Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/10/2018-08:02:00 AM
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc vào ngày 22/10/2018
(MPI) - Chiều ngày 18/10/2018, Văn phòng Quốc hội tổ chức Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong thời gian 24 ngày (từ ngày 22/10/2018 - 21/11/2018).

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp cuối năm 2018, năm giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Vì vậy, tại kỳ họp này, bên cạnh việc xem xét, quyết định về công tác lập pháp thì Quốc hội cũng dành khá nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Quốc hội sẽ dành 9,5 ngày cho công tác xây dựng pháp luật, chiếm tỷ lệ gần 40% tổng thời gian của kỳ họp để xem xét, thông qua 09 dự án luật và cho ý kiến đối với 06 dự án luật khác.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật công an nhân dân (sửa đổi); Luật đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học; Luật chăn nuôi; Luật trồng trọt; Luật cảnh sát biển Việt Nam; Luật bảo vệ bí mật nhà nước.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật đầu tư công (sửa đổi); Luật giáo dục (sửa đổi); Luật kiến trúc; Luật quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế - xã hội đến ngoại giao của nước ta, nhất là ngành nông nghiệp và quyền của công nhân lao động. Việc phê chuẩn Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với việc hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Đây là kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ nên khác với các kỳ họp trước đây, ngoài việc đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2018, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, Quốc hội xem xét, đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, trên cơ sở đó sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 – 2020.

Về hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, về hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, nghe Tổng Thư ký Quốc hội trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về các báo cáo này. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn theo cách thức đại biểu Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ nào thì người đó phải trả lời và duy trì cách thức đổi mới trong chất vấn: “hỏi 1 phút, trả lời 3 phút, tranh luận lại 2 phút”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Nghị quyết số 85/2014/QH13. Hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Chủ tịch nước mới cũng sẽ tuyên thệ trước Quốc hội. Đồng thời, sẽ xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới.

Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn, hỏi nhanh – đáp gọn, không thảo luận các báo cáo mà tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cũng như giải pháp, lộ trình thực hiện giải quyết vấn đề của các bộ, ngành.

Cùng với đó, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo 3 năm thực hiện kinh tế - xã hội, đầu tư công… để nhìn nhận lại những việc đã thực hiện được, những gì thực hiện chưa tốt để có giải pháp điều chỉnh hướng đến thực hiện thành công mục tiêu 5 năm mà Quốc hội đề ra. Điều này là thực sự cần thiết trong bổi cảnh chiến tranh thương mại, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, phức tạp.

Bên cạnh đó, các báo cáo trên Quốc hội cũng thu gọn 15 phút hoặc 2 phút để đảm bảo khống chế thời gian kỳ họp. Quốc hội vẫn đang nghiên cứu để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Tiếp tục thực hiện đúng nguyên tắc làm việc công khai của Quốc hội, tại kỳ họp này, các cơ quan báo chí tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tiếp cận, đưa tin về kỳ họp. Trong chương trình kỳ họp, dự kiến sẽ có 15 buổi thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi, chiếm tỷ lệ khoảng 32% tổng thời lượng kỳ họp. Đây là một trong những kỳ họp có nhiều phiên làm việc được truyền hình trực tiếp nhất./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1849
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)