Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/10/2012-10:11:00 AM
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012
Ngày 28/10, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn của Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, để ngay sau khi cân đối được nguồn sẽ điều chỉnh tăng lương.

Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại họp báo

Trả lời câu hỏi về việc Bộ Tài chính vừa qua có báo cáo Quốc hội do khó khăn về cân đối nguồn nên xin lùi thời hạn tăng lương theo lộ trình (đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách – PV), Người Phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, đây là mối quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người làm công ăn lương.
Chính phủ rất chia sẻ hiện nay một bộ phận lớn dân cư làm công ăn lương. Trong số đó đa phần thu nhập còn rất hạn hẹp, đời sống khó khăn. Cho nên, từ mấy năm nay, thực hiện chủ trương chung, Chính phủ đề ra lộ trình điều chỉnh tăng lương.
Nhưng thu ngân sách năm nay và đầu sang năm khó khăn, chúng ta đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như là miễn, giảm, giãn nợ thuế… nên chưa đủ nguồn để thực hiện như dự kiến ban đầu. Chính phủ dự kiến trình, xin lùi thời hạn, nhưng một mặt cố gắng tăng thu, nhưng cốt lõi hơn là tiết kiệm chi, ngoài tiết kiệm chi thường xuyên 10% mà chúng ta đã làm, phải siết lại các khoản chi sao cho tiết kiệm nhất để ngay khi có thể cân đối đủ nguồn, thì sẽ báo cáo Quốc hội thực hiện điều chỉnh tăng lương.
Tìm mọi cách giúp người dân có nhà ở
Trước câu hỏi của báo chí về việc thời gian qua, một số doanh nghiệp hạ giá bán bất động sản xuống mức thấp là “bán phá giá”, Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, việc nhận định “bán phá giá” hay không phải theo quy định của pháp luật. Nhưng, việc hạ giá bán nhà ở là chủ trương nhất quán của Chính phủ để người có thu nhập thấp có thể mua được nhà.
Hiện nay, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn với nhiều sản phẩm bất động sản không tiêu thụ được và là một lượng hàng tồn kho “đáng lưu tâm”, đòi hỏi các biện pháp tháo gỡ. Trong đó, việc hạ giá, đưa giá bán bất động sản phù hợp hơn, để nhiều người dân có điều kiện mua nhà ở là giải pháp “một công đôi việc”.
Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… triển khai mọi giải pháp để người có thu nhập thấp mua được nhà ở.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng Người phát ngôn của Chính phủ cũng cho rằng, các doanh nghiệp phải cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau chia sẻ.
Cũng tại cuộc họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, cuối năm là thời điểm giá cả thường leo thang, việc kiềm chế lạm phát phải đi đôi với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo ổn định sản xuất, hàng hóa. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý giá, kiên quyết không để lạm phát tăng cao trở lại.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, điều kiện thu ngân sách khó khăn nhưng Chính phủ vẫn kiên định ưu tiên chi cho an sinh xã hội, đảm bảo nhu cầu bức thiết của nhân dân, nhất là ở những vùng miền núi, vùng chịu thiệt hại do thiên tai và các vấn đề đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Từng thành viên Chính phủ đã nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình và tập trung thực hiện đảm bảo kết quả cao nhất các nhiệm vụ đã đề ra, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết.
Nghị định mới quản lý chặt các tập đoàn
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chủ trương tạm dừng thí điểm các tập đoàn kinh tế nhà nước, Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết khi xây dựng Luật Doanh nghiệp mới, chúng ta tính đến chuyện để các doanh nghiệp mở rộng quy mô, từ đó hình thành khái niệm tập đoàn. Do luật pháp chưa quy định cụ thể, nên Đảng và Nhà nước cho phép thí điểm các tập đoàn.
Hiện chúng ta có 11 tập đoàn kinh tế và 10 tổng công ty. Vừa qua, sau khi tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm, Chính phủ đã quyết định kết thúc thí điểm 2 tập đoàn xây dựng, được hình thành trên cơ sở sáp nhập các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012, Chính phủ đã thảo luận một Nghị định mới về việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty. Nghị định quy định danh mục các tập đoàn mà Thủ tướng Chính phủ có một số trách nhiệm, quyền hạn trực tiếp. Với số còn lại, về cơ bản trách nhiệm, quyền hạn đó sẽ được giao cho các Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ quản lý tổng hợp UBND tỉnh, thành phố.

Các thành viên Chính phủ đã thảo luận kỹ, các bộ, ngành đã trình ý kiến về các tập đoàn mà Thủ tướng Chính phủ có một số quyền hạn, trách nhiệm trực tiếp, số này có thể sẽ ít hơn 10. Tinh thần chung là sẽ quản lý chặt các tập đoàn, tổng công ty.
Riêng về Vinashin,Tập đoàn này đang tiến hành tái cơ cấu theo một đề án riêng. Những sai phạm trước đây tại Vinashin đã để lại những hậu quả rất lớn, nên việc tái cơ cấu Tập đoàn này rất quan trọng. Chính phủ đã bàn một số lần về vấn đề này, nhiều lần xin ý kiến Bộ Chính trị, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, làm rõ hơn một số vấn đề trước khi quyết định phương án cuối cùng.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định 21 tập đoàn, tổng công ty sẽ không dừng hoạt động mà được sắp xếp lại, tập đoàn có thể giữ mô hình tập đoàn hoặc có thể chuyển thành tổng công ty. Cả các doanh nghiệp được giữ mô hình tập đoàn cũng phải cơ cấu lại, tập trung vào ngành nghề chính, quy mô hoạt động phù hợp với khả năng tài chính, năng lực quản trị và thị trường.
Theo Bộ trưởng, đây là một quá trình, không thể tiến hành theo cách chuyển từ cực này sang cực kia. Ví dụ, Chính phủ có thể quyết định Nhà nước không giữ 100% vốn nhà nước tại một tập đoàn, thậm chí không cần phải giữ đến 50% vốn, nhưng việc cổ phần hóa phải được tính toán trên nhiều phương diện, theo một lộ trình, nếu tiến hành cổ phần hóa ở thời điểm thị trường xấu thì nhà nước sẽ chịu thiệt.
Tháng 11 kết luận về kỷ luật cán bộ tại EVN
Trả lời câu hỏi liên quan đến EVN, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết hiện nay ông Đào Văn Hưng đã thôi chức Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch HĐTV mới đã được bổ nhiệm, Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) đã chuyển sang Viettel và khôi phục hoạt động bình thường. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, EVN đã có tiến bộ trong quản trị.
Về xử lý cán bộ vi phạm, Chính phủ đã chỉ đạo xử lý theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Chính phủ đã lập một hội đồng kỷ luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Chủ tịch. Hội đồng đã xem xét các hồ sơ do EVN và các cơ quan hữu quan trình, liên quan đến trách nhiệm của HĐTV, của Chủ tịch HĐTV và các thành viên khác. Dự kiến trong tháng 11, Hội đồng sẽ có kết luận cuối cùng, kết luận sẽ được thông báo theo quy định.
Không lấy ngân sách nhà nước trả nợ thay doanh nghiệp
Trả lời câu hỏi liệu công ty mua bán nợ khi thành lập có sử dụng “vốn mồi” từ ngân sách không, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án tổng thể giải quyết nợ xấu nhưng ngay khi chưa có đề án, chúng ta đã tiến hành nhiều biện pháp xử lý nợ xấu.
Việc thành lập công ty mua bán nợ là một trong rất nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết nợ xấu. Công ty mua bán nợ chỉ xử lý một phần nợ xấu, đồng thời không phải xử lý bao nhiêu nợ xấu thì cần bấy nhiêu vốn.
Ngân hàng Nhà nước đang lên phương án về quy mô cụ thể của công ty và các nguồn vốn huy động, nhưng chắc chắn Nhà nước sẽ không lấy tiền ngân sách trả nợ thay doanh nghiệp.
Không nên vội chuyển sang vàng miếng SJC
Đây là thông điệp được ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa ủy quyền lãnh đạo NHNN đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012.
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Thông tư 12/2012/TT-NHNN ngày 24/4/2012, các tổ chức tín dụng (TCTD) dừng huy động, cho vay vàng kể từ ngày 24/11/2012, mà NHNN sẽ đứng ra mua vàng nếu người dân muốn bán để chuyển đổi sang tiền đồng, với mục đích chống “vàng hóa” nền kinh tế và huy động nguồn lực cho phát triển.

Ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước

Ông Huy cho biết, từ năm 2000, NHNN đã cho phép các TCTD huy động vàng, cho vay vàng, chuyển đổi 30% số vàng huy động được thành tiền đồng để lưu hành trong nền kinh tế. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng đột biến. So với thời điểm 2008, giá vàng hiện nay đã tăng hơn 300%.
Trước thực tế này, các TCTD đang đứng trước rủi ro lớn. Quan trọng hơn, các TCTD cho vay vàng chủ yếu là để mua nhà, bất động sản, do vậy, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, hoạt động này đã dẫn đến rủi ro rất lớn cho cả người dân và TCTD, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Việc NHNN đứng ra mua vàng của dân cũng không thể diễn ra ngay lập tức được. “NHNN đang tổ chức một mạng lưới mua – bán vàng đáp ứng đủ yêu cầu theo tinh thần của Nghị định 24”, ông Huy cho biết.
Để người dân yên tâm bán vàng, NHNN cũng đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm duy trì ổn định giá trị của tiền đồng Việt Nam.
SJC chỉ gia công vàng miếng cho NHNN
Ông Nguyễn Quang Huy cho biết trước đây, SJC có 3 hoạt động chính bao gồm sản xuất vàng miếng, sản xuất vàng trang sức, và kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức.
Sau khi NHNN quyết định coi thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước, doanh nghiệp nàychỉ còn được hoạt động ở 2 mảng: sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và gia công vàng miếng theo yêu cầu của NHNN.
“Doanh nghiệp đã không còn được kinh doanh mua, bán vàng miếng từ tháng 5/2012, thay vào đó thực hiện gia công vàng cho NHNN. NHNN giám sát trực tiếp tất cả các công đoạn sản xuất vàng miếng. Tất cả khuôn, máy ép đều được niêm phong để đảm bảo doanh nghiệp không sản xuất vàng miếng ngoài yêu cầu của NHNN” ông Huy nói.
“Các thương hiệu vàng miếng đã được cấp phép vẫn được lưu thông bình thường” ông Huy khẳng định.
Tâm lý người dân muốn nhanh chóng chuyển đổi sang vàng miếng SJC, tuy nhiên, ông Huy khuyến nghị người dân bình tĩnh, không nhất thiết phải chuyển đổi ngay sang vàng SJC bởi nếu tất cả mọi người đều muốn chuyển đổi ngay lập tức, có thể sẽ bị ép giá, gây phức tạp thị trường.
“Sau một thời gian nữa, việc chuyển đổi sẽ diễn ra bình thường, thông suốt”, ông Huy khẳng định./.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1841
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)