Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/11/2018-13:52:00 PM
Giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về mô hình kinh tế chia sẻ theo hướng tăng trưởng xanh và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam
(MPI) – Đây là chủ đề của Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức ngày 13/11/2018.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và đại diện các doanh nghiệp thảo luận về các hoạt động kinh tế chia sẻ hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước về mô hình kinh tế chia sẻ theo hướng tăng trưởng xanh và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, Trưởng ban Ban Chính sách Dịch vụ công, CIEM Nguyễn Mạnh Hải cho rằng, kinh tế chia sẻ (KTCS) là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ Internet. Bản chất của KTCS là sự cộng tác tiêu dùng, người tham gia cùng nhau tiếp cận với sản phẩm hoặc dịch vụ hơn là sở hữu cá nhân về sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Thúc đẩy phát triển KTCS dựa trên các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó, về yếu tố kinh tế, đối với người tiêu dùng, suy thoái kinh tế khiến người dân gặp khó khăn về tài chính, do đó họ cần xem lại vấn đề tiêu dùng tài chính để tiếp cận các mặt hàng chất lượng cao mà không quá tốn kém để sở hữu. Đối với nhà cung cấp, lợi ích tiền tệ từ cách huy động vốn trên các tài sản nhàn rỗi hoặc tài sản không sử dụng hết công suất, cơ hội tự làm chủ hoặc có quyền tự do làm việc với thời gian làm việc linh hoạt. Khai thác cơ sở khách hàng trong việc tạo các dịch vụ thị trường mới.

Đối với yếu tố xã hội, người tiêu dùng được mở rộng vòng kết nối xã hội với các kết nối mới cùng một xu hướng, thiết lập mạng lưới khách hàng thân thiết cho các giao dịch lặp lại. Nhà cung cấp truy cập vào các thị trường rộng hơn với khối lượng giao dịch lớn hơn thông qua đề xuất của người dùng.

Đối với yếu tố môi trường, người tiêu dùng được hướng đến một lối sống lành mạn và được tham gia vào các hoạt động tiêu thụ bền vững, thân thiện với môi trường. Nhà cung cấp tăng nhận thức về môi trường.

Ở Việt Nam, công tác quản lý nhà nước cho các loại dịch vụ KTCS là những chính sách thể hiện cụ thể ở từng lĩnh vực. Về đăng ký hoạt động, địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các bên trong mô hình KTCS, người cung cấp các dịch vụ chia sẻ như vận tải, thuê phòng…đều tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh như: Bộ Luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật hợp tác xã… và các quy định pháp luật chuyên ngành. Địa vị pháp lý của các bên trong mô hình KTCS đã được quy định rõ trong các văn bản pháp quy. Tùy theo quy định của luật pháp mà các đối tượng tham gia cung ứng dịch vụ là khác nhau cho mỗi loại hình KTCS. Các loại hình kinh doanh chia sẻ phần lớn là loại hình kinh doanh có điều kiện nên các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải tuân thủ theo các quy định về điều kiện kinh doanh tương ứng.

Về cơ chế thanh toán, việc thanh toán được thông qua nhà cung cấp nền tảng (trung gian) và người cung cấp cũng như người sử dụng dịch vụ đều phải trả một khoản phí nhất định đối với nhà cung cấp nền tảng này, thường thông qua công ty thanh toán thẻ quốc tế Visa, master card hoặc thông qua thanh toán ví điện tử. Tuy nhiên, tùy theo phân loại nền tảng tập trung, phi tập trung hay hỗn hợp thì cơ chế xác định phí khác nhau. Cơ chế hoạt động của dịch vụ đều làm việc trên môi trường mạng, nên bị điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về thông tin, thương mại điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành...

Ông Nguyễn Mạnh Hải cho biết thêm, sự phát triển của KTCS là rất cần thiết, là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện đại và có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế. Vì vậy, cần ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh doanh này trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới. Quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển, trong đó có các hoạt động KTCS. KTCS là một mô hình kinh doanh mới nhưng không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng rẽ trong nền kinh tế, cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động KTCS và doanh nghiệp kinh tế truyền thống, giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đáp ứng yêu cầu quản lý và khuyến khích sự phát triển của các mô hình KTCS.

Để hoàn thiện quản lý nhà nước đối với KTCS, ông Nguyễn Mạnh Hải đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể đối với nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong KTCS. Theo đó, đối với nhà cung cấp dịch vụ, cần nâng cao năng lực để hiểu rõ trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp về khai báo thông tin về các hoạt động của KTCS cho các cơ quan quản lý Nhà nước, bao gồm các thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế và các quy định quản lý chuyên ngành. Xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động KTCS bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ. Giải quyết vấn đề nảy sinh trong KTCS như vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ người cung cấp dịch vụ tham gia vào thị trường, hoạt động KTCS như đơn giản các thủ tục cấp phép, cung cấp các hỗ trợ tài chính cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng từ các hoạt động chia sẻ.

Đối với người sử dụng dịch vụ, cần nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số, đảm bảo an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động KTCS bao gồm cơ chế bảo vệ người tiêu dùng.

Đối với doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong KTSC, cần tăng cường đổi mới sáng tạo và đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và ổn định kinh doanh cho doanh nghiệp. Nâng cao đóng góp của các trường đại học, cơ sở nghiên cứu nhà nước đối với hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng, tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học để hỗ trợ và bổ sung cho nhau cùng phát triển. Có chính sách cho phép thử nghiệm trong phạm vi hẹp trong thời gian đầu đối với các hoạt động cung cấp nền tảng có tính chất nhạy cảm…

Để xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình KTCS, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa KTCS với kinh tế truyền thống. Sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành để phù hợp với các hoạt động của KTSC. Đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế theo hướng các bộ, ngành tăng cường phối hợp với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước, đẩy nhanh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các hộ kinh doanh…

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe một số bài tham luận và cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các hoạt động KTCS hiện nay đang diễn ra, từ đó đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hoàn thiện hơn nữa trong việc quản lý nhà nước về mô hình KTCS theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững ở Việt Nam./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2011
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)