Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT. Ảnh: VGP/Yến Linh Đây là vấn đề lớn luôn nhận được sự quan tâm chí đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ngày 3/6/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết Trung ương 5).
Nhờ nỗ lực của Chính phủ cùng các cấp ngành, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết trong hơn 1 năm qua bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục tháo gỡ.
Từ thực tế triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển KTTN, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, đồng thời là Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển KTTN (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã chia sẻ một số vấn đề liên quan.
Sau gần một năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển KTTN, ông đánh giá như thế nào về những chuyển biến từ tác động của Nghị quyết đối với sự phát triển của khối KTTN?
Ông Trương Gia Bình: Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy KTTN và nhất là DN tư nhân (DNTN) phát triển. Nổi bật là Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều dự luật hỗ trợ DN, nhất là Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV). Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị quyết, nghị định và liên tục có chỉ đạo để các bộ, ngành tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu,… qua đó, cải thiện tích cực xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ những chuyển động về chủ trương, cơ chế chính sách và quá trình chỉ đạo điều hành như vậy, đầu ra của nền kinh tế đã có nhiều cải thiện, đặc biệt là với khu vực KTTN.
Cụ thể, tỷ trọng trong GDP của khu vực KTTN (bao gồm cả kinh tế cá thể) duy trì ổn định khoảng 39 - 40%. Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân tư nhân ngày càng lớn mạnh; số lượng DN tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Đặc biệt, bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn KTTN có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Năm 2017, khu vực KTTN đóng góp khoảng 40% GDP, chiếm ưu thế so với khu vực DN nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). DNTN phát triển ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, các vùng, miền với số lượng tăng lên nhanh chóng. Số DN thành lập mới năm 2017 là 126.859 DN, tăng 15,2% so với năm 2016. Trong năm 2017 có 26.448 DN quay trở lại hoạt động. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế năm 2017 là hơn 3 triệu tỷ đồng (theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT). Kết thúc quý I/2018, tức gần một năm sau Nghị quyết Trung ương 5 được ban hành, GDP cả nước tăng trưởng, đạt 7,38%, là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và đây là những tín hiệu đáng mừng.
Một ví dụ điển hình cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ là ngành nông nghiệp. Nếu như đầu năm 2017, chúng ta vẫn thấy các cấp ngành cùng các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông liên tục thông tin về tình trạng “chỉ có chưa tới 1% tổng số DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” với tổng vốn đầu tư rất thấp thì tới nay, các con số đã được cải thiện vô cùng ấn tượng: Từ 3.700 DN đầu tư lĩnh vực này đã tăng lên 7.600 DN, với 33.000 hộ trang trại, chưa kể hàng nghìn hợp tác xã.
Nông sản Việt xuất khẩu, mở rộng tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, bước đầu đã chinh phục một số thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Pháp... Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 12,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017, trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 11,9%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2017. Thặng dư ngành nông nghiệp tăng từ 7 tỷ USD năm 2015 lên 8,5 tỷ USD năm 2017 và dự kiến sẽ vượt 9 tỷ USD trong năm 2018, góp phần đáng kể vào cân đối ngoại tệ cho quốc gia.
Ví dụ tiếp theo có thể giúp nhìn nhận rõ nét sự phát triển và sức sống của khu vực tư nhân đó là sự khởi sắc của phong trào khởi nghiệp sáng tạo (KNST) tại Việt Nam.
Theo thống kê của tổ chức Topica Founder Institute, năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư KNST với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về số lượng thương vụ và gần 50% về tổng số vốn đầu tư so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD). Số lượng quỹ đầu tư KNST có hoạt động tại Việt Nam tới hết năm 2017 là khoảng 40 quỹ, trong đó phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, có những quỹ đầu tư DN tư nhân (Private Equity Fund) tuy không tập trung đầu tư vào startup nhưng có thể đầu tư vào giai đoạn chuyển tiếp từ startup thành DN trưởng thành như Quỹ Mekong Capital, Dragon Capital, VinaCapital… Đặc biệt là trong 2 năm 2016-2017, chúng ta chứng kiến sự tham gia của nhiều tập đoàn của Việt Nam trong việc đầu tư cho startup như Quỹ đầu tư của FPT (FPT Ventures), Quỹ đầu tư của Viettel (Viettel Ventures), Quỹ sáng tạo CMC…
Thưa ông, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục triển khai những giải pháp cụ thể nào để hỗ trợ hiệu quả hơn KTTN phát triển?
Ông Trương Gia Bình: Nhìn vào các số liệu như đã nêu và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong một năm vừa qua, chúng ta cũng thấy rõ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 bước đầu đã có hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, để Nghị quyết phát huy hiệu quả hơn nữa cũng như giúp Chính phủ phát huy được tốt tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN, trong xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách về phát triển KTTN, theo tôi, vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục tháo gỡ và cải thiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, tính minh bạch trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách cần được cải thiện vì đây đang là khâu gây khó nhiều nhất cho DN khi tiếp cận với các cơ quan công quyền.
Thứ hai, tính hiệu quả, khả thi và đồng bộ giữa chủ trương chính sách với quá trình triển khai cần được siết chặt và thực hiện quyết liệt hơn nữa để không còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh” như phản hồi của cộng đồng suốt thời gian qua.
Thứ ba, cần tiếp tục rà soát các chính sách và khâu thực thi để loại bỏ sự phân biệt trong đối xử giữa các chủ thể của nền kinh tế. Theo đó, các bộ, ngành cần thiết lập hiệu quả hơn các cơ chế, hệ sinh thái, mô hình liên kết hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN (vườn ươm, chương trình đào tạo, tấp huấn, …) và đặc biệt cần chú trọng truyền thông chính sách ngay từ khi dự thảo tới khi vận hành.
Và cuối cùng, hoạt động đối thoại chính sách công- tư cần sự chủ động cao hơn từ phía các cơ quan công quyền. Nên định kỳ để cơ quan quản lý nắm bắt rõ hơn các biến động thực tiễn, thị trường, từ đó có căn cứ xây dựng các chính sách tốt hơn, hiệu quả hơn.
Thời gian vừa qua, Ban IV đã cùng Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan, đơn vị tiến hành tổ chức các chuyến khảo sát về Chính phủ điện tử. Thủ tướng đang rất quyết liệt trong việc xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, DN làm trọng tâm. Cá nhân tôi tin rằng các quyết tâm này cùng những tính toán, hướng đi của Chính phủ, của Thủ tướng không chỉ giúp giải quyết được nhiều bất cập hiện nay mà còn là giải pháp căn cơ, giúp Chính phủ thực sự trở thành “Chính phủ vì dân, vì doanh nghiệp, minh bạch, liêm chính, hiệu quả, hành động, kiến tạo”.
Đồng thời, đây cũng sẽ là giải pháp giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và chúng ta có thể đặt niềm tin vào điều này từ câu chuyện rất thuyết phục của một số quốc gia khác trên thế giới. Ví dụ, Estonia đã dành từ 1% - 1,4% ngân sách chi đầu tư hằng năm cho xây dựng Chính phủ điện tử, từ đó đã thu về 2% GDP mỗi năm. Còn ở Hàn Quốc, chỉ riêng việc áp dụng hệ thống đầu thầu trực tuyến KONEPs đã giúp tiết kiệm chi phí tới 8 tỷ USD/năm và việc triển khai dịch vụ công trực tuyến ước tính cũng tiết kiệm được 0,5% GDP cho quốc gia này.
Thưa ông, Nghị quyết Trung ương 5 có nội dung rất đặc biệt là khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN lớn mạnh. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Ông Trương Gia Bình: Việc khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN mạnh luôn mang lại nhiều tác động lớn cho nền kinh tế vì các tập đoàn này không chỉ là đầu tàu dẫn dắt, tạo động lực cho các DNNVV của quốc gia mà còn là một lực lượng rất giá trị cho nền kinh tế mỗi nước bởi khả năng gắn kết, thúc đẩy hội nhập và giúp cân bằng các cuộc chơi có tính toàn cầu.
Việc Nghị quyết khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN lớn là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng. Tuy nhiên, đây cũng là một trong các vấn đề rất cần được quan tâm, cải thiện trong thời gian tới.
Trước hết, từ góc độ của Ban IV, chúng tôi mong muốn Chính phủ thực hiện quyết liệt hơn nữa chính sách "Nhà nước không giữ cổ phần trong các lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt". Đây là chính sách không chỉ giúp Chính phủ giảm được các gánh nặng hiện tại mà còn giúp mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, đồng thời làm cho cơ chế thị trường được bảo đảm thực hiện lành mạnh tại Việt Nam.
Thực tế, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, KTTN nước ta cũng không ngừng lớn mạnh và đã xuất hiện không ít tập đoàn KTTN lớn tại Việt Nam. Đây là điều đáng mừng cho nền kinh tế nước nhà. Nhưng bên cạnh những đóng góp thiết thực vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tính toàn cầu và vai trò dẫn dắt cho các DNNVV trong nước của các tập đoàn KTTN vẫn chưa thực sự được phát huy.
Trong một số ngành đặc biệt quan trọng của nền kinh tế nước ta vẫn “vắng bóng” các đầu tàu này. Điển hình như ngành nông nghiệp và đây cũng là lý do vì sao liên tục diễn ra câu chuyện “giải cứu” nông sản. Nông nghiệp rất cần xuất hiện các “đầu tàu” để dẫn dắt toàn ngành trong quá trình hội nhập quốc tế, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là những tập đoàn có thể mở thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam, là những tập đoàn có thể tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trọng yếu của ngành về logisitcs, công nghệ hay những hạ tầng lớn cho tưới tiêu, chế biến,…
Cũng với đó là ngành du lịch, một ngành tuy tính hội nhập cao hơn nhưng phần nào cũng có tình trạng tương tự. Do đó, vẫn cần sự xuất hiện các DN có khả năng dẫn dắt, thay đổi về hạ tầng, tham gia đóng góp cho việc cải cách khung khổ pháp lý và nhiều vấn đề đặc thù khác.
Ban IV với vai trò của mình, đã đưa ra các thông điệp kêu gọi các DN lớn của quốc gia tham gia các ngành mũi nhọn nêu trên, vừa để đảm nhận sứ mệnh dẫn dắt nhưng cũng là để cùng nhau tìm tòi và đề xuất Chính phủ xây dựng các cơ chế hiệu quả để sớm xuất hiện các “đầu tàu” mà nền kinh tế đang rất cần này. Trong quá trình đó, chúng tôi rất mong Nhà nước nhìn nhận thấu đáo vai trò của các tập đoàn KTTN nhằm hỗ trợ có chủ đích và hiệu quả cho cả DNNVV trong nước cũng như các tập đoàn lớn để chúng ta cùng nhau chinh phục các mục tiêu cao và xa hơn, chủ động và tự tin hơn khi tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!