Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/10/2018-10:03:00 AM
Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 30/10/2018, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CIEM) tổ chức.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Các nước đi trước với công nghệ và lao động ở trình độ cao hơn, tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô nên chi phí sản xuất ô tô thấp hơn và trong điều kiện thương mại tự do hiện nay đang tạo ra sức ép cạnh tranh lớn đối với các hãng sản xuất ô tô trong nước. Ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô có tác động qua lại với nhau. Công nghiệp ô tô phát triển sẽ tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển và ngược lại phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều kiện không thể thiếu để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã sản xuất được một số linh kiện, phụ tùng ô tô nhưng với hàm lượng công nghệ và giá trị không cao.

Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Tuệ Anh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, mặc dù thời gian qua công nghiệp hỗ trợ được sự quan tâm của Chính phủ, nhưng công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô trong nước vẫn chưa phát triển, tỷ lệ nội địa hoá trong ngành còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đứng trước cơ hội, thách thức khi hội nhập để có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực, Việt Nam cần có những giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Do vậy, trước yêu cầu của thực tại, nghiên cứu các chính sách liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, từthực trạng hiện nay và đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô là hết sức cần thiết.

Phó Trưởng phòng, Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Lương Đức Toàn cho biết, trong những năm qua, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa đã được những thành tựu nhất định.

Hiện nay, tổng số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô là 358 doanh nghiệp, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô (quá thấp so với 385 doanh nghiệp ở Ma-lai-xi-a và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô).

Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng như chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ cabin, cửa xe, săm lốp, bộ tản nhiệt, dây phanh, dây dẫn điện, trục dẫn, vành bánh xe… Đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp rắp ô tô còn hạn chế, nhất là sản phẩm của các doanh nghiệp nội địa…

Đối với các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hoá cao, đáp ứng về cơ bản (xe tải 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu với tỷ lệ nội địa hoá trung bình 55%, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, một số loại xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu tỷ lệ nội địa hoá đạt từ 45-55%). Một số phụ tùng, linh kiện chủ yếu được sản xuất và nhập khẩu từ doanh nghiệp FDI, tỷ lệ đặt hàng phụ tùng linh kiện từ doanh nghiệp nội địa cung cấp rất thấp. Trong số các doanh nghiệp cung cấp hiện có, hơn 90% là doanh nghiệp FDI, chỉ có số ít doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô ở Việt Nam.

Nhìn chung, nhiều sản phẩm phụ tùng linh kiện ở mức độ đơn giản, với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Do đó, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn rất thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu mong muốn về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô ở Việt Nam.

Theo ông Lương Đức Toàn, nguyên nhân chủ yếu là do dung lượng thị trường nội địa hạn chế. Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất và lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa đủ khả năng tiếp cận các chuỗi sản xuất ô tô ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa tạo được sự hợp tác liên kết và chuyên môn hoá trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Đồng thời, chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước còn thấp, các công ty công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô của Việt Nam có số lượng nhỏ, vốn là các công ty cơ khí, sản xuất chất dẻo, nhựa, trình độ công nghệ còn kém, không có kinh nghiệm trong ngành ô tô. Do là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trình độ quản lý sản xuất và kinh doanh yếu, không đáp ứng được các yêu cầu của các nhà sản xuất ô tô…

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, theo ông Lương Đức Toàn cần phải nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu. Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh bao gồm thị trường trong nước và ngoài nước đặc biệt với một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý sản xuất, chuyển giao công nghệ, phát triển khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, cần hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn vay và gói tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ, hình thành gói tín dụng ưu đãi với cơ chế tương tự như gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ, trong đó có việc ưu tiên về tín dụng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn cho vay theo trần lãi suất quy định. Hình thành các Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI từ các tập đoàn sản xuất linh kiện hàng đầu thế giới.

Phó Giám đốc Toyota Việt Nam Shinjiro Kajikawa phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Toyota Việt Nam Shinjiro Kajikawa cho rằng, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô không thể đạt được nếu thiếu sự tăng trưởng của thị trường, sản xuất lắp ráp xe trong nước và công nghiệp hỗ trợ. Để ủng hộ cho công nghiệp hỗ trợ, linh kiện nội địa cần cạnh tranh hơn so với linh kiện nhập khẩu về chất lượng, chi phí và giao hàng, trong đó, chi phí, sản lượng đóng vai trò quan trọng.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đều cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, để đưa ngành công nghiệp ô tô phát triển, đòi hỏi Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước theo hướng rõ ràng, minh bạch và có lộ trình đủ dài để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2247
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)