Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/04/2013-09:29:00 AM
Công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2012
– Sáng 18/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2012 "Tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp trên chặng đường đổi mới" với chủ đề “Chặng đường 10 năm phát triển và năng lực tiếp cận thị trường”.

VCCI công bố Báo cáo thường niên doan nghiệp Việt Nam năm 2012. Ảnh VGP

Vềtổng quan môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2012, báo cáocủa VCCI cho biết: Trước những diễn biến không thuận lợi của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam trong năm 2012 gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng nợ xấu và tồn kho. Tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,03%, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3%, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2011.Đây là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu gần 300 triệu USD kể từ năm 1993.
Trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã 5 lần điều chỉnh lãi suất huy động từ mức trên 13% xuống 8%/năm nhưng lãi suất cho vay lại không giảm tương ứng và trên thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn không thể vay được vốn. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 16,348 tỷ USD, trong đó FDI thực hiện năm 2012 ước tính đạt 10,46 tỷ USD, giảm 4,9% so với năm 2011…
Theo đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam 2012 của các tổ chức quốc tế, Việt Nam có hạng điểm B+ với triển vọng “ổn định”, đứng ở vị trí 46/160 trong bảng “Những quốc gia tốt nhất cho việc xếp hạng kinh doanh” và xếp hạng 99/185 quốc gia về môi trường kinh doanh.
Doanh nghiệpphát triển mạnh mẽ…
Vềnăng lực doanh nghiệp Việt Nam qua 10 năm phát triển 2002-2011, báo cáo nêu rõ:Các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từ con số 63.000 doanh nghiệp trong năm 2002 lên đến hơn 312.600 doanh nghiệp tính đến thời điểm ngày 1/4/2012.
Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm, đạt 15,3 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 27,4%/năm, đạt 10,7 triệu tỷ đồng vào năm 2011.
Tuy nhiên, năng lực doanh nghiệp trong các tiêu chí về sử dụng lao động, tài chính, sử dụng vốn và sinh lợi nhuận đều có xu hướng giảm trong giai đoạn này.
… nhưng vẫn yếu về tiếp cận thị trường
Về năng lực tiếp cận thị trường, Báo cáo đã chọn ra 6 ngành tiêu biểu để phân tích, gồm chế biến thủy sản, sản xuất đồ uống, sản xuất cấu kiện kim loại, bán lẻ thực phẩm, quảng cáo, giới thiệu xúc tiến thương mại. Từ đó, Báo cáo đưa ra dự báo của ngành trong năm 2013 và các khuyến nghị đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo đó, năng lực tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt Nam vẫn thấp, thể hiện qua mức tăng đột biến của chỉ số tồn kho và cảm nhận của chính doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy có tới 73% phản hồi cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại của doanh nghiệp; 5,7% trả lời phải ngừng hoạt động trong năm 2012 do không tìm được thị trường đầu ra, không vay được vốn và giá nguyên vật liệu cao…
"Rõ ràng khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp trong năm 2012 không còn là vấn đề chi phí vốn mà là giải quyết hàng tồn kho", Báo cáo của VCCI khẳng định.
Trên cơ sở đó, VCCI đề xuất Nhà nước cần có ngay một cách tiếp cận phù hợp hơn khi đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm thêm lãi suất cho vay; củng cố các gói bảo lãnh tín dụng với doanh nghiệp; đẩy mạnh thị trường xuất khẩu và xúc tiến thương mại nhằm giải tỏa hàng tồn kho…
Với cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo VCCI cho rằng, điều quan trọng nhất là thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Trung Hiếu – Toàn Thắng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1267
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)