện được 70 tỷ đồng, tăng 84,74%; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện được 54 tỷ đồng, tăng 7,51%.

Tính từ đầu năm đến tháng 8 năm 2018, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.294 tỷ đồng, chỉ bằng 46,77% kế hoạch năm 2018 và tăng 12,06% so với cùng kỳ năm 2017 do nguồn vốn được phân bổ nhiều nên hầu hết các công trình đẩy nhanh tiến độ thi công trong tháng 8, theo đó, dự kiến những tháng cuối năm các chủ đầu tư sẽ đồng loạt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân đúng tiến độ. Trong đó:

- Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh: Dự ước 8 tháng năm 2018 thực hiện được 1.015 tỷ đồng, bằng 42,03% kế hoạch năm 2018 và tăng 17,17% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu được đầu tư vào các công trình dự án như: Cầu Ấp chợ trên Hương Lộ 35, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh; đường nhựa liên ấp Tân An Chợ - Cả Chương huyện Càng Long; đường Xóm Vó – An Cư – Định Bình huyện Tiểu Cần; đường vào Trung tâm thị trấn Long Thành huyện Duyên Hải; Dự án tuyến đường số 02 (đoạn từ nút N25 đến nút N28) và cầu C16 Khu kinh tế Định An - Giai đoạn 2); dự án Hỗ trợ người có công về nhà ở theo QĐ số 22/2012/QĐ-TTg; Đề án mầm non 5 tuổi trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2);…

- Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện: Dự ước 8 tháng năm 2018 thực hiện 279 tỷ đồng, bằng 79,31% kế hoạch năm 2018 và giảm 3,28% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu được đầu tư vào các công trình dự án như: Cải tạo công viên đài nước TPTV; Nâng cấp các tuyến hẻm trên địa bàn TPTV; Cụm Quản lý hành chính tập trung xã Tân Bình huyện Càng Long; Nâng cấp mở rộng đường Phú Hưng xã Bình Phú; Đê bao kết hợp đường GTNT ấp Trà Ốt xã Thông Hòa; cải tạo mở rộng nhà làm việc Phòng VHTT Đài Truyền Thanh huyện Châu Thành; cải tạo sửa chữa các cầu, đường GTNT trên địa bàn huyện Cầu Ngang; Nhà làm việc Đảng ủy - UBND xã Trường Thọ và xã Mỹ Long Bắc huyện Cầu Ngang;…

IV. TÀI CHÍNH – TÍN DỤNG

1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến giữa tháng 8 năm 2018 ước tính được 7.490 tỷ đồng, đạt 83% dự toán năm 2018, trong đó thu nội địa được 2.218 tỷ đồng, đạt 64,34% kế hoạch; thu bổ sung từ ngân sách cấp trên 3.555 tỷ đồng, bằng 63,74%. Trong tổng thu nội địa, thu từ kinh tế quốc doanh đạt gần 435 tỷ đồng, bằng 45,35% kế hoạch; thu từ khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh 195,7 tỷ đồng, bằng 49,55%; thuế thu nhập cá nhân 196 tỷ đồng, bằng 72,5%.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến giữa tháng 8 năm 2018 ước thực hiện 4.797 tỷ đồng, bằng 61,15% dự toán năm 2018, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 1.441 tỷ đồng, bằng 47,71%; chi thường xuyên đạt 3.284 tỷ đồng, bằng 68,08%.

2. Hoạt động ngân hàng

Tổng nguồn vốn hoạt động của các TCTD trên địa bàn đến 31/8/2018 ước đạt 27.850 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017; trong đó vốn huy động tại chỗ đạt 19.930 tỷ đồng, chiếm 71,56%/tổng nguồn vốn, tăng 9,54% so với cuối năm 2017.

Dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn ước đến 31/8/2018 đạt 22.652 tỷ đồng, tăng 9,84% so với cuối năm 2017; trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 11.620 tỷ đồng, chiếm 51,3%/tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn ước đạt 11.032 tỷ đồng, chiếm 48,7%/tổng dư nợ.

Tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước đến cuối tháng 8 năm 2018 chiếm 1,19%/tổng dư nợ.

V. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ VÀ GIÁ CẢ

1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động thương mại và dịch vụ trong những tháng đầu năm 2018 tiếp tục có xu hướng tăng khá so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 năm 2018 ước đạt 1.987 tỷ đồng, tăng 11,21% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 15.778 tỷ đồng, tăng 13,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 10.812 tỷ đồng, chiếm 68,53% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, tăng 12,63% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng nhóm lương thực thực phẩm tăng 13,98%, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 11,03%, xăng dầu các loại tăng 11,11%. Ước tính doanh thu bán lẻ trong tháng 8/2018 có tăng nhưng không cao so với cùng kỳ năm trước do thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến tiến độ kinh doanh một số ngành như: đồ dùng gia đình; gỗ vật liệu xây dựng; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác. Riêng nhóm hàng vật phẩm, văn hóa giáo dục và dụng cụ học sinh tăng 8,99% so với cùng kỳ năm trước do bước vào đầu năm học mới nhu cầu mua sắm tăng lên đáng kể.

Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.319 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, tăng 12,16% so với cùng kỳ và doanh thu hoạt động du lịch lữ hành ước đạt 6.844 tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 16,39%.

Doanh thu dịch vụ khác đạt 2.640 tỷ đồng, chiếm 16,73% tổng mức bán lẻ và tăng 16,76% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu nhóm ngành: hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 6,22%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 0,46%; nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 19,56%,... do các dịch vụ giấy tờ hành chính pháp lý, xổ số kiến thiết, vui chơi giải trí diễn ra mạnh nên các nhu cầu dịch vụ tăng cao.

Nhìn chung, hoạt động thương mại và dịch vụ ước 8 tháng năm 2018 tăng không cao so với cùng kỳ năm 2017, tăng chủ yếu là hoạt động bán lẻ và dịch vụ khác do tình hình sản xuất kinh doanh của người dân ngày càng được cải thiện nên nhu cầu trao đổi hàng hoá tăng. Bên cạnh đó, giá cả trên thị trường khá ổn định, đặc biệt là công tác quản lý thị trường luôn được tăng cường, hàng hóa thường xuyên kiểm tra chất lượng, tránh được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên người dân yên tâm mua sắm.

2. Chỉ số giá

2.1. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 8/2018 giảm 0,01% so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08%, giảm chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm do khoai lang và sắn đang trong mùa thu hoạch rộ dẫn đến giá bán giảm cộng với các xưởng bánh trung thu đã tạm ngưng thu mua nguyên liệu, mặt khác, thời điểm trước do ảnh hưởng của mùa mưa và đàn heo nuôi trên địa bàn giảm mạnh nên giá các mặt hàng rau các loại và thịt gia súc tươi sống tăng đến tháng này giá cả đã ổn định trở lại; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác giảm 0,06% do mặt hàng đồ trang sức giảm. Bên cạnh đó, cũng có một số nhóm hàng tăng như nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,1% do giá gas tăng 10.000đ/bình; nhóm giao thông tăng 0,09%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2018 tăng 2,73% so với tháng 12/2017 và tăng 3,89% so với tháng cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 5,8% so cùng kỳ năm 2017.

2.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng 8/2018 giảm 1,43% so với tháng trước do ảnh hưởng của giá vàng và giá đô la Mỹ trên thế giới. Hiện giá vàng bình quân trong tháng là 3.450.000 đồng/chỉ, giảm 45.000 đồng/chỉ so với tháng trước. So với tháng 12/2017 giảm 1,72% và so với cùng kỳ năm trước giảm 0.67%.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2018 tăng 2,41% so với tháng trước. Hiện giá đồng USD bình quân trong tháng là 23.301 đồng/USD, tăng 273 đồng/USD. So với tháng 12/2017 tăng 2,41% và so cùng kỳ năm trước tăng 2,34%.

3. Giao thông vận tải

Dự ước doanh thu vận tải hàng hoá, hành khách 8 tháng năm 2018 ước đạt 883.041 triệu đồng, tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 356.298 triệu đồng, tăng 6,7%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 516.558 triệu đồng, tăng 5,63%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 10.185 triệu đồng, gấp 2,3 lần. Nguyên nhân tăng do vận tải đường thủy phục vụ cho san lắp mặt bằng diễn ra mạnh, đồng thời các chuyến xe được tăng cường nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và du lịch của hành khách trong dịp nghỉ hè, đặc biệt, tăng cường các hoạt động di chuyển phục vụ cho học sinh – sinh viên vào mùa tuyển sinh giữa các trường đại học. Ngoài ra, cước phí vận tải trong 8 tháng năm 2018 tăng hơn so với cùng kỳ năm trước do giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên không cao do phương tiện cá nhân ngày càng tăng lên và nhiều loại hình du lịch tự do đang dần phổ biến. Bên cạnh đó, tình tình thời tiết diễn biến khá phức tạp, mưa gió diễn ra thường xuyên nên gây ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hoá.

Tính từ đầu năm đến tháng 8/2018, vận chuyển hành khách ước tính đạt 11.353 nghìn hành khách, tăng 2,09% so với cùng kỳ năm 2017 và 602,2 triệu lượt khách.km, tăng 14,66%, bao gồm: vận chuyển hành khách đường bộ ước đạt 7.940 nghìn hành khách, giảm 0,69% và 568 triệu lượt khách.km, tăng 16,02%; vận tải hành khách đường sông ước tính đạt 3.413 nghìn lượt khách, tăng 9,2% và 34,8 triệu lượt khách.km, giảm 3,78%.

Vận tải hàng hóa 8 tháng năm 2018 ước tính 6.738 nghìn tấn, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm trước và 587,9 triệu tấn.km, giảm 0,66%, bao gồm: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 3.743 triệu tấn, tăng 0,1% và 181 triệu tấn.km, tăng 3,71%; vận tải hàng hóa đường sông ước tính đạt 2.996 nghìn tấn, giảm 4,59% và 407 triệu tấn.km, tăng 1,19%.

VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Chính sách lao động - xã hội

1.1 Giải quyết việc làm

Trong tháng, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 773 lao động và đưa 29 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho 20.093 lao động và đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được 173 lao động.

Ngoài ra, thông qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã cho vay khoảng gần 4,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 372 lao động. Mặt khác, đã tiếp nhận và giải quyết 870 hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, với số tiền gần 8,7 tỷ đồng.

1.2. Công tác thương binh liệt sĩ và người có công

Trong tháng tỉnh đã giải quyết trợ cấp chế độ thờ cúng liệt sỹ cho 127 trường hợp; chế độ mai táng phí 12 trường hợp; quyết định trợ cấp 15 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bên cạnh đó, đã tổ chức đưa 214 người có công đi điều dưỡng tập trung tại Kiên Giang và Đà Nẵng.

2. Công tác an sinh xã hội

Trong tháng, Trung tâm Bảo trợ xã hội đưa 136 lượt người cao tuổi, người thần kinh tâm thần, trẻ mồ côi khám bệnh định kỳ và tiếp tục tổ chức dạy chữ, dạy nghề cho người khuyết tật, người tâm thần đã được phục hồi sau điều trị.

Bên cạnh đó, thông qua Chương trình địa chỉ nhân đạo đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đi thăm 05 bệnh nhân nghèo trong tỉnh với tổng số tiền gần 172 triệu đồng, 21 phần quà và 250 kg gạo. Đồng thời phối hợp bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ 02 ca phẫu thuật tim cho bệnh nhân nghèo và cấp 45 xe lăn cho người khuyết tật.

Ngoài ra, đã vận động các đoàn bác sỹ về địa phương khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 2.849 người cao tuổi, khám sàng lọc các bệnh về mắt và mổ đục thủy tinh thể cho 235 người cao tuổi.

3. Giáo dục, đào tạo

Trong tháng, các trường học trên địa tỉnh đã tổ chức tập trung học sinh và chuẩn bị công tác khai giảng cho năm học 2018-2019. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn hè cho giáo viên các cấp học, đặc biệt hướng dẫn thực hiện chương trình sách dạy môn Tin học cấp tiểu học và bồi dưỡng cho giáo viên Tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ 2020,... Đồng thời tiến hành biên soạn chương trình thực nghiệm tiếng Khmer cấp THPT.

4. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm

4.1. Tình hình dịch bệnh

Trong tháng 7, trên địa bàn tỉnh phát hiện 17 ổ dịch sốt xuất huyết. Tính đến nay đã xảy ra 01 ổ dịch tay chân miệng và 56 ổ dịch sốt xuất huyết, tử vong 01 ca, hiện đã xử lý tất cả ổ dịch.

4.2. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch

Bệnh cúm A (H1N1): Tính từ đầu năm đến nay phát hiện 04 ca, tử vong 02 ca. So với cùng kỳ năm trước tăng 04 ca mắc bệnh và 02 trường hợp tử vong.

Bệnh Tay chân miệng: Trong tháng 7 phát hiện 38 ca, không có tử vong. Cộng đồn từ đầu năm phát hiện 137 ca, không có tử vong; so với cùng kỳ năm trước số ca mắc bệnh giảm 713 ca, tử vong không tăng giảm.

Bệnh Sốt xuất huyết: Trong tháng phát hiện 86 ca. Cộng dồn từ đầu năm phát hiện 388 ca, 01 ca tử vong; so với cùng kỳ năm trước số ca mắc bệnh giảm 546 ca và giảm 02 ca tử vong.

Tình hình nhiễm HIV/AIDS: trong tháng 7 phát hiện mới 10 người nhiễm HIV, 09 bệnh nhân chuyển sang AIDS, số bệnh nhân tử vong là 02 người. Tính từ đầu năm đến ngày 31/7/2018, toàn tỉnh phát hiện 66 người nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 21 người, số bệnh nhân tử vong là 11 người.

Tính từ ca đầu tiên đến ngày 31/7/2018, toàn tỉnh phát hiện 2.430 người nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 1.564 người, số bệnh nhân tử vong là 887 người.

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

5.1. Hoạt động văn hóa

Trong tháng ngành chức năng tiếp tục thực hiện tuyên truyền với nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, băng rol, cờ chuối, cờ phướn,... nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) đội tuyên truyền lưu động của tỉnh đã tổ chức biểu diễn 02 buổi văn nghệ và 01 buổi chiếu phim lưu động. Đồng thời tham gia Hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông” lần thứ XVI tại An Giang.

5.2. Thể thao

Trong tháng, ngành chuyên môn phối hợp cùng các các ban ngành tổ chức các giải thi đấu như: Hội thao CNVCLĐ tỉnh Trà Vinh năm 2018, giải bóng chuyền vòng bảng của lực lượng Bộ đội Biên phòng năm 2018, giải bóng đá tứ hùng nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Công Đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2018).

Với thể thao thành tích cao, đã cử 01 vận động viên tham gia giải Petanque vô địch Châu Á tại Malaysia. Ngoài ra, đội Karate tham dự giải vô địch Cúp các Câu lạc bộ mạnh Karate quốc gia lần thứ XVIII tại Gia Lai, đạt 01 HCV, 03 HCĐ; Judo tham dự giải vô địch trẻ Judo toàn quốc năm 2018 tại Bạc Liêu, đạt 02 HCV, 01 HCB, 04 HCĐ; Điền kinh tham dự giải vô địch Điền kinh trẻ quốc gia tại Tp.Hồ Chí Minh, đạt 02 HCV và 01 HCĐ...

6. Tai nạn giao thông

Trong tháng 8 năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông, làm chết 05 người, bị thương 03 người. Nâng tổng số đến nay đã xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông làm chết 47 người, bị thương 43 người; so cùng năm 2017 giảm 12 vụ, giảm 05 người chết, giảm 24 người bị thương.

7. Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh tại huyện Cầu Ngang và Duyên Hải do lốc xoáy đã làm sập hoàn toàn 7 nhà dân, hư hỏng 27 nhà dân và 02 phòng làm việc của UBND xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, ước tổng thiệt hại khoảng 870 triệu đồng.

8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra 07 vụ cháy nhà dân, 02 vụ cháy cơ quan, doanh nghiệp gây thiệt hại tài sản khoảng 1,56 tỷ đồng (trong tháng 8 không xảy ra cháy nổ).

Ngoài ra, trong tháng các ngành chức năng đã phát hiện 61 trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, khai thác khoáng sản trái phép..., phạt tiền 13 trường hợp, số tiền 104 triệu đồng, còn lại tiếp tục làm rõ xử lý.

Trên đây, là những nét cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh tháng 8 năm 2018./.


Website Cục thống kê Trà Vinh

    Tổng số lượt xem: 1563
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)