(MPI) – Ngày 02/11/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo Môi trường kinh doanh Việt Nam: nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19.
|
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, việc ban hành Nghị quyết số 19 thường niên kể từ năm 2014 đến nay thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19, có nhiều nội dung đặt ra vẫn chưa được cải thiện. Do vậy, Việt Nam cần xem xét và đánh giá lại những kết quả đạt được và chưa đạt được để có những cách thức đổi mới trong việc triển khai Nghị quyết trong năm 2019.
Theo đánh giá của CIEM, trong giai đoạn 2014-2018, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự hợp tác chặt chẽ từ khu vực tư nhân trong việc thực hiện các Nghị quyết số 19, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
|
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Theo Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Hồng Minh, để góp phần cải thiện quy trình Khởi sự kinh doanh, bám sát với phương pháp đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện một số giải pháp như gộp thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thủ tục công bố thông tin đăng ký kinh doanh; giảm chi phí đăng ký doanh nghiệp; giảm thời gian làm con dấu doanh nghiệp…
Với những nỗ lực trên, chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể. Theo Báo cáo Doing Business 2019, chỉ số này đạt 84,82/100 điểm, đứng thứ 104, tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bậc so với năm 2017. Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ hành chính 2018 do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng đã ghi nhận đăng ký kinh doanh là lĩnh vực đứng thứ 2 về chi phí tuân thủ thấp nhất.
Việc phấn đấu đạt mục tiêu cải thiện chỉ số Khởi sự kinh doanh là trách nhiệm chung của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp thay vì 5 ngày như hiện nay. Đồng thời, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu thực hiện phương án kết hợp một số thủ tục, liên thông điện tử giữa thủ tục Đăng ký kinh doanh, Đăng ký lao động, Bảo hiểm xã hội để đơn giản hóa và hiện đại hóa trong quy trình Khởi sự kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần đảm bảo chỉ đạo thực hiện đúng quy định về thời gian mua/tự in hóa đơn VAT theo quy định hiện hành. Nếu quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc, thời gian hoàn thành thủ tục sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 4 ngày, giúp giảm 6 ngày trong tổng thời gian thực hiện quy trình khởi sự kinh doanh.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban, Ban cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trình bày về Cải cách nộp thuế: Kết quả và những giải pháp tiếp theo. Theo đó, để hoàn thiện thể chế chính sách, cần tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về chính sách và Luật quản lý thuế, thực hiện thuế dựa trên rủi ro. Đồng thời, cần sửa đổi chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ cũng như mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử cho các đối tượng khác và triển khai thực hiện dịch vụ hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có xác thực.
Về chỉ số nộp thuế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19, Phó Chủ tịch kiểm Tổng thư ký Hội Tư vấn thuế Nguyễn Đình Cư cho biết, việc thực hiện cải cách cả về chính sách và quản lý thuế đều đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, chính sách về cải thiện chỉ số nộp thuế chưa hoàn thiện, vẫn còn có quy định chồng chéo, thiếu đồng bộ. Quy định mới ban hành không gắn với quy trình quản lý, không khả thi… Do vậy, cần hoàn thiện chính sách, đảm bảo đồng bộ, rõ ràng, thống nhất, hạn chế các quy định không gắn với thực tế. Đồng thời, phát triển các phần mềm kế toán cung cấp cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về kết quả, bài học và những yêu cầu cấp bách để cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam trong những năm tiếp theo nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư