(MPI) - Ngày 23/10/2018, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Luật đầu tư công (sửa đổi).
|
Ảnh: quochoi.vn |
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công
Theo Tờ trình, trong quá trình chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai rà soát, đánh giá và có báo cáo về những vướng mắc, khó khăn trong thực thi pháp luật về đầu tư công.
Qua tổng kết, đánh giá ba năm triển khai thực hiện, Luật đầu tư công đã cụ thể hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quản lý đầu tư công; tạo khuôn khổ pháp luật đồng bộ, thay đổi nhận thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải; nâng cao tính công khai, minh bạch trong đầu tư công.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thực hiện, các quy định pháp luật về đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc như: nhiều quy trình thủ tục mới, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều cơ quan, mất nhiều thời gian và khó khăn, lúng túng trong thực hiện. Một số quy định quá cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ, không đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, điển hình là công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch. Bên cạnh đó, một số quy định còn chưa thống nhất giữa Luật đầu tư công với các luật liên quan, nhất là Luật ngân sách nhà nước, Luật xây dựng, Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật quy hoạch...
Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội Khóa XIV về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong đó nhấn mạnh việc cơ cấu lại đầu tư công trên cơ sở “Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 và kế hoạch vay, trả nợ công. Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công theo thông lệ quốc tế, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư. Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính công, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công”, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phục vụ quá trình cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật đầu tư công là cần thiết.
Luật đầu tư công là một luật quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, các ngành, các cấp rà soát, đánh giá toàn diện việc thực thi các quy định, tổng kết những khó khăn, vướng mắc, nghiên cứu đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung. Quá trình xây dựng dự án Luật đã thể hiện sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, sự phối hợp, tham gia rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết, có nghiên cứu và đánh giá tác động nhằm đạt được mục tiêu tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại đầu tư công. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công theo hướng đồng bộ, thống nhất, nâng cao quản lý hiệu quả đầu tư công, tiếp tục khắc phục đầu tư phân tán, dài trải.
Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Tăng cường công khai, minh bạch gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Qua đó nhằm thúc đẩy cơ cấu lại đầu tư công gắn với khuyến khích tham gia của khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Dự án Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 03 nhóm vấn đề chủ yếu. Thứ nhất, về quy định chung, sửa đổi, bổ sung các quy định về nguồn vốn đầu tư công, phạm vi điều chỉnh, phân loại đối tượng, dự án đầu tư công... Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc đồng bộ với các luật và đơn giản hóa các thủ tục có liên quan.
Thứ hai, về dự án đầu tư công, sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án theo hướng đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt, rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, mất nhiều thời gian, góp phần cải thiện chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay sau khi dự án đủ thủ tục đầu tư và được bố trí kế hoạch vốn.
Thứ ba, về kế hoạch đầu tư công, sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo hướng phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, thực hiện kế hoạch, tăng cường hậu kiểm.
Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nhóm vấn đề chính sách được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, dự án Luật được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa các vấn đề chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung như: Sửa đổi, bổ sung các khái niệm về dự án đầu tư công, vốn đầu tư công, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư... ; Bổ sung một số đối tượng đầu tư công về nhiệm vụ quy hoạch, cấp vốn điều lệ, hỗ trợ lãi suất, phí quản lý, hỗ trợ đối tượng chính sách theo quy định... nhằm đảm bảo đầy đủ quy định pháp lý đối với các đối tượng sử dụng vốn đầu tư công; Đề xuất điều chỉnh phân loại dự án; Điều chỉnh thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; Điều chỉnh quy định về điều kiện quyết định chủ trương đầu tư; Bổ sung quy định về Điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư trong một số trường hợp cụ thể, giải quyết căn bản vấn đề vướng mắc đối với điều chỉnh dự án của các bộ, ngành, địa phương hiện nay; Sửa đổi quy định liên quan đến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công theo hướng phân cấp, do người đứng đầu cơ quan trung ương và chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều chỉnh trong nội bộ cơ quan mình, đảm bảo đúng quy định pháp luật, báo cáo lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát; Bổ sung quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu về đầu tư công và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý đầu tư công;…
Tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động đầu tư công
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đầu tư công và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công nhằm gắn kết các hoạt động quản lý đầu tư công với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Quản lý bằng hệ thống công nghệ thông tin là một giải pháp tiến bộ và cần phải được pháp điển hóa một cách chính thức nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát đầu tư công.
Từ trước năm 2018, toàn bộ công tác tổng hợp, giao và quản lý kế hoạch đầu tư công đều được làm thủ công, công nghệ thông tin chỉ giúp cải thiện tốc độ làm việc của các cá nhân có liên quan nhưng không giúp quản lý có hệ thống cơ sở dữ liệu, mà chủ yếu là quản lý bằng hồ sơ giấy nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tra soát, theo dõi, giám sát cũng như điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch.
Việc hình thành cơ sở dữ liệu về đầu tư công và hệ thống quản lý để theo dõi, đánh giá sẽ giảm nhẹ thủ tục hành chính cho công tác báo cáo, đánh giá dự án hiện nay. Đồng thời, tạo thuận lợi về kỹ thuật, giảm thời gian, công sức về nhân lực thực hiện các biểu mẫu báo cáo; phục vụ công tác cập nhật, cung cấp số liệu, báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ; Hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật và công khai sẽ làm tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công; tận dụng Hệ thống mạng máy tính, nhân lực sẵn có về tin học của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) chủ yếu tập trung cải cách thủ tục, khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế của Luật đầu tư công hiện hành, không phát sinh thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, không làm tăng quy mô vốn đầu tư công của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 26/2016/QH14, không phát sinh nhiều chi phí liên quan đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 19/11/2018, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật đầu tư công (sửa đổi)./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư