Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/10/2012-08:12:00 AM
Tình hình sản xuất – kinh doanh, dịch vụ và đầu tư 10 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến đạt được kết quả bước đầu đúng hướng

(MPI Portal) – Sáng 26/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp giao ban sản xuất tháng 10 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Cao Viết Sinh. Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng thảo luận về tình hình sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và đầu tư trong các ngành, các địa phương trong 10 tháng đầu năm; Tình hình triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư năm 2012. Những kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
Dưới đây là một số nét chủ yếu về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu t­ư tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2012:
1. Về sản xuất công nghiệp
Tháng 10 năm 2012 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,8% so với tháng 9/2012 và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2012 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,5% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 3,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp có tăng trưởng so với cùng kỳ như: Dầu mỏ thô khai thác đạt 13,9 triệu tấn, tăng 12,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 7,5 tỷ m3, tăng 5,9%...
Một số sản phẩm có mức giảm so với cùng kỳ như: than đá đạt 34,5 triệu tấn, giảm 7,3%; sơn hóa học đạt 266,8 nghìn tấn, giảm 2,7%; xi măng đạt 46,5 triệu tấn, giảm 5,1%...
2. Về sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Trong tháng 10 năm 2012, các địa phương phía Bắc tập trung thu hoạch lúa mùa, hè thu; các địa phương phía Nam thu hoạch lúa hè thu, thu đông và gieo cấy lúa mùa.
Chăn nuôi: Chăn nuôi lợn trong tháng 10 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá thịt hơi vẫn ở mức thấp và chưa có dấu hiệu tăng, giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Ước tính đàn lợn của cả nước giảm khoảng 2-3% so với cùng kỳ năm 2011. Chăn nuôi gia cầm hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn do giá bán thấp và tình hình nhập lậu gia cầm vẫn diễn ra. Lượng gia cầm nhập lậu không chỉ là nguyên nhân gây lây lan, bùng phát dịch bệnh mà còn làm giảm giá gà trong nước, gây ảnh hưởng không nhỏ cho sản xuất, thu nhập của người chăn nuôi. Ước tính đàn gia cầm của cả nước giảm trên 2% so với cùng kỳ năm 2011.
Lâm nghiệp: Tính chung 10 tháng đầu năm 2012, diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 141,6 nghìn ha, giảm 5,6% so cùng kỳ năm 2011; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 171 triệu cây, tăng 0,3%; sản lượng gỗ các loại khai thác 3 927,5 nghìn m3, tăng 11,2%; sản lượng củi khai thác 24,9 triệu ste, tăng 2,3%.
Thuỷ sản: Sản lượng thủy sản tháng 10/2012 ước tính đạt 499,3 nghìn tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 373,4 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 56,4 nghìn tấn, giảm 8,9%. Tính chung 10 tháng năm 2012, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước tính đạt 4.836,3 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 2.599,1 nghìn tấn, tăng 5,7%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.237,2 nghìn tấn, tăng 4,6%, trong đó khai thác biển ước đạt 2.076,5 nghìn tấn, tăng 5,3%.
3. Về dịch vụ
Hoạt động du lịch: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 ước đạt 495,6 nghìn lượt người. Tính chung 10 tháng đầu năm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 5,35 triệu lượt người tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta trong tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2011 là: Hàn Quốc, Đài Loan, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Nhật, Pháp...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Tổng mức bán lẻ tháng 10/2012 ước đạt khoảng 200,926 nghìn tỷ đồng. Tính chung 10 tháng đầu năm 2012, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt 1.917,32 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2011.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách: Ước 10 tháng đầu năm 2012, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 790,12 triệu tấn tăng 9% so với cùng kỳ năm 2011; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 153,63 tỷ tấn-km giảm 12,7% so với cùng kỳ. Khối lượng vận tải hành khách đạt 2,37 tỷ hành khách tăng 12% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách đạt 103,23 tỷ hành khách-km tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông: Số thuê bao điện thoại phát triển mới 10 tháng năm 2012 ước đạt 10,034 triệu thuê bao, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2011. Tính đến cuối tháng 10 năm 2012 số thuê bao điện thoại cả nước ước tính đạt 135,66 triệu thuê bao, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thuê bao Internet băng rộng trên toàn mạng 10 tháng đầu năm 2012 là 4,34 triệu thuê bao tăng 10,3%.
4. Về hoạt động xuất nhập khẩu
Hoạt động xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 năm 2012 ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 4,4%so với tháng 9; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 5,6 tỷ USD.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,45 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 51,55 tỷ USD, tăng 34,9%; xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước ước đạt 34,9 tỷ USD, tăng 0,8%.
Về thị trường xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2012, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 17% và chiếm tỷ trọng 17,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 20,1% và chiếm tỷ trọng 18,2%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 26% và chiếm tỷ trọng 14,9%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 26% và chiếm tỷ trọng 11,6%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 14,6% và chiếm tỷ trọng 10,9%.
Hoạt động nhập khẩu:Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 năm 2012 ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 11,7% so với tháng 9, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,6 tỷ USD.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 93,8 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt hơn 49,2 tỷ USD, tăng 23,9%; doanh nghiệp trong nước đạt 44,62 tỷ USD, giảm 7,3%.
5. Về giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2012 tăng 0,85% so với tháng trước, giảm mạnh so với tháng 9/2012 (CPI tháng 9 là 2,2%). Hai nhóm hàng tăng cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,94%, giáo dục tăng 1,18%; các nhóm hàng còn lại chỉ tăng nhẹ có mức tăng dao động trong khoảng 0,09-1,09%; Chỉ nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm: 0,02%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2012 so với tháng 12 năm 2011 tăng 6,02%; so với tháng 10/2011 tăng 7%; bình quân 10 tháng năm 2012 tăng 9,66% so với cùng kỳ năm trước.
6. Về đầu tư phát triển
Vốn đầu tư­ phát triển từ ngân sách nhà n­ước 10 tháng năm 2012 thực hiện ước đạt khoảng 134,39 nghìn tỷ đồng, bằng 74,7% dự toán năm.
Thu hút vốn ODA:Trong 10 tháng đầu năm 2012, có 35 dự án ODA được ký kết với tổng giá trị là 3.686,03 triệu USD (Trong đó: Vốn vay là 3.655,86 triệu USD, viện trợ không hoàn lại là 30,17 triệu USD) bằng 78,1% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân 10 tháng đầu năm 2012 ước đạt khoảng 3.220 triệu USD (trong đó vốn vay ước đạt 3.017 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 203 triệu USD) bằng 102,5% kế hoạch năm 2012.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng đầu năm 2012 ước đạt 9 tỷ USD, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng vốn đăng ký ước đạt gần 10,5 tỷ USD, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,81 tỷ USD, tăng 12,3%; vốn đăng ký cấp mới6,68 tỷ USD, giảm 36,7%. Có 881 dự án được cấp mới, bằng 86% so với cùng kỳ; 359 lượt án án tăng vốn, bằng 97,3%.
7. Về thu chi ngân sách
Tổng thu ngân sách nhà nước: Ước thực hiện 15 ngày tháng 10 là 26.700 tỷ đồng. Luỹ kế thu đến 15/10 đạt 523.360 tỷ đồng, đạt 70,7% dự toán năm, trong đó: thu nội địa ước đạt 67,3% dự toán; thu từ dầu thô ước đạt 103,6% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 61,3% dự toán.
Chi ngân sách nhà nước:Ước thực hiện 15 ngày tháng 10 là 35.360 tỷ đồng. Luỹ kế chi đến 15/10 đạt 678.570 tỷ đồng, đạt 75,1% dự toán năm, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 74,7% dự toán, chi trả nợ và viện trợ đạt 78,0% dự toán, chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, an ninh, quản lý nhà nước (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) đạt 77,5% dự toán.
8. Về phát triển doanh nghiệp
Từ ngày 20/9 đến 20/10/2012, cả nước có 6.028 doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn đăng ký là 26.849 tỷ đồng, tăng 22% về số doanh nghiệp và giảm 9,7% về số vốn so với tháng 9/2012. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 3% về số doanh nghiệp và giảm 45,5% về số vốn.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2012 cả nước có 57.021 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 377.391 tỷ đồng, giảm 10,8% về số doanh nghiệp và giảm 5% về vốn so với cùng kỳ năm 2011.
Tóm lại, tình hình sản xuất – kinh doanh, dịch vụ và đầu tư 10 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến, đạt được kết quả bước đầu, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho còn nhiều, sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1735
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)