Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/09/2018-15:17:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2018 tỉnh Quảng Bình

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

* Diện tích gieo trồng vụ Hè Thu

Tổng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu thực hiện 30.257,5 ha, so với vụ Hè Thu năm trước giảm 4,8%. Cụ thể các cây trồng như sau:

- Cây lúa: Diện tích thực hiện 23.813,5 ha, so với vụ Hè Thu năm trước giảm 3,9%. Trong đó: Lúa tái sinh 8.650 ha, tăng 0,8%; lúa gieo cấy 15.163,5 ha, giảm 6,3%. Nguyên nhân diện tích lúa Hè Thu gieo cấy giảm là do đầu Vụ thời tiết nắng nóng kéo dài, không chủ động được nguồn nước tưới, nhiều diện tích không thể triển khai gieo trồng phải chuyển đổi hoặc bỏ hoang; đồng thời một số diện tích chuyển đổi sang mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng.

Diện tích lúa Hè Thu của các địa phương: Thành phố Đồng Hới 841,2 ha, giảm 6,0%; thị xã Ba Đồn 2.194,9 ha, giảm 1,8%; huyện Minh Hóa 440,6 ha, giảm 1,8%; huyện Tuyên Hóa 1.232,4 ha, giảm 2,7%; huyện Quảng Trạch 3.400 ha, bằng 100%; huyện Bố Trạch 2.591,4 ha, giảm 18,3%; huyện Quảng Ninh 3.412 ha, giảm 6,0%; huyện Lệ Thủy 9.701 ha, giảm 0,3% so với vụ Hè Thu năm trước. Nhìn chung, diện tích lúa Hè Thu của các địa phương đều giảm.

Hiện tại, các địa phương đang tiếp tục công tác chăm sóc lúa Hè Thu gieo cấy; đồng thời thực hiện thu hoạch nhanh lúa tái sinh. Đến 10/8/2018, đã thu hoạch xong lúa tái sinh, dự kiến năng suất lúa tái sinh năm nay đạt cao hơn so năm trước.

- Các loại cây trồng khác: Tiến độ gieo trồng các nhóm cây khác chậm so với cùng kỳ, một số cây phải gieo trồng lại nên diện tích cây trồng khác (ngoài cây lúa) đạt thấp so với vụ Hè Thu năm trước. Cụ thể: Nhóm cây ngô và cây lương thực có hạt khác 790,2 ha, giảm 15,1%; nhóm cây lấy củ có chất bột 906,9 ha, giảm 11,0%; nhóm cây lấy sợi 2,2 ha, giảm 57,0%; cây có hạt chứa dầu 721,9 ha, giảm 18,8%; nhóm cây rau, đậu, hoa cây cảnh 2.793,7 ha, giảm 6,6%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 80,6 ha, tăng 84,4%; cây hàng năm khác 1.148,5 ha, tăng 1,5% so với vụ Hè Thu năm trước.

* Diễn biến mùa vụ Hè Thu

Nhờ hệ thống kênh mương tưới tiêu cơ bản được tu sửa, nạo vét hoàn chỉnh nên công tác tưới nước cho cây trồng thực hiện thuận lợi. Vì vậy, từ đầu vụ đến nay chưa có diện tích cây lúa bị hạn gay gắt và mất trắng hoàn toàn.

Đến ngày 10/8/2018, nhiều diện tích lúa Hè Thu bị ảnh hưởng do sâu bệnh. Một số đối tượng gây hại chủ yế

u: Chuột phá 481 ha, tập trung nhiều ở huyện Quảng Ninh, huyện Bố Trạch, thành phố Đồng Hới, huyện Lệ Thủy và rải rác ở các địa phương khác; bệnh khô vằn bị nhiễm 375 ha, tập trung chủ yếu huyện Quảng Ninh, huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, huyện Bố Trạch, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn; bệnh sâu cuốn lá nhỏ 319 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Quảng Ninh, huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch; bệnh rầy lưng trắng 249 ha, tập trung chủ yếu thành phố Đồng Hới, huyện Tuyên Hóa, huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch; bệnh sâu đục thân 140 ha, tập trung chủ yếu huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy. Hiện tại, các địa phương đang tích cực phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nên công tác phòng trừ đạt kết quả tốt, mức ảnh hưởng không lớn, cục bộ.

Tuy nhiên, do đầu Vụ nắng nóng kéo dài, cuối Vụ mưa nhiều nên quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng không thuận lợi. Theo đó, dự kiến năng suất nhiều loại cây trồng vụ Hè Thu năm nay chỉ xấp xỉ vụ Hè Thu năm trước, một số cây tăng không đáng kể.

* Triển khai gieo cấy lúa vụ Mùa

Cùng với công tác chăm sóc lúa Hè Thu, các địa phương có diện tích lúa vụ Mùa triển khai làm đất và gieo trồng vào cuối tháng 8. Ước tính diện tích lúa vụ Mùa thực hiện 526 ha, so với vụ Mùa năm trước giảm 6,8%, tập trung chủ yếu các xã vùng núi các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh.

b. Chăn nuôi

Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Chính quyền các cấp là động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển tại nhiều địa phương. Đặc biệt, chăn nuôi phát triển theo mô hình trang trại, gia trại từng bước khẳng định vị trí trong cơ chế thị trường, sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp. Theo đó, hệ số xuất chuồng cao, trọng lượng xuất chuồng tăng khá.

Nhờ chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại phát triển nên hệ số xuất chuồng của lợn và gia cầm tăng khá so với năm trước. Trong 8 tháng, sản phẩm xuất chuồng các loại gia súc, gia cầm như sau: Trâu xuất chuồng 1.595,0 tấn, tăng 4,3%; bò xuất chuồng 4.247 tấn, tăng 17,6%; lợn xuất chuồng 34.061 tấn, tăng 7,1%; gia cầm 7.361 tấn, tăng 21,2%; trứng gia cầm 54.510 ngàn quả, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước

2. Lâm nghiệp

Sản xuất ngành lâm nghiệp duy trì mức tăng trưởng và tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Công tác trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ đang được các địa phương triển khai đúng kế hoạch. Công tác giao khoán bảo vệ, phục hồi vốn rừng, làm giàu rừng được chú trọng nên tiến độ thực hiện khá nhanh. Công tác khai thác gỗ từ rừng trồng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ.

Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 8 thực hiện 20.150 m3, 8 tháng thực hiện 250.314 m3, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác trong tháng 8 thực hiện 21.650 ste, 8 tháng thực hiện 188.750 ste, so với cùng kỳ năm trước tăng 27,8%.

Trong tháng 8, một số chủ rừng đã triển khai công tác trồng rừng mới. Ước tính trong tháng 8 trồng mới 35 ha, đưa tổng số rừng trồng mới 8 tháng 1.175 ha, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước.

3. Thủy sản

Sản lượng thuỷ sản tháng 8 ước tính thực hiện 10.201,1 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,9%; 8 tháng thực hiện 53.892,6 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,7%. Chia ra: Cá các loại 42.677,9 tấn, tăng 9,6%; tôm các loại 4.141,2 tấn, tăng 7,0%; thủy sản khác 7.073,5 tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

a. Khai thác

Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản nên ngư dân các địa phương ven biển đã tích cực ra khơi bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 8 ước tính thực hiện 7.637,4 tấn; 8 tháng thực hiện 45.897,1 tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 38.313,8 tấn, tăng 10,5%; tôm các loại 781,7 tấn, tăng 5,6%; thủy sản khác 6.801,6 tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước: Khai thác biển 43.811,2 tấn, tăng 11,0%; khai thác nội địa 2.085,9 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

b. Nuôi trồng

Ước tính tháng 8 sản lượng nuôi trồng thu hoạch 2.563,7 tấn; 8 tháng thu hoạch 7.995,5 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 4.364,1 tấn, tăng 2,5%; tôm các loại 3.359,5 tấn, tăng 7,3%; thủy sản khác 271,9 tấn, giảm 6,2%. Sản lượng nuôi trồng thu hoạch 8 tháng của một số địa phương tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 8, một số địa phương tiếp tục thu hoạch tôm. Tuy nhiên, cuối tháng 7 và những ngày đầu tháng 8, mưa lớn ở một số địa phương làm ngập, trôi cá nên sản lượng cá tăng nhưng không đáng kể.

4. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng8/2018ước tính tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 7,5% so với tháng cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 0,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 1,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,6%.

Tính chung 8 tháng năm 2018 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 6,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 4,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,1%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính thực hiện 8 tháng năm 2018 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như sau: Ngành sản xuất trang phục tăng 12,4%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 9,3%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7,5%; ngành khai khoáng khác tăng 6,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,8%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,6%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 4,0%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,8%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 2,7%; ngành sản xuất đồ uống giảm 2,3% (giảm chủ yếu ở ngành sản xuất bia, do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm); ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước (nhà máy sản xuất tinh bột sắn ngừng sản xuất theo mùa vụ sớm hơn năm trước do thiếu nguyên liệu).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước tính thực hiện 8 tháng năm 2018 như sau: Áo sơ mi đạt 8,9 triệu cái, tăng 11,4%; dăm gỗ đạt 238.583 tấn, tăng 11,9%; clinker thành phẩm đạt 2,3 triệu tấn, tăng 8,7%; đá xây dựng đạt 2,0 triệu m3, tăng 6,0%; gạch xây dựng bằng đất sét nung đạt 167,7 triệu viên, tăng 4,9%; xi măng đạt 1,1 triệu tấn, tăng 5,3%; nước máy sản đạt 5,5 triệu m3, tăng 4,6%; điện thương phẩm đạt 516 triệu Kwh, tăng 4,6%; bia đóng chai đạt 12,5 triệu lít, giảm 4,4%; tinh bột sắn đạt 260 tấn, giảm 96,1% so với cùng kỳ.

5. Vốn đầu tư

Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2018 ước tính thực hiện 365,9 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 6,2% so với tháng cùng kỳ năm 2017. Tính chung 8 tháng năm 2018, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 2.342,2 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý thực hiện 658,4 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý thực hiện 1.638,8 tỷ đồng.

Vốn đầu tư Nhà nước quản lý 8 tháng năm 2018 phân theo ngành kinh tế như sau: Ngành nông lâm nghiệp, thủy sản thực hiện 200,0 tỷ đồng, giảm 5,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện 97,2 tỷ đồng, giảm 1,9%; ngành sản xuất và phân phối điện nước thực hiện 30,1 tỷ đồng, tăng 0,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải thực hiện 43,0 tỷ đồng, tăng 1,3%; ngành thương nghiệp thực hiện 33,9 tỷ đồng, tăng 2,2%; ngành vận tải kho bãi thực hiện 1.1345,3 tỷ đồng, tăng 3,6%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống thực hiện 28,3 tỷ đồng, giảm 3,7%; ngành thông tin truyền thông thực hiện 10,6 tỷ đồng, giảm 0,5%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ thực hiện 48,2 tỷ đồng, tăng 0,3%; ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ thực hiện 24,9 tỷ đồng, tăng 0,8%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước thực hiện 177,9 tỷ đồng, tăng 3,2%; ngành giáo dục và đào tạo thực hiện 136,2 tỷ đồng, tăng 10,7%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội thực hiện 103,5 tỷ đồng, giảm 3,5%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí thực hiện 28,1 tỷ đồng, giảm 4,7%; ngành hoạt động dịch vụ khác thực hiện 20,3 tỷ, tăng 2,1%; ngành hoạt động dịch vụ cá nhân cộng đồng thực hiện 14,6 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong thời gian qua, vốn đầu tư khu vực nhà nước chủ yếu tập trung thực hiện các công trình/dự án chuyển tiếp về giao thông; thủy lợi; quản lý nhà nước; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội... Các công trình sửa chữa, xây dựng trường học được đẩy nhanh tiến độ để chuẩn bị cho năm học mới. Tiến độ thực hiện một số công trình/dự án đầu tư xây dựng đảm bảo đúng kế hoạch, nhất là đối với các công trình/dự án có khối lượng vốn lớn trên địa bàn tỉnh như: Trụ sở làm việc HĐND - UBND thành phố Đồng Hới; Trụ sở làm việc Thành ủy Đồng Hới; Công trình quốc phòng; Tuyến đường ngang dọc nối từ QL 1A đi Bàu Sen đến vị trí quy hoạch khu trung tâm hành chính huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch; Tỉnh lộ 2; Cầu Nhật Lệ 2; Đê, kè Lý Hoà; Dự án đường từ ngã tư Quảng Thọ đi quảng trường biển; Dự án củng cố nâng cấp kè tả Sông Gianh (đoạn qua thị xã Ba Đồn)…

Nhìn chung, trong 8 tháng năm 2018 các công trình/dự án được thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra. Lãnh đạo các cấp, các ngành, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện và giải ngân các công trình/dự án đã được phân bổ vốn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành công trình theo kế hoạch được duyệt.

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Hoạt động bán lẻ hàng hoá trên địa bàn tỉnh tháng 8 tăng nhẹ, riêng một số nhóm hàng hóa phục vụ cho năm học mới như: hàng may mặc, vật phẩm văn hóa giáo dục… doanh thu tăng khá so với tháng trước.

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 đạt 1.692,7 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 15,0% so với cùng kỳ; 8 tháng tổng mức bán lẻ hàng hoá ước tính đạt 13.164,9 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

- Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế Nhà nước doanh thu tháng 8 ước tính đạt 106,4 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 55,0% so với cùng kỳ; ước tính 8 tháng đạt 763,8 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ (chủ yếu tăng do doanh thu của công ty Xăng dầu Quảng Bình tăng). Kinh tế tập thể doanh thu tháng 8 đạt 0,8 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 0,5% so với cùng kỳ; 8 tháng doanh thu ước tính đạt 7,3 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Kinh tế cá thể doanh thu tháng 8 ước tính đạt 959,5 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ; ước tính 8 tháng đạt 7.534,9 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Kinh tế tư nhân doanh thu tháng 8 đạt 625,9 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ; ước tính 8 tháng đạt 4.858,8 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Phân theo nhóm ngành hàng: So với 8 tháng năm trước, tổng mức bán lẻ của tất cả các nhóm hàng đều tăng cao, cụ thể: Nhóm ô tô các loại tăng 80,7%; nhóm xăng, dầu các loại tăng 16,7%; nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 15,7%, nhóm lương thực, thực phẩm tăng 9,8%, nhóm hàng may mặc tăng 9,3% so với cùng kỳ; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 10,2%; nhóm hàng hóa khác tăng 7,5% so với cùng kỳ...

b. Lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

Tháng 8, thời tiết mưa nhiều không thuận lợi cho hoạt động du lịch, thời gian này học sinh bắt đầu tựu trường nên hoạt động du lịch hết sôi động. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 8 giảm mạnh so với tháng trước.

- Dịch vụ lưu trú

Doanh thu lưu trú tháng 8 ước tính đạt 26,4 tỷ đồng, giảm 7,0% so với tháng trước và tăng 16,9% so với cùng kỳ; 8 tháng doanh thu ước tính đạt 123,9 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 8 ước tính đạt 86.182 lượt khách, giảm 8,0% so với tháng trước và tăng 33,3% so với cùng kỳ; 8 tháng ước tính đạt 583.231 lượt khách, tăng 16,5% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 8 ước tính đạt 14.536 lượt khách, giảm 9,1% so với tháng trước và tăng 162,6% so với cùng kỳ; 8 tháng ước tính đạt 69.734 lượt khách, tăng 58,8% so với cùng kỳ. Tám tháng năm 2018, khách quốc tế tăng đột biến, nhiều homestay mọc lên với dịch vụ đảm bảo, cùng với nhiều tour du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, do Việt Nam đơn giản hóa nhiều thủ tục xin cấp visa thị thực nhập cảnh và bãi bỏ visa cho nhiều nước.

Ngày khách tháng 8 ước tính đạt 115.033 ngày khách, giảm 6,1% so tháng trước và tăng 52,2% so với cùng kỳ; 8 tháng ước tính đạt 721.748 ngày khách, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ ăn uống:

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 8 ước tính đạt 162,0 tỷ đồng, giảm 13,5% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ; 8 tháng doanh thu ước tính đạt 1.314,1 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ lữ hành

Tháng 8, do đã bước vào mùa mưa, cùng với nhu cầu đi du lịch giảm nên hoạt động du lịch lữ hành giảm so với tháng trước. Ước tính tháng 8 doanh thu hoạt động lữ hành đạt 32,7 tỷ đồng, giảm 27,9% so với tháng trước và tăng 23,1% so với cùng kỳ; 8 tháng doanh thu ước tính đạt 229,2 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ.

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 8 ước tính đạt 100.245 lượt khách, giảm 35,1% so với tháng trước và tăng 41,5% so với cùng kỳ; 8 tháng ước tính đạt 701.305 lượt khách, tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 8 ước tính đạt 18.075, giảm 14,3% so tháng trước và tăng 128,1% so với cùng kỳ; 8 tháng ước tính đạt 116.228 lượt khách, tăng 57,8% so với cùng kỳ.

c. Dịch vụ

Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 8 ước tính đạt 90,3 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 13,3% so với cùng kỳ. Ước tính 8 tháng năm 2018 doanh thu đạt 691,7 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Ước tính 8 tháng năm 2018, doanh thu phần lớn các nhóm hàng dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là nhóm dịch vụ khác tăng 15,2%; tiếp đến nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 13,2%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 11,1%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 9,8%; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 12,2%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 5,3%; có 1 nhóm giảm là nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

d. Hoạt động vận tải

Trong tháng 8 là thời gian sinh viên, học sinh bắt đầu nhập học, cùng với đó, thời tiết chuẩn bị bước vào mùa mưa nên các công trình gấp rút thi công để hoàn thành tiến độ, vì vậy các doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực vận tải tập trung tối đa nguồn lực tăng chuyến, nhằm phục vụ việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong và ngoài tỉnh.

Tổng doanh thu vận tải tháng 8 ước tính đạt 291,6 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước; 8 tháng doanh thu ước tính đạt 2.210,7 tỷ đồng, tăng 9,0% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu vận tải hành khách ước tính đạt 431,8 tỷ đồng, tăng 9,7%; doanh thu vận tải hàng hóa ước tính đạt 1.510,8 tỷ đồng, tăng 9,0%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tính đạt 268,1 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ.

Tổng số hành khách vận chuyển tháng 8 ước tính đạt 2,3 triệu hành khách, tăng 1,9% so với tháng trước; 8 tháng ước tính đạt 17,0 triệu hành khách, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 8 ước tính đạt 104,8 triệu hk.km, tăng 2,1% so với tháng trước; 8 tháng ước tính đạt 764,6 triệu hk.km, tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 8 ước đạt 2,2 triệu tấn, tăng 1,3% so với tháng trước; 8 tháng ước tính đạt 17,1 triệu tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 8 ước tính đạt 106,2 triệu tấn.km, tăng 1,3% so với tháng trước; 8 tháng ước tính đạt 819,8 triệu tấn.km, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

e. Giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

* Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tháng 8 năm 2018 tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,38% so với tháng 12 năm trước; tăng 13,23% so với kỳ gốc 2014. CPI bình quân 8 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,68% (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 2,03%; nhóm dịch vụ tăng 3,79%).

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 7 nhóm tăng, 3 nhóm không đổi và 1 nhóm giảm so với tháng trước. Cụ thể chỉ số giá một số nhóm hàng chính so với tháng trước như sau:

- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,69%

+ Lương thực: Chỉ số giá lương thực tháng 8 tăng 0,37% chủ yếu do nhóm bột mỳ và ngũ cốc tăng 3,81%, nguyên nhân chính là do tháng này sản lượng khoai, ngô trên địa bàn giảm do hết mùa nên giá khoai tăng 7,36%, giá ngô tăng 3,72%.

+ Thực phẩm: Nhóm thực phẩm tăng 1,00% do giá thịt lợn hơi tăng cao. Nguyên nhân chính là do nguồn cung ít trong khi đó nhu cầu tiêu dùng tăng nên giá tăng. Trong đó: Giá các mặt hàng thịt gia súc tươi sống tăng 3,00%; nhóm hàng thịt chế biến tăng 2,22%... Trứng tháng này tăng 1,66% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên.

+ Ăn uống ngoài gia đình: Nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19% so với tháng trước.

- Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép: tăng 0,10% so tháng trước chủ yếu do nhóm may mặc khác và mũ nón tăng 0,36%. Thời tiết bắt đầu chuyển mùa mưa nên giá một số loại mũ, nón, áo mưa tăng 1,95% so với tháng trước.

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng : giảm 0,03%

- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình: tăng 0,42% so tháng trước do một số thiết bị đồ dùng trong gia đình tăng 0,47%.

- Nhóm giao thông: tăng 0,21% chủ yếu do chịu ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dầu ngày 07/8/2018 và ngày 22/8/2018 nên chỉ số giá nhóm nhiên liệu tháng này tăng 0,25%.

- Nhóm giáo dục: tăng 0,08% nguyên nhân chính là do chuẩn bị bước vào năm học mới nên một số đồ dùng văn phòng phẩm tăng so tháng trước.

- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch: tăng 0,54% chủ yếu do nhóm văn hóa tăng 1,10%. Tháng này giá dịch vụ truyền hình cáp tăng 2,70%, trong đó phí thuê bao truyền hình cáp địa phương tăng 9.000 đồng/tháng.

- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác: tăng 0,13% chủ yếu do chỉ số giá nhóm hiếu hỉ tăng 0,58%

* Chỉ số giá vàng 99,99%

Bình quân tháng 8/2018 giá vàng giảm 1,66% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 3,46 triệu đồng/chỉ. So với kỳ gốc 2014 giá vàng tăng 5,46%, so cùng tháng năm trước giảm 0,01%, so tháng 12 năm trước giảm 1,36%. Bình quân 8 tháng giá vàng tăng 5,42% so với cùng kỳ.

* Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Giá USD tháng này có giá bình quân 23.218 đồng/USD, tăng 1,13% so với tháng trước, so với kỳ gốc 2014 tăng 6,35%; so cùng tháng năm trước tăng 2,28%; so tháng 12 năm trước tăng 2,21%. Bình quân 8 tháng giá USD tăng 0,34% so với cùng kỳ.

7. Tài chính, tín dụng

a. Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng năm 2018 ước tính thực hiện 2.315,7 tỷ đồng, bằng 66,2% dự toán địa phương giao và tăng 8,9% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước tính thực hiện 2.193,2 tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán địa phương giao, tăng 6,8% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu ước tính thực hiện 122,5 tỷ đồng, bằng 94,3% dự toán địa phương giao, tăng 66,2% so với cùng kỳ.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách 8 tháng năm 2018, có 10/16 khoản thu đạt tiến độ (66,7%) dự toán năm, là thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (239,4%); Thuế bảo vệ môi trường (87,5%); Thu tiền thuê đất (69%); Thu phí lệ phí (68,8%); Thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (96,2%); Thu lệ phí trước bạ (74,9%); Thu khác ngân sách tính cân đối là (67,2%); Thu thuế thu nhập cá nhân (91,5%); Thu cố định tại xã (87%); Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (77,3%); còn lại 6/16 khoản không đạt tiến độ của năm.

b.Tín dụng

- Lãi suất

Lãi suất ổn định, không biến động so với tháng trước. Hiện nay lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,3-5,5%/năm; 5,3%-6,6%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,5-7,55%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 7,0-9,5%, khách hàng tốt từ 5,5-6%; trung, dài hạn từ 9-11% và cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên 6,5-7,5%.

- Huy động vốn

Nguồn vốn huy động tiếp tục tăng trưởng, đến 31/7/2018 tổng nguồn vốn huy động đạt 35.904 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 10,7% so với đầu năm. Trong đó: Nguồn tiền gửi dân cư tiếp tục tăng trưởng ổn định và đạt 29.356 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Ước tính đến cuối tháng 8/2018, tổng nguồn vốn huy động đạt 35.980 tỷ đồng, tăng 10,9% so với đầu năm.

- Hoạt động tín dụng

Đến 31/7/2018, tổng dư nợ cho vay đạt 44.507 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 11,8% so với đầu năm. Các nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp được đáp ứng kịp thời. Ước tính đến cuối tháng 8/2018, dư nợ đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.

Nợ xấu: Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến 30/6/2018 nợ xấu nội bảng là 358,3 tỷ đồng, chiếm 0,83% tổng dư nợ cho vay.

- Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng (số liệu 31/7/2018)

Cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ: Các ngân hàng đã ký kết được 87 hợp đồng tín dụng, số tiền 1.005 tỷ đồng. Đã giải ngân được 87 hợp đồng tín dụng, số tiền 989,4 tỷ đồng; đến 31/7/2018, dư nợ còn 930,8 tỷ đồng.

Cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42% tổng dư nợ; cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ với dư nợ 18.780 tỷ đồng, chiếm gần 43% tổng dư nợ; cho vay Xây dựng nông thôn mới 11.080 tỷ đồng, chiếm gần 26% tổng dư nợ; cho vay theo Nghị quyết 30a của Chính phủ 304 tỷ đồng, chiếm gần 0,8% tổng dư nợ; cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 2.944 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.

II. XÃ HỘI

1. Giáo dục và đào tạo

Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức rà soát đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện có của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; chỉ đạo các địa phương xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, với mục tiêu ưu tiên các hạng mục, công trình phòng học, thư viện, công trình nước sạch cho các vùng khó khăn, mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, đáp ứng kịp thời cơ sở vật chất cho năm học mới. Thực hiện công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên dạy lớp 1; bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc phân công, phân cấp, nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, chất lượng giải trình và chất lượng công tác phối hợp trong xử lý công việc. Tăng cường giao quyền chủ động cho các địa phương trong quản lý giáo dục đối với các cơ sở giáo dục và giáo viên về việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng học tập của học sinh. Hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc về công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học 2018 - 2019, dự kiến được tổ chức vào ngày 5/9/2018.

Các trường THPT tổ chức xét tuyển trên toàn tỉnh đã thông báo thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đã được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp đã công bố kết quả trúng tuyển vào lớp 10, tổng số học sinh trúng tuyển 422 em.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, toàn tỉnh có 9.669 thí sinh đăng ký dự thi (9.027 học sinh Trung học phổ thông; 642 thi sinh tự do); có 421 phòng thi/29 điểm thi, đặt tại các trường THPT trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt 94,68%.

Kết thúc năm học 2017 - 2018, Trường Đại học Quảng Bình đã công nhận tốt nghiệp cho 901/988 sinh viên, đạt tỷ lệ 91,2%, trong đó có 2% xếp loại xuất sắc, 29% loại giỏi, 64% loại khá và 5% trung bình. Cụ thể, tốt nghiệp cao đẳng hệ chính quy có 226 sinh viên của 7 ngành đào tạo; tốt nghiệp đại học hệ chính quy có 675 sinh viên của 16 ngành đào tạo. Đặc biệt, khóa tốt nghiệp này có 25 sinh viên của nước Lào, theo học các ngành tại Trường Đại học Quảng Bình.

Trong năm học mới 2018 - 2019, chỉ tiêu tuyển sinh Trường Đại học Quảng Bình 1.710 chỉ tiêu hệ đại học, cao đẳng hệ chính quy; trong đó, hệ đại học 1.240 chỉ tiêu, cao đẳng sư phạm 90 chỉ tiêu và cao đẳng ngoài sư phạm 380 chỉ tiêu. Ngày 6/8/2018, Trường Đại học Quảng Bình đã công bố kết quả trúng tuyện đợt 1 với số lượng trúng tuyển là 293 học viên; trong đó, hệ đại học là 253 học viên (trúng tuyển qua thi tuyển 208 học viên; qua xét tuyển là 45 học viên); hệ cao đẳng là 26 học viên (trúng tuyển qua thi tuyển 15 học viên; qua xét tuyển là 11 học viên). Hiện tại, Trường Đại học Quảng Bình tiếp tục thông báo xét tuyển nguyện vọng 2.

2. Công tác y tế

a. Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tháng 7/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 1 trường hợp Tay - chân - miệng; 380 trường hợp Tiêu chảy; 16 trường hợp Lỵ trực trùng; 10 trường hợp Lỵ a míp; 18 trường hợp viêm gan vi rút khác; 30 trường hợp Thủy đậu; 53 trường hợp Quai bị; 738 trường hợp Cúm; 1 trường hợp Ho gà. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/7/2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 53 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 5 trường hợp Tay - chân - miệng; 2.424 trường hợp Tiêu chảy; 76 trường hợp Lỵ trực trùng; 53 trường hợp Lỵ a míp; 5 trường hợp viêm gan vi rút B; 1 trường hợp viêm gan vi rút C; 90 trường hợp viêm gan vi rút khác; 632 trường hợp Thủy đậu; 655 trường hợp Quai bị; 6.729 trường hợp Cúm; 4 trường hợp Lao phổi, 1 trường hợp Thương hàn; 1 trường hợp Ho gà. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

b. Công tác phòng chống sốt rét

Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống Sốt rét - Nội tiết tỉnh trong tháng 7/2018, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 200 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh 17 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 4.803 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,27%. Từ đầu năm đến hết tháng 7/2018, tổng số lượt người điều trị sốt rét 1.342 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh 72 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính (SRAT) và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 29.672 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,18%.

c. Tình hình nhiễm HIV/AIDS

Từ đầu năm đến 31/7/2018 trên địa bàn tỉnh đã có 22 người nhiễm HIV, 48 người chuyển sang AIDS, số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 4 người. Tính đến ngày 31/7/2018, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.372 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 434 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 139 người. Trong đó, tổng số người nhiễm HIV tích lũy nội tỉnh là 343 người; tổng số bệnh nhân AIDS tích lũy nội tỉnh là 292 người; số bệnh nhân AIDS chết tích lũy nội tỉnh là 123 người. Sở Y tiếp tục duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.

d. Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

Để hạn chế ngộ độc thức ăn, thực phẩm, ngành Y tế Quảng Bình đã chú trọng công tác truyền thông giáo dục nhằm thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng trong an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ và nhân viên các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các địa phương. Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Qua kiểm tra đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Nhờ đó, từ đầu năm đến ngày 16/8/2018 toàn tỉnh chỉ xảy ra 335 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

3. Hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao

a. Hoạt động văn hoá

Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tuyên truyền kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018) và chào mừng Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018… Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao thiết thực trong dịp kỷ niệm và chào mừng Hội nghị. Toàn tỉnh đã treo móc, thay mới trên 2.500 cờ, pano, băng rôn, đèn hoa các loại, hệ thống xe loa lưu động tiếp tục được phát huy tạo không khí tươi mới, phấn khởi.

Để thiết thực tri ân, tôn vinh các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tại Trọng Điểm ATP - Đường 20 Quyết Thắng, đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng trong toàn quân và dân cả nước về sự đóng góp và cống hiến của bộ đội, thanh niên xung phong và các lực lượng đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, ngày 26/7/2018 UBND tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Tạp chí Nông thôn Việt và Ngân hàng Liên Việt Post Bank tổ chức lễ cầu siêu và khởi công xây dựng công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại Trọng Điểm ATP - Đường 20 Quyết Thắng. Công trình được thực hiện với số vốn ban đầu là 15,6 tỷ đồng.

Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh tổ chức tuần phim từ ngày 25 - 31/7/2018 trên địa bàn các xã miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh. Chủ đề phim tuyên truyền về ngày thương binh - liệt sĩ, những tấm gương tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, gương các thương binh giàu nghị lực… Đây là đợt chiếu phim nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn”,đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và đẩy mạnh công tác giáo dục phát huy truyền thống đối với thế hệ.

Thư viện tỉnh đã phối hợp với Làng trẻ em SOS Đồng Hới tổ chức khai trương hoạt động xe ô tô thư viện lưu động. Dự án xe thư viện đa phương tiện lưu động với tên gọi “Ánh sáng tri thức” do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xây dựng, phát triển với sự tài trợ của Tập đoàn Vingroup. Xe được trang bị hơn 4.500 cuốn sách, 6 máy tính, một máy chủ cùng với phần mềm, máy chiếu, ti vi, tài liệu điện tử, sách nói và các thiết bị phục vụ cho người khiếm thị. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy việc đưa thông tin và tri thức đến với người dân, góp phần thu hẹp khoảng cách thông tin giữa các vùng, miền, đưa phong trào đọc sách phát triển sâu rộng trong cộng đồng.

Trên lĩnh vực hoạt động chuyên ngành, Sở Văn hoá và Thể thao đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, định hướng bảo tồn Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình”, đồng thời xây dựng hồ sơ để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Cầu ngư tỉnh Quảng Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sở Văn hóa và Thể thao đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Bảo vật quốc gia đối với Ấn tuần phủ Đô tướng quân; chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã thỏa thuận thiết kế tu bổ di tích lịch sử - văn hóa lăng mộ Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy và di tích Kiến trúc - nghệ thuật - Tôn giáo chùa Quan Âm (Quan Âm Tự), xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch. Đồng thời đã tổ chức đón nhận Bằng bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Vụ thảm sát thôn Tròn, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch trang trọng, ý nghĩa; tổ chức Lễ khánh thành Di tích lịch sử Đình làng Tượng Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn. Tổ chức khánh thành Khu tượng đài Fidel Castro trong khuôn viên Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao trên địa bàn được đẩy mạnh, đã tăng cường công tác hậu kiểm đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, nhất là hoạt động karaoke, hoạt động quảng cáo… nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động và kinh doanh đúng quy định của pháp luật. Trong tháng 7/2018 đã thực hiện đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh và dịch vụ thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh, lập 21 biên bản kiểm tra, đình chỉ hoạt động 2 cơ cở, xử phạt 3 triệu đồng đối 1 cơ sở vi phạm.

Trên lĩnh vực gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ về công tác gia đình và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại xã Trọng Hóa, huyện Minh hóa và xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn.

Theo kế hoạch, trong dịp kỷ niệm 107 năm ngày sinh (25/8/1911 - 25/8/2018) và tưởng niệm 5 năm ngày mất (4/10/2013 - 4/10/2018) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tỉnh sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều hoạt động văn hóa khác. Theo đó, Chương trình nghệ thuật do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức với chủ đề “Hát câu hò khoan nhớ về Đại tướng” diễn ra vào tối 18/8/2018 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Các hoạt động tri ân công lao Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ diễn ra vào ngày sinh nhật của Đại tướng (25/8/2018) gồm có các phần: rước hương từ Vũng Chùa - Đảo Yến huyện Quảng Trạch; rước ảnh từ nhà lưu niệm của Đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ về Trung tâm Văn hóa -Thể thao huyện;trong tối 25/8, sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt để tri ân công ơn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các điệu dân ca hò khoan Lệ Thuỷ và những ca khúc ca ngợi, tri ân công lao của Đại tướng.

b. Hoạt động thể dục thể thao

- Thể thao quần chúng

Sáng 27/7, tại Bể bơi Tổng hợp tỉnh, Ban tổ chức Đại hội TDTT đã tổ chức khai mạc Giải Karate Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII năm 2018.Tham gia giải lần này có 8 đoàn đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với hơn 120 vận động viên. Các vận động viên tham gia tranh tài ở 20 bộ huy chương bao gồm các nội dung thi đấu cá nhân, đồng đội. Giải Karate là môn thi đấu thứ 12, đồng thời cũng là giải đấu cuối cùng khép lại các môn thi đấu trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII (2017 - 2018).

Ngày 11/8/2018, Khối thi đua các ngành Tổng hợp đã tổ chức Giải bóng đá nam sân mini năm 2018. Tham gia Giải có gần 100 vận động viên của 7 đội bóng đến từ 9 cơ quan, đơn vị thuộc Khối.

Theo kế hoạch, các môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... và lễ hội đua thuyền truyền thống chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 sẽ được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh.

- Thể thao thành tích cao

Giải Bơi - Lặn Vô địch trẻ Quốc gia năm 2018 đã tổ chức tại Câu lạc bộ Bơi, Lặn Phú Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh). Giải đấu thu hút hơn 350 VĐV đến từ các 32 đơn vị, địa phương có phong trào mạnh trên toàn quốc tham dự. Các vận động viên (VĐV) đội tuyển Bơi - Lặn Quảng Bình đã xuất sắc giành được 28 Huy chương các loại, trong đó có 15 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc và 7 Huy chương Đồng. Các VĐV đạt thành tích cao tại giải, gồm: Nguyễn Huy Hoàng (Bơi) giành được 6 HCV, 1 HCB, phá 2 kỷ lục Quốc gia cự ly 400m, 800m; Ngô Thị Ngọc Quỳnh (Bơi) giành được 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ; Trần Thị Trang Điểm (Lặn) giành được 3 HCV, 1 HCĐ; Phan Đức Toản (Lặn) giành được 3 HCV.

Giải Điền kinh Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam mở rộng lần thứ 25 được tổ chức từ ngày 25 - 27/7/2018 tại Sân vận động Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh). Giải đấu quy tụ hơn 400 VĐV đến từ 11 quốc gia trong lãnh thổ châu Á, khu vực Đông Nam Á và 40 địa phương trên toàn quốc tham gia tranh tài ở 41 nội dung thi đấu. Với tinh thần quyết tâm cao, VĐV Hoàng Thị Ngọc đã giành được 1 Huy chương Đồng cự ly 400m (thành tích 54”93). Đây là giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu của Hiệp hội Điền kinh châu Á, được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho VĐV các nước trong khu vực chuẩn bị lực lượng tham gia thi đấu Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2018 tại Indonesia.

Tính đến ngày 16/8/2018, thể thao thành tích cao đã đạt được 132 Huy chương các loại (có 55 HCV, 38 HCB và 39 HCĐ). Trong đó đạt 24 Huy chương quốc tế (11 HCV, 6 HCB và 7 HCĐ).

4. Tình hình an toàn giao thông và cháy nổ

a. An toàn giao thông

Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 7 năm 2018 toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, giảm 8 vụ so với tháng 7 năm 2017, trong đó đường bộ 12 vụ, giảm 8 vụ; đường sắt, đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 5 người, giảm 3 người so với tháng 7 năm 2017; trong đó đường bộ chết 5 người, giảm 3 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 12 người, giảm 7 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 12 người, giảm 7 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng tháng 7 năm 2017.

Lũy kế 7 tháng năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông, giảm 31 vụ so với cùng kỳ năm 2017, trong đó đường bộ 108 vụ, giảm 29 vụ so với cùng kỳ; đường sắt xảy ra 1 vụ, giảm 2 vụ so với cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 57 người, giảm 14 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 57 người, giảm 12 người; đường sắt không xảy ra, giảm 2 người so với cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 83 người, giảm 25 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 81 người, giảm 27 người; đường sắt bị thương 2 người, tăng 2 người, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2017.

b. Tình hình cháy nổ

Tháng 8 năm 2018 toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy với giá trị thiệt hại 945 triệu đồng.Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 37 vụ cháy với giá trị thiệt hại 105.667 triệu đồng, trong đó: thành phố Đồng Hới 11 vụ với giá trị thiệt hại 1.399 triệu đồng; thị xã Ba Đồn 4 vụ với giá trị thiệt hại 36 triệu đồng; huyện Minh Hóa 1 vụ với giá trị thiệt hại 30 triệu đồng; huyện Tuyên Hóa 1 vụ với giá trị thiệt hại 500 triệu đồng; huyện Quảng Trạch 4 vụ với giá trị thiệt hại 500 triệu đồng; huyện Bố Trạch 11 vụ với giá trị thiệt hại 102.902 triệu đồng; huyện Quảng Ninh 1 vụ với diện tích rừng bị cháy là 10 ha; huyện Lệ Thủy 4 vụ với giá trị thiệt hại 300 triệu đồng./.


Website Cục thống kê Quảng Bình

    Tổng số lượt xem: 1200
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)