I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số phát triển sản xuất (PTSX) công nghiệp trên địa bàn thành phố tháng 8 năm 2018 ước tăng 0,79% so tháng trước và tăng 26,09% so với cùng kỳ. Cộng dồn 8 tháng năm 2018 chỉ số PTSX toàn ngành công nghiệp thành phố tăng 24,24% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: ngành chế biến, chế tạo tăng 27,06%, đóng góp 23,63 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 4,73%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 8,97%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải giảm 6,71%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm mức tăng chung.
Trong 51 nhóm ngành kinh tế cấp 4 có 29 ngành có chỉ số PTSX công nghiệp 8 tháng năm 2018 tăng so với cùng kỳ, trong đó: ngành sản xuất thiết bị truyền thông tiếp tục dẫn đầu, tăng 164,83%; ngành sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng tăng 92,67%; ngành may trang phục đứng thứ 3 với mức tăng 75,42%,...
Có 22 ngành có chỉ số PTSX công nghiệp giảm, trong đó ngành đóng tàu và cấu kiện nổi tiếp tục giảm sâu, giảm 51,78%; ngành sản xuất thức ăn gia súc giảm 27,81%; ngành sản xuất đồ chơi giảm 28,94%; ngành sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 14,99%;...
Tình hình sản xuất của một số doanh nghiệp là nhân tố chính có đóng góp lớn cho tăng trưởng toàn ngành công nghiệp Hải Phòng 8 tháng đầu năm 2018:
Ngành sản xuất thiết bị truyền thông, sản xuất điện tử dân dụng tiếp tục duy trì được tốc độ tăng cao (lần lượt tăng 164,83%; 61,43%) với ba dự án công nghệ cao: công ty TNHH LG Electronics, LG Innoteck và LG Display thuộc tập đoàn LG tại Hải Phòng với các sản phẩm màn hình điện thoại, tivi, modun camera điện thoại và máy giặt. Trong 8 tháng/2018 tập đoàn LG đã đóng góp cho công nghiệp thành phố 64,8 nghìn tỷ đồng doanh thu, thu hút và tạo việc làm cho trên 11 nghìn lao động.
Ngành sản xuất trang phục 8 tháng năm 2018 đạt mức tăng cao, với sự đóng góp chủ yếu của công ty TNHH may Regina Miracle tại khu công nghiệp Vsip Hải Phòng với 3 nhà máy đi vào sản xuất, dự kiến tháng 8 sản xuất và tiêu thụ tương đương tháng 7 và cao gấp đôi cùng kỳ; với đóng góp 40% trong doanh thu ngành may trang phục và nhu cầu lao động lên tới 26 nghìn người.
Các doanh nghiệp sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng dự kiến trong tháng 8/2018 tiếp tục sản xuất khối lượng lớn sản phẩm cọc bê tông và bê tông thương phẩm cung cấp cho các dự án đầu tư xây dựng đang triển khai trên địa bàn, trong đó công ty TNHH bê tông và xây dựng Minh Đức doanh thu 8 tháng/2018 dự kiến tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ do cung cấp khối lượng lớn sản phẩm cọc bê tông cho công trường xây dựng tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast.
Ngành sản xuất giày dép ước 8 tháng năm 2018 tăng 11,94% so cùng kỳ (8 tháng/2017 tăng 0,38% so cùng kỳ). Các doanh nghiệp sản xuất giày dép lớn trong 8 tháng/2018 đều đạt kết quả kinh doanh tốt do có sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc, thị trường này có xu hướng chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Chính sách giảm thuế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư nhiều máy móc hiện đại để tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, thu hút và đào tạo lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ở những ngành công nghiệp có tỷ trọng lớn sản xuất giảm ảnh hưởng đến tốc độ tăng toàn ngành công nghiệp Hải Phòng 8 tháng đầu năm 2018:
Ngành sản xuất xi măng 8 tháng/2018 ước giảm 9,02% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp sản xuất xi măng dự kiến tháng 8/2018 sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều giảm so với cùng kỳ do thời tiết tiếp tục mưa nhiều, nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm, nguồn cung trong nước dồi dào, cạnh tranh gay gắt, xuất khẩu chỉ đạt 50% kế hoạch đề ra.
Ngành sản xuất sắt thép ước 8 tháng/2018 giảm 0,88% so với cùng kỳ (8 tháng/2017 tăng 30% so cùng kỳ). Do các doanh nghiệp sản xuất sắt thép gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do chính sách hạn chế nhập phế liệu nên giá phôi biến động ở mức cao, khối lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp vẫn phải vận hành toàn bộ dây chuyền sản xuất để giữ khách hàng.
Ngành đóng tàu và cấu kiện nổi ước 8 tháng/2018 tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2017; do các doanh nghiệp ngành công nghiệp đóng tàu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khối lượng sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ do không ký được các hợp đồng đóng mới, chỉ tiếp tục đóng những sản phẩm dở dang từ năm trước chuyển sang và những tàu, xuồng loại nhỏ có giá trị thấp.
* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 8/2018 giảm 4,3% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, cộng dồn 8 tháng năm 2018 chỉ số tiêu thụ tăng 11,4% trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so cùng kỳ: sản xuất trang phục tăng 74,6%; sản xuất bánh bi, bánh răng, hộp số tăng 44,9%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng tăng 93%, sản xuất thuốc lá tăng 10,9%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tăng 10,4%...
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản giảm 26,4%; sản xuất thuốc hóa dược giảm 23,1%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 6,9%; sản xuất đồ điện dân dụng giảm 6,8%, sản xuất các sản phẩm từ plastic giảm 8,1%...
* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tại thời điểm 31/8/2018 tăng 7,8% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho ước tăng cao so cùng kỳ: may trang phục tăng 939,7%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 78,5%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 94,8%; sản xuất dây cáp điện tăng 105,6%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 268,7%…
Một số ngành có chỉ số tồn kho ước so với cùng kỳ giảm như: sản xuất săm lốp cao su giảm 53,5%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 33,9%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ giảm 15,1%, sản xuất thuốc lá giảm 68,6%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản giảm 2,8%.
* Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp ước tại thời điểm 31/8/2018 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 5,9%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 5,7%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,9%.
Chia theo ngành cấp I: ngành khai khoáng tăng 8,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng giảm 9,7%; ngành cung cấp nước, quản lý, xử lý nước rác thải, nước thải tăng 0,7%.
* Một số sản phẩm công nghiệp ước 8 tháng năm 2018 so với cùng kỳ: quần áo các loại đạt 90,4 triệu cái, tăng 44,7%; phân bón đạt 156,3 nghìn tấn, giảm 0,66%; màn hình khác đạt 5.662 nghìn cái, tăng 16,1%; máy giặt đạt 861 nghìn cái, tăng 3,5%; lốp xe ô tô đạt 1.885 nghìn cái, tăng 3,9%; sắt thép các loại đạt 963 nghìn tấn, tăng 0,2%; xi măng Portland đen 3.140 nghìn tấn, giảm 9%; điện sản xuất 4.526 triệu Kwh, tăng 3,3%...
2. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
2.1. Nông nghiệp
* Trồng trọt
Tính đến ngày 15 tháng 8 năm 2018, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa toàn thành phố ước đạt 40.665,7 ha, bằng 95,91%, giảm 1.735,1 ha so với vụ mùa năm trước.
- Cây lúa: lúa vụ mùa cơ bản đã gieo cấy xong, diện tích ước đạt 36.540 ha, bằng 98,28%, giảm 638 ha so với cùng kỳ năm trước. Toàn bộ diện tích lúa đã được bón thúc đợt một, các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại trên lúa.
- Cây hàng năm khác: diện tích cây rau màu các loại đạt 3.625,4 ha, bằng 85,75% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: rau muống ước đạt 765,4 ha, bằng 84,07%, cây cải xanh các loại ước đạt 927,6 ha, bằng 86,54%; cây ớt ước đạt 245 ha, bằng 80,43%; cây ngô ước đạt 182 ha, bằng 80,14% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm 2018 mặc dù thời tiết thời điểm gieo trồng có nhiều đợt mưa lớn và kéo dài đã gây ngập úng cho 8.350 ha mạ, lúa và rau màu, nhưng bà con nông dân đã khắc phục kịp thời diện tích cây bị úng ngập, đến thời điểm hiện nay không có diện tích cây trồng bị thiệt hại do mưa lớn gây ra.
* Chăn nuôi
Ước tính tháng 8 năm 2018, số lượng đầu con gia súc, gia cầm hiện có như sau: đàn trâu đạt 5.334 con, bằng 99,44%, giảm 30 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò đạt 13.251 con, bằng 99,3%, giảm 93 con so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn đạt 416.890 con, bằng 100,18%, tăng 757 con so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm đạt 7.693,1 nghìn con, bằng 100,15%, tăng 11,5 nghìn con, trong đó: đàn gà đạt 6.112,4 nghìn con, bằng 100,43% so với cùng kỳ năm trước.
Giá con giống lợn và gia cầm vẫn giữ mức ổn định so với tháng trước; giá sản phẩm chăn nuôi đầu ra đang duy trì ở mức ổn định, đặc biệt là giá thịt lợn hơi tiếp tục tăng, dao động từ 50.000 đ/kg đến 52.000 đ/kg (lợn siêu nạc), giúp người chăn nuôi có lãi, yên tâm đầu tư sản xuất.
Tình hình dịch bệnh:
Đối với đàn gia súc: Tình hình đàn gia súc phát triển ổn định, không phát hiện gia súc ốm, chết, phải tiêu hủy do mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đối với đàn gia cầm: Do điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài nhiều ngày trong thời gian gần đây, đã tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh, virus phát triển, bùng phát và lây lan. Từ ngày 15/7 đến 31/7/2018, phát hiện 3 ổ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6 trên đàn gia cầm tại thôn Đông Hải, xã An Hưng và thôn Phạm Dùng, xã An Hồng, huyện An Dương, tổng số gia cầm chết và bắt buộc tiêu hủy là 11.037 con. Để chủ động khống chế, ngăn chặn dịch cúm gia cầm A/H5N6 lây lan trên địa bàn thành phố, các cấp, ngành đã tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch, đến thời diểm hiện tại tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế và không phát sinh thêm ổ dịch mới.
2.2. Lâm nghiệp
Ước tính tháng 8 năm 2018, sản lượng gỗ khai thác đạt 192 m3, bằng 97% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 5.420 Ste, bằng 91,86% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng trồng mới đạt 13 ha, bằng 71,4% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu là rừng phòng hộ ven biển); số cây lâm nghiệp trồng phân tán 26 nghìn cây, bằng 101,96% so với cùng kỳ năm trước.
Ước 8 tháng/2018, sản lượng gỗ khai thác đạt 2.355 m3, bằng 98% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 40.425 Ste, bằng 97,88% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng trồng mới đạt 56,5 ha, bằng 132% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 192,5 nghìn cây, bằng 99,74% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được bảo vệ là 15.439,4 ha (trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ là 8.181 ha).
Trong tháng 8/2018 toàn thành phố không xảy ra vụ cháy và chặt phá rừng trái phép nào.
2.3. Thủy sản
Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 8/2018 ước đạt 10.797,3 tấn, giảm 218,7 tấn (-1,99%) so với cùng kỳ năm trước; ước 8 tháng/2018 đạt 103.745,7 tấn, tăng 10.540,6 tấn (+11,31%) so với cùng kỳ năm trước.
* Nuôi trồng
Diện tích nuôi trồng thủy sản 8 tháng/2018 ước đạt 12.803,6 ha, bằng 103,11% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 7.949,3 ha, bằng 96,64%; tôm các loại đạt 3.396,6 ha, bằng 97,64%, thủy sản khác đạt 1.457,7 ha, bằng 204,22%.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 8/2018 ước đạt 3.737,8 tấn, bằng 95,09% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 2.210,8 tấn, bằng 94,84%; tôm các loại đạt 229,5 tấn, bằng 78,22%; thủy sản khác đạt 1.297,5 tấn, bằng 99,32%. Tính chung 8 tháng/2018, sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch ước đạt 42.668,6 tấn, bằng 100,29% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 26.609,6 tấn, bằng 104,11%; tôm các loại đạt 4.156,8 tấn bằng 120,77%, thủy sản khác đạt 11.902,2 tấn, bằng 87,87%.
Khu vực nuôi tiếp tục thu hoạch sản phẩm, cải tạo ao đầm cho vụ nuôi mới phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Các cơ sở sản xuất giống tiếp tục sinh sản đối tượng tôm sú, cua biển, tôm rảo, nhuyễn thể... phục vụ nhu cầu thả nuôi của người dân thành phố và dịch vụ cho các tỉnh, thành lân cận; sản lượng 8 tháng/2018 ước đạt 1.408,3 triệu con giống, bằng 75,62% so với cùng kỳ năm trước.
* Khai thác:
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 8/2018 ước đạt 7.059,5 tấn, bằng 99,64% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 4.697,6 tấn, bằng 102,73%; tôm các loại đạt 554,7 tấn, bằng 96,06%; thủy sản khác đạt 1.807,2 tấn, bằng 93,4%. Ước 8 tháng/2018 sản lượng thủy sản khai thác đạt 61.077,1 tấn, bằng 120,56% so cùng kỳ năm trước, chia ra: cá khai thác đạt 34.731,4 tấn, bằng 125,78%; tôm các loại 5.107,5 nghìn tấn, bằng 123,66%; thủy sản khác 21.238,2 tấn, bằng 112,28%.
Khai thác thủy sản đang bước vào thời kỳ mưa bão, thời tiết trên biển có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng của ngành thủy sản, các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, khuyến cáo ngư dân thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, dự báo ngư trường nguồn lợi để có kế hoạch sản xuất an toàn và đạt hiệu quả.
3. Đầu tư xây dựng
Dự tính vốn đầu tư thực hiện 8 tháng/2018 đạt 5.286,5 tỷ đồng, tăng 65,81% so cùng kỳ. Chia ra:
- Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước 4.729,7 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ 85,18%;
- Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước 411 tỷ đồng, giảm so cùng kỳ 14,15%;
- Vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước 145,8 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 6,2%.
Sau 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân về kế hoạch đầu tư công, thành phố tiếp tục quan tâm và ưu tiên cho các dự án cấp bách, quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo, nâng cao vị thế của thành phố, trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố 8 tháng/2018 tăng 85,18%, cao hơn so với tốc độ tăng của 8 tháng cùng kỳ năm 2017 (8 tháng/2017 tăng 40,91%), nguồn vốn này tập trung đầu tư vào các dự án chuyển tiếp như: dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm; dự án đầu tư chỉnh trang lại sông Tam Bạc; Dự án Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng; dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn giai đoạn I; dự án xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2…
Đóng góp lớn vào vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách do địa phương quản lý là nguồn cân đối ngân sách thành phố, ước 8 tháng/2018 đạt 3.766,2 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ. Trong khi nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu vẫn giảm mạnh (8 tháng/2018 giảm 34,77% so với cùng kỳ). Đó là sự nỗ lực rất lớn trong cân đối thu chi, tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình dự án trọng điểm của thành phố.
Thực hiện nguồn vốn nước ngoài (ODA) dự kiến 8 tháng/2018 tăng 30,29% so với cùng kỳ. Năm 2018, nguồn vốn này bố trí cho 7 dự án: dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng; dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn; dự án Quản lý đất đai; dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện phụ sản Hải Phòng; và các dự án trong chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng nhanh. Các dự án tuy còn nhiều khó khăn về vốn nhưng chủ đầu tư vẫn cố gắng thực hiện một số gói thầu kịp tiến độ.
Tình hình thực hiện một số dự án lớn đến thời điểm hiện nay:
- Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm với tổng mức đầu tư là 9.899 tỷ đồng. Dự án công trình cầu Hoàng Văn Thụ là một hợp phần quan trọng trong dự án được khởi công vào ngày 06/01/2017 với tổng đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Sau 19 tháng thi công cầu Hoàng Văn Thụ đã dần hoàn thiện và đang chuẩn bị những khâu cuối cùng, đã tiến hành hợp long các vòm chính của cầu trong tháng 8/2018. Mặc dù thời tiết trong những tháng này không được thuận lợi do mưa bão nhiều nhưng phía nhà thầu vẫn tích cực triển khai các hạng mục. Khối lượng thực hiện các gói thầu xây lắp công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc sông Cấm khá chậm do vướng mắc vấn đề mặt bằng thi công phía bờ huyện Thủy Nguyên (còn 66 hộ dân chưa đồng ý giao mặt bằng cho nhà thầu để thi công, một số trường hợp chống đối, cản trở) làm quá trình thi công bị chậm lại.
- Dự án đầu tư chỉnh trang lại sông Tam Bạc (đoạn từ cầu Lạc Long đến công viên Tam Bạc) với tổng mức đầu tư 1.454 tỷ đồng sau gần 3 tháng thi công đẩy nhanh tiến độ với các hạng mục chính là cải tạo, nạo vét lòng sông, kéo dài và mở rộng hai tuyến đường bên bờ sông Tam Bạc. Dưới sự chỉ đạo của UBND quận Hồng Bàng, chủ đầu tư của dự án và phía các nhà thầu, tiến độ của dự án được thực hiện khá tốt, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm mới 2019.
- Một số dự án khác như: Dự án xây dựng tuyến đường Lạng Am đến cầu Nhân Mục, huyện Vĩnh Bảo với tổng mức đầu tư 995 tỷ đồng đang được các bên liên quan gấp rút chuẩn bị triển khai thi công; dự án xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 37 đi vào khu di tích quốc gia đặc biệt danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với tổng mức đầu tư hơn 363 tỷ đồng đang được triển khai thực hiện với tiến độ tốt; dự án tuyến đường Đông Khê 2 – giai đoạn 1, quận Ngô Quyền, đoạn từ ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm – Văn Cao đến đường Lê Lợi và các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; nâng cấp cải tạo đường Ngô Gia Tự, đường Ngô Quyền đang được triển khai thực hiện.
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 15/8/2018 Hải Phòng có 569 dự án còn hiệu lực:
Tổng vốn đầu tư : 15.717 triệu USD
Vốn điều lệ : 5.322 triệu USD
Vốn Việt Nam góp : 237 triệu USD
Nước ngoài góp : 5.085 triệu USD
Từ đầu năm đến 15/8/2018, toàn thành phố có 59 dự án cấp mới với số vốn đầu tư đạt 393,89 triệu USD và 28 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 985,15 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Từ nửa cuối tháng 7 đến 15/8/2018 có 17 dự án cấp mới, đáng kể nhất là Dự án nhà máy sản xuất Seiyo của nhà đầu tư Seychelles với tổng vốn đăng ký đạt 19 triệu USD và 2 dự án là dự án nhà máy sản xuất khí công nghiệp (Công ty TNHH hóa chất Sanfu) của nhà đầu tư Đài Loan, dự án sản xuất chế tạo bộ phận linh kiện hệ thống an toàn thụ động ô tô HMT Hải Phòng của nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn đăng ký đều đạt 10 triệu USD.
Từ đầu năm đến 15/8/2018, có 3 dự án thu hồi do không triển khai, 7 dự án chấm dứt hoạt động theo quyết định của nhà đầu tư, 1 dự án chuyển thành 100% vốn trong nước trong đó có 2 dự án trong khu công nghiệp và 9 dự án ngoài khu công nghiệp.
Ước thực hiện vốn đầu tư đạt 41,5%.
4. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 năm 2018 ước đạt 10.095,12 tỷ đồng, giảm 0,63% so với tháng trước và tăng 15,66% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 77.095,28 tỷ đồng, tăng 14,97% so với cùng kỳ năm trước.
* Chia theo khu vực kinh tế
- Khu vực kinh tế nhà nước đạt 285,34 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước, tăng 18,02% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2018, khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 2.164,65 tỷ đồng, tăng 13,25% so với cùng kỳ năm trước;
- Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 9.321,42 tỷ đồng, giảm 0,68% so với tháng trước và tăng 15,57% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2018, khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 71.197,26 tỷ đồng, tăng 15,25% so với cùng kỳ năm trước;
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 488,36 tỷ đồng, giảm 0,49% so với tháng trước, tăng 16,17% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2018, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3.733,37 tỷ đồng, tăng 10,89% so với cùng kỳ năm trước.
* Chia theo ngành hoạt động
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 năm 2018 ước đạt 7.412,16 tỷ đồng, giảm 0,48% so với tháng trước, tăng 14,05% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2018, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 58.505,03 tỷ đồng, tăng 13,76% so với cùng kỳ năm trước;
Tháng 8/2018 trùng với tháng 7 âm lịch, theo quan niệm của người dân Việt Nam là tháng cô hồn với nhiều điều cấm kị nên nhu cầu mua sắm giảm, nhiều ngành hàng ước tính doanh thu tháng 8 thấp hơn so với tháng trước như hàng may mặc giảm 2,61%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 0,5%; ô tô các loại giảm 1,16%; phương tiện đi lại giảm 0,65%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 2,22%; hàng hóa khác giảm 2,74%...
Một số ngành hàng ước tính doanh thu tháng 8/2018 tăng: hàng lương thực, thực phẩm, tăng 0,86% do trong tháng thời tiết mưa bão nhiều nên giá cả các mặt hàng này tăng cao, bên cạnh đó trong tháng có ngày lễ Vu lan (ngày 15/7 âm lịch) nên nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm tăng so với tháng trước; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 2,16% do nhu cầu mua sắm về sách vở, đồ dùng học tập để chuẩn bị cho năm học mới; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; xăng dầu các loại tăng 0,28%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 0,72% do vào đầu tháng 8 giá dầu và giá gas đều được điều chỉnh tăng…
Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,76% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu tăng ở các nhóm ngành: lương thực, thực phẩm tăng 15,92%; may mặc tăng 19,72%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,69%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,25%; xăng dầu tăng 17,42%...
- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 8 năm 2018 ước đạt 155 tỷ đồng, giảm 6,34% so với tháng trước và tăng 19,34% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2018 doanh thu lưu trú đạt 1.048 tỷ đồng, tăng 20,32% so với cùng kỳ năm 2017.
- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 8 năm 2018 ước đạt 1.558 tỷ đồng, giảm 0,51% so với tháng trước và tăng 29,72% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2018 doanh thu ăn uống đạt 10.605 tỷ đồng, tăng 22,52% so với cùng kỳ năm 2017.
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 8 năm 2018 ước đạt 17,7 tỷ đồng, giảm 16,26% so với tháng trước, tăng 1,58% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2018 doanh thu du lịch lữ hành đạt 134,6 tỷ đồng tăng 21,57% so với cùng kỳ năm 2017.
- Doanh thu dịch vụ khác tháng 8 năm 2018 ước đạt 952,2 tỷ đồng, giảm 0,64% so với tháng trước, tăng 8,15% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2018, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 6.803 tỷ đồng, tăng 13,59% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu các ngành dịch vụ khác tháng 8/2018 hầu hết đều tăng so với tháng trước ở các nhóm: dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 1,79%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 7,14%; dịch vụ nghệ thuật và vui chơi giải trí tăng 3,2%; dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 4,55%. Riêng nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 6,78% do tháng 8/2018 cũng là tháng 7 âm lịch, phần lớn người dân kiêng kị không muốn mua bán các tài sản có giá trị cao.
5. Hoạt động lưu trú và lữ hành
Tổng lượt khách tháng 8/2018 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 755,1 ngàn lượt, giảm 6,05% so với tháng trước và tăng 15,39% so với cùng tháng năm 2017; trong đó: khách quốc tế đạt 77,4 ngàn lượt, giảm 10,43% so với tháng trước và tăng 1,11% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2018, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 5.200,5 ngàn lượt, tăng 19,13% so với năm 2017.
Đối với hoạt động lữ hành, lượt khách lữ hành tháng 8 năm 2018 giảm 16,33% so với tháng trước, giảm 10,22% so với cùng tháng năm 2017. Cộng dồn 8 tháng/2018, lượt khách lữ hành tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 8/2018 thời tiết mưa nhiều đồng thời là thời điểm chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu tham quan, du lịch của các hộ gia đình cũng như khách du lịch đến thành phố giảm so với tháng trước.
6. Vận tải hàng hóa và hành khách
6.1. Vận tải hàng hoá
Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 8 năm 2018 ước đạt 14,5 triệu tấn, tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 15,95% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 8 tháng/2018 khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 114,6 triệu tấn, tăng 15,11% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 8 năm 2018 ước đạt 8.184,9 triệu tấn.km, tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 16,10% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 8 tháng/2018 khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 63.272,5 triệu tấn.km, tăng 15,76% so với cùng kỳ.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển, luân chuyển tháng 8/2018 tăng do cả 3 tuyến đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, các doanh nghiệp vận tải tiếp tục nhận được nhiều đơn hàng vận chuyển hơn tháng trước.
6.2. Vận tải hành khách
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 8 năm 2018 ước đạt 5,4 triệu lượt, tăng 2,0% so với tháng trước, tăng 16,87% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 8 tháng/ 2018 khối lượng hành khách vận chuyển đạt 40,4 triệu lượt, tăng 14,36% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 8 năm 2018 đạt 213,5 triệu Hk.km, tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 19,01% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 8 tháng/2018 khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 1.617,8 triệu Hk.km, tăng 15,87% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển tháng 8/2018 tiếp tục tăng so với tháng trước do đang là cuối đợt cao điểm của mùa du lịch biển ở Cát Bà, Đồ Sơn nên nhu cầu đi lại bằng xe khách, taxi, tàu thủy tuyến Hải Phòng – Cát Bà,... tăng cao.
6.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải phát triển ổn định, tháng 8 năm 2018 ước đạt 2.158,2 tỷ đồng, tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 13,26% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 8 tháng/2018 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 16.973,9 tỷ đồng, tăng 15,29% so với cùng kỳ năm trước.
6.4. Sân bay Cát Bi
Tháng 8 năm 2018 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 24 tỷ đồng, tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 66,89% so với cùng tháng năm 2017; 8 tháng/2018 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 159 tỷ đồng, tăng 18,03% so với cùng kỳ năm trước.
Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 8 năm 2018 ước đạt 1.300 chuyến, tăng 4,5% so với tháng trước, tăng 26,71% so với cùng tháng năm 2017. Ước tính 8 tháng/2018 số lần máy bay hạ, cất cánh đạt 9.756 chuyến, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: chuyến bay ngoài nước tháng 8/2018 ước đạt 95 chuyến, giảm 1,04% so với cùng kỳ, 8 tháng/2018 ước đạt 714 lượt, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng số hành khách tháng 8 năm 2018 ước đạt 230 ngàn lượt người, tăng 4,85% so với tháng trước, tăng 43,74% so với cùng tháng năm 2017. Ước tính 8 tháng/2018 tổng số hành khách đạt 1.625,9 ngàn lượt, tăng 14,13% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số hàng hóa tháng 8 năm 2018 ước đạt 1.450 tấn, tăng 9,27% so với tháng trước, tăng 50,10% so với cùng tháng năm 2017. Ước tính 8 tháng/2018 tổng số hàng hóa thông qua đạt 10.448 tấn, tăng 58,04% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: lượng hàng hóa đi tăng 162,94%, hàng hóa đến tăng 12,11% so với cùng kỳ năm trước.
7. Hàng hoá thông qua cảng
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 8 năm 2018 ước đạt 9,306 triệu TTQ, tăng 3,09% so với tháng trước và tăng 23,93% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể:
- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước đạt 3,199 triệu TTQ, tăng 4,95% so với tháng trước, tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 3,191 triệu TTQ, tăng 4,92% so với tháng trước, tăng 1,90% so với cùng kỳ năm trước.
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước địa phương ước đạt 9 nghìn TTQ, tăng 16,70% so với tháng trước, giảm 26,16% so với cùng kỳ năm trước.
- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 6,106 triệu TTQ, tăng 2,14% so với tháng trước, tăng 39,86% so với cùng kỳ năm trước.
Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua trên địa bàn thành phố đạt 69,303 triệu tấn, tăng 18,73% so với cùng kỳ năm 2017.
* Doanh thu cảng biển tháng 8 năm 2018 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 485,7 tỷ đồng, tăng 8,02% so với tháng trước, tăng 25,71% so với cùng kỳ. Cộng dồn 8 tháng/2018 doanh thu cảng biển ước đạt 3.319 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 7, tháng 8 thời tiết mưa nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ làm hàng ở các cảng, một số cảng sản lượng đặt ra không đạt kế hoạch.
8. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 8 năm 2018 tăng 0,34% so với tháng trước, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,64% so với tháng 12/2017. CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2018 tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm chỉ số giá tháng 8/2018 tăng so với tháng trước với mức tăng như sau: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,97%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,58%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,35%; nhóm giáo dục tăng 0,01%. Có 5 nhóm hàng giảm là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,09%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,12%; nhóm giao thông giảm 0,95%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,27%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%. Nhóm bưu chính viễn thông ổn định.
Nguyên nhân chính làm CPI tháng 8/2018 tăng là chỉ số giá thực phẩm tăng 1,43% làm cho CPI chung tăng 0,33%; chỉ số giá lương thực tăng 0,77% làm cho CPI chung tăng 0,03%; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,93% làm CPI chung tăng 0,04%; chỉ số giá gas tăng 2,93% làm cho CPI chung tăng 0,03%;...
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 8/2018 tăng 0,77%, nhóm thực phẩm tăng 1,43% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này tăng cao vào dịp rằm tháng 7 âm lịch đồng thời do thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng các loại rau nên giá rau tăng cao.
Chỉ số nhóm nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng tháng 8/2018 tăng 0,58%, tác động chính bởi chỉ số giá gas tăng do ảnh hưởng bởi giá gas thế giới tăng. Giá gas tháng 8 tăng 11.000 đồng/bình 12kg, tương đương với mức tăng 917 đồng/kg.
Chỉ số nhóm thiết bị và gia đình giảm 0,12% do tháng 8/2018 trùng với thời điểm tháng 7 âm lịch theo quan niệm dân gian kiêng khai trương và hạn chế mua sắm đồ dùng mới.
* Chỉ số giá vàng 99,99% và Đô la Mỹ:
- Chỉ số giá vàng tháng 8/2018 giảm 1,53% so với tháng trước, tăng 0,63% so với cùng tháng năm 2017, giảm 0,98% so với tháng 12 năm trước. Giá vàng bình quân tháng 8/2018 dao động ở mức 3,532 triệu đồng/chỉ, giảm 55.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2018 tăng 1,16% so với tháng trước, tăng 2,42% so với cùng tháng năm 2017, tăng 2,48% so với tháng 12 năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 8/2018 dao động ở mức 23.314 đồng/USD, tăng 266 đồng/USD.
9. Hoạt động tài chính, ngân hàng
9.1. Tài chính
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 8/2018 ước đạt 6.026 tỷ đồng, ước 8 tháng/2018 đạt 44.482,5 tỷ đồng, bằng 97,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa tháng 8 ước đạt 1.941 tỷ đồng, ước 8 tháng/2018 đạt 14.925,5 tỷ đồng, tăng 16,8% so cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8/2018 ước đạt 3.800 tỷ đồng, ước 8 tháng/2018 đạt 27.319 tỷ đồng, bằng 87,9% so cùng kỳ.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 239,9 tỷ đồng, ước 8 tháng/2018 đạt 1.954,3 tỷ đồng, tăng 2,6% so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 265,7 tỷ đồng, ước 8 tháng/2018 đạt 2.260,2 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 321,3 tỷ đồng, ước 8 tháng/2018 đạt 2.713,6 tỷ đồng, tăng 21,9% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 8/2018 ước đạt 2.084,3 tỷ đồng, ước 8 tháng/2018 đạt 13.078,4 tỷ đồng, bằng 91,6% so với cùng kỳ, trong đó: Chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 1.303,3 tỷ đồng, ước 8 tháng/2018 đạt 6.604,8 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 734,6 tỷ đồng, ước 8 tháng/2018 đạt 5.671,3 tỷ đồng, bằng 95,4% so cùng kỳ.
9.2. Ngân hàng
* Công tác huy động vốn:
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến hết tháng 8 năm 2018 đạt 179.288 tỷ đồng, tăng 11,99% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 169.498 tỷ đồng, tăng 12,65% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 94,54%; ngoại tệ ước đạt 9.790 tỷ đồng, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 5,46%.
Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 124.848 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 69,64%; tiền gửi thanh toán ước đạt 50.190 tỷ đồng, tăng 14,31% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 28%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 4.250 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,36%.
* Công tác tín dụng:
Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước thực hiện đến hết tháng 8 năm 2018 đạt 108.586 tỷ đồng, tăng 16,89% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND đạt 100.736 tỷ đồng, tăng 17,71% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 92,77%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 7.850 tỷ đồng, tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 7,23%.
Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 48.927 tỷ đồng, tăng 21,36% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 45,06%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 59.659 tỷ đồng, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 54,94%.
10. Xuất nhập khẩu hàng hóa
10.1. Xuất khẩu hàng hoá
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 năm 2018 ước đạt 709,4 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng trước; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 217 triệu USD, tăng 0,33%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 492,4 triệu USD, tăng 0,72%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 năm 2018 tăng 27,54%, trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 18,57%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,95%.
Tính chung 8 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5.321,5 triệu USD, tăng 25,69% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 1.417,1 triệu USD, tăng 23,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.904,4 triệu USD, tăng 26,45%.
Một số mặt hàng xuất khẩu trong 8 tháng năm 2018 có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản phẩm Plastic đạt 284,5 triệu USD, tăng 25,15%; hàng dệt may đạt 341,7 triệu USD, tăng 43,82%; giày dép đạt 1.069,5 triệu USD, tăng 19,63%; hàng điện tử đạt 274,8 triệu USD, tăng 38,4%; dây điện và cáp điện đạt 408,9 triệu USD, tăng 20,21%...
10.2. Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 686.9 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng trước; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 192,2 triệu USD, tăng 1,08%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 494,7 triệu USD, tăng 1,38%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8 năm 2018 tăng 21,55%; trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 14,11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 24,71%.
Tính chung 8 tháng năm 2018, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5.104,4 triệu USD, tăng 19,62% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 1.351 triệu USD, tăng 15,99%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.753,4 triệu USD, tăng 20,99%.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trong 8 tháng năm 2018 tăng cao hơn so với cùng kỳ: hóa chất đạt 63,5 triệu USD, tăng 21,24%; phụ liệu hàng may mặc đạt 166,8 triệu USD, tăng 21,96%; phụ liệu giày dép đạt 697 triệu USD, tăng 20,16%; vải may mặc đạt 107 triệu USD, tăng 33,93%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 673 triệu USD, tăng 19,36%...
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Lao động - thương binh, xã hội
* Công tác lao động, việc làm
Tháng 8 năm 2018 sàn giao dịch việc làm thành phố đã tổ chức 02 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia tuyển dụng của 112 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 8.992 lượt lao động; ước cấp mới 25 giấy phép lao động, cấp lại 30 giấy phép lao động và miễn cấp 08 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể được 17 doanh nghiệp.
Cộng dồn 8 tháng năm 2018 đã tổ chức được 21 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 785 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng 52.359 lượt lao động. Cung lao động tại Sàn đạt 57.209 lượt người, gấp trên 1,09 lần nhu cầu tuyển dụng. Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong 8 tháng là 11.543 người (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017), giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 8.896 người (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017), với kinh phí hơn 108 tỷ đồng (giảm 1%); hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể được 92 doanh nghiệp (bằng 102% so với cùng kỳ năm 2017).
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 05 cuộc đình công với 3.877 lao động tham gia (giảm 02 cuộc và tăng 1.967 lao động so với cùng kỳ năm 2017); xảy ra 09 vụ tai nạn làm chết 09 người (giảm 01 vụ và 01 người chết so với cùng kỳ năm 2017).
* Công tác người có công
Tháng 8 năm 2018, giải quyết chế độ chính sách đối với với 690 trường hợp, tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 39 trường hợp. Đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho 06 trường hợp.
Trong 8 tháng năm 2018 đã giải quyết chế độ chính sách cho 7.945 trường hợp; quyết định trợ cấp 1 lần đối với 335 người có công và thân nhân; duyệt tổng hợp danh sách ưu đãi giáo dục đào tạo đối với người có công và con của họ cho 539 người; tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 832 trường hợp; công nhận, đề nghị công nhận 289 người có công.
* Công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội
Tháng 8 năm 2018, tiếp nhận 02 đối tượng vào các Trung tâm bảo trợ xã hội, tập trung được 43 lượt người lang thang. Hướng dẫn triển khai nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững năm 2018. Tính chung 8 tháng năm 2018 đã tiếp nhận thêm 39 đối tượng vào điều trị, chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; nâng tổng số lượng đạt 707 người, bằng 106,9% cùng kỳ năm 2017. Tập trung 541 lượt người lang thang, giảm 163 lượt người (giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước 661 lượt người). Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng và các chế độ hỗ trợ kinh phí đối với 72.154 người (tăng 3.118 đối tượng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2017).
* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháng 8/2018 tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy cho 1.584 lượt người, ước 8 tháng đạt 2.326 người, bằng 91,07% so với cùng kỳ năm trước, bằng 87,77% so với kế hoạch năm 2018. Trong 8 tháng, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được 252 người, bằng 103,7% cùng kỳ năm trước; phối hợp với Công an tiến hành 54 đợt xét nghiệm tìm chất ma túy cho 330 đối tượng bị bắt giữ theo đó phát hiện 211 trường hợp dương tính với ma túy; kiểm tra 250 buổi tại 980 cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, karaoke...
2. Giáo dục - Đào tạo
Các trường học tổ chức cho học sinh tựu trường vào ngày 06/8/2018, triển khai thực hiện kế hoạch học kỳ 1 năm học 2018 - 2019; chuẩn bị tổ chức Lễ biểu dương các em học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu năm 2018 tại khu di tích Trạng Trình - Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo; đào tạo bồi dưỡng 9 chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin cho hơn 1.000 cán bộ, giáo viên các bậc học, ngành học trong toàn thành phố tại Trung tâm tin học - Sở Giáo dục và Đào tạo.
3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm
Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố chủ động, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị đủ thuốc, hoá chất và phương tiện phòng chống dịch. Trung tâm y tế dự phòng giám sát 60 lượt tại các bệnh viện tuyến thành phố và tổ chức kiểm tra công tác chủ động phòng chống dịch, xử lý ổ dịch chân tay miệng tại các quận, huyện. Tính đến ngày 31/7/2018 toàn thành phố ghi nhận: 08 ca sốt xuất huyết, 229 ca tay chân miệng, 27 ca bệnh quai bị, 300 ca tiêu chảy.
4. Văn hóa - Thể thao
Tháng 8 năm 2018 triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Triển lãm lưu động chủ đề 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc; Triển lãm chuyên đề kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng sông Hồng lần thứ 23... Triển khai kế hoạch rà soát, đánh giá việc thi hành pháp luật trong một số hoạt động văn hoá trên địa bàn thành phố.
Công tác thể thao: tổ chức chấm thi cho một số môn thi quần chúng như võ thể dục thiếu niên nhi đồng, thể dục nhịp điệu hè 2018… Đoàn Hải Phòng tham dự thi đấu giải cầu lông, bóng bàn gia đình gia đình tại tỉnh Tây Ninh đã đạt 02 huy chương đồng, tham gia giải võ cổ truyền học sinh phổ thông toàn quốc lần thứ nhất đạt 01 huy chương bạc. Tính đến thời điểm báo cáo thể thao thành tích cao Hải Phòng đã tham gia 70 giải quốc gia và đạt được 336 huy chương các loại.
5. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Từ ngày 16/7/2018 đến ngày 15/8/2018 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 09 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 07 người và bị thương 02 người. So với cùng kỳ năm 2017 số vụ tai nạn giao thông tháng 8/2018 tăng 05 vụ, số người chết tăng 04 người và số người bị thương không tăng giảm.
Cộng dồn 8 tháng năm 2018 toàn thành đã xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông, trong đó: đường bộ 66 vụ, đường thủy 01 vụ, làm 55 người chết, 29 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa chấp hành đúng luật hoặc không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn cá nhân khi tham gia giao thông, nhìn chung không có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giao thông tăng 01 vụ (tăng 1,52%), số người chết giảm 12 người (giảm 17,91%), số bị thương không thay đổi.
6. Công tác phòng chống cháy, nổ
Trong tháng 8 năm 2018 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 11 vụ cháy, trong đó 08 vụ cháy nhà dân. Các vụ cháy không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 1.326 triệu đồng. Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố đã xảy ra 80 vụ cháy, 02 vụ nổ, tăng 27 vụ so với cùng kỳ năm 2017 (tăng 49,09%), làm 04 người chết và 06 người bị thương (tăng 03 người chết, số người bị thương bằng cùng kỳ), giá trị thiệt hại ước tính 12.126,8 triệu đồng. Chủ yếu các vụ cháy xảy ra ở hộ dân cư, nguyên nhân do sự bất cẩn của người dân./.
Cục Thống kê thành phố Hải Phòng