Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/10/2018-10:42:00 AM
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước
(MPI) - Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 27/10/2018, Quốc hội thảo luận tại hội trường các vấn đề về kinh tế - xã hội hằng năm và giữa kỳ dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu giải trình về một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn chí Dũng báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Đánh giá về tình hình chung của năm 2018 cũng như thực hiện 3 năm đầu kỳ của nhiệm kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đại đa số các đại biểu đều đồng tình và nhận định rằng tình hình chung cơ bản là thuận lợi và chúng ta đang phát triển theo đúng hướng. Kết quả kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt khá và đặc biệt là toàn diện trên cả ba khu vực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo và các lĩnh vực về vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, quốc phòng an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế, đời sống Nhân dân,... cũng đã có những cải thiện và có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thống nhất rằng chúng ta thấy có ba nguyên nhân cơ bản đạt được thành tựu kết quả trong thời gian vừa qua, đó là những chủ trương của Đảng, việc xây dựng pháp luật và giám sát của Quốc hội, đổi mới của công tác Quốc hội, đặc biệt là điều hành của Chính phủ và sự cố gắng, phấn đấu của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã hết sức thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn, hạn chế, bất cập của nền kinh tế. Những hạn chế cơ bản như: chất lượng tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, sức cạnh tranh, cơ cấu lại chưa được cải thiện nhiều và hiệu quả của đầu tư công, phát triển của doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo chưa được cải thiện nhiều, đời sống của Nhân dân và công nhân đang còn nhiều khó khăn, xử lý vấn đề về thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, khoảng cách phát triển,…

Giải trình về các ý kiến xung quanh vấn đề phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thời gian gần đây doanh nghiệp tăng trưởng rất nhanh, năm 2018 dự kiến có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,5%. Tuy nhiên, con số chờ giải thể 9 tháng đầu năm 2018 được các đại biểu nêu là tăng cao, có 4 nguyên nhân. Thứ nhất, theo quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải của những doanh nghiệp yếu, không còn khả năng tồn tại thì sẽ bị loại khỏi để thay vào những doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển. Thứ hai, việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất đang rất khó khăn đối với các doanh nghiệp, như tiếp cận về vốn, công nghệ, đất đai, lao động, đầu vào chi phí logistic. Việc các doanh nghiệp hoạt động sau một thời gian thành lập không hoạt động hiệu quả và tự rút lui khỏi thị trường cũng có vấn đề. Thứ ba, từ tháng 4/2018 các địa phương tập trung vào công tác rà soát số liệu của doanh nghiệp, lần này các số liệu được tổng hợp tương đối đầy đủ nên trong 9 tháng đầu năm 2018 số doanh nghiệp chờ giải thể đã tăng cao so với con số của các năm trước. Thứ tư, một số doanh nghiệp có hiện tượng trục lợi chính sách, lập nên nhưng không hoạt động gì, buôn bán hóa đơn...

Để có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta phải triển khai hỗ trợ đầy đủ các chính sách, các chương trình của doanh nghiệp theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ hai, phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa và dễ dàng tiếp cận với các thị trường yếu tố đầu vào, đó là vốn, đất đai, công nghệ, lao động. Thứ ba, phải tháo gỡ được các khó khăn và giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Thứ tư, khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích phát triển một số doanh nghiệp lớn trong nước làm đầu tàu lôi kéo, tạo sức lan tỏa.

Về vấn đề doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chúng ta phải khẳng định 30 năm vừa qua doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có đóng góp rất lớn đối với nền kinh tế về vốn, công nghệ, việc làm, thúc đẩy cải cách, thúc đẩy thể chế, xây dựng thể chế,... Tuy nhiên, cũng có những hạn chế, đó là vấn đề công nghệ, chuyển giá, môi trường, liên kết với doanh nghiệp trong nước. Đây là những vấn đề lớn của đầu tư nước ngoài hiện nay. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một định hướng mới trong thời gian tới, theo đó chúng ta tiếp tục khẳng định coi đầu tư nước ngoài vẫn là một bộ phận của nền kinh tế và tiếp tục thu hút để phục vụ cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, chúng ta phải có một bộ lọc, không thu hút bằng mọi giá, không đánh đổi bất cứ cái gì, việc thu hút đầu tư nước ngoài tập trung vào công nghệ, thân thiện môi trường, liên kết doanh nghiệp trong nước tạo ảnh hưởng thúc đẩy…

Trong 2 ngày thảo luận tại hội trường kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã có 88 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 3 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và 5 thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp, tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân và ghi nhận các kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, về cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc miền núi trong 3 năm qua. Đặc biệt, Quốc hội đã chủ động ban hành kịp thời các chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016-2020./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 5773
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)