Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/12/2018-15:52:00 PM
Hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam trong những thập niên tới (Xem tin ảnh)
(MPI) – Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2018 diễn ra ngày 04/12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chỉ có sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp mới mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam trong những thập niên tới.

Vì sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “qua nhiều lần tham dự VBF, tôi cảm nhận ngọn lửa nhiệt huyết trong các bạn vẫn không ngừng cháy bỏng”. Bên cạnh những gương mặt thân quen là những gương mặt mới, không chỉ những doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn mà còn là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chưa có điều kiện tham dự. Các ý kiến được trao đổi tại Diễn đàn là những tâm huyết, trăn trở và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, ước đạt khoảng 7%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua kể từ khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Tổng kim ngạch thương mại năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, tương đương 200% quy mô nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 30 tỷ USD. Điều ý nghĩa hơn, dù đạt tăng trưởng cao nhưng Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô quan trọng, lạm phát được kiểm soát theo đúng mục tiêu, thâm hụt ngân sách và nợ công giảm mạnh, cán cân thanh toán đạt thặng dư kép, lãi suất và tỷ giá được duy trì ổn định ngay cả trong bối cảnh căng thẳng thương mại nổi lên và sự biến động của các thị trường tài chính toàn cầu.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh Toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2018 ở vị trí 77/137 quốc gia. Chất lượng môi trường kinh doanh (DB) đứng thứ 69/190 nền kinh tế. Chỉ số Đổi mới Sáng tạo (GII) đứng thứ 45/126 quốc gia. Chỉ số quan sát doanh nhân toàn cầu (GEM) xếp thứ 15/54 nền kinh tế được xếp hạng. Đặc biệt, khảo sát của Euro-Cham gần đây cho thấy gần 70% doanh nghiệp phản hồi ‘Tốt’ và ‘Rất tốt’, 90% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam ổn định và cải thiện trong thời gian tới. Kết quả này minh chứng cho sự hứng khởi, lạc quan tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh của Việt Nam trong năm 2019.

Việt Nam đã trở thành “công xưởng lớn” của thế giới

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam đã trở thành “công xưởng lớn” của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu. Sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới ở Việt Nam như Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike và hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh và là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế. Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam hiện là thành viên của WEF, như FPT, Vingroup, Viettel, VNPT, Vietcombank, BRG, T&T, Hòa Phát, Vietjet, Thaco,... Trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp được lan tỏa sâu rộng. Hơn 130 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký thành lập trong năm 2018. Rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế và năng lực cạnh tranh quốc tế.

Ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu của thế giới. Việt Nam hiện có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn; nhiều nông sản giữ vị trí top đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, cá basa… Nhiều chuỗi cung ứng hoa quả, trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi,… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…

Việt Nam xem hội nhập là động lực và phương tiện thúc đẩy cải cách, tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. 16 Hiệp định FTA đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán cho thấy sự nhất quán trong đường lối tự do hóa và hội nhập kinh tế của Việt Nam. Các hiệp định này đang mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20, là cơ hội được kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu...

Cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả 3 bên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công chúng ta cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả 3 bên. Trước hết là nỗ lực của chính các doanh nghiệp Việt Nam. Tất cả các doanh nghiệp đều có những lợi thế so sánh, nếu nhận diện đúng và biết phát huy lợi thế đó, doanh nghiệp đã thành công một nửa. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, muốn vươn ra biển lớn, bản thân các doanh nghiệp cũng cần xóa bỏ tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ, thay vào đó cần chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng lớn đang mở ra, phải học hỏi và sáng tạo không ngừng để trưởng thành và thành công hơn.

Thứ hai là sự hợp tác và chia sẻ cơ hội của các doanh nghiệp FDI. Chính phủ Việt Nam mong muốn nhiều tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng của mình; tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; tăng cường chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho Việt Nam; đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam mà trước hết chính là doanh nghiệp FDI. Việc mở cánh cửa cho chuỗi cung ứng sẽ giúp giảm chi phí và đa dạng hóa hệ sinh thái chuỗi cung ứng cũng chính là cách nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của chính các doanh nghiệp FDI.

Thứ ba là thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ ưu tiên tập trung vào những vấn đề trọng tâm như quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô; tiếp tục tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, VBF tiếp tục sẽ là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, là chất keo kết dính các ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp với chính sách của Chính phủ. Đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển, đặc biệt Chính phủ cam kết tạo lập môi trường kinh doanh rộng mở, công bằng và chi phí thấp, tạo thuận lợi thương mại hơn nữa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng như điện tử hóa các thủ tục hành chính.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và thành công tiến ra đại dương, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong xu hướng dịch chuyển dòng chảy thương mại thế giới.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF, tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp là chủ trương quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện. Liên tục trong 5 năm trở lại đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó giao nhiều nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Theo đó, việc cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, cải cách kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được các doanh nghiệp ghi nhận. Cơ chế một cửa đang phát huy hiệu quả tốt ở nhiều địa phương. Công tác thanh, kiểm tra có chuyển biến tích cực…

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực, đa số các bộ ngành hoàn thành vượt yêu cầu cắt giảm và đơn giản hoá tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh tính đến 31/10/2018.

Việc cải cách kiểm tra chuyên ngành có tiến bộ. Điểm sáng nhất là Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP về hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tính đến tháng 9/2018 mới chỉ có 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và cũng mới có một thủ tục (khai báo hoá chất) là thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác vẫn nộp thêm bản giấy.

Để tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành thông qua việc sớm thống nhất về tiêu chuẩn đưa ra các quy định gia nhập ngành để đảm bảo tính thống nhất và thuận tiện trong quá trình rà soát. Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính; tổ chức đối thoại để giải quyết những vướng mắc từ các doanh nghiệp; minh bạch thông tin; cải cách tư pháp;…

Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam là quốc gia nổi bật trên nhiều phương diện khác nhau và đang thể hiện khát vọng ngày càng hùng mạnh hơn, là quốc gia đạt mức thu nhập trung bình thành công. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục quan tâm phát triển lĩnh vực công nghệ để bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số; tập trung đổi mới sáng tạo… nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, xa hơn. Ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam đã và đang tham gia hội nhập sâu rộng. Điều này cũng sẽ có những rủi ro đòi hỏi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp cần đánh giá cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro để cùng hướng tới đích thành công.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các nội dung được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn mang tính thời sự và phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay. Các chia sẻ của nhóm công tác, cộng đồng doanh nghiệp là những thông tin hữu ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trước những xu thế thương mại toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh: MPI

Qua 3 phiên thảo luận, các hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia đã có những ý kiến thảo luận tâm huyết đối với Chính phủ, đồng thời đưa ra các khuyến nghị đối với Chính phủ Việt Nam về thu hút, sử dụng tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia đang cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư trong khu vực. Về vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng cần hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư thông qua hình thức PPP hiệu quả hơn. Đa dạng hóa các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và phát triển thị trường vốn, tín dụng chất lượng cao cho phát triển hạ tầng…

Về vấn đề lao động, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đã nhấn mạnh đến các sáng kiến để phát triển lực lượng sản xuất, đặc biệt là hướng nghiệp để giúp cải thiện năng suất của người lao động trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra các kiến nghị về bảo hiểm xã hội; kỷ luật lao động; ngành nông nghiệp; du lịch; thực thi pháp luật… Ngoài ra còn có các vấn đề khác được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như tạo thuận lợi thương mại, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cải cách thủ tục hành chính, khai phá các tiềm năng của nền kinh tế số tại Việt Nam, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước;…

Trong quá trình thảo luận, đại diện Chính phủ Việt Nam đã có những phản hồi và trao đổi cụ thể, qua đó làm rõ hơn các nội dung mà các đại biểu quan tâm, đặt ra yêu cầu cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để giải quyết các vướng mắc trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại Diễn đàn và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 75827
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)